Friday, October 4, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGNhà văn Phương Phương: Cuộc đua tiếp sức “Đăng-xóa-xóa-đăng” của triệu người...

Nhà văn Phương Phương: Cuộc đua tiếp sức “Đăng-xóa-xóa-đăng” của triệu người Vũ Hán

Phương Phương

Người dịch: Phuc Khang

14-3-2020

Vũ Kim Hạnh: Tôi vừa đọc được tin thật ngộ nghĩnh. Khi toàn nước Ý bị phong tòa, đêm qua, triệu triệu người Ý đã hẹn nhau đúng 6 giờ chiều, ra đứng bên ban công nhà, cùng hát, đàn, múa, reo ca hay tạo tất cả những âm thanh vui rộn rã, rồi cùng đồng ca bài “cuộc sống tươi đẹp”.

Đúng là người Ý, mê đàn hát, nhảy múa nên giữa đại dịch đã cùng sáng tạo một show âm nhạc miễn phí đông vui nhất trên đời để động viên nhau vượt khó. Tôi sẽ post lên liên tiếp 2 stt, trích nhật ký 4 ngày liên tiếp, từ 10 đến 13/3 (trích thôi, bởi để nguyên thì dài lắm, chắc bạn sẽ đọc không nổi, dù đọc xong thì thấy tiếc sao vội hết). Các tựa chính, phụ do tôi đặt, người dịch vẫn là Facebooker Phuc Khang. Và đến stt kế, bạn sẽ thấy một show tập thể của người Vũ Hán mà nhà văn Phương Phương đề nghị, rồi mới thấy thương dân Vũ Hán đến đoạn trường…

***

Xin trích tiếp nhật ký ngày 10/3, một bài phỏng vấn “thật thà”, bình dị mà sâu sắc. Kế là đoạn trích nhật ký ngày 11/3/2020.

7. Hỏi: Bạn có cho rằng các nhà văn nên có nhiều trách nhiệm xã hội hơn, ngoài việc viết lách?

PP: Nó phụ thuộc vào từng cá nhân. Không phải ai cũng phù hợp với việc gánh vác trách nhiệm xã hội. “Gánh vác” 2 từ này rất đơn giản, nhưng không có lòng can đảm, không có khả năng, tính cách yếu đuối, bản tính nhút nhát và dễ dàng lo lắng, thì tại sao bắt người ta gánh? Chuyện của thiên hạ, tất nhiên có người gánh vác, có người không. Không nên ép buộc người khác.

8. Hỏi: Về cuốn “Chôn mềm”(cuốn tiểu thuyết “Soft Burial” của tác giả Phương Phương), bạn đã gặp phải công kích từ cả 2 phía chùa chiền và giang hồ. Bạn nghĩ sao? Đám đông hung dữ lao đến. Bạn có sợ không?

PP: Tôi không quan tâm lắm. Có gì để sợ? Đúng ra là họ phải sợ tôi chứ? Về chiến bút, tôi là một nhà văn chuyên nghiệp, và việc tôi làm là viết lách. Làm sao có thể sợ họ. Nếu họ cầm cây gậy đến gây sự trước cửa nhà, tôi có thể sợ. Nhưng họ chỉ viết bài, đây có phải là sở trường của tôi không?

Cái gọi là giang hồ mà bạn đang nói đến, đều là những người cực tả? Trình độ của họ quá thấp, khả năng viết lách, phán đoán logic, suy nghĩ quán tính, v.v… đều quá thấp. Tôi mà tranh luận với họ thì cũng bị mất thể diện. Nhưng các quan chức thì khác, đặc biệt là các quan chức cấp cao. Họ có quyền lực trong tay. Ngay cả khi họ về hưu, họ vẫn có ảnh hưởng đến nhiều người. Khi họ tấn công tôi, tất nhiên là tôi sẽ chống cự. Thời bây giờ họ biết rằng thật không thể tuỳ tiện, đi mắng một nhà văn như vậy…

9. Nếu nhiều năm sau, ai đó đánh giá Nhà văn Phương Phương “là một nữ nhà văn có trách nhiệm với xã hội, có lương tâm và đáng ngưỡng mộ” hoặc “Cô ta là một người văn ngôn cao siêu, một nhà văn có ngòi bút sắc sảo?

PP: Chuyện đó với tôi không thành vấn đề, tôi không quan tâm người khác đánh giá tôi như thế nào. Tôi có thể sống cuộc sống tự tại là được. Họ muốn nhận xét như thế nào thì tuỳ, cũng không liên quan đến tôi.

10. Trên thực tế, có rất nhiều tiếng nói hoài nghi hoặc phản đối bạn trên mạng. Bạn có cảm thấy uẩn khúc hay buồn phiền khi đối mặt với những tiếng nói như vậy không? Làm thế nào bạn duy trì trạng thái quân bình, khi có sự cố tình gieo rắc sợ hãi và hoảng loạn cho bạn?

PP: Không buồn lòng, một chút bất bình, nhưng tức giận và khó hiểu hơn. Bạn sẽ tức giận tại sao đám cực tả lại làm như vậy, và không hiểu tại sao những người đó có quá nhiều thù hận. Tôi không biết một ai trong số họ, và tôi chưa bao giờ gặp họ theo bất kỳ phương cách nào. Sự thù hận của họ tôi hoàn toàn không thể giải thích nổi.

Tôi không thể duy trì suốt trạng thái an tâm, và đôi lúc tôi cũng bị căng thẳng, tâm trí hỗn loạn. Cũng có những lúc tôi không biết làm thế nào để sự việc tốt hơn.

11. Hỏi: Với thân phận cựu chủ tịch Hội Nhà văn, nó có bảo vệ cho bạn hay ảnh hưởng tiêu cực hay không?

PP: Hình như không có gì hết? Khi tôi là chủ tịch, và rồi khi tôi về hưu, tôi không bận tâm đến thân phận đó. Khi tôi chưa làm chủ tịch, tôi đã sống rất tốt. Khi tôi lên làm chủ tịch, cuộc sống cũng không thay đổi. Bây giờ về hưu, cũng giống như trước đây. Những kẻ quá coi trọng chức chủ tịch, là họ không hiểu về thể chế Trung Quốc, cũng không biết gì về cá nhân tôi.

12. Hỏi: Nếu dịch bệnh kết thúc, bạn muốn làm gì nhất?

P.P: Dừng viết nhật ký, dĩ nhiên. Tiếp tục hoàn thành cuốn tiểu thuyết đang viết dỡ.

NHẬT KÝ CẤM THÀNH NGÀY 11-3-2020

Thời tiết vẫn tốt. Ánh nắng đầu xuân rất sảng khoái. Hãy nghĩ về Đông Hồ vắng ngắt vào lúc này. Hoa mai có thể đã bị gió và mưa của hai ngày trước thổi bay. Bài thơ nên nói sao? “Bạch hoa phiêu linh, thuỷ tự lưu dạ”. Con chó già trong nhà bị nhốt trong một thời gian dài, nên không muốn ra ngoài. Đuổi như thế nào cũng không muốn ra sân, nhất định nằm trong ổ. Tôi cũng cảm thấy mình giống như vậy, không muốn ra ngoài, chỉ muốn ở nhà. Một số bạn bè hẹn là sau dịch bệnh cùng đi Đông Hồ. Xem ánh nắng mùa xuân và du ngoạn thanh sơn lộc thuỷ. Nếu như trước đây, tất nhiên tung chân bước đi liền. Nhưng bây giờ, không có cảm giác muốn ra ngoài, tôi tự hỏi không biết đó là loại di chứng nào?

Bạn bác sĩ của tôi tiếp tục gửi những thông tin tốt lành. Số lượng bệnh nhân mới được chẩn đoán đã giảm xuống dưới 20, số 0 chắc sắp đến. Số người chết cũng đã giảm đáng kể nhờ nỗ lực của các bác sĩ. Tôi hy vọng rằng thông điệp về cái chết bằng 0 đến sớm hơn…

Một người bạn tôi đã truyền cho tôi 1 bức ảnh sáng nay: Đó là mấy chục thành viên, nhóm wechat của khoa ngoại tuyến giáp và nhủ hoa, của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán là nhóm WeChat có Bác sĩ quá cố Giang Học Khánh đã làm một điều thật cảm động: Vào ngày bác sĩ Khánh mất, mọi người thay thế mỗi hình chân dung của họ bằng ảnh một cây nến trên nền đen, chỉ để lại một chân dung của Giang Học Khánh. Tôi thực sự xúc động, đồng nghiệp có tình có nghĩa như vậy, bác sĩ Khánh nơi suối vàng nếu biết, sẽ có phần an ủi.

***

Từ hôm qua đến hôm nay, việc chặn xoá trên mạng đã gây ra sự phẫn nộ trong nhân dân và mọi người bàn tán nhiều. Nó giống như trong cuộc đua tiếp sức, xóa một lần lại đăng lại 1 lần, hết đợt này đến đợt khác. Cuộc đua quyết bảo vệ lẽ phải bằng trái tim hàng triệu người. Như trường hợp Chủ nhiệm khoa cấp cứu Nghệ Phân nêu nghi vấn về việc chậm trễ thông tin. Lập tức, bài chị bị xóa và chị bị khiển trách nặng nề… Liên tiếp xuất hiện các loại văn tự, các loại hình ảnh, và an ninh mạng xóa hoài không hết, dập không tắt.

Tôi rất khó hiểu vì sao an ninh mạng xóa bài tôi, hết lần này đến lần khác và tôi suy đoán rằng do những lời buộc tội của lề trái cực đoan, mà họ muốn cố gắng duy trì sự ổn định nên họ xóa bài. Họ xóa gay gắt nhất là bài tôi hỏi: Ai, từ đâu và vì lý do gì đã trì hoãn công bố dịch trong hơn hai mươi ngày? Không rõ chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Ai đã yêu cầu xóa bài khi tôi nêu câu hỏi đó? Quan viên Vũ Hán? Hay là quan viên Hồ Bắc? Hay là… tóm lại, thật khó để tôi hiểu và tưởng tượng nổi.

Sau khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12 năm ngoái, quá trình đó, có quá nhiều thứ trái với lẽ thường, quá nhiều thứ đã vi phạm các quy tắc và quá nhiều thứ không thể trả lời được. Qua các cuộc điều tra gần đây của các phóng viên khác nhau, các chi tiết đáng kinh ngạc đã hé lộ. Bất kể các quan chức hoặc chuyên gia, cho dù họ ngớ ngẩn, tiêu cực, sơ suất, bất cẩn, hoặc muốn đổ lỗi tránh nhiệm, thì bây giờ dân Vũ Hán đã hiểu, sự che giấu này tương đương với tội tòng phạm và phải bị trừng trị nghiêm khắc vì làm tổn thương trái tim của mỗi người dân. Do đó, tôi không tin rằng lãnh đạo sẽ dễ dàng bỏ qua, để những người có trách nhiệm phủi tay một cách dễ dàng.

Hôm nay, tôi cũng đặc biệt kiểm tra thật kỹ 9 quy định có liên quan. Thật rõ ràng, xin lỗi và từ chức là cần thiết cho hoạt động bình thường của một xã hội. Đối chiếu với 9 điều trên, ai nên chịu trách nhiệm và từ chức ở Hồ Bắc và Vũ Hán? Tôi kiến nghị những người liên quan nên tự mình đối chiếu. Từ đó, tôi cảm thấy rằng khi các quan chức nhậm chức sau này, trước tiên họ phải hiểu cách xin lỗi, và sau đó họ phải học cách từ chức. Với những hạng người vô tri vô lại, làm hỏng việc còn mặt dầy như vậy, người dân sẽ gánh không nổi đâu.

Viết đến đây, tôi được người bạn chuyển đến một bài điều tra của phóng viên tờ “Nam Phương Cuối Tuần”, với tựa đề: “Bốn người hy sinh và bốn người nguy kịch – Thời khắc đen tối của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán“. Bài điều tra nói rõ về bốn bác sĩ đang nguy kịch tại Bệnh viện này mà Bác sĩ Dương Phàm, Trưởng khoa cấp cứu, nhấn mạnh rằng, cả bốn người đều bị suy đa tạng bao gồm suy hô hấp và đi kèm với các biến chứng nặng khác nhau: Đó là Phó viện trưởng Vương Bình, Ủy viên lý luận Luân Lệ, Phó chủ nhiệm nội khoa não bác sĩ Dị Phàm và Phó chủ nhiệm khoa tiết niệu Hồ Vệ Phong.

Than ôi, điều này thực sự làm mọi người đau buồn. Trong trường hợp này, Bí thư và Viện trưởng của Bệnh viện Vũ Hán có thể ngồi yên trong ghế của họ không? Quả thực mọi người muốn hét lên: Nếu còn lương tâm, xin hãy đi đầu trong việc xin lỗi và từ chức?!!

Tranh chân dung 4 bác sĩ của BV Vũ Hán đã qua đời khi cứu người chống dịch.

BS Ai Fen trong nhóm 8 bác sĩ cảnh báo, cũng bị khiển trách

Nhóm Wechat xóa chân dung mọi người, chừa lại 1 chân dung duy nhất là BS Giang Học Khánh (hàng thứ 8 từ dưới lên) ngày anh qua đời.

Nguồn: Vũ Kim Hạnh

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular