Nếu bạn là Hồ Duy Hải, bạn sẽ muốn được đối xử như thế nào?

0
357
Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Báo Lao Động
LUẬT KHOA

Phương Tây và phương Đông, tuy xa xôi cách trở, văn hóa khác biệt, nhưng đều đồng ý với nhau một chuyện, ấy là ta nên đối xử với người khác như cách ta muốn người khác đối xử với mình.

Trong Kinh Tân Ước của Ki-tô giáo có chép lại lời Chúa Jesus: “Hễ điều gì anh em muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ” (Mat 7:12; Lu 6:31;).

Còn Khổng Tử thì nói trong Luận ngữ rằng: “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).

Ta có thể tìm thấy nguyên tắc đạo đức này trong nhiều tôn giáo, tư tưởng từ Đông sang Tây, và nó được gọi là “quy tắc vàng” trong đối nhân xử thế. Ở ta cũng có câu cửa miệng rằng nên đặt mình vào vị trí của người khác để phán xét, thì ý nghĩa cũng tương tự vậy.

Vậy nếu bạn là Hồ Duy Hải, bạn sẽ muốn được đối xử như thế nào?

Đặt ra câu hỏi đơn giản này hóa ra lại cực kỳ quan trọng và có thể hóa giải được nhiều cuộc tranh cãi trên mạng hiện nay.

Số là nhiều người nói thế này:

  • Không có tội mà lại đi nhận tội.
  • Bọn cá độ cờ bạc túng quẫn như nó thì có giết người cũng chả có gì lạ.
  • Tòa từ trên xuống dưới ngu cả hay sao mà kết án oan cho nó.
  • Với bọn máu lạnh thì nhiều khi phải đánh cho ra bã nó mới chịu khai.
  • Cứ giam nó lại đã, khi nào chứng minh được nó phạm tội hoặc tìm được hung thủ thực sự thì thả sau cũng chưa muộn.
  • Bà mẹ Hồ Duy Hải vĩ đại thật đấy, nhưng mà yêu con mù quáng.

Hay có vị quan tòa thì nói thế này:

  • Tuy có sai sót trong điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
  • Vào những lúc quan trọng không kêu oan, chứng tỏ phạm tội.
  • Lời khai khớp với hiện trường vụ án.

Giờ hãy tưởng tượng bạn là Hồ Duy Hải, mặc quần áo phạm nhân, bị giam chờ ngày xử tử. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nghe những lời trên? Và bạn mong muốn điều gì?

Bạn muốn buông xuôi tất cả và chấp nhận chờ tiêm thuốc độc?

Hay bạn muốn những điều tra viên gây ra những sai sót nêu trên bị truy tố và xét xử về “tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” theo Điều 375 Bộ luật Hình sự?

Hay bạn muốn điều tra lại vụ án này để tránh những sai sót tố tụng kể trên và để đưa ra bản án công tâm nhất dựa trên những chứng cứ được thu thập đúng pháp luật?

Hay bạn muốn mọi phiên lấy cung đều có mặt luật sư của bạn và được ghi hình toàn bộ?

Hay bạn muốn phiên tòa diễn ra công khai, có mặt luật sư và người nhà của bạn, có mặt báo chí trong nước và quốc tế?

Và bạn có muốn hội đồng xét xử bao gồm ông Nguyễn Hòa Bình – là người đã quyết định không kháng nghị vụ án của bạn khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao?

Thường người ta dễ dãi hơn khi phán xét những việc chẳng liên quan đến mình. Tuy vậy, pháp luật dành cho tất cả mọi người và đối xử với mọi người như nhau (về nguyên tắc là thế). Do đó, lời phán xét của bạn cũng phải được áp dụng trong trường hợp bạn rơi vào vòng lao lý. Tức là nếu bạn trở thành bị can, bị cáo, bạn phải chấp nhận được đối xử tương tự như cách bạn muốn Hải được đối xử. Bạn phải chấp nhận lấy thân mình ra để làm chứng cho lời bạn nói.

Thậm chí, bạn còn phải hình dung con đẻ của mình hoặc bố mẹ đẻ của mình rơi vào vòng lao lý. Lúc đó bạn muốn họ được đối xử ra sao? Ta hãy xem ta muốn muốn tiến trình tố tụng như thế nào, và áp dụng đúng điều ta muốn cho Hồ Duy Hải.

Những gì chúng ta cổ xúy, hô hào ngày hôm nay sẽ tạo nên văn hóa pháp lý, văn hóa chính trị của xã hội ngày mai. Văn hóa pháp lý, văn hóa chính trị lại định hình nên thể chế, bao gồm cả tòa án, mà chính chúng ta hoặc con cháu chúng ta có trong tương lai.

Phương Tây có câu cửa miệng thế này: “Be careful what you wish for”. Tức là hãy cẩn thận với những thứ bạn mong muốn, hàm ý rằng chính điều ta muốn có thể sẽ quay lại hại ta trong tương lai.

Vậy nên, ta hãy cẩn thận với những gì ta muốn với Hồ Duy Hải.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

535420cookie-checkNếu bạn là Hồ Duy Hải, bạn sẽ muốn được đối xử như thế nào?