Hàng nghìn người ‘phản đối bản án bất công’ vừa tuyên về vụ Đồng Tâm

0
588
Một kiến nghị về phiên tòa Đồng Tâm nhận được hơn 2.500 chữ ký, 15/9/2020

Một bản kiến nghị mang tên “Phản đối bản án bất công trong phiên tòa Đồng Tâm” trên trang avaaz.org nhận được gần 3.000 chữ ký, tính đến tối 15/9.

Bản kiến nghị gửi đến Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội do nhóm có tên Công dân Hành động đăng lên trang mạng quốc tế hôm 14/9, cùng ngày tòa kết thúc xét xử sơ thẩm và tuyên 2 án tử hình, 1 án chung thân và nhiều án tù đối với 29 người dân ở Đồng Tâm, một xã ngoại thành Hà Nội.

Tòa xác định rằng các bị cáo đã chống đối và giết chết 3 nhân viên công an trong một vụ đụng độ hôm 9/1 giữa người dân địa phương và lực lượng chấp pháp nhà nước vì tranh chấp đất đai kéo dài.

Trong vụ này, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị công an bắn chết.

Hai con trai ông Kình, Lê Đình Công và Lê Đình Chức, phải nhận án tử hình. Cháu nội ông, Lê Đình Doanh, bị tuyên án tù chung thân.

… nửa đêm xông vào nhà một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng, một cựu cán bộ xã để bắn giết, không hề khởi tố vụ án, không hề có lệnh khám nhà trước ấy. Đấy là vô pháp, lạm quyền.
Võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu

Những người khởi xướng bản kiến nghị nêu ra “5 vấn đề nghiêm trọng chưa được làm rõ” là lý do họ phản đối “bản án bất công” mà tòa mới tuyên, bao gồm:

Thứ nhất, tính pháp lý của thửa đất 59 hectare ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội – nơi có tranh chấp – chưa được làm rõ rằng đây là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng.

Vấn đề thứ hai là một loạt các câu hỏi: Tính pháp lý của việc lực lượng Cảnh sát cơ động Hà Nội và lực lượng Công an thành phố Hà Nội tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đêm 8/1, rạng sáng ngày 9/1 là gì? Văn bản nào là cơ sở pháp lý để lực lượng công an tiến vào trong đêm? Cấp nào quyết định và ai là người thi hành quyết định ấy?

Thứ ba, những người kiến nghị đặt ra chất vấn rằng căn cứ vào văn bản nào mà lực lượng cảnh sát được phép đột nhập chỗ ở của ông Lê Đình Kình và bắn chết ông lúc nửa đêm, khi ông không phải là bị can trong bất cứ vụ án nào.

Bên cạnh đó là câu hỏi về việc công an vu cho ông “cầm lựu đạn” ở thời điểm đó, nhưng những người dân bị công an bắt giam trong vụ này khẳng định ông Kình “không cầm trong tay bất cứ một quả lựu đạn nào”.

Ông Lê Đình Công trong phiên xét xử sơ thẩm ở Hà Nội từ 7-14/9/2020 về vụ án ở xã Đồng Tâm

Điểm chất vấn thứ tư là tòa cần làm rõ lý do dẫn tới cái chết của 3 nhân viên công an. Những người kiến nghị chỉ ra rằng cơ quan có thẩm quyền “chưa thực nghiệm điều tra” vụ án nghiêm trọng có tới 4 người thiệt mạng, trong khi các lời khai của một số nhân viên công an và của những người dân bị bắt rất mâu thuẫn với nhau.

Vấn đề cuối cùng được nêu trong bản kiến nghị là vì sao một số luật sư không được tiếp cận bị can trong quá trình điều tra, và tại sao tòa không trả hồ sơ để điều tra lại, khi 19 bị cáo thể hiện trước tòa rằng họ bị bức cung, nhục hình.

Những người tham gia bản kiến nghị tuyên bố rằng họ “kêu gọi công lý cho 4 người đã thiệt mạng không rõ nguyên do trong sự cố 9/1/2020”, đồng thời cũng “kêu gọi công lý cho 29 người dân Đồng Tâm bị tuyên án trong một bản án đầy dấu hiệu oan sai”.

Trong số những người ký kiến nghị là các nhà hoạt động, các nhà trí thức có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, thạc sĩ Nghiêm Hoa…

Chia sẻ trên Facebook cá nhân về việc ký kiến nghị, tiến sĩ Quang A viết ngắn gọn: “Lên án ĐCSVN giết dân, chà đạp lên công lý”.

… bỏ qua yêu cầu về thực nghiệm hiện trường, hạn chế việc tiếp xúc với bị can tới tối đa, chứng cớ đưa ra thì mập mờ, vô lý. Một bản án đầy tính áp đặt của độc tài …
Võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu

Như VOA đã đưa tin, vào chiều 14/9, ngay khi tòa Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ Đồng Tâm, bà Nguyễn Thị Duyên, vợ của bị cáo Lê Đình Uy, cháu dâu ông Lê Đình Kình, cho VOA biết phản ứng của gia đình bà:

“Gia đình chúng tôi không đồng ý, không chấp nhận các bản án của tòa. Người thân của chúng tôi không làm gì phạm tội, không giết người. Công an không có bằng chứng là chú tôi hay bố tôi giết người. Gia đình chúng tôi cũng không chứng kiến cảnh 3 công an chết cháy. Chắc chắn chúng tôi sẽ kháng cáo”.

Lê Đình Uy, chồng bà Duyên, nhận mức án 5 năm tù. Bà Duyên nhấn mạnh với VOA rằng bất cứ bản án nào của tòa đối với ai trong vụ án này cũng là “oan sai” và gia đình sẽ “đấu tranh”.

Nói về việc ông Lê Đình Kình bị bắn chết trong vụ đột kích, bà Duyên cáo buộc rằng công an “đã giết” ông.

“Cụ chết rất oan trái”, bà Duyên nói với VOA, “Gia đình và người dân Đồng Tâm bất ngờ, không chấp nhận cái chết tức tưởi của cụ”.

Bình luận về bản án của tòa Hà Nội, võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu, với hơn 120.000 người theo dõi qua Facebook, có bài viết mở đầu với hai từ “Man rợ, bất nhân”.

Ông Châu bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội rằng việc lực lượng chấp pháp “nửa đêm xông vào nhà” của ông Kình “để bắn giết, không hề khởi tố vụ án, không hề có lệnh khám nhà trước” là “vô pháp, lạm quyền”.

Dưới góc nhìn của ông Châu, việc tòa xét xử mau lẹ tới 29 bị cáo trong vòng chỉ có vài ngày, bỏ qua yêu cầu về thực nghiệm hiện trường, hạn chế tối đa việc luật sư tiếp xúc với bị can, chứng cớ đưa ra thì mập mờ, vô lý, song lại tuyên tới 2 án tử hình, cho thấy “một bản án đầy tính áp đặt của độc tài”.

571840cookie-checkHàng nghìn người ‘phản đối bản án bất công’ vừa tuyên về vụ Đồng Tâm