Saturday, December 14, 2024
HomeBLOGĐối đầu Mỹ-Trung có dẫn tới chiến tranh?

Đối đầu Mỹ-Trung có dẫn tới chiến tranh?

HIẾU CHÂN

Đại dịch Covid-19 và mâu thuẫn Mỹ-Trung chung quanh nó đã làm sống dậy bóng ma một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Những ngày gần đây, báo chí, mạng xã hội và các quan chức Trung Quốc đã dùng những lời lẽ cay độc và chua ngoa để phản bác sự phê phán của Mỹ chuyện nước này che giấu đại dịch Covid-19, đẩy nhân loại vào một thảm họa y tế chưa từng có. “Độc ác”, “Điên khùng”, “Bệnh hoạn”, “Ngu dốt”… là những từ ngữ họ dùng để nói về các quan chức cao cấp của Mỹ, từ Tổng thống Donald Trump tới các bộ trưởng có quan điểm cứng rắn như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger… – những người đòi phải điều tra minh bạch căn nguyên của đại dịch.

Tình trạng lời qua tiếng lại càng lúc càng kịch liệt giữa hai bên đã đẩy quan hệ Mỹ – Trung xuống mức thấp nhất và có nguy cơ đi quá đà, kích hoạt một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Hải quân Trung Quốc dàn trận trên biển Đông Việt Nam. Ảnh defencenews

 

Những phát ngôn và hành động của Bắc Kinh – vượt ngoài khuôn khổ ngoại giao thông thường – bộc lộ cái não trạng thâm căn cố đế của Bắc Kinh là Hoa Kỳ và các đồng minh đang cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, kinh tế và ngoại giao. Lối suy luận này bất chấp thực tế rằng sự phát triển mạnh về kinh tế quân sự của Trung Quốc gần bốn chục năm qua sẽ không thể có được nếu thiếu một môi trường an ninh và cởi mở do Mỹ thiết lập và điều hành, thiếu sự hỗ trợ cả về vốn liếng, công nghệ và thị trường của các quốc gia công nghiệp.

Đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc và đang tàn phá nặng nề các nước phương Tây. Nghĩ rằng cơ hội làm bá chủ đã tới, những kẻ hiếu chiến trong đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh phải cứng rắn hơn nữa trong quan hệ với Mỹ; trong khi những kẻ ôn hòa cảnh báo rằng các phản ứng quá đà của Bắc Kinh có thể bị phản ứng ngược, khiến Trung Quốc bị cô lập vào lúc nước này cần thị trường để xuất cảng hàng hóa, cần đối tác ngoại giao để vực dậy nền kinh tế và lấy lại uy tín quốc tế.

Giữa hai phe hiếu chiến và ôn hòa trong đảng Cộng sản Trung Quốc đang có một cuộc đấu tranh quyết liệt. Tương tự như vậy, trong chính phủ Mỹ cũng có hai phe, phe kinh tế muốn hòa hoãn với Bắc Kinh để từng bước điều chỉnh cán cân thương mại và tái lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong khi phe an ninh nhìn Trung Quốc như một đối thủ đáng gờm, một mối đe dọa về an ninh quốc gia mà Mỹ phải khống chế trước khi quá muộn. Chính sách ràng buộc (engagement) với Trung Quốc để cùng phát triển qua nhiều đời tổng thống Mỹ, cả Dân Chủ và Cộng Hòa, nay bị coi là “nuôi ong tay áo”, cần giải kết (decoupling) càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, cuộc đối đầu giữa hai cường quốc, lúc đầu xoay quanh vấn đề đại dịch, nay mở rộng ra trên hầu hết các mặt trận, cả thương mại, công nghệ, gián điệp v.v… và có rủi ro lan rộng hơn nữa khi ông Trump và đảng Cộng Hòa xác định “chống Trung Quốc” là lá bài quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông.

Hiện nay, cuộc đối đầu chủ yếu vẫn là “đấu khẩu”, sử dụng ngôn từ là chính, nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sự những hành động và chính sách cụ thể. Hôm thứ Sáu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành quy định mới, cấm các công ty sản xuất chip bán dẫn có sử dụng thiết bị và công nghệ của Hoa Kỳ bán sản phẩm cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, leo thêm một nấc thang căng thẳng. Cái nhìn về Trung Quốc của dân chúng Mỹ và nhiều nước khác đã xấu đi rất nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát, theo các cuộc thăm dò ý kiến.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, tạm ngừng cuộc thương chiến khởi sự năm 2018, mà ông Trump ký kết với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) tại Washington hồi tháng 01-2020 có nguy cơ đổ vỡ, dù cả hai bên đều cam kết tuân thủ các điều khoản. Nhiều “điểm nóng xung đột” đã ngày càng căng thẳng ở Đài Loan, Biển Đông Việt Nam và Tân Cương. Trên biển Đông, các chiến hạm USS Bunker Hill, USS Barry, tàu đổ bộ tấn công USS America liên tục thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khi Trung Quốc cũng gia tăng bố trí phi cơ trinh sát và phi cơ săn tàu ngầm ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Bắc Kinh bồi đắp mới đây. Chỉ cần một sự hiểu lầm, một tính toán sai của một bên thì ngọn lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

Xung đột đã tới điểm mà ông Trump phải tuyên bố thẳng: “Chúng ta có thể cắt toàn bộ quan hệ [với Trung Quốc],” ông nói hôm thứ Năm trong chương trình phỏng vấn với Fox Business trên đài Fox News, và thêm rằng, dù ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có quan hệ thân thiết nhưng nay thì ông không muốn nói chuyện với ông Tập nữa.

*

Viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán, nơi mà các quan chức Mỹ cho rằng đã để xổng con virus chết chóc ra cộng đồng, gây ra đại dịch. AFP/Getty Images

Châu Phong (Zhu Feng), giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh miền Đông Trung Quốc nói với báo New York Times qua cuộc phỏng vấn điện thoại: “Dưới mắt người Trung Quốc, chính phủ Trump đang cố gắng làm mất tính chính danh của sự cai trị của đảng Cộng sản và bêu xấu cả lãnh đạo Trung Quốc”.

Trung Quốc tất nhiên rất phẫn nộ với các tuyên bố của Washington. Hoàn Cầu Thời báo – tờ báo lá cải quảng bá chủ nghĩa dân tộc cực đoan của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Sáu lên án bình luận của ông Trump trên Fox News: “Sự điên rồ như vậy là một phụ phẩm rõ ràng, trước hết và trên hết, của nỗi lo sợ ai cũng biết Mỹ phải chịu từ khi Trung Quốc bắt đầu cuộc vươn lên toàn cầu. Đó cũng là kết hợp giữa sợ hãi và ghen tị trong giới tinh hoa của Washington”.

Báo chí của đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt cay độc với Ngoại trưởng Mike Pompeo vì ông Pompeo cho rằng con virus chết chóc kia có thể đã xổng ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán – một giả thuyết mà nhiều nhà khoa học nói rằng có thể có trên lý thuyết nhưng chưa có bằng chứng. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bình luận: “Nếu như chính trị gia độc ác Pompeo được tiếp tục phun ra những lời bịp bợm khoác lác như vậy thì sợ rằng “nước Mỹ vĩ đại trở lại” là một trò đùa”.

Khi ông Matt Pottinger, Phó cố vấn an ninh quốc gia, đọc bài diễn văn – bằng tiếng Quan thoại – kêu gọi nhân dân Trung Hoa đi theo những thay đổi dân chủ thì CCTV ví hành động đó như con cáo chúc mừng năm mới con gà!

Các nhà hoạch định chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây thường coi những lời cáo buộc ồn ào của chính phủ Trump là sản phẩm của những vận động chính trị nội bộ nước Mỹ. Các chính trị gia Mỹ cũng coi những lời lẽ đao to búa lớn của Bắc Kinh là mánh khóe tuyên truyền với dân chúng trong nước mà không lưu tâm nhiều. Nhưng những lời lẽ cay độc gần đây là triệu chứng của một mối quan hệ không còn suôn sẻ, từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), chủ bút Hoàn Cầu Thời báo, thậm chí còn lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc gia tăng kho vũ khí nguyên tử để đối phó với hành động của Mỹ. Nhiều quan chức cao cấp khác, phần lớn là tướng về hưu, kêu gọi Trung Quốc phải sẵn sàng cho những vụ xung đột ở Đài Loan và trên biển Đông Việt Nam, nơi các chiến hạm Mỹ gia tăng tuần tra từ đầu năm nay. Vài kẻ hiếu chiến còn đi xa hơn, kêu gọi Trung Quốc phát động chiến tranh chống Mỹ và loại trừ những kẻ “phản quốc”, “bị Mỹ mua chuộc” đang ở trong hàng ngũ của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy vậy, những tiếng nói hiếu chiến ở Bắc Kinh vẫn thường gặp thách thức từ những người ủng hộ một lối xử sự ôn hòa hơn. “Trung Quốc bị phân cực sâu sắc. Vài người tin rằng không có cách nào khác là chiến đấu chống lại [Mỹ]. Nhưng tôi không nghĩ vậy,” ông Châu của Đại học Nam Kinh nói.

*

Ông Tập Cận Bình đi thăm ổ dịch Vũ Hán hồi tháng Ba. Ảnh Xinhua/AP

Ông Tập Cận Bình thì dường như chọn một cách ứng xử hai mặt: với dân chúng trong nước, ông ta tỏ bộ gây gổ với Mỹ để được ủng hộ sau khi đảng và chính phủ của ông mất uy tín trầm trọng trong những tháng ngày đầu tiên của đại dịch; nhưng đối ngoại ông ta không có dấu hiệu muốn leo thang thành cuộc xung đột toàn diện. Khi đại dịch lên tới đỉnh điểm, ông ta đã điện thoại cho ông Trump, đề nghị các quốc gia “thống nhất trong cách ứng phó” với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Nhưng rồi từ tháng 03 đến nay, hai nhà lãnh đạo không gọi điện cho nhau nữa và mối thống nhất mong manh đó đã đổ vỡ khi dịch lan mạnh ở Mỹ, cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng và ông Trump bắt đầu đổ lỗi cho Trung Quốc che giấu thông tin, xử lý chậm chạp.

Chủ trương hòa hoãn bên ngoài để che giấu ý đồ thâm độc bên trong luôn là cách ứng xử của Tập. Từ khi lên cầm quyền tối cao ở Trung Quốc năm 2012 ông ta đã có nhiều quyết sách liều lĩnh như mở rộng các căn cứ quân sự trên các hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khởi sự một chương trình công nghiệp hóa gây phẫn nộ cho các công ty Mỹ, tập trung hàng triệu người thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung ở Tân Cương v.v… – ông ta làm tất cả những chuyện này với niềm tin rằng ông ta có thể kiềm chế được phản ứng của Washington bằng cách lúc nào cũng tỏ ra thân thiết với các ông chủ Tòa Bạch ốc, từ ông Obama tới ông Trump.

“Nhưng bây giờ, tôi nghĩ mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo chóp bu dường như đã không còn,” Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe), phụ tá giáo sư trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói với báo The New York Times.

Ông Tập sẽ làm gì trong cuộc đối đầu với Mỹ là một câu hỏi còn để ngỏ. Ông không muốn tỏ ra nhu nhược trước các đòi hỏi của nước ngoài, nhưng cũng không muốn cứng rắn để gây rủi ro cho nền kinh tế, nhất là trong lúc ông và đảng của ông đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nước do hậu quả của đại dịch.

Lịch sử cho thấy, khi Trung Quốc gặp vấn đề mâu thuẫn trong nước thì Bắc Kinh thường gây xung đột ở biên giới để huy động sự ủng hộ của dân chúng vốn có não trạng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, còn khi trong nước ổn định và phát triển thì Bắc Kinh lại rất uyển chuyển và linh hoạt trên trường quốc tế vì tự tin vào sức mạnh và vị thế của mình.

“Trung Hoa có triết lý rằng, khi lãnh đạo mạnh thì ông ta sẽ ôn hòa, còn khi lãnh đạo yếu kém, thì đó là lúc chúng ta cần phải lo sợ,” bà Tôn Vân (Yun Sun), giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson nhận xét.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular