Tuesday, September 17, 2024
HomeCHỐNG THAM NHŨNGMột cán bộ chính trực đối đầu với thế lực Vũ Nhôm

Một cán bộ chính trực đối đầu với thế lực Vũ Nhôm

 Một thế giới – Thông tin trong tầm tay
Sau khi Bí thư và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng bị thi hành kỷ luật, cơ quan an ninh công bố điều tra về những sai phạm tại 9 dự án và 31 nhà, đất công sản liên quan đến Vũ nhôm thì tảng băng của “thế giới ngầm” ở Đà Nẵng bắt đầu hé lộ. Nhiều người lãnh đạo trong nhiều nhiệm kỳ, hoặc là sử dụng Vũ nhôm làm công cụ, hoặc là bị Vũ nhôm khống chế, mua chuộc, nhưng không phải Vũ nhôm khống chế và mua chuộc được tất cả.

Cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (2007-2015), tiến sĩ Võ Duy Khương, là một cán bộ quản lý chuyên nghiệp và chính trực. Từng là Phó chủ tịch thường trực UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng Định giá của thành phố, do phản đối chủ trương bán tài sản công thiếu minh bạch, ông đã bị người lãnh đạo cao nhất của thành phố lúc ấy cho thôi cái chức Chủ tịch Hội đồng Định giá này, từ khoảng năm 2010 đã giao nó cho một Phó giám đốc Sở Tài chính cho dễ bề sai khiến. Cho đến trước năm 2014, trong số 31 khu nhà đất công sản ở những vị trí đắc địa nhất được bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho Vũ nhôm, đã có tới 30 khu được bán thẳng với giá rẻ mạt không qua đấu giá hoặc được hợp thức hóa thủ tục đấu giá một cách hình thức.

Năm 2014, ông Khương trở lại làm Chủ tịch Hội đồng Định giá. Ông kiên quyết đưa ra đấu giá công khai minh bạch một số công sở và công sản, trong đó có khu nhà Sở Tư pháp ở đường Bạch Đằng. Tuy nhiên, trong số 6 công sở chủ trương mang ra bán đấu giá tại thời điểm đó, việc đấu giá khu nhà Sở Tư pháp đã phải dừng lại do có một văn bản của một cơ quan rất có quyền lực ở Trung ương gửi đến ép phải bán trực tiếp khu công sở này cho Công ty của Vũ nhôm. Sự việc đưa ra thảo luận ở tập thể lãnh đạo thành phố. Ông Khương vẫn giữ quan điểm cho rằng bán công sở nhất định phải qua đấu giá. Nhưng tập thể lãnh đạo thành phố không muốn làm “mất lòng” cái cơ quan quyền lực to đùng kia ở Trung ương nên thống nhất bán thẳng cho Công ty của Vũ nhôm.

Ông Khương phản đối quyết định sai pháp luật này, ông cho rằng nếu bán cho Công ty của Vũ nhôm không qua đấu giá thì nhất định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, đồng thời giữ cái văn bản kia lại làm bằng chứng. Có lẽ do sợ hãi cơ quan quyền lực nói trên nên người ta đã bán thẳng cho Vũ nhôm mà không xin ý kiến Thủ tướng. Theo ông Khương thì cái văn bản của cơ quan quyền lực kia vẫn còn lưu trong hồ sơ. Đến giờ nó có còn lưu lại hay không thì ông không biết, nhưng chắc chắn không thể phi tang được, vì văn bản đó có bút phê của ông Trần Thọ, là Bí thư Thành ủy lúc đó, chuyển đến Thường trực Ủy ban. Không chỉ ông Trần Thọ mà nhiều người khác cũng biết cái văn bản này.

Ông Khương là thiểu số chính trực hiếm hoi trong Ban lãnh đạo thành phố. Ông không đủ sức cưỡng lại những hành vi vi phạm pháp luật của những người lãnh đạo chủ chốt. Nhưng vì sự phản đối đó mà từ năm 2013, ông bị thư nặc danh và các tin nhắn liên tục gửi tới đe dọa. Cuối cùng, ông bị ép phải rời khỏi chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố trước khi đến tuổi nghỉ hưu.

Cũng cần biết thêm, là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và là Phó chủ tịch UBND thành phố, nhưng ông Khương hoàn toàn không được trao đổi gì về các chủ trương cấp phép cho các dự án phá nát bán đảo Sơn Trà cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác, chẳng hạn như việc bán sân vận động Chi Lăng cho Phạm Công Danh. Đối với sân vận động Chi Lăng, ông Khương chỉ được biết khi yêu cầu chia cái sân vận động ấy ra thành mười mấy lô để giúp Phạm Công Danh (sử dụng để vay vốn). Ông đã phản đối việc chia lô này, nhưng ý kiến của ông đã bị bỏ ngoài tai. Trong vụ án Phạm Công Danh, không hiểu vì lý do gì mà những người quyết định bán sân vận động Chi Lăng cho ông ta bị miễn trách nhiệm hình sự, nghe nói là chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm để xử lý hành chính thôi.

Dẫn trường hợp của ông Võ Duy Khương trên đây để thấy rằng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn còn có có những người chính trực. Nhưng họ chỉ là thiểu số, bị phớt lờ, bị bức ép loại khỏi “cuộc chơi”.

Ông Võ Duy Khương đã tham gia cách mạng hồi còn là một cậu học trò nghèo ở Trường Trung học kỹ thuật Đà Nẵng trong một nhóm cơ sở bí mật thuộc Ban Mặt trận đặc khu Quảng Đà. Sau năm 1975, ông tiếp tục đi học và làm cán bộ Đoàn. Ông đi lên bằng lòng yêu nước trong veo và bằng chính năng lực của mình, không ô dù, không phe cánh, tránh xa các nhóm lợi ích. Hồi còn làm Giám đốc Sở Tài chính, khi chủ thầu nhận tiền thi công công trình cầu Sông Hàn đã mang một túi tiền đến hối lộ cho ông, ông bảo ông ta phải mang tiền ấy đi ngay và cảnh cáo nếu tiếp tục như vậy ông sẽ đưa ra pháp luật.

Khi Vũ nhôm chưa bị bắt, nhiều người vẫn lo cho ông. Ông là một trong những đối tượng có thể bị diệt khẩu. Giờ thì Vũ nhôm đã bị bắt, ông Khương mới tương đối được an toàn. Ông chính là một trong những nhân chứng sống cho nhiều vấn đề của Đà Nẵng.

Hoàng Hải Vân

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular