Nhiều người ủng hộ “cuộc chiến chống tham nhũng” của Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, và chỉ trích những người đòi dân chủ rằng: “Không bắt bọn tham nhũng thì chúng mày chửi, bắt chúng mày cũng chửi, cái x. gì chúng mày cũng chửi được. Tóm lại, chúng mày muốn gì, hay chỉ thích chửi cho sướng mồm?”.
Mình nghĩ có một số điểm cần phải làm rõ, bằng cách trả lời các câu hỏi như sau:
1. Ai ủng hộ tham nhũng? Những người thực sự ủng hộ dân chủ-tự do cho Việt Nam thì không bao giờ ủng hộ một kẻ tham nhũng nào. Một kẻ tham nhũng ngu dốt, hãnh tiến như Trịnh Xuân Thanh, hay gian xảo, an ninh đội lốt doanh nhân như Vũ Nhôm, thì càng không ai có thể ủng hộ.
2. Cái gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng có thật sự là cuộc chiến chống tham nhũng không? Cá nhân mình thấy bề ngoài nó giống như một trò chơi ác của Nguyễn Phú Trọng, trong đó ông ta nhét ráo bộ sậu lãnh đạo của Đảng và Nhà nước – những con rối – vào một cái lọ rồi đem xóc tung lên cho cả đám buồn nôn chóng mặt, con rối nào tay yếu, không bám chắc được thì sẽ văng khỏi lọ. Trò chơi “Trọng xóc lọ” này làm chính trị nội bộ luôn rối ren, không thể nào ổn định được; tuy thế, trong lúc xóc lọ để làm cả Đảng lao đao, ông ta vẫn không quên chỉ đạo công an tiêu diệt đến nơi đến chốn mọi lực lượng đối lập tiềm năng, kiên quyết không để hình thành “tổ chức chính trị đối kháng”.
3. Cứ cho rằng Nguyễn Phú Trọng thực tâm chống tham nhũng (để làm trong sạch, vững mạnh đảng Cộng sản), thì ông ta đang chống nó bằng cách nào? Không phải bằng một cơ chế dân chủ, đa nguyên đa đảng, nhà nước pháp trị, báo chí độc lập, mà ngược lại, bằng toàn những thủ đoạn đặc thù của lãnh đạo một nhà nước độc tài toàn trị: gây bè kéo cánh, tạo dựng phe phái, sử dụng truyền thông đen nhào nặn dắt mũi dư luận, rò rỉ thông tin cho “cánh hẩu”… và không loại trừ việc có cả những hành động tàn độc như khủng bố, ám sát, bức tử đối thủ… Với những thủ đoạn ấy, Phú Trọng có chống được tham nhũng không hay chỉ càng “xóc lọ” cho mọi thứ rối tung lên hơn?
4. Cứ cho rằng Nguyễn Phú Trọng chống được tham nhũng – nghĩa là tiêu diệt được hết những kẻ không thuộc phe cánh của ông ta mà ông ta cho rằng có tham nhũng – thì sau cuộc chiến đó, ông ta sẽ làm gì? Sẽ tuyên bố thực thi dân chủ, chấp nhận đa nguyên đa đảng, bảo đảm nhân quyền cho người dân chăng? Hỏi tức là đã tự trả lời.
Cuối cùng, điều duy nhất mà mình đánh giá cao ở nỗ lực “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng là: Dù gì đi nữa, ông ta cũng là một đảng trưởng tốt, thực tâm lo lắng cho sự tồn vong của cái đảng của ông ta. Việc “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng cho dù vì mục đích gì thì nó cũng có phần hướng tới việc bảo vệ chút uy tín đã quá nát của đảng Cộng sản.