RFA
2018-02-28
Người ta thường nói: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù dài bằng nghìn năm ở ngoài). Đối với những tù nhân nam chuyện ở tù đã khổ cực, thì gian khổ của những phụ nữ đi tù còn gấp bội phần.Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, chúng tôi trò chuyện cùng hai cựu nữ tù chính trị về trải nghiệm của họ trong thời gian phải chịu cảnh tù đày.
Bà Cấn Thị Thêu, người từng chịu hai án tù, và được nhiều người biết đến về sự kiên quyết trong công cuộc giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông – Hà Nội, và lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội.
Bà từng bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội; Trại 5 Yên Định Thanh Hóa và trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai vùng ở Tây Nguyên.
Những kỷ niệm đẹp
Bà vừa được trả tự do vào ngày 10 tháng 2 vừa qua và kể lại với chúng tôi về những kỷ niệm mà theo bà là khó quên trong thời gian ở tù:
“Điều ấn tượng nhất tôi không thể quên là những tù nhân chúng tôi đoàn kết với nhau để chống lại chế độ hà khắc trong tù. Có người chịu án rất cao, có người án thấp nhưng chị em chúng tôi cũng bảo nhau tuyệt thực tập thể, đưa ra những yêu sách để trại giam phải đảm bảo quyền lợi cho những người tù.”
Điều ấn tượng nhất tôi không thể quên là những tù nhân chúng tôi đoàn kết với nhau để chống lại chế độ hà khắc trong tù. Có người chịu án rất cao, có người án thấp nhưng chị em chúng tôi cũng bảo nhau tuyệt thực tập thể, đưa ra những yêu sách để trại giam phải đảm bảo quyền lợi cho những người tù.
-Cấn Thị Thêu
Bà Thêu cũng chia sẻ trong suốt 20 tháng tù gần nhất, bà đón nhận được rất nhiều tình cảm, sự sẻ chia, đùm bọc mà những bạn tù dành cho bà:
“Họ cho những người tù khác đe dọa tôi, thì tôi cũng nói cho những người ấy hiểu công cuộc đấu tranh của chúng tôi, tôi nói cho họ nghe những tội ác mà chế độ cộng sản áp dụng với chúng tôi. Tôi cũng kể cho họ nghe nỗi khổ của người dân đang là nạn nhân của chế độ độc tài, cướp bóc, công an trị này. Dần dần những người mà họ cài cắm vào cũng hiểu ra và quay sang bảo vệ chúng tôi, những gì công an nói với họ thì họ lại nói lại với chúng tôi.”
Những cực hình
Trong khi đó nữ cựu tù chính trị khác là bà Mai Thị Dung, 49 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Nhà nước dựng nên bị kết án hai lần tổng cộng 11 năm tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ lại không có những kỷ niệm đẹp như bà Cấn Thị Thêu.
Bà bị bắt vào ngày 5 tháng 8 năm 2005 cùng với chồng là ông Võ Văn Bửu cùng 6 đồng đạo khác. Những người này bị bắt vì tham gia vào cuộc tọa kháng và tuyệt thực tại gia để phản đối việc chính quyền đàn áp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước.
Bà Dung nhớ lại những nỗi kinh hoàng khi phải chịu án 11 năm tù:
“Trong thời gian lãnh án tù 11 năm thì điều tôi không thể nào quên được là giam giữ khổ sai, lưu đày ra bắc, bị bệnh thì không được trị bệnh, họ đối xử với mình còn thua một con thú. Khi mà họ chuyển tui ra Trại giam Xuân Lộc thì nhốt chung tui với những tù nhân xì ke ma túy bị nhiễm HIV. Những người này họ bị bệnh giai đoạn cuối nên không kiềm chế được nên đi vệ sinh ra máu trong phòng luôn mà họ nhốt tui nằm chung một phòng.”
Bà Dung cũng cho biết, trong thời gian bị tạm giam ở Vĩnh Long, gia đình gởi đồ ăn vô bao nhiêu thì trại giam nhận nhưng bỏ hết, không cho ăn, xin một miếng muối cũng không cho. Trại giam bắt bà nhận tội thì mới cho nhận đồ ăn từ bên ngoài, bà nói tiếp:
“Tui ăn uống không đầy đủ nên bị bệnh xuất huyết dạ dày, tui nôn ra máu nhưng họ không cho đi bệnh viện, họ nói là tui móc họng móc hầu để nôn ra máu. Nhưng mà đến khi tui không còn nói chuyện ra tiếng nữa, thở hết muốn nổi nữa, sắp chết rồi, thì họ mới đưa tui đi bệnh viện.”
Mong ước
Bà Mai Thị Dung chia sẻ trong thời gian ở tù 11 năm thì bà thấy những người tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như bà ở trong tù luôn bị phân biệt đối xử. Và điều mà bà mong ước là có sự quan tâm từ bên ngoài:
“Tui mong mỏi cả cộng đồng thế giới, những người yêu chuộng tự do hãy quan tâm nhiều hơn đến những người còn mắc kẹt trong tù để họ có thêm sự ấm áp. Tui cũng tha thiết gởi lời đến các bạn tù nhân lương tâm, chính trị hiện vẫn còn bị giam giữ hãy cố gắng, hãy nỗ lực đấu tranh, những chí hướng nào mình nghĩ là đúng thì cứ giữ lập trường của mình, đừng bị cuốn theo giới cường quyền.”
Tương tự như bà Dung, chị Cấn Thị Thêu cũng mong những người đang thụ án tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh:
“Tôi mong những người đang thụ án tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh, để phía trại giam không vi phạm mà đảm bảo đủ các quyền lợi cho những người tù. Tôi cũng mong các chị em trong đấy phát huy tinh thần đoàn kết, đấy là sức mạnh để các chị em không bị đàn áp, không bị đánh đập, không bị ngược đãi.”
Mục đích của nhà cầm quyền?
Khi ở tù thì mình thấy sự bất công rất là nhiều, sự áp bức, phân biệt đối xử thì vô số. Tui đi ở tù từ nam chí bắc thì có thấy (họ) cải tạo được gì đâu. Chỉ thấy họ bắt lao động và nói với những người tù hình sự là anh chi về nhớ đừng tái phạm nhe. Chứ tui thấy ít tổ chức thuyết giảng cho người ta nghe để cải tạo.
-Mai Thị Dung
Phía chính quyền Việt Nam luôn cho rằng, khi đưa vào tù những người mà cơ quan chức năng cho rằng vi phạm pháp luật, là để cải tạo họ sau đó tái hòa nhập xã hội, tạo nên nên một xã hội tốt đẹp. Nhận xét về điều này Bà Mai Thị Dung cho biết:
“Khi ở tù thì mình thấy sự bất công rất là nhiều, sự áp bức, phân biệt đối xử thì vô số. Tui đi ở tù từ nam chí bắc thì có thấy (họ) cải tạo được gì đâu. Chỉ thấy họ bắt lao động và nói với những người tù hình sự là anh chi về nhớ đừng tái phạm nhe. Chứ tui thấy ít tổ chức thuyết giảng cho người ta nghe để cải tạo.”
Bà Cấn Thị Thêu cũng nêu lên ý kiến của mình:
“Đối với những người đấu tranh để đòi lại quyền lợi chính đáng như chúng tôi, thì tôi nghĩ họ dùng súng ép chúng tôi vào tù, dùng bạo lực nhà tù cũng không khuất phục được ý chí đấu tranh của chúng tôi. Bước chân vào trại giam thì họ nói với tôi là cải tạo tốt thì họ sẽ giảm án cho. Tôi trả lời tôi không cải tạo, những người dùng súng bắt tôi thì mới phải cải tạo. Tôi tuyên bố thẳng với giám thị trại giam Gia Trung là tôi chống lại tất cả các quy định mà nền tư pháp thối nát của Việt Nam áp dụng đối với tôi.”
Quyết tâm đó của bà Cấn Thị Thêu cũng là ý chí của hầu hết các nữ cựu tù nhân như Đỗ thị Minh Hạnh, bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Đặng Thị Ngọc Minh…