Thì:
“quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt
anh hùng khi gấp cũng khoanh tay”…
hoàn cảnh hết bà con ơi! cũng không ai “đánh” người ngã ngựa…
Trước viễn tượng cha già, con tàn tật không ai chăm sóc mà mình lại là trụ cột gia đình… trong khi bản thân mình lại gánh một “bản án” lý ra dành cho “bộ chính trị”, tức cho đảng, cho chế độ!
Hôm qua tôi có viết đôi dòng về phiên tòa xử ông Thăng. Tôi thấy là “không thuyết phục”.
Ông Thăng bị qui vào tội “làm trái qui định nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 165BLHS).
Nếu đây là “một tội”, thì ông Thăng “phạm tội” này vào năm 2011, lúc ký hợp đồng (chỉ định thầu).
Nếu việc này “trái qui định của nhà nước về kinh tế” thì tại sao không xử lúc đó ?
Trong thời gian 7 năm không ai thấy “tội” của ông Thăng. Ông này lên chức vùn vụt. Ông lên làm bí thư Sài gòn. Còn trong đảng thì “nhăm nhe” chức TBT.
Chỉ đến khi điều luật 165 BLHS còn mấy ngày nữa thì hết hiệu lực áp dụng, thì người ta mới “đốt lò”, tìm cách “soi” tội của ông này.
Ông Thăng bị giải ra tòa xử tội (phạm 7 năm trước)!
Trước tòa ông khai “làm đúng chủ trương của bộ chính trị, đúng chỉ thị của cấp trên là thủ tướng chính phủ”.
Nếu ta nhìn lại “lịch sử” lãnh đạo của đảng CSVN, ta đã phải thấy nhiều cảnh “trớ trêu”, nhiều trường hợp “làm sai”, không chỉ ở các “qui định” của nhà nước, mà còn đi ngược lại đường lối, chủ trương của đảng. Như vụ các “xé rào” của các ông Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt… Ta phải nhìn nhận rằng việc “làm trái qui định của nhà nước”, việc đi ngược lại “chủ trương của đảng”… lại cứu được dân, cứu được nước thoát khỏi những hệ quả đau đớn về kinh tế do các chủ trương về kinh tế XHCN. Người làm trái trở nên “anh hùng”.
Trong khi những công trình, những dự án… “làm đúng” theo chủ trương của đảng, đúng theo qui định của nhà nước về kinh tế, thì gây hậu quả tai hại vô cùng lớn cho đất nước, cho dân tộc như vụ Formosa, vụ Bô xít… hay các chính sách “đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp”… Các việc làm này đã đánh gẩy xương sống nền kinh tế quốc dân VN. 40 năm sau cố gắng xây dựng mãi mà không được.
Vụ án xử ông Thăng là “không thuyết phục”. Khi mà “người đốt lò” không hiểu đâu là nguyên nhân của các việc “hút lên rồi đem bán”, “đào lên rồi đem bán”… mà “lỗ”, như dầu hỏa, than đá…
Việc “đốt lò” chỉ là việc “thanh trừng nội bộ” của đảng CSVN.
Ông Thăng trước tòa rớt nước mắt, nói những lời từ tâm khảm, như để van lơn kẻ “đốt lò” động lòng từ tâm. Rõ ràng là điều trái khoáy, chưa từng thấy bao giờ.
Bởi vì ông Thăng biết rõ hơn ai hết, không có “công lý” gì ở phiên tòa này cả. “Công lý” đang nằm trong tay kẻ “đốt lò”.