Saturday, July 27, 2024
HomeGiáo DụcMỘT HOÀI NGHI LỚN VỀ TẤM “CĂN CƯỚC LỊCH SỬ CỦA THÁNH...

MỘT HOÀI NGHI LỚN VỀ TẤM “CĂN CƯỚC LỊCH SỬ CỦA THÁNH MẪU” QUA PHÁT HIỆN CỦA ÔNG CHU XUÂN GIAO – KHOA HỌC HAY ĐOÁN HỌC?

Nguyễn Xuân Diện

Câu chuyện liên quan đến việc tranh chấp tư cách chính – phụ trong nội bộ Phủ Giày giữa Phủ Vân Cát (VC) với Phủ Tiên Hương có thể nói là một cơn gió bụi trăm năm nhuốm màu nhân sinh – thế sự. Nhưng đỉnh điểm của câu chuyện này có lẽ mới chỉ được xác lập cách nay mấy năm với sự xuất hiện vượt trội của ông Chu Xuân Giao – học giả công tác tại Viện Nghiên cứu Văn Hoá (Viện VH) cùng với phát hiện của ông về lai lịch của một đạo sắc phong có hình thức cũ, nát mục một số vị trí quan trọng. Ông Giao tuyên bố rằng, với công phu nghiên cứu của của mình, ông đã “phát hiện” ra đạo sắc này được ban vào năm 1683, là đạo cổ nhất hiện còn lưu giữ.

Để cặn kẽ, ông còn dùng từ “nguyên vật” để nói về hình thức của nó, bất chấp việc nó đã mục nát, không thể khôi phục hay đánh giá thêm gì được về các thông tin thường thấy ở vị trí tương tự với các sắc phong khác.

Liên quan việc này, có một vị đã khá nhanh nhẹn tóm lược quá trình “phát hiện” này trong mấy dòng sau:

QUY TRÌNH PHÁT HIỆN RA SẮC PHONG “CỔ NHẤT PHỦ DÀY”

1. Tìm được một sắc đời Lê rách phần niên đại, không ghi địa phương được ban sắc và tàn khuyết nhiều chữ trong lòng sắc;

2. Tìm bản sao sắc phong của LÀNG KHÁC lưu ở Viện Hán Nôm để lấy niên đại và điền chữ còn  thiếu dựa vào bản sao;

3. Sau khi lắp niên đại của bản sao vào sắc rách và điền chữ còn thiếu theo bản sao sẽ được sắc đầy đủ nội dung và niên đại;

4. Công bố đã tìm ra sắc cổ nhất là nguyên vật;

5. Đăng công bố trên tạp chí khoa học trong nước  để lấy thành tích viết bài, thật thà kể chuyện tìm ra bản sao sắc phong làng khác và việc điền chữ còn thiếu để phục hồi sắc rách dựa trên bản sao đó;

6. QUAY XE–TUYÊN BỐ BẢN SAO VIỆN HÁN NÔM LÀ NGỤY TẠO VÀ MẠNH MẼ LÊN ÁN NHỮNG LÝ DỊCH CHÉP BẢN SAO

7. Đi hội thảo ở Cao Hùng Đài Loan- Giới thiệu lại nội dung đã công bố trong nước.

Mặc dù vị cao nhân này cố tình khiêm nhường kiềm chế những kiến giải của mình bằng 7 đầu mục, nhưng có lẽ để làm rõ sự hợp lý của những ý kiến này trong tương quan với công trình khoa học mà ông Chu Xuân Giao dự kiến sẽ đi công bố ở một hội thảo khoa học quốc tế tại Đài Loan tháng 12 tới đây(?), chúng ta có thể đặt ra một số  hoài nghi để đánh giá về sự đáng tin của những gì ông Chu Xuân Giao đã loan báo về “Căn Cước Thánh Mẫu” – chữ dùng của chính ông Giao.

Thứ nhất, về lý thuyết, một số nhà chuyên môn khẳng định rằng có tồn tại thực tế việc ở cùng một thời điểm, một triều đại quân chủ có thể ban hành hai sắc phong cho cùng một vị thần, thánh với nội dung cơ bản là giống nhau, nhưng sẽ có chú thêm phần địa danh, chỉ nơi thờ tự vị thần được phong sắc.

Bản sao sắc phong có niên đại 1683 do Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) thu thập tại Vân Cát năm 1938 nằm trong nhóm tư liệu ký hiệu AD.a1629 hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hán Nôm – viện). Việc lưu trữ này ngoài nội dung bản sắc được sao chép thành văn bản, còn được lập thành biên bản ghi nhận thời điểm thống kê với sự tham gia của chức sắc, thủ nhang tại bản phủ.

Bản sắc phong “nguyên vật” mà ông Chu Xuân Giao sử dụng để khảo cứu được ghi nhận là bản sắc gốc, được lưu trữ tại phủ Nội, bên cạnh phủ Tiên Hương và được Bảo tàng tỉnh Nam Định bảo dưỡng, khắc phục phần mối mốc. Tuy nhiên, do bản sắc này đã bị mục nát nhiều ở phần trên, trong đó phần đóng dấu, ghi niên đại và địa danh không còn và không thể nhận biết về hình thức được nữa. Ngoài ra còn có một số khuyết tật mà bài trước đã nêu là: Thừa chữ “tinh”, sai chữ “hạnh”, khác chữ “cao” (ảnh 1);

Đây là hai phiên bản độc lập, một thuộc về Vân Cát, một tạm coi là thuộc về Tiên Hương. Và tạm thời, cũng có thể giữ lại giả thuyết hai bản này đều được ban hành vào năm 1683.

Thứ hai, đối với bản “nguyên vật”, tại cuộc khảo sát mở rộng năm 1938 của EFEO không hề có ghi chép, cũng không hề có bất kỳ tài liệu nào dưới dạng ghi chép và chính vị cho thấy sự tồn tại hay chứa đựng những thông tin liên quan đến bản sắc phong này. Bảo tàng tỉnh Nam Định cho rằng bản này được ban hành năm 1734 (Cảnh Hưng 4). Đây là kết quả của sự phán đoán được chính ông Giao tả thuật lại trong báo cáo của mình năm 2018:

“Bốn là, khi đã xác định được niên đại của đạo sắc đó là Chính Hòa 4 (cụ thể thêm thì là “ngày 24 tháng 6 nhuận năm Chính Hòa 4”, tức ngày 16 tháng 8 năm 1683), chúng tôi đã hiểu rằng, báo cáo năm 2013 của Bảo tàng Nam Định đã có nhầm lẫn. Do dòng niên đại trên đạo sắc “Chính Hòa 4” nguyên vật có khuyết mất chữ “Chính Hòa” chỉ còn chữ “4” (chữ mất là bởi giấy sắc bị hư hại), nên cán bộ của Bảo tàng Nam Định đã đọc nhầm nó thành “Cảnh Hưng 4 (ngày 24 tháng 6 nhuận)”…Tra vào lịch vạn niên, chúng ta biết được rằng, nhuận tháng 6 âm thì chỉ có trong năm Chính Hòa 4 (năm Quý Hợi 1683), không thể là Cảnh Hưng 4 (năm Quý Hợi 1743)”.

(Trích bài: CĂN CƯỚC LỊCH SỬ CỦA THÁNH MẪU:PHÁT HIỆN VÀ LUẬN GIẢI ĐẠO SẮC PHONG CỔ NHẤT MANG NIÊN ĐẠI 1683 CHO LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA HIỆN CÒN NGUYÊN TẠI PHỦ GIẦY Ở NAM ĐỊNH (Tiếp theo)- tháng 7/2018.)

Đây chính là điểm mà ông Chu Xuân Giao đặt mình vào để tạo ra một vị thế cho mình, và ông gọi đó là “phát hiện”. Cũng trong báo cáo này, trước đó ông thuật:

“Hai là, qua đọc đối sánh tại chỗ 7 đạo sắc phong nguyên vật của nhóm sắc phong Phủ Nội với 7 ảnh chụp, phối hợp với thông tin từ bản thống kê (TSHN 3634) và bản sao sắc phong (AD.a16/29) như đã trình bày, và đối chiếu thêm với báo cáo năm 2013 của Bảo tàng Nam Định [Bảo tàng Nam Định 2013] cũng đã trình bày ở trên, chúng tôi mạnh dạn khẳng định là đã thực sự phát hiện ra sự tồn tại đích thực của sắc phong mang niên đại Chính Hòa 4 (1683). Đạo sắc vô cùng quý giá này đang tiếp tục được dòng họ Trần Lê bảo quản một cách nghiêm mật tại Phủ Nội”.

Xin lưu ý rằng hai đoạn trích dẫn này đều lấy nguyên văn trong báo cáo của ông Giao và nó cho thấy trước khi ông Giao công bố công phu của mình thì bản sắc “nguyên vật” vẫn được xác định là có từ năm 1743 và không hề có bất kỳ cơ sở nào để xác nhận. Và cũng như vậy, ông khẳng định “phát hiện” được đưa ra từ 3 lý do:

1.  Đọc đối sánh với 7 đạo sắc phong nguyên vật của nhóm sắc phong Phủ Nội;

2.  Phối hợp với thông tin từ bản thống kê (TSHN 3634), và:

3.  Bản sao sắc phong (AD.a16/29).

Có thể thấy trong toàn bộ bài viết khoa học của mình, ông Giao gần như không nêu rõ tính căn cứ của các tài liệu này, đặc biệt là 7 đạo sắc phong của nhóm Phủ Nội và thông tin từ bản thống kê TSHN 3634. Cũng như vậy, ông không nói rõ hay có sự đối sánh cụ thể nào và chỉ ra sự liên quan nào giữa “nguyên vật” của ông với bản sao sắc phong AD.a1629.

Đối với nhóm sắc phong Phủ Nội, theo tư liệu ghi chép của chính nhóm này, thì bản chụp và lưu trữ của họ cũng ở tình trạng tương tự “nguyên vật”, nghĩa là chỉ có giá trị để xác định là nó được chụp từ một bản sắc phong như vậy đang tồn tại (ảnh 2).

Đối với thông tin từ TSHN 3634, đây là một bảng thống kê đề mục cho thấy có sự tồn tại của một nhóm tư liệu chứ không có giá trị nội dung trong việc đối sánh niên đại, càng không thể hiện cơ sở lai lịch của “nguyên vật”;

Đối với bản sao sắc phong trong nhóm tư liệu AD.a16/29, đây là tài liệu có chứa sắc phong ban cho Vân Cát năm 1683, là bản mà ông Giao sử dụng đối chiếu về mặt nội dung và thấy có sự tương đồng đến trên 90%. Và đây chính là lý do chính yếu để ông đưa ra kết luận về niên đại cho “nguyên vật” là năm 1683.

Như vậy, có thể thấy trong toàn bộ sự phát hiện của ông Chu Xuân Giao, bản sắc “nguyên vật” là một thực thể đơn độc hoàn toàn, không có bất kỳ tư liệu nào liên quan đến nội dung và hình thức. Trước và sau nó là những khoảng trống mênh mông, mơ hồ và vô căn cứ về lai lịch.

Mặt khác, như đã nói, ông Giao căn cứ trên chính sắc phong lưu trữ của Vân Cát để suy ra niên đại của “nguyên vật” là 1683. Điều đó gần như dẫn tới một hệ luỵ là: NẾU KHÔNG CÓ SẮC PHONG NĂM 1683 CỦA VÂN CÁT, ÔNG GIAO SẼ KHÔNG CÓ CƠ SỞ NÀO để xác định cái “nguyên vật” đó là ban năm 1683?. Nói cách khác, ông suy luận và đoán như vậy, vì sắc phong của Vân Cát có nội dung gần như vậy.

Giả định, nếu sắc 1683 của Vân Cát, hiện tồn tại dưới dạng tài liệu lưu trữ, có tài liệu xác lập, ghi nhận và được bảo quản tại Hán Nôm – viện mà không đem đối chiếu với “nguyên vật”, nó có còn giá trị xác định là sắc ban cho Vân Cát năm 1683 hay không? Có, đương nhiên có vì nó đã được thu thập, lưu trữ, bảo quản theo những phương thức khoa học công khai và thông dụng. Điều này cho thấy nó có lai lịch khoa học vững chắc, bất chấp việc bản sắc gốc không còn hoặc không được tìm thấy cho đến hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa là nỗ lực phủ nhận của ông Giao, với tư cách một nhà khoa học có chuyên môn như dưới đây là vô cùng kỳ lạ:

“Năm là, các sắc phong có niên đại sớm hơn Chính Hòa 4, theo bản thống kê và bản sao, là Cảnh Trị 8 (1670) và Dương Hòa 8 (1642). Tuy nhiên, nguyên vật của các sắc phong ấy hiện không còn. Có thể chúng đã bị thất lạc hoặc bị hư hại hoàn toàn.”

Ngược lại, chúng ta có thể đặt một câu hỏi: Nếu không dựa vào sự đối chiếu về nội dung và niên đại của sắc phong 1683 của Vân Cát, liệu ông Chu Xuân Giao có thể khẳng định “nguyên vật” có niên đại 1683 hay không?

Đây là một điểm mấu chốt. Lai lịch khoa học của các sắc phong trong tình huống này là cơ sở đáng tin cậy nhất, chứ không thể coi sự phán đoán trên cơ sở đối chiếu là một phát hiện khoa học. Các sắc phong Cảnh Trị (1670); Dương Hoà 8 (1642) và Chính Hoà 4(1683) là những sắc phong có lai lịch khoa học. Còn “nguyên vật” mà ông Giao phát hiện, chỉ đơn giản là phụ thuộc vào một sắc phong khác không phải là nó, và không đủ thông tin để xác định (chứng minh về mặt khoa học) nó thuộc thời đại nào.

Ở một thời điểm khác, chúng ta có thể bàn lại về lý do tại sao ông Chu Xuân Giao lại dùng thuật ngữ “CĂN CƯỚC THÁNH MẪU” và  quay xe theo góc phẳng 180 độ như vậy. Hẳn nhóm của ông đã và đang rất dụng công để giữ cho được cái danh xưng “sắc phong cổ nhất Phủ Dày” của “nguyệt vật”. Nhưng ai đó nên nhắc cho ông học giả một ý rằng, nếu ông không phản biện hợp lý được cho sự mơ hồ về lai lịch của “nguyên vật”, mà vẫn giữ ý định đại biểu cho Tiên Hương tham gia hội thảo tháng 12 ở đại học Cao Hùng và mang theo chính những nội dung này, sự sụp đổ về mặt khoa học của ông có thể sẽ làm lột tả tất cả –  trước sự linh thiêng của Mẫu và học giới nghiêm cẩn – cái lai lịch của những thứ mà ông đang cố đại diện cho kỳ được.

14/11/2023

H.A

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular