Cù Tuấn
Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ vừa sụp đổ. Có thể chúng ta chưa bao giờ nghe nói về nó, nhưng nó rất có thể là lý do khiến năm 2023 sẽ là năm khủng hoảng toàn cầu giống như năm 2008.
Silicon Valley Bank giống như Lehman Brothers, nhưng ngân hàng này chuyên giữ tiền cho các công ty công nghệ khởi nghiệp của Mỹ. Việc một ngân hàng Mỹ ở bên kia quả địa cầu bị sập, dù sớm hay muộn cũng sẽ tác động đến người Việt chúng ta theo một cách nào đó.
Nhiều công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã đổ tiền của họ vào SVB. Số tiền hàng triệu USD của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã được huy động tại đây để rót vốn cho các công ty mới thành lập. Vào cuối tuần này, nhiều nhà sáng lập đã xếp hàng dài để rút tiền của họ và với một số người không thể rút được tiền, nhiều khả năng là hàng triệu USD—thậm chí có thể hàng tỷ USD—đã bị bốc hơi.
Ngân hàng này sụp đổ chỉ trong vòng ba ngày, nhưng phải mất ít nhất một năm nó mới có thể chính thức tuyên bố phá sản. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất trong năm qua, những thứ như đầu tư mạo hiểm trở nên đắt đỏ hơn. Các khoản đầu tư cũng trở nên đắt đỏ, dẫn đến việc sa thải nhân công hàng loạt trong lĩnh vực công nghệ. Khi dư tiền vào năm ngoái, SVB đã mua hàng loạt trái phiếu chính phủ Mỹ, và khi lãi suất tăng mạnh thì các trái phiếu này giảm giá tương ứng.
Trong một cuộc họp cuối tuần trước, bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody’s đã có một tin xấu cho SVB: các khoản lỗ trái phiếu chưa được ghi nhận ở trên đồng nghĩa là họ có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. Để củng cố bảng cân đối kế toán và giữ mức tín nhiệm, nhà băng này phải giảm phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu bị thua lỗ để tăng tính thanh khoản.
Vào ngày 8/3, SVB cho biết họ đã bán một lượng lớn trái phiếu và cổ phiếu, trị giá 21 tỷ USD vào thời điểm bán, với khoản lỗ khoảng 1,8 tỷ USD sau thuế. Sau thông báo đó, mọi thứ dường như còn tồi tệ hơn đối với ngân hàng này. Thông báo bán trái phiếu đã khiến cổ phiếu SVB giảm giá 60%, khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn và khiến ngân hàng này phải hủy bỏ kế hoạch bán cổ phiếu lấy tiền.
Tuy hàng loạt nhà kinh tế học Mỹ và giám đốc SVB đã lên báo trấn an người dân, kêu gọi mọi người “hãy bình tĩnh”, nhưng các công ty tư vấn Mỹ thì âm thầm thông báo cho các khách hàng phải rút tiền mặt ra khỏi SVB càng nhanh càng tốt. Vào ngày 9/3, các khách hàng này đã cố gắng rút 42 tỷ USD tiền gửi của SVB—khoảng một phần tư tổng số tiền của ngân hàng—theo hồ sơ của cơ quan quản lý tại California. Và SVB đã hết sạch tiền mặt.
Hậu quả là các cổ phiếu ngân hàng Mỹ đang bị bán tháo. Cổ phiếu của những ngân hàng cho vay hạng trung khác tại Mỹ như First Republic Bank và Signature Bank đã bị tạm dừng giao dịch vào sáng ngày 10/3.
Những gì đến tiếp theo có thể là một cơn bão tài chính quy mô toàn cầu. Xin quý vị hãy thắt chặt dây an toàn, máy bay chúng ta sắp bay vào vùng thời tiết xấu…