Những nạn nhân của Hiến và chính Hiến, là nạn nhân của sự tham tàn vô độ của những kẻ ăn trắng mặc trơn, sống trên máu và mồ hôi của người yếu thế.

0
756

Bài của Ngô Nguyệt Hữu (tôi viết khúc sau)
“Đặng Văn Hiến, người nổ súng khiến 3 người bên phía công ty Long Sơn tử vong, vụ án chấn động dư luận xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hồi tháng 10 -2016.

Đắk Nông là một tỉnh nghèo, người dân tứ xứ đổ về mưu sinh rất nhiều, đa phần nghèo khó, rách nát phải ly hương tìm một sinh lộ.

Quê nhà tôi ngày trước, hàng xóm khổ quá cùng lên đây trồng cà phê, trồng tiêu. Đất bán rẻ như cho.

Những cậu bạn thuở thiếu thời thi thoảng gặp lại vẫn kể về bạo lực, về cướp cà phê, về mã tấu và máu, về em gái mới lớn phải gả chồng nhanh vì sợ bị xâm hại. Tôi nghe mà hoang mang, luôn mường tượng về xứ sở của những người tìm vàng mà mình đã đọc. Thậm chí để giữ đất, để chống cướp, người dân tự trang bị súng tự chế.

Đặng Văn Hiến cùng nhiều gia đình khác đến tiểu khu này sinh sống, làm rẫy, đùm bọc mà qua tháng đoạn ngày. Công ty Long Sơn được giao đất, không thông qua thương lượng bồi hoàn, đưa công nhân xuống dùng máy ủi san phẳng những cây cà phê, cây tiêu của người dân.

Tiếng là công nhân, nhưng tôi tin rằng chúng ta đều hiểu, đó là những công nhân kiểu Chí Phèo trong tay Bá Kiến.

Đớn đau là họ cũng nghèo, cũng bán cả đời mình để kiếm miếng ăn. Không thể bắt họ có một suy nghĩ khác, ai trả tiền thì họ làm, nước mắt hay nỗi đớn đau mất đất của người dân là điều họ không quan tâm đến hoặc cũng có thể là chẳng bao giờ họ đặt mình vào tâm thế của người bị cướp.

Tôi tham gia viết nhiều về các vụ cưỡng chế đất đai, đều thấy nỗi khổ ải của người dân, sống không bằng chết, đau thương và uất hận. Họ tìm đến cơ quan xem mình như là điều cứu rỗi cuối cùng, mà mình thì có gì đâu ngoài ký tự. Chính tôi cũng bế tắc đến mức chỉ biết ngồi cầm tay họ, thở dài và nói những điều ủi an. Việc có thể làm đã làm cả rồi, người có thể gọi đã gọi cả rồi, nhưng vẫn biền biệt một cơ may.

Vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở Tuy Đức, tôi có nhờ Mai Quốc Ấn viết giúp một bài cho Chuyên đề An Ninh Thế Giới Giữa tháng và Cuối tháng, nơi tôi công tác. Nhận bài, đọc trước khi chuyển đi, nước mắt cứ chảy dài vì tôi hiểu những bế tắc của người dân, hiểu cả vì sao công ty Long Sơn lại lộng quyền như vậy.

Nếu không có những cuộc điện thoại của anh A trên Tỉnh, anh B ở huyện thì tôi đố công ty tư nhân nào dám tấn công nhân dân theo cách của địa chủ ấy, nhất là khi đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về rà soát, bồi thường không được phép cưỡng chế.

Ngay chính quyền tỉnh Đắk Nông cũng không dám khẳng định phần đất mà công ty Long Sơn san ủi có phải là đất mà Tỉnh này giao cho phía doanh nghiệp ấy hay không,

“Cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác khu vườn xảy ra tranh chấp thuộc quyền quản lý của Công ty Long Sơn hay không. Vì khi giao đất cho công ty, tỉnh chỉ xác định tọa độ trên bản đồ còn mốc ở thực địa thì chưa cắm nên cần xác định lại tọa độ mới có thể khẳng định chính xác”, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND Tỉnh Đắk Nông từng nói vậy.

Nghĩa là Tỉnh căn cứ trên bản đồ rồi giao đất cho doanh nghiệp, máu đổ hay oan khiên cứ mặc dân.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, nhà báo Trương Hữu Danh, nhà báo Mai Quốc Ấn đã khuyên Đặng Văn Hiến ra đầu thú. Lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự (C45) đến hiện trường tiếp nhận nghi can để đưa Hiến về thẳng trụ sở 2 của Bộ Công an tại TP.HCM. Lãnh đạo Bộ cũng có mặt tận nơi để chỉ đạo.

Ấn viết, “Hiến nhìn vợ ôm con thơ và khóc, một đồng chí cảnh sát hình sự chứng kiến cảnh này đã quay mặt rồi chùi nước mắt”.

Hôm nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Đắk Nông đề nghị Đặng Văn Hiến mức án Tử hình.

Cho đến tận giờ, mọi thứ buồn bã này vẫn chỉ được giải quyết từ phần ngọn, không thấy bóng dáng trách nhiệm của chính quyền, không thấy có hay không việc giao đất cho Long Sơn là đúng hay sai?!

Chỉ có khói nhang của người đã nằm xuống, chỉ có những tháng ngày dằng dặc của người dân trót thương mảnh đất của mình, trót đường cùng mà nổ súng là hiện hữu không biết ngày mai sẽ nhìn ánh mặt trời theo phương nào?!

Bạo lực sinh ra từ đâu, tôi nghĩ, bạo lực sinh ra từ những mâm cao cổ đầy, rượu tuôn như suối, bắt tay gầm bàn để xoá nhoà luật pháp.

Ai làm được điều này, chắc chắn đó không phải là người dân, như Đặng Văn Hiến và các đồng phạm đang có mặt ở Toà hôm nay!

(Các anh chị nhìn tấm ảnh này, có thấy đây là bóng dáng của một kẻ giết người hay không, hay chỉ là một cá nhân cùng cực bị đẩy đến đường cùng, Đặng Văn Hiến – người đang bật khóc)”.

(Hết bài của Hữu).

Vụ án này, trước khi Hiến đầu thú, tôi đã có mấy ngày đến nhà các nạn nhân của Hiến. Tất cả nạn nhân đều khổ, rất nghèo khổ, và không biết chữ. Nhiều người là đồng bào chưa đủ tuổi lao động. Vì miếng cơm, họ bị ông chủ đưa vào rừng với gậy gộc và dao búa để tấn công những người nghèo khác, để làm giàu cho những ông chủ táng tận lương tâm. Thấp thoáng phía sau những ông chủ này là những cán bộ vô trách nhiệm, thoải mái cho dân ta tàn sát dân mình.
Hiến giết 3 mạng người trong bước đường cùng / bởi trước khi gia đình Hiến bị tấn công, máu dân làng đã nhuộm đỏ từng gốc cây, ngọn cỏ. Có người bị chém bay một phần sọ trong sự dửng dưng của đám cổ cồn.
Những nạn nhân của Hiến và chính Hiến, là nạn nhân của sự tham tàn vô độ của những kẻ ăn trắng mặc trơn, sống trên máu và mồ hôi của người yếu thế.
Hôm nay Hiến bị tuyên tử hình.
Nếu Hiến bỏ trốn, có thể Hiến đã thoát sang biên giới, và vụ án không thể sáng tỏ.
Cũng có thể trên đường trốn chạy, sẽ có súng nổ máu đổ…
Cũng có thể ai đó đi rừng sẽ phát hiện một bộ xương trắng nằm cạnh khẩu súng ở một bờ suối nào đó.

Nhưng Hiến đã nhờ anh Hưng và Ấn, Hứa Phương, đưa ra đầu thú.
Nếu thời gian có quay trở lại, tôi / tôi nghĩ là chúng tôi – vẫn phải đưa Hiến ra đầu thú. Không thể khác được.
Chỉ mong phiên tòa phúc thẩm; Hiến còn cơ hội sống.

234630cookie-checkNhững nạn nhân của Hiến và chính Hiến, là nạn nhân của sự tham tàn vô độ của những kẻ ăn trắng mặc trơn, sống trên máu và mồ hôi của người yếu thế.