Wednesday, October 16, 2024
HomeDU LỊCHBLOGSự ảnh hưởng của các làn sóng thông tin đến đời sống...

Sự ảnh hưởng của các làn sóng thông tin đến đời sống dân chủ

Nguyen Tieu Quoc Dat

Nhân có nhiều người đau đáu buồn câu hỏi vì sao vụ cướp đất Đồng Tâm không được quần chúng mạng xã hội Facebook quan tâm bằng vụ Tuesday cướp chồng bị oánh ghen ở Lý Nam Đế. Thế này thì biết bao giờ đất nước mới đổi thay. Mình cho rằng:

– Nếu nhìn sang các mạng xã hội hội khác, ngoài Facebook, đặc biệt là giới trẻ sinh sau năm 2000 đang dùng thì bọn nó chả quan tâm đến cả 2 vụ này mấy luôn. Phần lớn các trend toàn cầu đều không ăn vào 2 vụ này. Những người đặt câu hỏi đa phần sinh năm 7x và họ không biết tí gì về những công dân tương lai của đất nước. Ở Việt Nam quá luỵ vào Facebook. Facebook xoá bài thì đau đớn kêu ca, chửi thằng Mark lên tận nóc. Tự biến Facebook thành mạng lưới chia sẻ thông tin chống độc tài độc quyền thì cuối ngày bị Facebook thọt đuýt vậy phải làm sao. Muốn thông điệp của mình lan rộng thì phải chịu khó mần các mạng xã hội khác và tiếp cận bằng nhiều cách khác. Các kiểu chia sẻ thông tin kiểu cũ kêu ca chửi bới không còn là ngôn ngữ của phổ thông đại chúng. Nó đã quá date. Nói nhiều quá thành nói nhảm. Mà thực ra, giới dân chủ tự nhảm hoá dần khi họ dính vào fakenews điều khiến họ buộc phải nâng cấp, tự trang bị các kỹ năng, hoặc không sẽ sớm bị thải loại.

– Tuesday – Tiểu Tam là một trend trên Facebook đã lâu, vụ oánh ghe Lý Nam Đế nó vào luôn cốt truyện truyền hình và dễ dàng lan rộng vào thế giới văn phòng bỉm sữa. Và đó cũng là vấn đề của thị dân dùng Facebook quan tâm. Ta thử nhìn vào kết quả điều tra tổng dân số và nhà ở của UNFPA năm 2019 có thể thấy thị dân đã chiếm 34,4% tổng dân số, dân số nông thôn chiếm 65,6% (nhưng có thể tạm đoán tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng mạng xã hội không cao như thị dân). Đáng nói hơn tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009 – 2019 là 2,64%/năm, gấp hơn hai lần tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của cả nước và gấp sáu lần so với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn cùng giai đoạn. Như vậy trong tương lai, thị dân sẽ chiếm đa số và các vấn đề oánh ghen, ngoại tình, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh phổ thông đã và sẽ là vấn đề họ quan tâm nhiều hơn những gì đã và đang đang diễn ra ở khu vực ngoại thành, nông thôn. Thậm chí ngay đối với làn sóng di cư từ thành thị ra nông thôn, giới trung lưu và thu nhập cao cũng sẽ chủ động tìm đến các khu vực không tranh chấp, không nhạy cảm chính trị để tạo nên một làn sóng gentrification, đẩy ngược nông dân ra thành thị làm thuê cho những địa chủ thế kỷ 21. Đây là một xu hướng không thể quay lại và nếu không hiểu và thay đổi cách tiếp cận những người nông dân đội nón đi tìm công lý sẽ tiếp tục cô đơn và bị dán nhãn cực đoan khi chính họ chỉ còn chỗ nương náu vào các nhà dân chủ cực đoan.

– Và chúng ta cũng sẽ đặt câu hỏi tiếp, tại sao lại có những làn sóng dân sự đa dạng ở những nước phát triển? Nếu nhìn vào lịch sử các cuộc tranh đấu mà ta hay lấy Mỹ làm ví dụ nhờ Hollywood chăm làm phim tiểu sử, có thể thấy, tầng lớp trung lưu cũng từng thờ ơ về những bất công xung quanh mình. Hãy xem giới trung lưu da trắng được thừa hưởng sự ưu đãi tuyệt đối về chính sách và hưởng lợi từ chế độ nô lệ? Vậy vì sao họ phải đấu tranh cho người da đen? Vào thời điểm đó, có mấy ai quan tâm đến nhân quyền và bình đẳng khi trong não họ coi người da đen như một chủng tộc hạ đẳng? Nhận thức của con người chỉ thay đổi nhờ những người tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật đến khoa học để con người nhận ra được những điều đương nhiên của sự bình đẳng chủng tộc, phía sau làn da chỉ là cơ xương khớp và các nhu cầu giống hệt nhau. Rồi khó hơn nữa là sau các ngôn ngữ văn hoá, tôn giáo khác nhau vẫn là những cá thể như nhau. Rồi sau các thể chế chính trị cũng là những công dân có nhu cầu giống nhau. Và dẫu các nhu cầu có giống nhau là vậy nhưng họ cũng phải học cách tôn trọng sự khác nhau của mỗi cá thể. Quá trình nhận thức cũng trở nên lan toả diện rộng nhờ in ấn, báo chí, radio,truyền hình và đặc biệt là internet. Khi thông tin được lan truyền nhanh, chúng ta nhận thấy khi sự trưởng thành trong nhận thức của công dân, đạt một độ chín nào đó, mới tạo ra làn sóng hàng ngàn người xuống đường vì cái chết của 1 người da đen xa lạ cách mình hàng ngàn cây số. Và khi khoa học được chia sẻ đủ độ thì mới có hàng trăm ngàn đứa trẻ xuống đường để đấu tranh cho mấy tảng băng, con gấu Bắc Cực sống cách chúng hàng triệu km. 

Như vậy có thể thấy, khi chính những người đang được coi là tiên phong cầm đuốc ở VN vẫn chưa hiểu được làn sóng BLM, chưa hiểu được các hiện tượng Greta thậm chí đứng về phía chống lại những hiện tượng đó, có nghĩa rằng các làn sóng xã hộị dân sự VN vẫn chậm hơn thế giới một thế kỷ về nhận thức cho dù họ được trang bị đầy đủ laptop, điện thoại di động. Và đây là một quá trình giật lùi nếu ta quan sát liên tục trong 10 năm và hiểu được sự ảnh hưởng của các làn sóng thông tin đến đời sống dân chủ của những công dân bị triệt tiêu đề kháng nhận thức sau một quá trình bưng bít thông tin và tuyên truyền nhồi sọ. Dù đã bước vào kỷ nguyên số, những người tưởng như đã tự phá xiềng xích nhưng nếp nhận thức ta/địch nhị nguyên vẫn có thể đẩy họ vào các cạm bẫy tuyên truyền ngược và dễ dàng bị nhồi sọ tiếp. Giai đoạn này rất đáng cho những người nghiên cứu về truyền thông, chính trị và xã hội học quan sát về các tác động tích cực lẫn tiêu cực của internet khi nó đến quá nhanh vào những ngôi làng ở bên rìa thế giới thông tin. Việt Nam là một case rất điền hình. Và người VN cũng là một hiện tượng điển hình khi đặt họ trong môi trường Đông Nam Á, Đông Á để thấy sự tương đồng nhận thức về dân chủ với Philippine, Indonesia, chậm hơn so với Thái Lan và ở khoảng cách rất xa với Nhật Bản, Hàn Quốc.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular