Một phụ nữ ở Hà Nội đang bị một công ty tư vấn du học tại Mỹ kiện vì chưa trả đủ số tiền 1,5 triệu đôla chi phí để giúp đưa con bà vào các trường đại học danh giá (Ivy League) ở Mỹ. Số tiền khổng lồ này khiến một số chuyên gia giáo dục tại Mỹ phải thốt lên kêu “Trời!”, trong khi một cựu giáo sư người Việt giảng dạy tại Đại học Harvard cho rằng phụ huynh trên đã bị lừa.
Theo hồ sơ khởi kiện của Ivy Coach, một công ty tư vấn giáo dục độc lập có trụ sở ở Manhattan, bà Bùi Thị Bưởi, cư dân Hà Nội, đã cam kết trả số tiền 1,5 triệu đôla thành nhiều đợt cho công ty, với điều kiện giúp cho con gái bà là cô Vinh Ngoc Dao được nhận vào một trong các trường danh giá hàng đầu Hoa Kỳ, gồm 7 trường nội trú và 22 trường đại học, trong đó có Harvard, Princeton, và Columbia, New York Post trích dẫn đơn kiện cho biết.
Hợp đồng giữa Ivy Coach và bà Bùi Thị Bưởi được ký vào cuối năm 2016, trong đó 50% được thanh toán ngay sau khi ký hợp đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán làm 3 đợt. Ivy Coach đâm đơn kiện hai mẹ con bà Bưởi vì cho rằng phụ huynh người Việt cố tình không thanh toán nửa số tiền còn lại.
Trong đơn kiện, Ivy Coach cho biết khi họ bày tỏ lo ngại về việc thanh toán tiền, bà Bưởi nói sẽ tuân thủ hợp đồng nhưng muốn thấy kết quả quyết định sớm từ các trường trước khi trả số tiền còn lại.
Công ty tư vấn Mỹ nói họ không chỉ bị mất số tiền theo như hợp đồng với gia đình bà Bưởi, mà còn mất đi các cơ hội kiếm tiền khi từ chối các khách hàng khác để tập trung lo hồ sơ cho cô Vinh Ngoc Dao. Tuy nhiên theo Giáo sư Tạ Văn Tài, người từng giảng dạy về Luật nhiều năm tại đại học danh giá Harvard, biện luận mà Ivy Coach đưa ra đã bị áp dụng sai trong vụ kiện này.
Nhận định về vụ kiện, Giáo sư Tài cho rằng gia đình bà Bưởi đã bị lừa. Ông nói: “Bọn này như vậy là lừa đảo. Không một trường Ivy League tự trọng nào mà có thể bảo đảm cho một sinh viên nộp đơn là sẽ được vô. Bởi vì họ có cả một diễn trình xét hồ sơ. Họ so sánh sinh viên nộp hồ sơ này với các sinh viên khác xem ai giỏi hơn. Điểm trung học thế nào, thi SAT ra sao. Trường thấy rất được thì mới nhận vô”.
Đơn kiện của The Ivy Coach cho biết gia đình bà Bùi Thị Bưởi “nằm trong tầng lớp quý tộc quốc tế”. Họ, cùng với “các lãnh đạo chính phủ, những người đứng đầu các ngành công nghiệp, những người nổi tiếng và những gia đình giàu có có thu nhập hàng đầu thế giới”, và con cái họ là khách hàng của công ty tư vấn này.
New York Post dẫn lời một số chuyên gia giáo dục ở Mỹ tỏ ra sửng sốt trước số tiền khổng lồ mà gia đình Việt chi cho công ty tư vấn. Mức phí này được cho là vượt quá xa mặt bằng chung của dịch vụ tư vấn tại Mỹ, khoảng 85 – 350 đôla/giờ và trọn gói vào khoảng 850 – 10.000 đôla, tờ báo trích dẫn khảo sát của Hiệp hội Tư vấn Giáo cục Độc lập vào tháng 1.
“Nhiều người tỏ ra kinh ngạc về mức phí của chúng tôi”, Ivy Coach viết trên trang web. “Một vài người thậm chí còn cười nhạo… Chúng tôi biết mức phí của chúng tôi cao, nhưng các phụ huynh coi trọng việc đầu tư để giúp cho con cái họ được nhận vào một trường hàng đầu thay vì lẽ ra chỉ được nhận vào một trường tương đối tốt… Tiền nào của nấy”, công ty tư vấn Mỹ tự tin khẳng định.
Việc tư vấn của Ivy Coach đối với con gái bà Bưởi bao gồm giúp nộp hồ sơ vào các trường đại học danh tiếng, giúp làm các bài luận theo yêu cầu, viết thư giới thiệu, hướng dẫn phỏng vấn nhập học và những thủ tục khác.
Con gái bà Bưởi hiện đang học tại trường Solebury ở bang Pennsylvania, là một trong 7 trường nội trú mà Ivy Coach nói đã giúp cho Dao gửi hồ sơ. Công ty này nói đã hoàn thành hợp đồng đối với gia đình bà Bưởi, bao gồm việc giúp làm hồ sơ nộp vào các trường Harvard, MIT, Brown, Stanford…
Sau khi vụ kiện được đưa lên báo chí Mỹ, gia đình bà Bưởi tỏ ra “không muốn nói nhiều về vấn đề này” và cho đây là một sự hiểu lầm giữa hai bên. Bà nói ngắn gọn với Zing.news rằng: “Chúng tôi đang xử lý chuyện này. Họ chỉ dọa thế thôi. Mọi chuyện không có vấn đề gì cả. Họ sẽ rút vụ việc trong vài ngày tới”.
Tuy nhiên theo Giáo sư Tạ Văn Tài, trong vụ kiện mà ông gọi là “kẻ cắp gặp bà già”, vẫn có cách để lật ngược lại theo hướng có lợi cho gia đình bà Bưởi.
Ông nói: “Tôi khuyến cáo là nhân cơ hội này mà xuất hiện trước tòa án đó, đòi lại số tiền 750 ngàn đôla đó. Cái đó gọi là counter claim, bên kia đòi như vậy, thì mình counter claim đòi lại, giải tiêu khế ước về việc đưa con mình vô cái trường Ivy League, để đòi lại số tiền mình đã đưa vì không hiểu rõ, bị lừa đảo trong vụ này”.
Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm tại Đại học Harvard, Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết chỉ tính riêng số lượng sinh viên Mỹ gốc Việt tại trường này đã thuộc loại cao so với tỷ lệ cộng đồng người Việt tại Mỹ, chưa kể số du học sinh từ Việt Nam sang.
“Sinh viên Việt Nam có thể xem là một trong những thành phần giỏi nhất bởi vì tỷ lệ sinh viên Việt Nam trong tổng số sinh viên ở Harvard lớn hơn số dân Việt Nam ở Mỹ so với tổng số dân Mỹ”, Giáo sư Tài nói.
Chính vì vậy, trường đại học hàng đầu này còn tìm cách hạn chế số lượng sinh viên châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… nhập học vì tỷ lệ quá nổi trội của họ tại trường.
Theo cựu giáo sư Harvard, nếu một sinh viên Việt Nam không đủ khả năng, không một công ty tư vấn nào có thể bảo đảm được chỗ ngồi của sinh viên này trong nhóm trường Ivy League. Còn nếu sinh viên có đủ khả năng thì việc đầu tư số tiền khổng lồ cho đầu vào các trường này lại trở nên không cần thiết.
Hiệp hội Tư vấn Giáo dục Độc lập ở Mỹ cho biết đã loại Ivy Coach ra khỏi hiệp hội vài năm nay vì biết được cách làm ăn của công ty này. “Theo quan điểm của chúng tôi, không có một lý do biện minh nào cho mức phí cao như thế”, Times Higher Education dẫn lời ông Mark Sklarow, CEO của hiệp hội nói.