Nguyễn Hồng Phúc
(VNTB) – “Quyết định xếp hạng di tích là một trong những cơ sở để TP xem xét điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm” – Trích trang 1 phần “Mục đích, yêu cầu”, văn bản số 2910/KH-SVHTT, ngày 01-08-2019 của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM về “Kế hoạch lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, địa chỉ phường Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh”.
Bản đồ Quy hoạch Thủ Thiêm
Đồng thuận từ Bề Trên Công giáo?
Trước đó, trên trang web của Tổng Giáo phận Sài Gòn, ngày 19-04-2019, có bản tin nội dung: “Vào cuối Thánh lễ Truyền Dầu 18-4-2019, Đức Giám mục Giám quản Tổng Giáo phận Sài Gòn đã công bố:
Ngày thứ Ba 21-3-2019, Ban Dân Vận Thành Ủy đã đến Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, gặp Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân để thông báo 2 điểm:
Lãnh đạo TP.HCM đã có chủ trương giữ lại Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm như là một di tích văn hóa lịch sử. Đề nghị Tòa Tổng Giám mục đề cử một đại diện làm việc với các cơ quan liên hệ để trao đổi và tiến hành các bước cần thiết cho việc thực hiện những chủ trương trên.
Đức cha Giám quản đã bàn với Ban Tư Vấn và đề cử Cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân đại diện Tòa Tổng Giám mục để gặp gỡ trao đổi với các cơ quan, ban ngành liên hệ”.
Như vậy có thể thấy rằng văn bản đánh số 2910/KH-SVHTT là những bước tiếp theo về mặt thủ tục hành chính để thực hiện yêu cầu về xác lập di tích văn hóa lịch sử.
Những nghi vấn có căn cứ
Tuy nhiên thông tin nói trên lại mâu thuẫn với tin UBND TP.HCM đang vận động đại diện Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, vào ngày 26-07-2019, lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM xác nhận vừa phát hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp của tổ công tác đầu tư mới đây về liên quan đến việc triển khai các dự án trong Khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phân công Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng UBND quận 2 tiếp xúc, vận động đại diện Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm hợp tác, đồng thuận cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đo vẽ hiện trạng khu đất thuộc khuôn viên Nhà thờ, Dòng mến thánh giá, và bàn giao mặt bằng trước để triển khai ngay công tác thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn theo tiến độ quy định. [Nguồn: http://bit.ly/2TcoVSi]
Không ít hoài nghi rằng việc thực hiện thủ tục hành chính cho xác lập di tích lịch sử – văn hóa ở Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm, chỉ là biện pháp tình thế, sau khi chính quyền ‘nuốt không trôi’ Nhà thờ Thủ Thiêm và Nhà Dòng Thủ Thiêm. [xem thêm bài liên quan chủ đề đất đai của cơ sở tôn giáo trên trang Việt Nam Thời Báo, số gần đây – http://www.vietnamthoibao.org/…/vntb-at-ai-cua-co-so-ton-gi…]
Lo lắng nói trên còn xuất phát từ trước đó, đầu tháng 02-2019, khi đến thăm và chúc Tết các Cha xứ tại Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ về hướng giải quyết đối với các công trình tôn giáo tại Thủ Thiêm.
Tại thời điểm đó, UBND TP.HCM cho biết chủ trương của thành phố là giữ lại các công trình chính yếu của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm. Riêng một số khu vực lân cận sẽ được xem xét chỉnh trang cho phù hợp quy hoạch, đảm bảo mỹ quan.
Như vậy, phải chăng “Kế hoạch lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, địa chỉ phường Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh” ở văn bản số 2910/KH-SVHTT, ngày 01-08-2019 của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM, là nhằm đến việc ‘vạch lằn ranh’ cho chuyện giữ lại các công trình chính yếu, và các khu vực còn lại của Nhà Dòng, Nhà thờ sẽ là môi trường cảnh quan?
Góc nhìn khác, linh mục Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Giáo xứ Sáu Bọng (Giáo phận Long Xuyên), nói rằng ở đây cần xem lại một số ràng buộc không hợp lý của Luật Di sản văn hóa đối với tài sản bất động sản thuộc tổ chức tôn giáo.
“Bởi sau khi được công nhận ‘di sản’, việc mình muốn bảo quản, tu bổ… nhà của mình, phải “lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Nhà của mình nhưng ‘quyền và nghĩa vụ’ phải cho người khác vào ‘tham quan, nghiên cứu’ vì đó là di tích. Nếu muốn di dời, dù chỉ là Tượng Thánh trong Nhà thờ, Nhà Dòng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”. Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ lo lắng.
Có một ưu tư, là mai này khi hướng dẫn viên thuyết minh cho du khách về di tích lịch sử văn hóa nơi đây, họ có được quyền nói cho người khác biết, Nhà thờ Thủ Thiêm, Nhà Dòng Thủ Thiêm đã từng phải đấu tranh rất quyết liệt với chính quyền để có thể tồn tại đến hôm nay?
“Chắc chắn câu chuyện về tấm bản đồ thất lạc dẫn đến chùa Liên Trì bị xóa sổ, và Nhà thờ Thủ Thiêm, Nhà Dòng Thủ Thiêm cũng nhiều lần bị chính quyền hăm he… sẽ rất thu hút du khách khi đến tham quan nơi được công nhận là di sản văn hóa của Sài Gòn/ TP.HCM”. Nhà báo Thảo Vy – người ‘đeo bám’ vụ khiếu kiện của cư dân Thủ Thiêm, dự báo.
Câu chuyện tấm bản đồ thất lạc
Xin được nhắc lại: Ngày 19-6-2012, chính quyền TP.HCM với người đứng đầu quyền lực là ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, đã ban hành Quyết định 3165/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Theo đó, quy hoạch mới có 8 phân khu chức năng so với 5 phân khu chức năng theo QĐ 6566/QĐ-UBND năm 2005. Diện tích quy hoạch vẫn không đổi là 657 ha. Nhưng phần đất dành cho công trình văn hoá ứng với vị trí thực địa thì đây là các cơ sở tôn giáo Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, theo quyết định mới đã được giải toả trắng trên bản đồ đính kèm theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Điều đó có nghĩa so với quy hoạch ban đầu được phê duyệt là bảo tồn các di sản văn hóa, tôn giáo ở Thủ Thiêm, giờ đây Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm lại hiện diện trong danh sách bị xóa trắng, giống như vào tháng 9-2016 chính quyền ông Đinh La Thăng đã cưỡng chế đập bỏ chùa Liên Trì, một cơ sở tôn giáo trên 70 năm tuổi ở Thủ Thiêm.
Với quy hoạch điều chỉnh này, Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và hệ thống trường học nằm ở khu chức năng số 2, cụ thể là khu 2A. Khu chức năng số 2 nằm ở phía Nam của Khu Lõi Trung tâm, là một khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư đa chức năng và thể thao giải trí.
Theo quy hoạch được phê duyệt, các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng trong khu chức năng số 2, là Công trình khu phức hợp tháp quan sát, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường học và trung tâm hành chính địa phương. Khu vực này được quy hoạch cho dân số cư trú thường xuyên là 32.600 người. Không quy hoạch không gian tôn giáo cho cư dân.
Trước đó, trong một trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Võ Viết Thanh – phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách quản lý đô thị, quyền Chủ tịch UBND TP.HCM (giai đoạn 7/1996 – 8/1997), phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.HCM (8/1997 – 17/5/2001) cho biết: “Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ: quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.
Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang nhà cửa, khu tái định cư được bố trí sát cạnh khu trung tâm mới.
Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người… Không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn”.
Ông Võ Viết Thanh là người trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu tình hình Thủ Thiêm, ký tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000 khu đô thị mới và trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch. Tuy nhiên sau này thì xảy ra vụ ‘thất lạc bản đồ’ quy hoạch xây dựng Thủ Thiêm 1/5.000 mà ông Võ Viết Thanh đã trình và được chấp thuận của Thủ tướng chính phủ.
Tuy nhiên trong bộ hồ sơ của người dân Thủ Thiêm khiếu nại về quy hoạch ở dự án này lại có kèm tấm bản đồ “Quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm – Tổng quy hoạch”, phía dưới ghi rõ các cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận gồm: Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị, với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12-6-1995, tỷ lệ 1/5.000.
Người dân Thủ Thiêm cho rằng tấm bản đồ này là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua. Họ khẳng định đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch, nhưng lại bị giải tỏa.
Liệu trong quá trình của thủ tục hành chính để xác lập việc công nhận di tích Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nhằm “xem xét điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm” (nguồn đã dẫn), có ‘tình cờ’ tìm thấy tấm bản đồ thất lạc?. Và tấm bản đồ ‘thất lạc’ đó có trùng khớp với tấm bản đồ trong hồ sơ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm suốt mấy mươi năm qua?