10-11-2022
Ấy là tôi muốn nói vụ “nơi sinh” liên quan đến mẫu hộ chiếu mới, đang được Bộ Công an trần tình giãi bày trước quốc hội, được các ông bà nghị bàn ra tán vào, mười rằm cũng ư mười tư cũng gật, chắc rồi cũng biểu quyết thông qua, nhất trí cao trong vài ngày nữa. Chẳng có ai dám mở mồm đặt lại vấn đề tại sao lại thế, tìm ra căn nguyên của lỗi hệ thống này, tìm biện pháp xử lý sai phạm cho tử tế.
Thôi, cứ nói ngắn gọn toạc móng lợn như thế này:
– Tấm hộ chiếu của nhà nước XHCN đã được dân xứ ta dùng lâu rồi, ít nhất cũng gần nửa thế kỷ, cái mẫu cũ ấy. Dù nó trải vài lần thay đổi mẫu mã, kiểu cách, màu sắc, hình dáng, nội dung… nhưng về cơ bản được cả thế giới chấp nhận, thừa nhận. Nó là con lợn lành. Nếu có gì không hay không phải về nó (mẫu cũ) thì cộm nhất ở chỗ, như đức cha Ngô Quang Kiệt nhận xét, nó bị nhiều nơi xem thường coi thường. Nhưng lỗi không phải do nó mà do cái chính thể, đất nước mà nó đại diện.
– Không biết căn cứ vào đâu, nghe đứa quạt mo nào đề xuất mà quốc hội khóa 14 lại thông qua Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, ban hành từ năm 2019, có hiệu lực từ tháng 7.2020, trong đó điều đáng nói nhất là bỏ nội dung “nơi sinh”, dẫn đến không còn mục “nơi sinh” cực kỳ quan trọng ở phần nhân thân của chủ tấm hộ chiếu. Đang yên đang lành, tự dưng dở chứng cải tiến cải lùi. Người xưa gọi là lợn lành chữa thành lợn què. Gây ra vụ bê bối mẫu hộ chiếu mới hiện nay, thủ phạm là quốc hội chứ không phải ai khác, cụ thể là quốc hội khóa 14. Cần phải lật lại chuyện cũ để quy trách nhiệm, thậm chí xử lý kỷ luật, kỷ luật cả quốc hội, cả nguyên cả cựu cầm đầu cái quốc hội ấy. Mở rộng đương sự hơn nữa thì là đảng, bởi đảng lãnh đạo toàn diện, mọi việc.
– Bộ Công an là cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm trực tiếp về hộ chiếu. Khi đề xuất mẫu hộ chiếu mới, nhẽ ra họ phải săm soi kỹ luật, xem xét cân nhắc cho thật kỹ cái gì nên bỏ, cái gì nên giữ, có ý kiến với trên (chính phủ, quốc hội, đảng) nhưng cứ lừ khừ như ông bụt đất, nhắm mắt làm bừa cho xong. Mục quan trọng “nơi sinh” thì bỏ, lại chỉ hân hoan với cảnh nọ ảnh kia in thêm vào, tự đắc với công nghệ hiện đại được ứng dụng trong khi thế giới người ta làm từ tám hoánh, đời nảo đời nào. Cần phải quy tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhất là lãng phí, phiền hà nhân dân, tai tiếng với quốc tế.
– Dẫu có chỉnh sửa chắp vá, đổi mới như cũ, nhưng vẫn cứ loanh quanh đèn cù, rồi chả lại bục chỗ này hở chỗ kia. Không thể như đề xuất của Bộ Công an là ghi bị chú, là in bổ sung, rồi lại còn bảo nếu có hoàn thiện bản mới của mẫu mới cũng không tốn kém gì. Vớ vẩn, thứ chi mà chẳng tốn kém. Hãy công khai cho biết đã in ra bao nhiêu bản phôi, hết chi phí bao nhiêu, đã dùng được bao nhiêu, phải ném vào sọt rác bao nhiêu… là rõ sự tốn kém ngay. Lại chả núi tiền chứ ở đó mà không không.
– Muốn có mẫu hộ chiếu mới chuẩn, trước hết phải sửa Luật xuất nhập cảnh 2014, phải sửa từ gốc chứ không phải để Bộ Công an phăng tơ ri chắp vá được, kẻo sau này phát sinh điều gì lôi thôi thì lại đổ qua đổ lại.
– Trong khi chưa có hộ chiếu mẫu mới chuẩn, bỏ ngay cái thói đòi hỏi “công dân cần phải làm gì để bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu”. Cứ có mục nơi sinh thì họ tự khai, còn các ông bà gây ra sự không có thì các ông bà phải gánh, làm thay họ, xin lỗi họ. Ở đó mà đòi này đòi nọ.
– Hồi nhỏ, tôi từng nghe thày tôi đọc câu thơ của cụ Phan Khôi “Sửa sai sửa lại sửa đi/Sửa thì cứ sửa sai thì cứ sai”. Bu tôi khi thấy chúng tôi làm hỏng đồ vật gì thì bĩu môi chúng bay chỉ giỏi “lợn lành thành lợn què”. Giờ nghiệm ra, các ông bà y như vậy.
Ghét nhất là làm sai nhưng không biết nhận lỗi, cứ đổ quanh đổ quéo. Thà biết rút cái khăn mùi xoa ra rồi lí nhí vài tiếng thì dân còn tặc lưỡi tạm cho qua.
Thank you very much for sharing, I learned a lot from your article. Very cool. Thanks. nimabi