Saturday, July 27, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmNHỮNG NGƯỜI BẠN: HẢI CON

NHỮNG NGƯỜI BẠN: HẢI CON

Lý Xuân Hải

Tôi có những người bạn giỏi, tư duy đẹp, thông minh. Nhờ vậy mà học hỏi được nhiều điều hay bổ ích.

Nay kể về một cậu bạn rất lâu năm: Hải con.

—-

1.

Năm 1984 sang Liên Xô du học tôi được phân về ĐHTH Quốc gia Belarus (Belarusian State University – BSU) khoa Vật Lý cùng với 3 đứa đi từ Hà Nội là Hải con, Thư, Mai Ly. 

Cả năm chỉ 4 đứa. Như tờ giấy trắng giống nhau. 

Cái Ly ăn nói nhẹ nhàng, xinh, duyên… gái Hà Nội gốc. Nhiều anh xếp hàng ở cửa săn đón mấy ngày cuối tuần. Nên chắc tốn nước trà. Học chăm chỉ.

Tôi học kiểu “cần cù bù thông minh” nên vất vả.

Thằng Thư học kiểu con ngoan, trò giỏi, hay trùm chăn nằm học rồi lẩm bẩm: “Chả hiểu cái đếch gì” nhưng hỏi thì cái gì cũng biết, cũng hiểu. Nó học nhanh và nhàn. Có nụ cười hềnh hệch trẻ thơ.

Hải con thì học lè phè: ngồi đọc sách một chút, ra bàn tý toáy một chút, xong lại nằm, nằm chán lại quay sang cầm sách đọc… đọc một lúc rồi lại ngồi. Hỏi nó: Sao không học? Nó bảo: “Có đếch gì mà học!”. Rồi cười chìa cái cằm móm móm. Nó năm nào cũng trong đội tuyển trường BSU đi thi Vật Lý các trường đại học của Liên Xô. 

Nó nắm vấn đề nhanh, đọc lướt qua là hiểu hết. Nên lắm thời gian rảnh. 

Rảnh rỗi nên làm lắm chuyện linh tinh. Mỗi tội lại nhanh chán.

Nó học chụp ảnh và rửa ảnh xong dạy tôi trò này, rồi bỏ và cho tôi hết đồ nghề.

Đồng hồ sinh học loạn xạ ngủ ngày thức đêm, nó mua sách thiền về tập cho dễ ngủ rồi rủ tôi tập cùng. Kết quả tôi vốn ngủ như heo thì thành ngủ như lợn, còn nó bỏ thiền vì không tác dụng. 

Bàn nó luôn bừa bộn đủ thứ: chế tạo cái này, hàn khò cái kia, lắp ráp cái nọ. Làm xong lại mang bày lung tung. 

Đặc biệt là thằng này rất hay cãi ngang bởi cách suy nghĩ ngược dòng theo kiểu Critical Thingking. Nó có kiểu suy nghĩ khác người và phê phán sắc sảo.

Tôi và nó thường xuyên thức khuya tranh luận nhau um sùm về đủ các đề tài xã hội, văn hóa, chính trị, khoa học, con người. Qua những cuộc tranh luận ấy tôi ngộ được khá nhiều điều và thấy đúng đến tận hôm nay. 

Mai Ly vì sức khoẻ không chịu nổi cái lạnh khắc nghiệt phải về nước năm thứ 2. Ba đứa chúng tôi cùng đâm đầu vào Tổ Bộ môn Vật Lý Lý thuyết và chơi với nhau khá thân. Tôi và Thư đi về Vật lý Chất rắn và Hệ nguyên tử. Hải con đi về hạt cơ bản năng lượng cao, lý thuyết trường.

Tốt nghiệp 1989 rồi cùng qua làm Ph.D đầu năm 1990. Đúng giai đoạn chuẩn bị xảy ra chính biến long trời lở đất ở Liên Xô. Tình trạng lúc ấy khá bi đát khi các nền tảng giá trị, kiến thức xã hội và niềm tin đột ngột bị vỡ vụn tan thành mây khói… chả biết sẽ đi đến đâu. Lòng người chơi vơi.

Đúng lúc ấy tôi nhìn lại các kết quả nghiên cứu thấy lúc làm thì có vẻ ghê gớm, cũng đăng tạp chí quốc tế này nọ nhưng mang ra so thế giới thì như con kiến, chả là cái gì. 

Thấy mọi thứ mình làm, mình có thật vô nghĩa. Làm tiếp thì đi về đâu?

Mới quay sang hỏi ông thầy: Lĩnh vực Vật lý chất rắn hay Hệ nguyên tử chúng ta làm có hy vọng đoạt giải Nobel không? 

Ông ấy cười: Lĩnh vực này khá cổ điển, nhiều người đã và đang làm, cày nát bét. Nên để có cái mới đột phá đạt Nobel khó lắm. Làm Hạt cơ bản Năng lượng cao, Lý thuyết trường thì may ra. 

Tôi nghe xong chán hẳn chả muốn đi tiếp vào lĩnh vực ấy nữa… nghĩ thầm: Không đặt mục tiêu Nobel thì làm Vật Lý làm gì!!! (Lúc ấy trẻ nên hoắng thế!). Nhưng không làm khoa học thì làm gì?

Đến 1992 chuẩn bị bảo vệ tôi về Việt Nam đi 1 vòng nghiêm cứu tình hình. Thấy về nước không thể làm Viện nghiên cứu hay dạy Đại học vì cả hai nơi văn hóa không phù hợp, môi trường nghiên cứu lạc hậu không cập nhật, cơ vật chất thư viện tạp chí cũ kỹ (chưa có Internet mà) nghèo nàn, lương bổng thì thấp, con người thì… Nên nản.

Nuôi con cái gia đình sống bằng cái gì! Mấy căn nhà tính ra vàng đơn vị trăm cây mà lương tháng $30-$50. Cả mấy trăm năm không ăn tiêu mới mua nổi cái nhà.

Nhìn lên mấy ông anh thấy chuyển sang làm kinh doanh rất thành đạt.

Gặp ông anh Nguyen Chuong – đang làm Viện Vật Lý – đi dự hội nghị về qua Belarus hỏi: Về Việt Nam làm Vật Lý sống được không?

Anh Chương: Được!

Tôi: Em thấy khó… làm không nổi! Làm sao sống?

Anh Chương: Ở Viện khá rảnh rỗi. Hàng năm xin suất tài trợ đi hội nghị, workshop. Tốt nữa thì xin được cả vé. Nước nghèo thường được ban tổ chức tài trợ. Mỗi ngày tham dự được khoảng $100-$120.  Ở thì thuê khách sạn giá bèo. Ăn thì mang theo mì tôm mua thịt bò cho dễ chín, rau thì rẻ, cầm theo cái bàn là để nướng thịt hay ấm điện để luộc rau. Học, họp khoảng mấy tuần là có một vài ngàn $. Mua gửi về cái xe máy, tủ lạnh… bán có lãi. Ở nhà thì ký mấy hợp đồng lằng ngoằng đi dạy dỗ kiếm thêm chút. Sống được! 

Tôi: Ơ… đấy là các anh mạo danh Vật Lý đi kiếm tiền sống chứ có phải làm Vật Lý đâu!!!

Anh Chương: Chú buồn cười. Hỏi anh sống được không thì anh bảo sống được chứ có bảo làm Vật Lý được đâu!

Tôi: Các anh mạo danh Vật Lý kiếm tiền. Treo đầu dê bán thịt chó. Em không như thế được. Kiếm tiền ra kiếm tiền. Làm Vật Lý ra làm Vật Lý. Không nên lẫn lộn với nhau. Em mà đói là em đi kiếm tiền công khai, không mạo danh cái gì hết.

Anh Chương: Đúng. Nhưng phải sống cái đã. 

Tuy nói hùng hồn thế nhưng trong bụng tôi hoang mang lắm: làm gì?

Mang chuyện này về kể cho hội Hải con, Thư nghe. Cũng có ý chê bai tí.

Thư nói: Kệ xác… bảo vệ xong hãy tính. Rồi cũng có cách chứ.

Hải con bảo: Tao thấy mấy cái luận án tao đang làm chả có ý nghĩa kít gì, chả ai cần, mất thời gian. Viện Vật lý tìm cách nuôi được người như thế là giỏi, không có tiền thì tạo cơ hội cho người ta đi đây đó kiếm được tiền để sống là tốt, là có ích, là đáng khen… còn hơn toàn dân chết đói. Mày chê bai cái gì. Bọn mình ngồi không ăn bám thế này vô ích nuôi đếch được ai đâu!

Nó vẫn luôn có những suy nghĩ ngược sắc kiểu ấy. Nghe thấy nghịch nhĩ nhưng quả thật nó nói chả sai: Làm những thứ vô bổ, trì trệ, ấu trĩ, háo danh hão, toàn tự sướng tự khen, ảo tưởng tạo giá trị, ngồi chình ình ăn bám… là căn bệnh khối người mắc.

2.

Có thời gian Hải con tự nhiên thỉnh thoảng biến mất mấy hôm. Sau hắn kể có cô em họ ở xa tít làm công nhân nhờ vận chuyển đồng hồ điện tử từ Belarus (gần Balan) là nơi cấp hàng. Mỗi lần đi xách một cặp samsonite đồng hồ. Rồi cô em cho ít tiền.

Nó kể lần đầu nhận đồng hồ, để cho chắc nó mở từng cái lắp pin kiểm tra từng tý… lên tàu nằm đến giờ mấy cái đồng hồ thi nhau báo thức tò tí te náo loạn hết cả toa tàu… nhục không biết đút đầu vào đâu.

Tưởng ông Hải con thành giao hàng chuyên nghiệp thì thấy thời gian sau không đi nữa. Hỏi thì bảo kiếm đủ tiền rồi không làm nữa. Tôi cũng chả hỏi đủ cho cái gì.

Mấy hôm sau sang phòng Hải con chơi thấy trên bàn nó có cốc nước vàng khè thể tích chừng 350-400ml. 

Hỏi gì đấy nó bảo: Cầm thử đi! Cầm lên thấy nặng bất thường. 

Nó lại bảo: Lắc đi! Tôi lắc thử thấy… kêu lanh canh.

Nó bảo: Kim loại đấy!

Tôi: Là sao?

Nó: Vàng đấy!

Tôi ớ ra: Cái gì?

Nó: Tao phân kim ra đấy. Mức độ đậm đặc cao lắm rồi. Như kim loại lỏng ấy. Bây giờ đặt lên bếp đun sôi là ra vàng cục luôn.

Ối giời! Hỏi mới biết ông Hải con gặp mấy thằng chém gió về phân kim bảo là khó lắm không ai làm được (hồi ấy bên ấy bắt đầu rộ phân kim lấy vàng). Hắn cáu tiết về làm cho cô em kiếm ít tiền đủ mua mấy linh kiện máy tính mạ vàng rồi tự phân kim để chứng minh làm dễ chứ chả khó. Giờ mới hiểu câu đủ rồi của nó!

Hắn bảo: Cậu cầm về đặt lên bếp đun chút nữa là được cục vàng. Cho cậu đấy!

Tôi: Ơ… cậu đi ròng rã bao lâu mới đủ tiền làm cái này. Tự tay mà đun đi. Bán lấy tiền.

Nó: Ôi giời… tao đâu cần tiền. Tao chỉ cần chứng minh làm được và làm dễ. Thế thôi. Quá trình làm ra cái cốc này mới thú vị. Chứ mang vàng đi bán lấy tiền thì tao thấy chả hứng thú gì.

Tôi không lấy nên sau nó cho thằng em nào ấy. Bán được kha khá tiền.

Nó vẫn vậy. Luôn thích tìm hiểu những thứ mới mẻ. Mỗi cái tính không tham tiền nên không theo đến cùng.

3.

Rồi cũng đến lúc bảo vệ. Bận viết luận án, viết Thesis, gặp phản biện, in báo… nói chung là lu bu.

Tôi bảo vệ vào tháng 3/1993, Thư 1994. Hội đồng bảo vệ thuộc Viện Vật lý và BSU – CH Belarus.

Xong việc quay sang hỏi Hải con: Bao giờ mày bảo vệ?

Nó bảo: Tao đếch bảo vệ nữa! 

Bọn tôi ớ ra trợn mắt… nó mới tuôn một tràng: Tao thấy nghiên cứu viết báo in nước ngoài nước trong cho lắm rồi cũng vứt xó, vô ích. Hồi mới làm ra kết quả in tạp chí oách tao cũng khoái lắm… nhưng đến lúc ngồi viết luận án hệ thống lại thấy thối như kít ấy. Tao cũng chả hiểu sao mấy tạp chí Vật lý Quốc tế uy tín vậy mà cũng cho in lắm bài kiểu của tao thế. Chán chả muốn bảo vệ nữa.

Phải công nhận những điều nó nói chẳng sai. Chúng ta luôn tham vọng khi khởi đầu, tự hào với thành quả ngắn hạn nhưng sau đó nhìn lại, trung thực với bản thân mà nói, cũng thấy bình thường cả thôi.

Đạt mục tiêu là thành công. Đường đi là trải nghiệm. Con đường đi đến mục tiêu thú vị hơn mục tiêu. 

Nên thường làm thì hăng nhưng lúc chốt hạ thì… chán.

Tôi và Thư xông vào can:

– Thứ nhất mày chê nhưng chất lượng bài và số lượng bài mày đăng ở các tạp chí uy tín hơn hẳn nhiều luận án khác.

– Thứ hai là để đạt trình PTS (Ph.D) có đòi hỏi như giải Nobel đâu. Thế được rồi. Ối người chỉ mong có được 1 phần bài báo quốc tế như mày để bảo vệ!

– Thứ ba đã mất công học đến giờ cứ bảo vệ. Xong vứt bằng đi cũng được. Có cái bằng để chứng minh trình độ mình bét ra cũng cỡ đó. Cũng giống như leo núi: lên đỉnh để chứng minh khả năng leo rồi xuống. Thế thôi!

Tóm lại sau khi cãi nhau ỏm tỏi và bọn tôi thúc ép tận đít Hải con chịu đăng ký và làm thủ tục bảo vệ. 

Xong tôi và thằng Thư còn phải chổng mông nằm vẽ hơn chục cái biểu đồ kết quả tính toán và thực nghiệm các mức năng lượng của mấy cái hạt cơ bản dở hơi nào ấy trong luận án Hải con… quên mất. Không làm hộ có khi Hải con lại bỏ bảo vệ.

Buổi bảo vệ thành công. Tôi, Thư và Hải con cùng nhận bằng Ph.D. Bằng này cũng khá đặc biệt: Nó được cấp bởi đất nước không tồn tại khi ban hành là Liên Xô và bằng tiếng Anh.

Ấy là vì Liên Xô tan rã năm 1991. Nhưng hệ thống cấp bằng trên đại học các nước chưa kịp tổ chức lại. Bằng học vị Ph.D và TS Khoa học ở mỗi nước chưa có quy trình phát hành nên Uỷ ban Chứng thực Cấp cao (Высшая Aттестационная Kомиссия – VAK) vốn của Liên Xô đóng ở Moscow, dù thừa kế chuyển sang cho Nga, vẫn cấp bằng trên đại học cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã tan rã. Và vẫn đóng dấu VAK của Liên Xô chứ không phải Nga.

Thứ hai là trước đây NCS các nước XHCN như Việt Nam bảo vệ luận án xong chỉ được cấp bằng tiếng Nga ghi là Phó tiến sỹ (Кандидат). Trong khi NCS các nước tư bản thì lại cấp bằng tiếng Anh và ghi học vị tương đương là Ph.D.

Từ 1992 đến 1993 trong bối cảnh mới bốn phương vô sản hết là anh em, chả còn phân biệt XHCN  lẫn TBCN, VAK cấp bằng tiếng Anh tuốt luốt cho bọn ngoại quốc bao gồm Việt Nam. 

Tôi, Thư và Hải con thuộc nhóm này: bảo vệ ở nước Belarus nhưng bằng lại do cơ quan có con dấu ghi rõ thuộc Liên Xô đã biến mất cấp, tại trụ sở thuộc nước Nga và bằng tiếng Anh.

Chúng tôi chia tay nhau sau tròn 8 năm học cùng: 5 năm sinh viên 3 năm nghiên cứu sinh ở BSU.

Hải con làm đúng như lời bọn tôi nói: Nó quyết định làm kinh doanh nên bảo vệ xong vứt mất bằng.

Đó cũng là điều gây rắc rối cho nó về sau.

Phàm làm khoa học ít ai chê công trình mình thối. Hải con trung thực nhìn vào bản chất không tô vẽ. Nó trung thực hơn đám coi bằng cấp là kiến thức, hư danh đi mua là thước đo giá trị bản thân. Tự trung thực với bản thân là đỉnh cao trung thực. 

4.

Trước đó từ đầu năm 1992 tôi lang thang trong xã hội tìm cho mình chỗ đứng trên đời và để hiểu mình muốn gì. Gặp đủ hạng người: giới kinh doanh lẫn giới chính trị, trí thức lẫn lưu manh, người hèn lẫn maphia, kẻ thắng trận bên thua trận, người nghèo lẫn người giàu.

Từ hồi ấy Hải con bắt đầu làm kinh doanh với mấy ông anh quen (giờ là đại gia hoành tráng lắm, không tiện kể tên kẻo lại bị bảo là khoe khoang).

Khoảng 1993 gặp nó kể đang nghiên cứu về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cũng khá mới với nước Nga. Bàn làm việc của nó ở công ty xếp mấy màn hình máy tính biểu đồ giá, khối lượng, xanh đỏ tím vàng. Hồi ấy mới đầu 90s và ngôn ngữ hiện đại nhất là Pascal. Màn hình máy tính màu là hàng hiếm. Đầu tư phết! Tôi nhìn lác cả mắt

Phi vụ kinh doanh chứng khoán đầu tiên là cổ phiếu MMM. Ai ở Nga thời ấy chắc nhớ MMM. 

Nó rủ tôi lên xem hoạt động của sở GD Chứng khoán Moscow cạnh trường Kinh tế. Năm 1992-1993 Sở GDCK vẫn còn cảnh một ông đứng cầm búa hô và gõ xuống bàn, giới traders mua bán bằng cách hoa chân múa tay và gọi điện thoại. Cổ phiếu vẫn là những tờ giấy mua cầm về, bán cầm đi. Thanh toán bằng tiền mặt luôn. Ồn như chợ vỡ. Náo loạn như chợ trời.

Hải con và Dũng Thượng Nguyễn em cụ Chương mua một bàn dành cho môi giới ở đấy. 

Sau Hải con bảo tôi: “Bọn mình nghiên cứu thấy kinh doanh chứng khoán cũng hay. Cậu muốn không đưa mình kinh doanh hộ. Có ông H. và ông Q. làm cùng nhưng hai lão ấy éo có chiến lược đúng nên toàn lỗ”. (Lạy giời ông Q. ông H. không đọc những dòng này. Mấy ông ấy mời tôi cơm rượu nhậu nhẹt suốt).

Hồi ấy tôi tích cóp được hơn $1.000 đưa hết cho nó bảo: làm đi!

Được đâu 2 tuần gọi hỏi, nó báo lãi $150. Phê lòi! Nên nhớ hồi đó ở Belarus cả nhà tôi gồm con nhỏ 1 tháng chỉ cần $20-$25 đủ sống.

Sau 2 tuần nữa gọi hỏi sao rồi? Nó bảo còn $50. 

Tôi bảo: Nghe nói sập thị trường mà. Còn lãi $50 là may!

Nó tỉnh bơ: Tiền gốc còn $50 chứ lãi cái đếch gì! 

Ối giời ơi… hóa ra lúc ấy cổ phiếu MMM mất giá thê lương mấy chục lần. Tôi gần như mất trắng! Choáng luôn. Mà với thằng nghèo làm khoa học như tôi lúc ấy $1.000 nhiều lắm.

Thế là phi lên Moscow ngồi với nó bàn chiến lược “giải cứu”. Các kết luận rút ra:

a. Giá một cổ phiếu về nguyên tắc không thể bằng 0. Bằng 0 là khi không kinh doanh thật, lừa đảo hay thua lỗ kéo dài ăn hết vốn mới chết.

Kết luận: Phải tránh xa bọn này ra như tránh hủi.

b. Xui cho bọn tôi là MMM đúng thuộc loại bọn hủi này. Tôi và nó xác định chủ MMM là ăn cắp mất dạy. Chính bọn nó làm giá trồi thụt cướp tiền thiên hạ (báy giờ gọi kaf kinh dính nội guán đấy). Vì vậy giá cổ phiếu MMM xu thế là sẽ xuống, có thể về 0. Nhưng dự là chưa về 0 ngay. Trong quá trình ấy sẽ có sóng lên xuống vì bọn chủ công ty này lắm trò bố láo. Mà lấy lại được tiền của bọn ăn cắp mất dạy mới sướng.

Kết luận: Còn sóng còn cơ hội. Biên độ sóng sẽ lớn.

c. Thanh khoản cổ phiếu MMM tốt. Quy mô giao dịch lớn dễ vào ra. 

Kết luận: Thanh khoản cao là dễ chơi. Không thanh khoản là đứt hẳn.

d. Vì còn lên còn xuống nên trong tay luôn cần có cả tiền lẫn cổ phiếu: cần cổ phiếu để bán khi dự báo giá xuống và cần tiền để mua khi dự báo lên. Thiếu 1 trong 2 là mất cơ hội tham gia cuộc chơi. Chiến lược bình quân giá với các bước vào ra kiểu gạn đục khơi trong, ngược hướng thị trường. 

Đặt bút xuống tính các kiểu thì thấy: Tổng thị trường luôn luôn lỗ và lỗ bằng phí giao dịch vào tay nhà cái, môi giới. Nhưng nếu kinh doanh theo sơ đồ này với lượng tiền không hạn chế thì chắc lãi! Tuy nhiên sự thật tiền rất hạn chế nên phải biết chia bước vào ra, không thì hết máu. 

Kết luận: Min biên độ để vào ra là 20% – 25%. Phải bơm thêm tiền mặt: Tôi móc ví rút $500 đưa luôn.

e. Truyền thông, báo chí rất lộn xộn và hay trích nguồn khó kiểm chứng, có khi tung hỏa mù. Nghe theo báo mà làm giàu được thì cả nước giàu. Mà bọn viết bài phải giàu trước chứ hơi đâu viết báo kiếm tiền.

Kết luận: Phải biết tự vạch sơ đồ kinh doanh và kỷ luạt tuân thủ sơ đồ tuyệt đối. Không nghe ai xúi bẩy đẽo cày giữa đường.

f. Hải con bảo tôi: Cậu đừng vào Sở GDCK, rất nguy hiểm vì hiệu ứng đám đông điên rồ: Thấy đám đông mua ào ào là điên khùng lên mua theo, thấy tụi nó bán ào ào là sợ vãi đái bán theo. Như bị thôi miên ấy. Không chống được.

Phải có cái đầu lạnh không để thị trường dẫn dắt ngu muội. Phải giữ lý trí thật tỉnh táo không bị cảm xúc chi phối.

Kết luận: Từ nay Hải con ở sàn chỉ nắm thông tin báo về và thực thi, không quyết định mua bán. Tôi sẽ quyết.

Từ hôm đấy mỗi buổi sáng Hải con gọi cho tôi ở Minsk (cách Moscow 750km) báo tình hình thị trường, giá cả. Tôi nghe thông tin phân tích ngẫm nghĩ và quyết định mua hay bán hay chờ. Mục tiêu lấy lại $1.000 từ bọn MMM.

Nói chung tôi cũng xác định mất rồi nên quyết rất chi là bay nhưng theo đúng chiến lược vẽ ra trên giấy. Hải con thì tuân thủ tuyệt đối vào ra theo lệnh.

Lằng nhằng thế mà sau vài tháng tôi lấy lại đủ $1.500. Còn thừa mớ cổ phiếu.

Hải con sướng lắm bảo: Vấn đề không phải nhiều tiền hay ít tiền. Vấn đề là cách chơi. Cậu tuân thủ chiến lược, tỉnh táo, không đẽo cày giữa đường nên thắng lợi. Bài học xương máu.

Lại hỏi tiếp: Thế còn đống cổ phiếu thừa ra thì sao? 

Tôi bảo: Cho cậu đấy. Lấy lại được tiền là mừng lắm rồi.

Sau đó khoảng mấy năm thì MMM chết hẳn. Trước đó Hải con chuyển sang làm những việc khác. Không kinh doanh chứng khoán nữa.

Nghe anh Nguyen Thanh Hai kể đến lúc ấy Hải con vẫn còn chất cổ phiếu MMM đầy gậm giường ở nhà nó thuê. Đến mức khi trả nhà ông chủ nhà thấy đống giấy tờ in ấn đàng hoàng xếp thành đống tưởng nó là bọn in tiền giả vội báo công an đến… hehe. 

Đó là những bài học đầu đời về chứng khoán mà người dẫn tôi vào là Hải con – năm 1994.

PS: Những kết luận tôi và nó chốt với nhau cách đây 30 năm như giờ vẫn còn giá trị đấy nhỉ! Tôi đến giờ kinh doanh vẫn theo mấy nguyên tắc ấy!

5.

Cuối 1995 vì nhiều lý do tôi về nước. Thỉnh thoảng gặp Hải con. Nó có vẻ rất bận rộn và đang làm chung với mấy anh bạn quen thành đạt với các dự án trong nước cũng như ở nước ngoài. 

Rồi nghe Hải con về Việt Nam hẳn. Cơ ngơi bên ấy gốm các công ty xuất nhập khẩu, thương mại, công ty du lịch GSO – nghe nói hiệu quả không tồi – nó để lại hết cho bạn bè (giống vụ phân kim làm vàng phết). Nó muốn làm gì đó lớn hơn.

Mỗi lần nó vào Sài Gòn bọn tôi lại ngồi với nhau. Chủ yếu tán phét chuyện anh em bạn bè, thỉnh thoảnh nói chuyện làm ăn. Nó vẫn như vậy: tư duy phản biện sắc sảo. 

Tôi hỏi: cậu bây giờ đam mê kiếm tiền thế à? Nó bảo không phải kiếm tiền mà xây hệ giá trị, tiền chỉ là thước đo. Tiền không phải là mục tiêu. Không nói sâu nên không biết cụ thể việc nó làm. 

Chỉ một lần nó kể kỹ điều nó làm… nên nhớ. Đó là năm 2003.

Tôi với nó tán phét cafe muộn buổi tối ở ngã 3 Thiên Phước – Lý Thường Kiệt, Q.10. Nó hỏi tôi về ngoại hối, thuế và chuyển tiền quốc tế của cá nhân. Tôi hỏi để làm gì… hóa ra nó đang ủ mưu lớn với các dự án công nghệ gắn với Internet. 

Nó hỏi tôi: Bọn cậu làm quảng cáo qua báo một chiến dịch bao nhiêu tiền? Mục tiêu như thế nào?

Tôi đáp: Thường một đợt 1,5-2 tỷ mới đạt tỷ lệ đến tay khách hàng mục tiêu là khoảng 100.000 người. Mỗi khách hàng 15.000-20.000 đồng.

Hỏi: Khách hàng mục tiêu là ai? 

Đáp: Tuổi từ 25-65, thu nhập ổn định trên 20 triệu, tích luỹ tài sản trên 1 tỷ, ở đô thị, nghề nghiệp rõ ràng.

(Các thông tin chỉ là để tham khảo đại khái thế).

Nó mới bảo:

a. Internet đang thay đổi thế giới này. Biên giới địa lý dần biến mất. Biên giới mạng ngày càng rõ. Sẽ hình thành thế giới mạng. Internet sẽ sớm trở thành một phần gắn chặt với cuộc sống con người.

b. Vì có innternet con người ứng xử và giao tiếp khác xưa: cậu có thể không biết hàng xóm cậu tên gì? Làm gì? Chơi gì? Nhưng cậu có thể biết rất rõ một thằng người Mỹ bên kia bán cầu tên tuổi ra sao, vợ con bao nhiêu, nghề gì, làm gì, thích ăn gì mặc gì, sáng nay đang làm gì, đang vui hay buồn v.v Vì sao? Vì cậu và nó chung một nhóm “yêu xe cổ” chẳng hạn. Và nhóm này thường xuyên gặp nhau trên Internet. Internet sẽ giúp người ta quên đi khoảng cách địa lý. Nó như một đại dương mênh mông kết nối con người gần nhau hơn.

c. Trên đại dương Internet sẽ hình thành các vòng xoáy (nó dùng tiếng Nga: Вихрь). Vòng xoáy này tạo thành bởi những người có chung sở thích (ví dụ: yêu xe cổ!) có nhu cầu giao lưu thường xuyên và internet giúp học thực hiện điều ấy. Các vòng xoáy to, nhỏ… hợp rồi tan phụ thuộc tính gắn kết là lợi ích (interest). Những vòng xoáy to sẽ là các cơn bão xoáy có rất nhiều thành viên, ổn định và giá trị vòng xoáy sẽ rất lớn. Các thành viên và vòng xoáy này chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá.

Hải con muốn tạo ra một vài vòng xoáy như vậy.

a. Trước hết là vòng xoáy của những người có giá trị xã hội. Nó kể đã lập ra mạng “trường tôi” (truongtoi..vn) theo hướng này. Theo nó những người có giá trị cho xã hội luôn đã từng đi học phổ thông, đại học. Họ sẽ luôn muốn giữ các mối quan hệ với bạn học, thầy cô… dù ở nơi đâu. Để tham gia mạng trường tôi, cần khai những thông tin cơ bản: năm sinh, năm học, nơi ở, nghề nghiệp và nơi làm hiện tại, vợ chồng con cái, thu nhập… và qua giao tiếp có thể biết thu nhập, ích luỹ, mối quan tâm.

Sau này Hải con lập thêm mạng học làm giàu – hoclamgiau – (HLG) là để tạo vòng xoáy hình thành từ các doanh nhân, những người muốn học làm giàu và làm giàu.

Theo nó muốn làm giàu phải học và có thể học được. Ai muốn học thì công ty IDT (cũng của nó) sẽ tổ chức các khóa học và mời các thầy thật giỏi đến dạy. 

Muốn chủ động giao lưu, kết nối thì có mạng hoclamgiau. HLG là nơi các thành viên có thể học thực tế qua chia sẻ từ cộng đồng doanh nhân, tìm đối tác, khai thác thị trường, nơi bán hàng, tìm nguồn vốn, tìm địa chỉ đầu tư v.v. Và nếu muốn Hải con sẵn sàng đứng ra nhận ủy thác hay vay để đầu tư vào các dự án nó cho là tiềm năng. 

Đó là ý đồ của nó khi triển khai mạng HLG.

Với sự tư vấn của cố PTTg Nguyễn Công Tạn nó triển khai dự án nông nghiệp giá trị cao là cây Macca với tham vọng biến Việt Nam thành nhà sản xuất Macca lớn nhất thế giới. Đến nỗi nó còn có tên gọi Hải macca. Biệt danh Hải con thời sinh viên ít người biết đến.

Giai đoạn ấy Hải con triển khai bán hàng trên mạng theo mô hình Market Place và e.Commerce vào loại sớm nhất Việt Nam. Nghe kể nó cũng triển khai app hình như là Gọi xe (Go.I.Xe) tên vừa Anh vừa Việt khá thú vị theo mô hình Uber thì phải. 

b. Tôi hỏi vòng xoáy ấy có lợi ích gì?

Nó bảo: Nhiều. Ví dụ như cậu nói chương trình quảng cáo cậu muốn 100.000 người có lứa tuổi, nghề, thu nhập và vị trí địa lý nào đó biết: Hiện nay làm bằng cách in báo rồi may thì đến không may thì không đến tay họ. Mỗi người cậu mất 20.000 đồng.

Tôi sẽ đến gặp cậu: trong tay tôi có danh sách đúng 100.000 người cậu cần. Cậu muốn chứng minh: số liệu trên mạng truongtoi chỉ ra ngay.

Hãy trả tôi chỉ 10.000 đồng/người thôi, tôi sẽ chuyển đến tận tay họ bằng email. Để đảm bảo rằng họ sẽ đọc tôi sẽ trả cho họ 5.000 đồng nếu họ mở email ra đọc. Họ giới thiệu thêm 1 người giống họ tôi sẽ cho họ thêm 2.000 đồng. Người được giới thiệu lại giới thiệu người nữa họ lại được 1.000 đồng… cứ như thế. Tổng cộng họ được 8.000 đồng hay hơn nhiều tuỳ lớp thứ 2, thứ 3 bao nhiêu người.

Không những vậy nếu cậu trả tôi 15.000/ người thì cấp độ chia sẽ sâu hơn.

Rất giống đa cấp. Nhưng ở mô hình bán hàng đa cấp thành viên phải chi tiền. Còn đây là tôi chi tiền đa cấp. Có thiệt gì ai đâu. Cậu hình dung mỗi buổi sáng 1 người chỉ cần đọc 10 cái email và gửi cho những người tương tự… người ấy sẽ có ít nhất 80.000 đồng đủ để sống cả ngày. (Hình như 2003 thế là đủ sống thật). Mà ai cũng có lợi: cậu tiết kiệm được 5.000-10.000 đồng/khách hàng. Tôi được 2.000 đồng/khách hàng. Khách hàng được 5.000-8.000 đồng/lần đọc gửi.

Không chỉ bán hàng, bằng cách ấy cậu còn có thể tư vấn hay giáo dục lại khách hành của mình, đánh giá nhu cầu của họ tốt hơn và chính xác hơn là quăng lưới mò.

Thế mà người ta cứ gọi mình lên suốt bảo là mình bán hàng đa cấp. Bán đâu. Mình mua đa cấp đấy chứ! Tôi chả lấy tiền của ai. Mình chi tiền cho họ mà.

Rồi lại nhìn tôi cười kiểu móm móm rất đau khổ.

c. Hỏi tiếp: cậu được gì ở vòng xoáy đấy?

Đáp: Không chỉ có công ty bọn cậu mà nhiều công ty đặt quảng cáo, mỗi công ty bọn tôi thu được 2.000 đồng/khách hàng, 100.0000 khách hàng là 200 triệu. Chỉ cần 10-20 công ty/tháng là có 2-4 tỷ đủ để phát triển nuôi quân rồi.

Chắc vẫn còn được tạo hứng khởi bởi phi vụ Microsoft mua Hotmail nên Hải con bảo tôi: Nhưng đó không là mục tiêu chính. Mục tiêu chính của mình là sau 2 năm mỗi mạng có 400-500.000 thành viên. Giá trị sẽ là $2 triệu. Sau 510 năm có 5-10-15 triệu thành viên và giá là $200-$500 triệu. Bình quân $40-$50/thành viên. 

Nếu mở rộng ra nước ngoài thì giá trị là tỷ đô. Tôi hỏi cậu cách thức chuyển tiền ra vào Việt Nam là để làm chuyện đó.

Xong lại cười móm móm.

Tôi lúc ấy trong đầu nảy số thấy cũng có lý! Nhưng nghe cứ xa xôi vì không hình dung ra hết. Có cả ngại tính hay chán giữa chừng của Hải con.

Bây giờ thấy mọi thứ nói trên thật bình thường. Nhưng câu chuyện ấy diễn ra cách đây tròn 20 năm khi mọi điều còn khác lắm! Khi ấy Mark Zukerberg còn đi học và mạng Facebook còn chưa ra đời; Khi ấy khái niệm Big Data còn chưa sinh ra; Khi ấy tên gọi mạng xã hội (mà Hải con gọi là vòng xoáy trên đại dương Internet) còn chưa có; Khi ấy có trong tay cái BlackBerry có viên bi để đọc email đã là đỉnh cao công nghệ chứ không phải smart phone như bây giờ; Khi ấy chữ hệ sinh thái rất ít nghe; Và nhất là khi ấy mạng internet còn chậm rì vào email vẫn bằng dial-up.

Đến nay nhìn lại thấy Hải con nhìn xu thế chuẩn. Các trang mạng truongtoi hay hoclamgiau của nó rõ ràng có một ý đồ chiến lược rõ ràng chứ không hề ngẫu hứng.

Tất nhiên ý tưởng xuất sắc chỉ là một chuyện. Triển khai mới là quyết định. Cái ấy cần nhiều điều và con người khác. Nhưng ý tưởng xuất sắc là điều kiện không thể thiếu của một tổ chức vĩ đại.

Hải con nhận diện ra tiềm năng của Internet rất sớm. Ý tưởng “vòng xoáy” trên đại dương Internet là xuất sắc. Nó, nếu không là người đầu tiên thì cũng thuộc nhóm người đầu tiên nghĩ về điều ấy 1 cách mạch lạc. Nếu ở môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ và cơ chế thuận hơn biết đâu Hải con đã là Zukerberg của thế giới ngày nay! Facebook tận 2004 mới ra đời.

6.

Cách đây gần 8 năm Hải con bị bắt. Giật mình!

Lệnh bắt được phê chuẩn vì tội kinh doanh trái phép. Rồi được thả ra vì nó không kinh doanh trái phép. 

Mấy ngày sau bị bắt lại với tội danh mới: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể: nó nhận tiền uỷ thác của dân đi đầu tư hộ và trong giai đoạn chưa tạo ra dòng tiền thì trả lãi cố định, nghe nói rất cao. Báo chí viết nhiều. Tôi không trong cuộc, không có tài liệu nên chỉ nói qua thế. Ai quan tâm search trên mạng từ khoá “tiến sỹ dạy làm giàu” sẽ thấy ngay.

5/2018 Toà Sơ thẩm xử chung thân nhưng Phúc thẩm trả hồ sơ điều tra lại. Ngày 25/04/2023 Sơ thẩm lần 2 lại tuyên án chung thân. Không có tình tiết nào mới. 

Đọc lời cuối của nó tại tòa lại nhớ chuyện $1.000 và cổ phiếu MMM năm xưa: Chắc nó cần khoảng thời gian 3 năm (không 3 tháng) và tiền mồi khởi động (chắc nhiều hơn $500 ngày xưa) để bán các dự án (nghe nói đã có lãi) trả cho các nhà đầu tư. Rất tiếc cơ hội này dường như đã đóng lại rồi.

Hiện Hải con đã bị tạm giam gần 8 năm rồi. 8 năm đủ học đại học và bảo vệ tiến sỹ. 

Có mấy chuyện bên lề như thế này kể cho vui:

a. Trong cấu thành tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải có hành vi gian dối. Hành vi này phải có ngay từ đầu để nhằm chiếm đoạt chứ không phải sau đó. Lúc đầu hành vi gian dối của Hải con bị quy ở chỗ tự xưng là tiến sỹ. Ấy là vì, như đã kể, bảo vệ xong nó vứt bằng đâu mất nên khi được hỏi không mang ra làm bằng chứng được. Nhiều trang mạng gọi nó là “tiến sỹ tự xưng” ý rất khinh miệt bảo nó tự phong, là tiến sỹ đểu. Các bài viết, theo tôi, phần lớn thiếu cái nhìn đủ sâu và toàn diện. Kiểm tra đâu có khó!

Liên quan tự xưng lại có chuyện khác cũng đen cho Hải con. Nó thi Vật lý quốc tế năm 1983 đạt giải. Không hiểu sao tên nó trên Wiki lẫn trang của IPhO lại ghi là Phan Thanh Hải. Thế nên đã có lúc nó bị bảo là “tự xưng đi thi Vật lý quốc tế”. Chắc do phía Việt Nam đưa nhầm thôi mới nên nỗi.

Sự việc nghiêm trọng đến mức có người bảo: Không lấy giấy tờ chứng minh được nó là Tiến sỹ Toán Lý và đi thi IPhO 1983 thì việc nó nhận là Tiến sỹ, thi IphO đó chính là hành vi lừa dối. Tôi bảo: Ơ thế mất sổ đỏ là mất nhà à? Cháy mất giấy đăng ký kết hôn là mất vợ mất chồng à? Nếu như thế đảm bảo đêm nay ít nhất 50% các ông chồng bà vợ mang đăng ký kết hôn đốt bằng hết đổ xuống sông. Tờ giấy bằng cấp chỉ là chứng nhận chứ nó không phải là bản thân sự việc. Tiến sỹ vẫn là tiến sỹ dù mất bằng. Ông có vợ vẫn là có vợ dù vợ đốt mất giấy kết hôn… mới phải chứ. Nhưng người ấy bảo: Luật nó thế. Luật thế thì chịu rồi.

Nghe nói vậy cả đám anh em bạn bè tức khắc tìm cách lấy lại bằng cho nó.

VAK ở Moscow không lưu hồ sơ gốc vì hồ sơ bảo vệ nằm ở Hội đồng CH Belarus và cấp theo yêu cầu của Hội đồng này khi cả hai còn là một. Về Belarus họ có lưu hồ sơ bảo vệ nhưng lại không phải là nơi cấp bằng gốc và không cấp lại được. Muốn hai bên nói chuyện với nhau phải qua đường ngoại giao bằng công hàm chính thức. Có hẳn một chiến dịch của không biết bao nhiêu anh em bạn bè Hải con ở Nga và Belarus bằng quan hệ với những cấp cao nhất mới có thể lấy được phó bản bằng Ph.D. cho nó. Điều ấy cũng nói lên chất con người Hải con: nó phải sống thế nào mới nhiều người giúp thế. Bao kẻ rơi xuống hố chả bàn tay nào đỡ đấy thôi!

Đó cũng là lý do gần đây báo chí không gọi nó là “tiến sỹ tự xưng” nữa mà chuyển sang “tự giới thiệu”. Vẫn chút gì không ưa thích: “tự…”. Chán thật! Hải con tiến sỹ Toán-Lý thật, xịn mà sao cứ phải nói “tự giới thiệu…”. Không tự thì ai giới thiệu bây giờ? Tác giả những bài đăng nó là “tiến sỹ tự xưng” chả ai 1 lời đính chính xin lỗi.

Đời vẫn thế: những người lỡ ngã ngựa… ai muốn đạp, muốn sỉ nhục cũng được hết. Một sự mọi rợ và hiếp dâm tinh thần.

Lấy được phó bản bằng Tiến sỹ. Nhưng không sửa họ Phan thành Phạm tại IPhO được vì… chịu thua. Thôi… xin hỏi có nhà anh Phan Thanh Hải nào đi thi IPhO 1983 không lên tiếng hộ cái!

Hiện nay hành vi gian dối của nó, đọc báo thấy, dường như chỉ là ký tên với chức danh Chủ tịch IDT và đóng dấu IDT, mà công ty này cũng của nó, ở các hợp đồng uỷ thác cá nhân!

b. Dù ai nói gì tôi không thể nào tin nó lại “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…” theo nghĩa tôi vẫn hiểu.

Nói Hải con tội gì sai đây cũng có thể: Bảo nó ngây thơ, bảo nó quản lý kém, bảo nó thiếu trách nhiệm, bảo nó quá tự tin vào thành công đến mức hoang tưởng, bảo nó sử dụng vốn sai – rủi ro cao, kể cả báo nó kinh doanh ngu… đều có thể có cơ sở tranh luận. 

Nhưng bảo nó lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tôi tuyệt đối không tin.

Nó không thể lừa ai để chiếm đoạt. Tính nó tôi biết quá rõ.

Tôi đã thấy vợ con nó và nó sống thế nào.

Tôi nhớ lại câu chuyện phân kim vàng, chuyện để lại công ty cho anh em bên Nga… để thấy nó không có máu tham tiền. Không tham tiền thì ai mà chiếm đoạt.

Tôi nhìn chuyện trong hơn 2.500 nhà đầu tư uỷ thác cho nó chỉ có hơn 500 người ra toà làm nhân chứng với tư cách bị hại. Trong đó lại chỉ một số muốn lấy lại tiền không kiện, nghe nói rất rất ít người tố cáo kiện nó, và đặc biệt cũng rất nhiều người ra làm nhân chứng bị hại lại quay ra bảo vệ Hải con, nói là giao dịch ngay tình và họ nhận thức rõ sự việc… để thấy bảo nó lừa đảo theo lẽ thường thật khó tin. 

Tôi nhớ chuyện nó định không bảo vệ luận án để thấy nó trung thực với chính nó không chút thực dụng. Phàm đã trung thực như thế khó mà đi lừa ai.

Ngày xưa, tuổi trẻ thế nay có thể thành lừa đảo không? Chả có phép quy nạp nào khẳng định Có hay Không cả. Nhưng nhân thân cũng thể hiện tố chất con người chứ. 

Hơn cả tôi nhớ câu chuyện vòng xoáy đại dương mạng để thấy các việc làm của nó là có tầm, tư duy, chiến lược… chứ không hề ngẫu hứng.

Nhớ một vài chuyện cũ chợt thấy băn khoăn nghĩ ngợi: phải chăng “lừa đảo chiếm đoạt…” của Luật khác của Đời!!?

c. Kế câu chuyện Hải con tôi không có ý định phản đối bản án hay ý kiến cơ quan tố tụng.

Không thể làm điều ấy khi trên tay không một tờ tài liệu, không một chút chứng cứ mà chỉ có những dòng ký ức, và những bài báo đấy định kiến.

Mà muốn làm cũng không được bởi việc gỡ tội, buộc tội hay tha tội trước Luật không phải việc của tôi.

Đó là việc của luật sư, của cơ quan tố tụng, và của chính Hải con. Mong nó hiểu cách vận hành của bộ máy Tư pháp.

Tôi cũng đọc được nhiều ý kiến khác nhau về vụ án. 

Từ việc bảo: công an bắt có bao giờ sai! Đến: Hải con hoàn toàn vô tội! 

Có cả lời kêu cầu Tổng Bí thư như kêu Bụt! Đến cả những lời miệt thị nó.

Chỉ không thấy luận cứ pháp lý bám sát theo Luật.

Luật Việt Nam không Tây Tàu… hay đọc báo kết tội!

Tôi cũng không định tranh luận thế nào là Venture, Angel, Seed Investment, dự án nào hiệu quả, dự án nào không… trong danh mục đầu tư của Hải con.

Tôi cũng chả định tham gia định khoản định khung tội gì mới đúng, bao nhiêu năm mới vừa hay vô tội. Không định phản bác hay đồng ý nhận xét của ai. 

Vì chả để làm gì. Cơ quan tố tụng quyết rồi. 

Chỉ muốn kể về một người bạn hiện không may mắn.

Đoạt giải Vật Lý quốc tế. Tiến sỹ Toán Lý xịn. Tư duy sắc sảo. Phản biện đa chiều. Tầm nhìn xa. Trung thực. Thích đi đầu. Muốn tạo dựng hệ giá trị. 

Người như nó ở nơi khác môi trường khác với một chút may mắn có khi trở thành anh hùng thời đại. Một chút không may ở ta là sa chốn tù đày./.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0vi2xfni9RPauFkYcbHt4PH62aC2MJu32bnpNK7gVCN9CTcs9prLJx8wF41QguLMFl&id=100000006199056

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular