Tuesday, November 5, 2024
HomeBLOGNhớ ruộng rau muống Sơn Tây (Lộc Hưng)

Nhớ ruộng rau muống Sơn Tây (Lộc Hưng)

FB Bùi Văn Phú

6-2-2019

Trong tuần lễ đầu năm 2019, nhà cầm quyền Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho xe múc đất xuống phá sập 112 căn nhà của người dân ở Phường 6, trong khu vực được biết đến là Vườn rau Lộc Hưng, nằm sau nhà giây thép gió và bưu điện Chí Hoà, trên đường Cách mạng Tháng 8.

Xóm đạo Lộc Hưng thanh bình trước ngày bị tàn phá

Đợt ủi nhà diễn ra lần đầu vào ngày 4/1/2019 với hơn chục căn hộ bị phá sập và sau đó vào ngày 8/1 đã diễn ra đợt cưỡng chế thứ nhì, qui mô hơn, với cả trăm căn bị ủi sập.

Những nhà này được xây dựng không giấy phép trong vòng mười năm qua vì nhà nước đã không giải quyết quyền sử dụng đất ở đây, dù người dân đã khiếu nại suốt hai thập niên mà từ thành ủy đến trung ương đã không trả lời.

Quá trình tranh cãi về quyền sử dụng đất nằm trong một khu vực rộng gần 50 nghìn mét vuông, nơi những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 đã canh tác bằng nghề trồng rau từ đó đến nay, vì thế nơi này đã từng có tên là “ruộng rau muống Sơn Tây”, sau này gọi là “Vườn rau Lộc Hưng”.

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 Photo: RFA

Hành vi cưỡng chế của nhà nước trong những ngày qua đã khiến mấy trăm dân không còn chỗ ở. Họ là con cháu của những người đã sống ở đây từ năm 1954; là những người từ nơi khác mới về đây sinh sống, sang nhượng lại đất để xây dựng nơi cư trú chỉ qua những lời hứa miệng hay giấy tờ cam kết trao tay nhau, không có công chứng từ các cơ quan hành chánh vì là vùng đất còn đang có tranh chấp. Trong số những người bị cưỡng chế rời nơi cư trú có một số thương phế binh Việt Nam Cộng hoà đang tá túc trong một cơ sở do các linh mục công giáo tạo dựng nên để giúp đỡ họ có mái che thân.

Theo ông Cao Hà Trực trả lời phóng viên Amen.TV, gia đình ông đã canh tác trên những thửa ruộng này từ ngày bố mẹ ông di cư vào Nam và đất này thuộc Hội Thừa sai giao cho giáo hội công giáo Việt Nam quản lý. Gia đình ông vẫn canh tác, đóng thuế và tuân thủ những yêu cầu khác của chính quyền liên quan đến luật đất từ trước cũng như sau năm 1975 và cả những luật mới nhất. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn chưa cấp một thứ giấy tờ gì để chứng minh quyền sử dụng đất của dân trong khu vực.

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018

Khi cơ quan chức năng thi hành lệnh cưỡng chế, ông Trực là người đại diện dân để mạnh mẽ phản đối chính quyền và trong ngày 8/1 ông đã bị bắt giam khi công an, cảnh sát và dân phòng phong toả khu vực trong khi xe múc phá tan nát những căn nhà mà nhà nước cho là được xây dựng trái phép trên đất công. Ông Trực chỉ được thả về sau khi việc phá sập hàng trăm căn nhà đã được thi hành.

Trên thực tế khu đất đó không phải đất công mà là đất của Giáo hội Công giáo từ trước năm 1954 và khi có người di cư từ Bắc thì họ được giáo hội cho thuê canh tác và nhiều người còn giữ giấy chứng nhận thuê mướn đất của Họ Chí Hoà, thuộc giáo hội.

Một số văn bản, khế ước thuê đất và biên lai đóng thuế mà người dân ở đây đưa ra trong những ngày qua để chứng minh họ có quyền sử dụng đất hợp pháp.

Các giấy tờ như Tờ Tá mướn đất của ông Vũ Lỗ ký ngày 1/1/1954 với cha sở Họ Chí Hoà; khế ước mướn đất của ông Nguyễn Văn Quyền ký ngày 1/1/1975 với Toà Tổng giám mục Sài Gòn; hay biên lai đóng thuế đất của ông Vũ Lỗ, của ông Nguyễn Văn Rơi sau ngày 30/4/1975 đã chứng minh họ là người đã sử dụng đất từ nhiều chục năm và theo luật mới về đất đai ban hành năm 1993 thì họ có đủ tư cách để được xác minh quyền sử dụng đất hợp pháp.

khế ước thuê đất trồng rau muống của dân từ năm 1963-1975, 1969-1975

Tuy nhiên từ nhiều năm qua nhà nước đã không xác minh cho họ và lại tìm cách thu hồi đất. Để tiến hành việc cưỡng chế, các cơ quan chức năng đưa ra những giải thích và chứng cớ không thuyết phục, cho rằng đó là khu đất công, cần thu hồi theo chính sách đất thuộc về toàn dân do nhà nước quản lí.

Trong hai thập niên qua nhà nước đã và đang thực hiện chính sách thu hồi đất của dân để qui hoạch những dự án, công trình mà quan chức nhà nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi cho phép những công ti, nhà đầu tư xây nhà, chung cư hay xây khu thương mại còn người dân chỉ được bồi thường với giá rẻ.

Một người có nhiều kinh nghiệm đầu tư nhà đất cho biết việc nhà nước trợ giúp 7 triệu đồng một mét vuông cho những ai bị thiệt hại là một giá thấp vì đất khu vực này giá trung bình ít ra cũng 35 triệu đồng một mét vuông.

Nhiều khu đất trước nay thuộc về các giáo hội, nằm tại những trung tâm chính của các thành phố lớn, nhà nước muốn lấy lại không được thì tìm cách đập phá hoặc gây khó khăn cho tu sĩ đang trụ trì ở đó, như chùa Liên Trì hay dòng Mến Thánh Giá, như đất Toà Khâm sứ, đất dòng Chúa Cứu Thế, đất ở Cồn Dầu.

Hơn một thập niên trước, sự kiện đất Toà Khâm sứ ở Thủ đô Hà Nội đã gây căng thẳng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó cũng đã đến tham quan xem hư thực thế nào, nhưng rồi cuối cùng nhà nước cũng đã cưỡng chế lấy mảnh đất này để nhanh chóng biến thành công viên.

Khu vực đất Lộc Hưng hiện nay cũng thế, sau nhiều năm nhà nước muốn chiếm đất để khai thác, nói là xây dựng chung cư, trường học, công viên nhưng không được, vì quyền sở hữu thuộc về giáo hội công giáo đã có từ lâu đời.

Văn thư ngày 31/8/2007 của linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện Toà Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thích rất rõ, với các văn kiện chứng minh giáo hội công giáo là chủ đất, qua thư ngày 17/2/1955 của Đại úy Pháp Moinard, là người trông coi đài phát tín khi đó. Thư của linh mục giám quản tổng giáo phận cũng xác minh quyền sử dụng đất của người dân ở đây đã có từ năm 1954.

Năm 1954 thày u tôi cũng di cư vào Nam. Tôi được sinh ra và lớn lên ở xứ Nghĩa Hoà, cạnh Lộc Hưng, biết cánh đồng trồng rau này là “Ruộng rau muống Sơn Tây” và nghe người lớn kể rằng người di cư vào đây là gốc Sơn Tây ngoài Bắc, nên tiếp tục trồng rau muống.

Ngày còn nhỏ, vào mùa mưa tôi hay cùng đám bạn từ Nghĩa Hoà ra ruộng bắt cá rô, cá sặc và nhiều lần bị ngạnh cá trê đâm chảy máu tay. Con đường Chấn Hưng thường lụt nước tôi còn nhớ mãi, trước năm 75 không biết có tên gì không, nhưng tôi nhớ từ Lê Văn Duyệt (giờ là Cách Mạng tháng Tám) bên kia đường có tiệm cháo gà, quẹo vào, qua chỗ lụt nước có khi đến đầu gối, chạy thẳng là qua Nam Hoà, rẽ phải là đền thánh Phêrô Thi, rồi qua nhà thờ Lộc Hưng và trường Văn Đức bên trái, bên phải là ruộng rau. Ngày nắng nóng, nơi đây có gió thoáng mát, có cánh diều bay trên những luống rau xanh ngát.

Con đường Hưng Hoá nối qua đường Nghĩa Hưng, cũng là những tên đường tôi chỉ nghe biết sau này, dẫn đến nhà thờ Nghĩa Hoà, chợ Nghĩa Hoà. Qua những khu này có nhà cùa anh Thanh là đại úy cảnh sát mà tôi hay gặp ở nhà hoạ sĩ Lữ Thê Đinh Văn Rật ở gần xóm, có anh em của anh Phượng cụt chân may quần áo, anh Ti khiếm thị bán vé số. Có con hẻm dẫn ra tiệm giặt ủi An Nam, qua bên kia có nhà của ông trưởng ấp Lộc Hoà là Ngô Văn Bột.

Tôi nhớ ngay bên cánh đồng rau này, vài ngày trước 30/4/1975 tôi và hàng nghìn người đã ra đây đứng nghe Tướng Nguyễn Cao Kỳ kêu gọi ở lại, sống chết với quê hương.

Khu vực này trước năm 1975 khi các linh mục kêu gọi đi biểu tình là bà con tụ họp trước sân nhà thờ rồi hàng nghìn người kéo nhau đi bộ lên Bộ Tổng tham mưu, công trường Lam Sơn hay Bùng binh Bến Thành để tuần hành. Một lần có 6 người biểu tình trước Bộ Tổng Tham mưu bị tử thương vì đạn do lính gác cồng bắn, anh Phượng bị trúng đạn và phải cưa chân. Quan tài của sáu người chết đặt ở nhà thờ Tân Sa Châu, tôi và đứa bạn hàng xóm đã rủ nhau đi viếng và đọc kinh cầu nguyện.

Quanh đây là những xứ đạo, nơi định cư của hầu hết người công giáo di cư với những tên mang ý nghĩa an bình: Thái Hoà, Nam Hoà, An Lạc, Nghĩa Hoà, Chí Hoà, Nam Thái. Xứ Nghĩa Hoà có cha Đinh Huy Năng, cha Mai Chí Thành, có trường trung học Thánh Giuse. Lộc Hưng có cha già Đỗ Đức Hân làm hạt trưởng Chí Hoà, cha Nguyễn Xuân Thu làm hiệu trưởng trường Văn Đức. Nam Hoà có trường Khai Quang. Chí Hoà có trường Mai Khôi. Đầu đường Thánh Mẫu có toà soạn báo Xây Dựng của cha Nguyễn Quang Lãm.

Ngày học cấp hai trường Thánh Tâm Ngã Ba Ông Tạ, nay là Trung học cơ sở Tân Bình, tôi được biết đến những món ngon đất Bắc trong giờ Văn: “Dưa La, Cà Láng, Nem Báng, Tương Bần”, cùng với “Rau muống Sơn Tây, cá rô Đầm Sét.”

“Ruộng rau muống Sơn Tây” là cái tên gợi nhớ và chút thân thương của quê Bắc ngay giữa Sài Gòn trong hơn nửa thế kỷ qua nay không còn nữa.

Sau hai đợt san bình địa hơn trăm căn nhà khiến mấy trăm dân bỗng dưng trắng tay, trở thành kẻ không nhà và chính quyền đã treo lên sơ đồ phác hoạ dự án xây trường học và được canh gác an ninh chặt chẽ.

Một lần nữa, việc cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng cho thấy nhà nước cướp đất và không quan tâm đến việc giải quyết khiếu kiện của dân. Mà đã là đất ăn cướp thì có xây dựng cơ sở giáo dục, dù là cụm trường mang đẳng cấp quốc gia, những ngôi trường này sẽ có chuyên chở được tinh thần nhân văn và ý nghĩa nhân bản của giáo dục hay không?

Tôi nhớ lần sau cùng Lộc Hưng tan hoang là khoảng năm 1970 khi có vụ hoả hoạn thiêu rụi mấy chục nóc gia trên con đường từ ngã tư quốc tế Nghĩa Hoà sang Lộc Hưng, có tiệm hớt tóc của ông Bảo mà tôi ra đó cắt tóc mỗi tháng. Chỉ ít lâu sau, với sự giúp đỡ của chính quyền và giáo hội người dân đã có được nhà mới để ở.

Nhà cửa tan hoang lần này đến với Lộc Hưng là do lãnh đạo cộng sản gây nên. Không biết đến bao giờ người dân ở đây mới có cơ hội xây dựng lại nhà cửa hay đòi được công lý.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular