Saturday, July 27, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmMười tám tháng chiến tranh của Nga ở Ukraine và những băn...

Mười tám tháng chiến tranh của Nga ở Ukraine và những băn khoăn – phần 5

Phúc Lai

7. Vài câu hỏi liên quan đến Crimea và Nikita Khrushchev. 

“Crimea là đất Nga hay Ukraine” hay “Có phải nếu không có Nga thì Crimea đã là của Thổ Nhĩ Kỳ hay không?”

Crimea là một vùng đất luôn độc lập với Nga mặc dù Nga đã thực hiện nhiều nỗ lực vào nhiều thời điểm khác nhau để xâm lược bán đảo này và tiến hành thanh lọc sắc tộc đối với người Tartar bản địa (và cả với cộng đồng người Hy Lạp và Ukraine sống tại đây). Bán đảo Crimea cũng là nơi sinh sống của người Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thế kỷ trước khi bị xâm chiếm và chiếm đóng dưới thời Catharine Đại đế và dưới thời Liên Xô.

Lịch sử của Crimea chưa bao giờ thuộc về Nga nhưng đã bị Nga xâm chiếm nhiều lần, mỗi lần họ đều trục xuất người dân địa phương và cố gắng cưỡng bức “Nga hóa” những cư dân còn lại. Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm chiếm Crimea trong nhiều thế kỷ, nó thường được bảo vệ thành công và luôn là một quốc gia độc lập về mặt pháp lý (trong suốt lịch sử chưa bao giờ có quốc gia nào khác coi Crimea là một phần hợp pháp của Nga.)

Trên thực tế, lần đầu tiên Crimea được Nga sáp nhập hợp pháp là vào năm 1945, sau Thế chiến thứ Hai khi nhiều cường quốc thế giới chấp nhận dịch chuyển về biên giới và chủ quyền quốc gia như một món chiến lợi phẩm của chiến tranh – Königsberg thuộc miền đông Phổ, quần đảo Kuril của Nhật… là những ví dụ cụ thể nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử Crimea được sáp nhập hợp pháp vào Liên Xô vào năm 1945, đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với người dân Crimea bản địa, chủ yếu là những người nói tiếng Tartar và người Ukraine, những người mà trên vùng đất này đã có độc lập trong nhiều thế kỷ bất chấp thời gian bị nước ngoài chiếm đóng bằng cách xâm lược – nhất là người “Rus” Moscovite mà người Nga hiện nay là trực hệ. Crimea chỉ là một phần của Liên Xô (Nga) trong 9 năm trong tất cả các thế kỷ lịch sử của nó, đến năm 1954 tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev buộc phải trả lại nó cho Ukraine.

Người ta vẫn bảo: đây là một món quà của Khrushchev cho Ukraine, vì ông này… có vợ người Ukraine. Điều này không đúng, đó không phải là một “món quà cho Ukraine” mà là một nước cờ để giải quyết chính sách dân tộc dưới thời Xô-viết. Nhận thấy nhu cầu thực tế là phải hàn gắn sự rạn nứt ngày càng gia tăng và nguy hiểm giữa người Ukraine và những kẻ xâm lược Nga – “Rus” Moscovite, Nikita tranh thủ vị thế của mình là một người được coi có sự giao thoa văn hóa – dân tộc rất rõ ràng giữa Ukraine và Nga, cũng tranh thủ sự ảnh hưởng của bản thân trong Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đưa ra quyết định mà chính quyết định này ngày nay bị nhiều người Nga oán hận.

Tuy nhiên, ngay cả khi được trao về cho Ukraine thì một khi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc đỏ, nước Nga vẫn tiếp tục các chiến thuật tương tự mà họ đã sử dụng dưới thời chiếm đóng trước đó, cụ thể là thanh lọc sắc tộc bằng cách trục xuất người Tartar bản địa và người Ukraine – Crimea và tiến hành quá trình “Nga hóa” nền văn hóa Ukraine nói chung, Crimea nói riêng.

Sau này, Crimea vẫn là một phần của Ukraine khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, chế độ sở hữu này đã được Nga công nhận nhiều lần trong luật – lần đáng kể nhất là Hiệp ước Budapest trong đó Nga tuyên bố tôn trọng đường biên giới năm 1991 của Ukraine, và điều này bị xé toạc bằng hành động sáp nhập bất hợp pháp của Liên bang Nga dưới thời Putin năm 2014.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm 2022 đánh dấu một chính sách mới khi người Nga tiến hành trục xuất người dân Crimea trong một chiến dịch Nga hóa và thanh trừng sắc tộc khác. Sau khi trục xuất hoặc đe dọa người dân bản địa Crimea, người Nga đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gian lận nhằm cố gắng hợp pháp hóa việc sáp nhập Crimea vào năm 2022 của họ. Hàng chục nghìn người Tartar bản địa người Ukraine bị cưỡng bức di dời (trục xuất) khỏi Crimea. Cũng do cuộc thanh lọc sắc tộc này của người Nga, những người dân bản địa cũ của Crimea đã không còn cơ hội có tiếng nói trong cuộc trưng cầu dân ý đó.

Về vấn đề này, trong năm 2022 Chính phủ Ukraine đã có tuyên bố: những người Tartar bị trục xuất và những người Ukraine hiện bị bắt buộc phải sống ở Nga có nguồn gốc từ Crimea phải được bỏ phiếu về tương lai của Crimea và quyền được quay trở lại nơi cư trú trước đây.

Ngược dòng lịch sử, đúng là có nhiều lần Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Hãn quốc Crimea của người Tartar và người Nga cũng có vài cuộc chiến tranh với người Thổ Nhĩ Kỳ. Có một vị chuyên gia người Việt Nam rất khả kính, thông thạo về các vấn đề liên quan đến Nga nêu ý kiến rằng “nếu không có Nga thì Crimea đã là của Thổ Nhĩ Kỳ.” Điều này đúng không?

Crimea là một quốc gia độc lập của người Tartar – vốn làm chủ vùng đất bán đảo này từ thế kỷ XIII đến tận năm 1774, là thời điểm chấm dứt cuộc Chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ nhất. Ngày 21/7/1774, Đế quốc Ottoman ký kết Hiệp ước Kuçuk Kainarji với Đế quốc Nga. Theo Hiệp ước này, Hãn quốc Crimea (Krym là cách viết khác) chính thức được công nhận là một nước độc lập (với ý nghĩa là quốc gia thời kỳ cận đại!), nhưng trên thực tế là nước chư hầu của Nga Sa hoàng.

Như vậy, Crimea là của người Tartar – mà để rõ hơn về lịch sử chút nữa ta có thể gọi là… Thát Đát (Sát Thát thời nhà Trần là dân tộc này, người Đại Việt gọi chung tất cả dân Mông cổ sang xâm lược như vậy), cũng như Ukraine của người Ukraine, nhưng do yếu tố lịch sử – địa lý thì cư dân Ukraine sinh sống ở Crimea đã từ lâu đời và đã bắt đầu có sự giao thoa về dân tộc, để hình thành những cộng đồng dân cư đặc thù mới. Do vậy từ hàng trăm năm qua, trong các cộng đồng dân cư của Crimea: người Tartar, người Ukraine và cả người Cô-dắc (Cossak) sông Đông… đã diễn ra một quá trình hòa huyết nhất định để hình thành cư dân mới của Crimea độc lập. Cần khẳng định rằng chưa bao giờ người ta người Nga là dân bản địa Crimea, cũng như Crimea là lãnh thổ của Nga cả. Vì vậy cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chín lần trong lịch sử cho đến lần cuối đầu thế kỷ XIX (từ năm 1806 đến năm 1812) thực chất là những cuộc tranh giành vùng Hắc Hải – Crimea chứ không có chuyện “Nga bảo vệ Crimea hộ cho người Crimea.”

Quay lại với Nikita Khrushchev, tại sao trong khi ông này tuyên bố một cách rõ ràng rằng mình là người dân tộc Nga (khi khai lý lịch: bố người Nga, mẹ người Nga) nhưng người ta vẫn thường xuyên nói ông ta “là người Ukraine” (tôi cho vào trong ngoặc kép) mà không có nhiều người ở Liên Xô, ở Nga… phản đối?

Khrushchev xuất thân từ khu vực chuyển tiếp từ Nga sang Ukraine, cụ thể là từ vùng Kursk. Xét về tính cách, sở thích và sở thích văn hóa của mình, ông ta giống người Ukraine hơn là người Nga, thậm chí ông ấy còn kết hôn với một phụ nữ Ukraine đến từ Tây Ukraine. Trong đời sống của mình, Khrushchev thường mặc áo sơ mi thêu cổ truyền Ukraine bên trong Âu phục, và đặc biệt thích nghe dân ca Ukraine.

Thực tế thời Liên Xô không có ranh giới sắc tộc được xác định rõ ràng giữa Tây Nam nước Nga và Đông Ukraine. Vào thời Xô-viết, dân cư ở cả hai bên biên giới Nga với Ukraine là như nhau, họ là người Nga, người Ukraine và người lai Nga – Ukraine. Khi tìm hiểu lại ký ức của dân Liên Xô cũ về Khrushchev, thì những cư dân Mátxcơva cho biết: đối với một người sống ở Mátxcơva thì đúng là Khruschev “chắc chắn nói với một giọng Ukraine rất nặng.” Tuy nhiên nếu được hỏi ý kiến từ một người Ukraine thì câu trả lời có thể sẽ khác, Khrushchev rõ ràng là cũng không được Ukraine cho lắm. Cũng có những người Ukraine nhận xét rằng ông Khrushchev do có vợ người Tây Ukraine nên dần dần trở nên “rất Ukraine.” Chẳng sao cả, một người Việt có cả bố và mẹ Việt Nam nhưng sinh ở Hoa Kỳ thì suy nghĩ cư xử như người Mỹ, chẳng bao giờ người đó sẽ được coi là người Việt trong cư xử được nữa.

Tuy nhiên, việc Khrushchev hay bị mô tả là “một người Ukraine” có nguyên nhân của nó. Thứ nhất, đó là cách nói khá ẩu và không chính xác, nếu nói cho đúng thì người Nga sẽ nói: “Tay Khrushchev từ Ukraine” và đây là cách nói thường xuyên sau lưng ông ta của những người “đồng chí” trong Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Đơn giản là vì, Khrushchev “lên trung ương” từ một vị trí trong Trung ương Đảng cộng sản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ukraine Xô-viết.

Đến thời Putin – như tôi đã từng viết trong nhiều bài của mình là khoảng từ năm 2006 – 2007 với sự thay đổi chính sách đối đầu rõ rệt với phương Tây, Ukraine trở thành địa bàn chiến lược chính và nóng dần lên trong kế hoạch địa chính trị của Nga, câu chuyện “món quà của Khrushchev cho Ukraine” lại được moi ra. Từ khi đó việc mô tả ông Khrushchev là một người Nga thuần chủng nhưng bị Ukraine hóa, dường như là một “gián điệp của Ukraine trong Đảng cộng sản Liên Xô.”

Như vậy, ở nước Nga mà nghe nói “Lão Ukraine Khrushchev” thì là sự miệt thị cho cả Khrushchev lẫn Ukraine.

Tuy nhiên Nikita Khrushchev lại là người khá tích cực – như dưới thời ông các công dân Liên Xô được đi du lịch nước ngoài hoặc có nhiều mở cửa cho văn học nghệ thuật có thể nói lên sự thật. Vì vậy nhiều khi người ta nói “Khrushchev người Ukraine” nhiều khi lại bao hàm ý nghĩa khác, là muốn nói đến khía cạnh tích cực của vấn đề. Phải chăng khi đó người ta muốn nói đến sự tiên phong và khác biệt, thậm chí là về một sự tiến bộ nào đó?

Người lang thang cuối cùng (Phúc Lai)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular