Friday, July 26, 2024
HomeBình Luận-Quan Điểm"NGỌN CỜ" VÀ QUY TẮC TRÁCH NHIỆM NGẦM 

“NGỌN CỜ” VÀ QUY TẮC TRÁCH NHIỆM NGẦM 

Quan Diem Lua Chon

Ngày nọ, quý vị có một quyết định để đời, bước một bước sang phía phản biện, đối kháng, giới hoạt động phản bác/đối, bất đồng với một chế độ X, được cho là độc tài, toàn trị, xấu ác…

Quý vị có thể hành động thế nào? Phát ngôn, ra thông điệp, tham gia các hoạt động, đơn phương đưa ra hành động v.v…, hình thức có thể có nhiều, trong đó, chẳng hạn bước đầu ra sách, viết báo, công bố hồi ký, tự truyện, viết blogs, trả lời phỏng vấn v.v…

Sau khi được chú ý và hoan nghênh, tiếp nhận bởi công chúng, nhất là khi quý vị ra hải ngoại hẳn rồi, thì diễn tiến tiếp theo có thể là gì? Quý vị được mời tham gia sự kiện nọ, kia, phát biểu về lựa chọn hành động của mình khi bước sang làn ranh khác, trả lời công chúng, chia sẻ thêm về những thông điệp, tuyên ngôn, phát ngôn của mình, trong đó cũng có thể về các tác phẩm của mình, sách, báo, hồi ký, tự truyện, triết luận v.v…

Bước tiếp, quý vị được mời, được đề cập, giới thiệu với vai trò đó, chẳng hạn nhà văn, nhà thơ, nhà báo, trí thức, nhà hoạt động, nhà phản biện, nhà bất đồng, chiến sỹ tranh đấu cho công lý, sự thật v.v… Các giới thiệu này trong nhiều năm, đi kèm với việc quý vị được mời tham gia các sự kiện, thậm chí được tài trợ đi lại, ăn ở, sinh hoạt do cộng đồng, công chúng đứng ra lo, và trợ giúp, để quý vị có thể tiếp tục các hoạt động của mình, mà qua thời gian là tiếp tục sáng tác, phát ngôn, hành động, hoạt động trong làn ranh mới đó.

Cùng với thời gian, quý vị có thể trở thành một biểu tượng, thậm chí thần tượng, hay ngọn cờ nọ, tấm gương kia, minh chứng nọ, nhân chứng lịch sử, nạn nhân chính trị, nạn nhân của bất công, đàn áp nọ kia, và nếu quý vị không hề yêu cầu giải thích lại, giải thích khác, không giới thiệu, tự giới thiệu, hay không làm gì để được giới thiệu khác đi, thì ID – căn cước, bản sắc chính trị của quý vị tại môi trường hoạt động mới, như ở hải ngoại chẳng hạn, được xác lập.

Vẫn cùng với thời gian, quý vị tiếp tục xuất hiện trên nhiều platforms, không gian, diễn đàn chính trị, văn hóa, truyền thông xã hội, cộng đồng, thậm chí quốc tế, như vậy, và trở thành nhân vật của công chúng.

Một trong những tác động của việc có ID – identity – căn cước chính trị như thế sẽ là thế nào? Chẳng hạn quý vị là nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà tư tưởng, nhà hoạt động lý luận, hay thực tế, nhà vận động, người làm chứng chuyên nghiệp v.v… thì quý vị sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định, và sẽ có những thành viên trong công chúng CHỊU ẢNH HƯỞNG, thậm chí làm theo, đi theo.

Như vậy lúc này sẽ ít nhất diễn ra hai chiều kích, một là quý vị có vị thế và phát huy ảnh hưởng của vị thế đó (dù trực tiếp, gián tiếp, dù vô tình, hay hữu ý…), quý vị càng được săn đón, tung hô, thừa nhận, ủng hộ, bênh vực, nghe theo, đi theo, tôn thờ, được chịu ảnh hưởng v.v… bao nhiêu, thì ở chiều kích kia, TRÁCH NHIỆM cũng tăng theo tương ứng.

Cụ thể, có một PHÉP THỬ cho thấy ngay trách nhiệm thế nào. Đó là chẳng hạn tới một ngày, công chúng thấy quý vị TRỞ VỀ với phía bên kia, hoặc QUAY VỀ NƯỚC, với sự cho phép của chế độ mà quý vị khi bước sang làn ranh trong nhiều năm qua đã phản đối, chống đối, phê phán, thậm chí tố cáo, vạch mặt, buộc tội, mà lại không có lời giải thích rõ ràng (ví dụ quý vị về nước như thế với lý do nào, có thỏa thuận gì không, những bên tham gia thỏa thuận là ai, có điều kiện nào, những điều kiện ấy có ảnh hưởng đến bên thứ ba, bên khác không, có MÂU THUẪN, hay BÁC BỎ lập trường từ trước của quý vị khi bước sang ranh giới mấy (chục) năm trước không v.v…? kể cả trở về với lý do nhân đạo, có ngoại giao can thiệp, hay kênh tôn giáo tác động, thì theo kinh nghiệm, quý vị và những ai đại diện cho quý vị vẫn chịu một kỳ vọng/chờ đợi NGẦM, đó là phải có lời giải thích.

Tại sao phải GIẢI THÍCH, là bởi vì do quý vị từ trước là “ngọn cờ”, hoặc có ID – căn cước, bản sắc, mô tả chính trị như thế (mà quý vị không phản đối, phản bác, yêu cầu giải thích khác), trái lại tiếp tục tham gia, tham dự và phát huy ảnh hưởng dưới những vị thế, vai trò, miêu tả căn cước chính trị – xã hội như thế,  dù quý vị có thể nói người ta tự cho thế, tôi không tự cho vậy, quý vị, trên tư cách nhân vật công chúng, đã tác động vào quần chúng, công chúng và các quá trình, khuynh hướng, xu thế, hoạt động, hành động và lựa chọn chính trị, tư tưởng, tư duy của nhiều thành viên công chúng rồi – cái đó quý vị thừa biết – nhà hoạt động, nhân vật công chúng nào cũng tạo ra tác động ít nhiều với môi trường và công chúng ở lĩnh vực, địa hạt mà quý vị dự phần.

Và những hành động của quý vị (phát ngôn, tư tưởng, hành động, các ấn phẩm chính trị, văn hóa, văn nghệ, truyền thông, các bài diễn thuyết, các lời chứng, các cuộc trả lời phỏng vấn, các sáng tác v.v.. này nọ) đều có thể tác động (tới quá trình hình thành, phát triển) tư duy, nhận thức và hành động của công chúng, hay bộ phận công chúng, mà trong đó có thể có nhiều người chịu ảnh hưởng đến mức, họ bất chấp RỦI RO, bước sang lề khác, đi qua ranh giới, mà khó bước trở lại, khi làm rõ quan điểm chính trị, tư tưởng chính trị của họ, và có thể chịu sự TRỪNG PHẠT, CHẾ TÀI của chế độ X, nhà nước Y mà là độc tài, chuyên chế, toàn trị.

Họ chịu RỦI RO như thế, có lý do, nguồn gốc trực tiếp, gián tiếp,, ít nhiều từ quý vị, mà nay quý vị lại xoay chiều, đổi hướng, nếu thực là có chuyện thế, thì liệu họ có bị VIỆT VỊ không? Rủi ro của họ do bị ảnh hưởng của quý vị dẫn đến hành động, quyết định và lựa chọn chính trị, thay đổi tư tưởng chính trị, vốn dĩ không dễ dàng thu hồi, thay đổi trở lại như cũ, sau khi họ đã tuyên bố, hay làm cho công khai, hoặc xảy ra trên thực tế, thì nay ai sẽ CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Đương nhiên quý vị có thể nói, à HỌ LÀM HỌ CHỊU, AI BẢO HỌ NGHE THEO NGƯỜI KHÁC, mà tôi không có nhu cầu ai đi theo, nghe theo nhé, tôi cũng không phải/dám là “người khác” đó nhé v.v…, nhưng nếu thời gian quay trở lại ban đầu, quý vị sẽ nói trước rằng: “Này công chúng, đồng bào, anh chị em mến yêu, những lời tôi nói, những lời chứng tôi nói, những dòng tôi tố cáo chế độ X, Y, Z ấy có thể một ngày tôi thay đổi đấy nhé, hoặc có ngày tôi sẽ trở lại đất nước dưới sự cho phép của chế độ ấy, rồi có thể những lời tố cáo của tôi, tôi có thể hủy bỏ, thay đổi, hoặc lập trường của tôi có thể đổi thay này khác vân vân, vân mây…!”, thì liệu quý vị có được công chúng ở lề bên kia (trái ngược với chính quyền, chế độ nọ) tin, nghe theo, ủng hộ, chia sẻ, bao bọc, rồi thậm chí tôn thờ, đi theo như bao (chục) năm qua hay không?

Điều ấy, thiển nghĩ, có thể là một quy tắc đạo lý, đạo đức, thậm chí là đạo đức chính trị ngầm, mà quý vị cần phải cân nhắc trước, trước khi “dấn thân”, “bẻ lái”, làm NGỌN CỜ nọ kia! Xin quý vị thử ngẫm lại mà xem!

(Vài lời gửi những quý vị nào đã, đang tranh đấu ở đâu đó với những chế độ như tại Bắc Hàn, Lào, Cuba, hay Eritrea bên châu Phi, nhất là với những ai và những người đứng sau những cuộc trở về của họ, dù sự thực có thể mất lòng, cực chẳng đã phải viết, nói ra!”

NQP, London, Anh quốc, 04/2/2023

(Một mạch tiếp tục với chủ đề “trách nhiệm – accountability”, có liên hệ với khía cạnh nghĩa vụ và lương tâm và kêu gọi, cầu nguyện cho sự lành, sự thiện, sự thực và công lý được giữ gìn!)

https://www.facebook.com/quandiemluachon/posts/pfbid0ecgBcexwfPSYZUUxjiWgyXaCGGKsZQSWuURpkPCYpMEiQNGzdrian8Tw11X2mT7Xl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular