Nói thêm về chuyện ông Tuấn “Tim”

0
167
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, tại phiên tòa hôm 21 Tháng Tư. (Hình: Giang Long/Tuổi Trẻ)

nguồn: fb Quan Thế Dân.

Ông Tuấn “Tim” ra tòa. Dư luận lại xôn xao lên. Kể cũng lạ. Ngành này tưởng dân tình chán không muốn nói nữa vì quá tệ rồi, ai đời mà cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng đều bị bắt vì tham nhũng, thì một giám đốc có là cái gì đâu mà dư luận để ý thế. Vì thế dư luận xôn xao lên là ắt phải có lý do.

Có phóng viên của một báo lớn hỏi cảm nghĩ của tôi về việc này. Tôi bảo tôi chán không muốn nói nữa, vì đã nói hết rồi. Tuy nhiên rồi đọc dư luận trên mạng lại thấy bứt rứt phải ngồi vào viết. Vì nhiều người bên ngoài không nắm được sự việc nhưng bình luận chém đá chặt sắt như đúng rồi, đầy vẻ hả hê. Cũng nhiều bình luận non nớt kiểu “bắt người giỏi chuyên môn đi làm quản lý” để biện minh. 

Đầu tiên phải nói rõ về cái nickname “Tuấn Tim”. Xin thưa đấy là cái biệt danh mà giới truyền thông gán ghép cho bác sĩ Tuấn, chứ trong ngành chúng tôi chẳng ai gọi như thế cả. Vì trình độ tim mạch như bác sĩ Tuấn trong ngành y cũng không phải quá hiếm để đến độ phải đặt thành biệt hiệu. Ví dụ như bậc thầy về ngoại khoa tim mạch là Giáo sư Đặng Hanh Đệ, bậc thầy về nội khoa tim mạch là Giáo sư Phạm Gia Khải, Trần Đỗ Trinh… mà trong ngành còn không ai gọi các thầy với kèm với danh xưng “Tim” thì bác sĩ Tuấn tuổi gì. Chỉ có mấy anh chị phóng viên bên ngoài cứ thích nâng vấn đề lên thôi thì mới thành cái biệt hiệu đó.

Thứ hai là chuyên ngành của bác sĩ Tuấn là nội khoa tim mạch, sau đó được tu nghiệp ở nước ngoài về tim mạch can thiệp. Ngành tim mạch can thiệp nói đơn giản là sửa chữa các bệnh lý về mạch vành, về van tim thông qua các dụng cụ đi vào tim qua đường mạch máu, không cần phải mổ. Tim mạch can thiệp có thể nói là một tiến bộ của điều trị tim mạch, nằm giữa nội khoa và ngoại khoa. Như vậy bác sĩ Tuấn không phải là bác sĩ ngoại khoa. Nhiều người mấy ngày nay cứ bình luận về chuyện run tay không cầm dao mổ tim… nên phải nói lại cho rõ.

Vào giữa những năm 1990 khi kinh tế bắt đầu khá lên, ngành y Việt Nam lúc đó cử hàng loạt bác sĩ trẻ đi du học các nước Âu Mỹ để tiếp thu các kỹ thuật mới. Rất nhiều người trong số đó sau này đã thành danh và là trụ cột của ngành y hiện nay. bác sĩ Tuấn là một trong số đó. Anh là một trong vài bác sĩ trẻ của Bệnh viện Bạch Mai được học kỹ thuật can thiệp tim mạch sớm nhất và nhanh chóng trưởng thành. Nói thật, bệnh viện Bạch Mai là một mảnh đất tốt cho học thuật, có thầy giỏi, có bệnh nhân hay, có phương tiện hiện đại nhất… nên chỉ trừ những người quá lười, còn tất cả những ai có chí tiến thủ thì chỉ ở đó một thời gian sẽ có bằng tiến sĩ và vài năm sau sẽ là Phó Giáo sư. Nhưng chính vì có quá nhiều người tài như vậy nên Bệnh viện Bạch Mai không phải là nơi tốt để thăng tiến. Hiểu điều đó nên sau khi đã trưởng thành, bác sĩ Tuấn chuyển về Bệnh viện Tim Hà Nội, lúc đó do Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Mão làm giám đốc.

Lại nói về Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Văn Mão. Hình như năm chúng tôi vào trường y thì anh Mão vừa tốt nghiệp nội trú ngoại. Trời ơi, các bạn ngoài ngành không hiểu được đâu, với dân ngành y, các danh xưng nội trú Việt Đức hay nội trú Bạch Mai nó danh giá lắm, gần như là không phải để nói về lũ bác sĩ người trần mắt thịt, mà để nói về các siêu nhân. Anh Mão là một người như thế. Trong mắt đám sinh viên y khoa chúng tôi anh Mão là một tượng đài về tài năng. Chúng tôi ngưỡng mộ anh chỉ kém anh Bách (Giáo sư Tôn Thất Bách) một tý. Anh Mão là bác sĩ ngoại khoa đầu tiên của Việt Đức được sang Pháp du học khi Việt Nam mới mở cửa. Thế mà không hiểu sao đến tận khi về hưu anh vẫn chỉ có học vị là thạc sĩ. Hình như giận dỗi gì đó. Nghe đồn có giai thoại là phòng sau đại học của Y Hà Nội nài nỉ anh về hoàn thiện nốt hồ sơ để cấp bằng tiến sĩ mà anh không chịu về. Cũng như hồi xưa, anh Bách hay chạy con xe cá vàng 103 vào trường y dạy bác sĩ chuyên khoa 2 mà anh lại cười hề hề nói với bọn tôi: “Tao mới có bằng chuyên khoa 1 thôi”.

Khi bác sĩ Tuấn chuyển về Bệnh viện Tim Hà Nội, do giám đốc là dân ngoại khoa nên bệnh viện này hầu như chỉ hoạt động ngoại khoa, chỉ mổ tim. Mổ tim là tốn kém nên số ca mổ cả năm không nhiều. Bệnh viện cũng ít tiếng tăm. bác sĩ Tuấn là dân nội khoa, nên khi về bv này đã bổ sung cho mặt điều trị nội khoa tim mạch. Từ thời điểm này Bệnh viện Tim Hà Nội mới phát triển cân đối, đi bằng cả hai chân, ngoại khoa và nội khoa, hai ngành này bổ trợ cho nhau. Nói thật khi trước mấy bv đầu ngành y nhưng phát triển lệch, kinh bỏ mẹ. Nội khoa can thiệp cứ đè con nhà người ta ra nong nong mạch vành, thế nhỡ rách thủng ra đấy thì làm sao, ai mổ cấp cứu cho. 

Chính mảng điều trị nội khoa tim mạch đã kéo số đông bệnh nhân đến với Bệnh viện Tim Hà Nội. Bệnh viện đã thành một trung tâm tim mạch hoàn chỉnh. Khám điều trị các bệnh tim mạch bằng thuốc. Khi nào có bệnh mạch vành, bệnh van tim thì can thiệp nong đặt stent, đặt van nhân tạo… Ca nào khó quá thì chuyển qua phẫu thuật hở. Bệnh nhân đến khám rất đông, Bệnh viện Tim Hà Nội trở nên nổi tiếng, có khi còn đe soán ngôi cả Việt Đức, Bạch Mai. Khi anh Mão về hưu thì bác sĩ Tuấn lên làm giám đốc.

Lúc này mới thể hiện tài năng lớn nhất của bác sĩ Tuấn, chính là quản lý. Ngạc nhiên chưa! Lâu nay có luồng dư luận ấu trĩ là bắt bác sĩ giỏi chuyên môn sang làm quản lý nên mới mắc sai lầm. Nhầm to nhé. Chẳng ai bắt cả. Mà phải phấn đấu trầy vi tróc vẩy mới được lên làm quản lý. Không hẳn người ta cố leo lên làm quản lý vì máu tham như có ai đó suy nghĩ một cách tầm thường gán ghép đâu. Mà đó là chí làm trai. Người có tố chất lãnh đạo sẽ bằng mọi cách vươn lên đứng đầu một tổ chức, không chịu dưới trướng ai. Để tự do thi triển những hoài bão của mình.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, tại phiên tòa hôm 21 Tháng Tư. (Hình: Giang Long/Tuổi Trẻ)

Bác sĩ Tuấn cũng vậy. Từ ngày anh lên làm giám đốc Bệnh viện Tim thay đổi hẳn. Từ việc tổ chức lại phòng ban, tổ chức cách phân luồng giảm tải bệnh nhân, thay đổi cách ứng xử, đến quy tụ người tài, phát triển cân đối bệnh viện cả nội trú ngoại trú, cả nội khoa và ngoại khoa. Doanh thu bệnh viện tăng rõ. Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành một kiểu mẫu về bệnh viện bán công đổi mới sáng tạo. Tức là theo tôi, bác sĩ Tuấn là một nhà quản lý y khoa rất giỏi. Thậm chí còn giỏi hơn cả chuyên môn tim mạch của anh. Giá như anh cứ ở yên tại đó thì giờ này anh vẫn là một nhân tài, một công dân Thủ đô ưu tú, một đại biểu Quốc Hội.

Cái sai của anh là quá nôn nóng, quá tự tin. Khi giám đốc cũ của Bệnh viện Bạch Mai bị bắt, trên đã điều bác sĩ Tuấn về thay. Đáng lẽ ra anh phải từ chối ngay. Nhưng anh lại nhận lời. Và anh đã rơi xuống vực thẳm ngay từ khi đó mà không biết.

Vì sao vậy. Vì anh có thể là một giám đốc trẻ đầy sáng tạo khi ở Bệnh viện Tim Hà Nội, nhưng khi trở về nơi cũ, bệnh viện Bạch Mai, anh chẳng là cái gì cả. Các cây đa cây đề trong viện chỉ nhớ, à, thằng Tuấn à, trước nó là học trò của tớ. Vậy thôi. Thế mà giờ anh dám ngồi trên họ, dám thay đổi cái này cái khác (mà lại thay khá nhiều). Và chết nhất là những thay đổi, những cách mạng của anh lại cắt đi các nguồn thu nhập của nhân viên trong viện. Đó mới là cái làm mất lòng người nhất. Nói không ngoa, bác sĩ Tuấn hầu như bị phần lớn nhân viên bệnh viện ghét. Tôi chứng kiến có cô điều dưỡng khi thay băng cho bệnh nhân, cái kéo cùn, thì nhấm nhẳn nói với bệnh nhân rằng hồi còn giám đốc cũ đâu có thế. Ta có thể đoán ra ngày anh gãy cánh.

Việc các cải cách của bác sĩ Tuấn ở Bệnh viện BM mang lại lợi ích cho số đông bệnh nhân, nhưng lại làm giảm thu nhập cho nhân viên y tế bệnh viện, thật là một mâu thuẫn lớn, mà một mình ai đó không thể giải quyết nổi. Trong tình huống này, khó nói đúng sai, dại khôn. Đúng như dân gian vẫn nói, khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống. Về vấn đề này tôi đã phát biểu trên truyền thông, Việt NamExpress ngày 9/7/2022 như sau:

“Dù muốn dù không, vận hành bệnh viện phải theo các quy luật kinh tế. Phải hòa vốn để tồn tại. Phải có lãi để tăng trưởng. Giá khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện được thừa nhận là chưa bao gồm đủ các chi phí. Vậy tại sao hệ thống y tế không sụp đổ. Vì nó đang gắng gượng trụ được bằng các nguồn lực khác như sau: Một là nguồn kinh phí của nhà nước cấp để chi lương, chi đầu tư, hỗ trợ thuế… Thứ hai là chi phí mà người bệnh phải trả, mà phần ngầm có khi chiếm đến 50% tổng chi phí khám chữa bệnh, gồm tiền trả thêm cho các dịch vụ, tiền mua thuốc ngoài… Nguồn lực thứ ba là tệ nạn tham nhũng. Chính tham nhũng là một cách giải quyết tự phát những bất hợp lý của vận hành bệnh viện. Tôi không ủng hộ lấy một cái sai này để giải quyết một cái sai khác, nhưng hiện tượng tham nhũng diện rộng trong ngành y đang phản ánh một vấn đề có tính quy luật. Như vậy, nếu cắt đi một trong ba nguồn lực trên thì y tế hiện nay sẽ sụp đổ”.

Vậy thôi, một vài lời nhân việc bác sĩ Tuấn bị ra tòa và nhận án tù. Thật sự tôi tiếc cho anh và các cải cách mà anh đang tiến hành dang dở. Nên nhớ Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội nói không với phong bì.

713000cookie-checkNói thêm về chuyện ông Tuấn “Tim”