HÔM NAY CON TỚI TRƯỜNG… BA MẸ ĐỀU TỚI LỚP

0
156

Trần Minh Nhật

Mỗi sáng tôi đều đưa con tới trường kể từ ngày mới chập chững bước đi tới nay. Tôi rất thích đưa đón con đi học, vì những bước chân đó làm tôi nhìn thấy tương lai.

Ngày trước khi tốt nghiệp phổ thông xong, tôi cắp sách xuống Sài Gòn ôn thi đại học, một mình tự đi. Hơn chục năm rồi, “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Điều tôi nhìn thấy không hẳn là những gì bên ngoài nhiễu nhương, mà là những ngổn ngang của lòng mình trước thời cuộc. Đã lâu lắm rồi, không có cảm giác bồi hồi chờ kết quả. Nay, sau năm tháng tới Canada, tôi cũng thật sự vui khi một lần nữa mình đã đậu đại học tại xứ sở này.

Hàng chục năm nay, điều tôi cảm thấy bận tâm là những đứa trẻ nép ở góc khuất các con hẻm nhỏ quận 4 ngó nhìn thấy “người lớn” đang đâm những kim tiêm vào da thịt của mình. Rời phố về quê, tôi thấy cảnh “Giang hồ xóm” tóc tai bờm xờm và miệng phì phò điếu thuốc. Đi nhiều nơi mà phần đa người lớn đều tụ tập chén chú chén anh “123 dô”.

Rời luỹ tre làng tôi thấy những thanh niên chăm chỉ nhưng cái nghèo đeo bám, làm việc lương ba cọc ba đồng, rồi cuốn cùng cũng phải xếp bút nghiên lên đường đi “du học” Nhật Bản, Hàn Quốc… thực chất gọi là du học nhưng là đi làm kinh tế. Hiếm lắm mới có người chịu ngồi trên giảng đường để hoàn tất chương trình học, vì áp lực cơm áo gạo tiền.

Mà đó mới là điều đáng buồn, số ít những người chịu học đó có lắm bạn cũng bụng gõ trống trên giờ lên lớp. Nhưng rồi họ cũng kết thúc khoá học và được ở lại, còn những người “nhảy rào” thì phải làm chui, ở lậu. Tiền không thấy mà chỉ thấy…mệt.

Đời thường vất vả như thế, nhưng khi lên mạng ảo thì đủ thứ “hào quang rực rỡ” mà vốn chẳng đáng giá một xu. Vậy mà, mấy đứa trẻ nó nghỉ học để ”khởi nghiệp” với câu châm ngôn “Bill Gate, Mạc xoăn có học đại học đâu mà vẫn thành tỷ phú. Bọn giáo sư, tiến sĩ toàn đi làm thuê cho mấy ổng đó thôi.” Học lắm để làm gì?

Giật mình tôi nhìn lại, liệu có phải mình đã sai hay không khi đúng là có quá nhiều tiến sĩ tại Việt Nam đang xếp hàng làm việc cho tập đoàn quốc tế grab, Uber…? Có lẽ nếu ở Việt Nam thì tôi sai, vì các quán quân đường lên đỉnh Olympia họ đâu có về. Bởi vì về Việt Nam họ không có đất dụng võ. Sân chơi đó là của con cha cháu ông, chưa đến lượt người tài đức.

Tôi hiểu ra rằng mấy cu cậu choai choai nói lên so sánh với Bill Gate đó đang biện minh cho cái dốt của mình, bởi vì mấy thằng giỏi cũng có làm nên cơm cháo gì đâu. Các em đang nói về cái lợi, đúng là đi nhậu thì cũng có cái lợi là xôm tụ, nhưng lợi thì có lợi mà răng không còn. Các em quên mất rằng Bill Gate hay Mạc xoăn hay thậm chí Internet đều không khai sinh và không thành danh ở Việt Nam. Ở cái dải đất ít người nhiều ma, muốn thành công thì phải có ô có dù – cỡ như 4 tiếp viên hàng không buôn 11,4 kg hàng cấm vẫn được trả tự do – là ví dụ sống động. Tham chiếu về học – hành của các em như thế, thì làm sao tránh khỏi kết cục là xếp hàng theo thầy Lộc Fuho trước khi thầy lên mạng.

Trở lại với chuyện đưa con tới trường, cả nhà tôi đều phải tới lớp. Tôi tin rằng một người kiên trì mài dũa mình qua giảng đường trường học nhàm chán, đủ bản lĩnh để đối phó với sóng gió đời thường. Học để biết làm người, làm việc, làm công dân. Học để khiêm tốn tìm kiếm chính mình, chứ không vỗ ngực ta đây mà thực chất chẳng là cái đinh rỉ gì bên ngoài cái “miệng giếng” của mình.

Những đạo lý đời thường giúp thành công, hạnh phúc thật ra rất đơn giản đó là những bài học vỡ lòng mà mẹ cha, và thầy cô giảng dạy. Tôi sợ mình quên những điều bé nhỏ, nên đến tuổi này ba mẹ vẫn phải một lần nữa cắp sách đi học, con trai ạ. Mà đúng ra là cả nhà, ngay cả bé Annie, buổi sáng cũng theo mẹ tới trường.

Ai vội hơn cứ đi trước, nhà tôi sẽ lên tuyến xe khác của mình 

. Nào, lên đường thôi.

https://www.facebook.com/minhnhat.paultran/posts/pfbid02xyBLrGaau9fwg8sX8gouEprxngE1QbWPWmXoG5mhRxU1Yd9nVNYscQg5BBEHjcrHl

708400cookie-checkHÔM NAY CON TỚI TRƯỜNG… BA MẸ ĐỀU TỚI LỚP