Nguyễn Quốc Khải
VOA, 21-05-2019
BỐI CẢNH NÔNG THÔN
Donald Trump thắng cử vào 2016 nhờ sự ủng hộ tối đa và nông nhiệt của cử tri ở vùng thôn quê và đặc biệt là nông dân. Theo một nghiên cứu của National Public Radio (NPR), càng đi sâu về những vùng hẻo lánh, ít người, cử tri càng ủng hộ Trump và đảng Cộng Hòa. Một cách tổng quát, 62% cử tri ở nông thôn ủng hộ Trump và đảng Cộng Hòa, 34% ủng hộ Clinton và đảng Dân Chủ và 4% còn lại ủng hộ các ứng cử viên khác.
Theo thống kê 2017 của Bộ Canh Nông, Hoa Kỳ có 2.04 triệu nông trại và trại nuôi gia súc. Những nông trại này đã đóng góp cho nền kinh tế Hoa Kỳ 389 tỉ Mỹ kim vào 2017. Diện tích trung bình của nông trại nói chung là 441 mẫu Anh (0.4 hecta), nhưng có 273,000 nông trại nhỏ từ 1-9 mẫu Anh và 85,127 nông trại lớn có từ 2,000 mẫu Anh trở lên, chiếm 60% tổng số đất nông nghiệp của Hoa Kỳ. Về lợi tức, Hoa Kỳ có 76,865 nông trại thu nhập từ một triệu Mỹ kim trở lên hàng năm và 1.56 triệu nông trại có thu nhập từ 50,000 Mỹ kim trở xuống. Những con số này cho thấy là nông dân Hoa Kỳ không thuộc giới nghèo.
ĐỜI SỐNG NÔNG THÔN ĐẢO LỘN VÌ THUẾ QUAN
Hai năm trôi qua, tình hình nông thôn hoàn toàn thay đổi. Nông dân Hoa Kỳ đang ngậm đắng nuốt cay vì chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm cho thị trường nông phẩm sụp đổ.
Thât vậy, sau khi áp đặt thuế 30-50% trên solar panel và máy giặt vào tháng 1, 2018 và áp đặt thuế nhập cảng 10% trên nhôm và 25% trên thép vào tháng 5, chính quyền Trump đã áp đặt 25% thuế nhập cảng quy mô hơn trên số hàng Trung Quốc trị giá 50 tỉ Mỹ Kim trong hai đợt khác nhau và áp đặt 10% thuế nhập cảng trên một lượng hàng Trung Quốc trị giá 200 tỉ Mỹ kim vào cuối năm. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế 25% trên nông phẩm của Hoa Kỳ đồng thời Trung Quốc tìm mua nông phẩm từ những quốc gia khác như Brazil, Argentina, Canada, Autralia và Thái Lan.
Trung Quốc mua của Hoa Kỳ một số lượng đậu nành trị giá 9.1 tỉ Mỹ kim trong thời gian từ tháng 10, 2017 đến tháng 3, 2018 trước khi thuế quan được áp dụng. Số lượng đậu nành giảm xuống còn 1.88 tỉ Mỹ kim trong thời gian từ tháng 10, 2018 đền tháng 3, 2019 sau khi thuế quan được áp dụng.
Một số nước khác như Canada, Mexico, Brazil, Argentina và Liên Hiệp Âu Châu (LHAC) cũng áp đặt thuế quan trên nông phẩm và một số hàng khác của Hoa Kỳ. LHAC áp đặt thuế quan trên tổng số hang hóa của Hoa Kỳ trị giá 3.4 tỉ Mỹ Kim bao gồm nông phẩm và một số hàng khác như xe gắn máy Harley-Davidson, quần áo Levis, rượu bourbon, thép để trả đũa việc Hoa Kỳ áp đặt thuế trên thép và nhôm. Tổng số nông phẩm Âu Châu nhập cảng từ Hoa Kỳ trị giá khoảng 951 triệu Euro.
Tổng Thống Trump chủ trương mở nhiều mặt trận thuế quan cùng một lúc từ Bắc Mỹ, xuống Nam Mỹ, qua Âu châu, đến Trung Quốc, Nhật và Nam Hàn là một trong những sai lầm nghiêm trọng.
Kết quả là nông phẩm của Hoa Kỳ bao gồm đậu nành, bắp, lúa mì, thịt heo, ứ đọng. Theo báo cáo của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, số lượng đậu nành tồn kho tăng 29% so với năm ngoái. Nhờ giá nông phẩm lên cao, lợi tức ròng của nông nghiệp Hoa Kỳ lên tới 123 tỉ Mỷ kim vào 2013, nhưng xuống chỉ còn 59.5 tỉ Mỹ kim vào năm vừa qua. Cũng trong thời gian này, lợi tức ròng của một nông trại trung bình là 437,000 Mỹ kim vào 2013 và 339,300 Mỹ kim vào 2018.
Giá nông phẩm của Hoa Kỳ xuống thấp làm cho nông dân Hoa Kỳ bị khốn khổ đáng kể. Giá đậu nành đã giảm 30% và giá vào giữa tháng 5, 2019 xuống tới mức thấp nhất trong 10 năm qua là 8.3150 Mỹ kim / bushel (35.24 lít). Ông John King, một nông dân ở Arkansas, cho biết giá một bushel đậu nành là 17 Mỹ kim vào 2012, 10 Mỹ kim vào 2017 và 8 Mỹ kim vào năm vừa qua. Ông ấy nói ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bán hết số đậu nành còn lại trước khi thu hoạch mùa gặt năm nay.
Thông thường Trung Quốc mua một số lượng đậu nành trị giá khoảng 12 tỉ Mỹ kim, nay vì tranh chấp thương mại, Trung Quốc xoay qua mua đậu nành hầu hết của Brazil. Trong khi đó. nông dân Hoa Kỳ không kiếm được thị trường nào khác một khi Trung Quốc ngưng mua nông phẩm của Hoa Kỳ, khiến ông Trump phải yêu cầu Bộ Canh Nông mua nông phẩm của nông dân để cho không các nước nghèo sau này.
ẢNH HƯỞNG GIÂY TRUYỀN CỦA THUẾ QUAN
John Deere là một công ty sản xuất máy móc nông nghiệp nổi tiếng của Hoa Kỳ, cũng đang bị vạ lây vì tranh chấp thương mại. Trước đây công ty này tiên đoán doanh thu sẽ tang 7% trong năm 2019, nay đã phải hạ thấp xuống còn 5% và giảm mức lời từ 3.6 tỉ Mỹ kim xuống còn 3.3 tỉ Mỹ kim. Tranh chấp thương mại tạo ra bất ổn khiến nông dân trì hoãn đầu tư lớn vào máy móc.
Theo một cuộc điều nghiên của Purdue University và Chicago Mercantile Exchange (CME) Group vào tháng 4 vừa qua, chỉ có 22% nông dân nghĩ rằng lúc này thuận tiện để đầu tư lớn vào nông trại.
Không phải chỉ có nông dân hay giới tiêu thụ bị thiệt hại, mà ảnh hưởng của thuế sẽ liên quan đến mọi người. Theo một cuộc nghiên cứu của Trade Partnership Worldwide, tại thời điểm này ở mức thuế quan hiện nay, mỗi gia đình Hoa Kỳ trung bình phải chi thêm 700 Mỹ kim mỗi năm. Nếu ông Trump áp đặt 25% thuế quan trên tất cả hàng Trung Quốc như ông liên tiếp đe dọa, mỗi gia đình sẽ phải chi thêm 2,300 Mỹ kim hàng năm và Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với hậu quả mất 2.2 triệu việc làm. Dĩ nhiên, kinh tế của Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ co cụm lại.
Harley-Davidson quyết định chuyển một số bộ phận sản xuất xe gắn máy từ Hoa Kỳ qua Thái Lan để tránh thuế quan của LHAC. Âu Châu là một thị trường quan trọng của xe gắn máy sau Hoa Kỳ. Harley-Davidson bán được gần 40,000 xe gắn máy tại Âu Châu. Với thuế quan từ 6% – 31% hiện nay làm cho giá xe gắn máy tăng trung bình là 2,200 Mỹ kim. Công ty đã tạm thời không tăng giá và chịu thiệt khoảng 30 – 45 triệu Mỹ kim trong năm 2018. Nhưng thuế quan của LHAC sẽ còn dự trù tăng lên đến 56% vào năm 2021.
Nếu ông Trump có thể cứu được tất cả khoảng 140,000 việc làm trong khu công nghệ thép – nhôm bằng cách tăng thuế quan trên thép và nhôm nhập cảng, ông ấy sẽ gây rủi do cho 5 triệu việc làm trong những công nghệ xử dụng thép vì giá thép và nhôm của Hoa Kỳ cao hơn giá thế giới lần lượt 20% và khoảng 7-10%. Không biết bao nhiêu sản phẩm của Hoa Kỳ một phần làm bằng nhôm và thép, từ lon Coca Cola, xe Chevrolet đến Boeing 787. Những công ty sản xuất thép và nhôm của Hoa Kỳ hưởng lợi vì thuế nhập cảng và những công ty sử dụng thép và nhôm cùng với giới tiêu thụ đang bị thiệt thòi. Nếu Hoa Kỳ bán được ít sản phẩm dùng nhôm và thép, cán cân thương mại của Hoa Kỳ thiếu hụt thêm chứ không giảm. Ngoài ra, 3.4 triệu nông dân, trong đó có 300,000 người trồng đậu nành, cũng bị ảnh hưởng.
NÔNG DÂN LÊN TIẾNG
Cách đây vài ngày ba nhóm nông dân lúa mì, đậu nành và bắp đã họp và lên tiếng chống lại giải pháp gia tăng thuế quan mới nhất của ông Trump đã làm cho cuộc tranh chấp thương mại sôi sục thêm. Ba nông phẩm này chiếm 171 triệu mẫu Anh đất nông nghiệp của Hoa Kỳ. Ông Lynn Chrisp, Chủ Tịch Hiệp Hội Nông Dân Sản Xuất Đậu Nành Toàn Quốc tuyên bố “Nông dân lâu nay kiên nhẫn và bằng lòng chờ đợi kết quả của các cuộc thương lượng, nhưng với mỗi ngày trôi qua, sự kiên nhẫn vơi dần đi. Nông nghiệp cần sự chắc chắn, không cần thêm thuế quan.”
Cũng cách đây vài ngày, Patty Edelburg, Phó Chủ Tịch của Hiệp Hội Nông Dân Toàn Quốc (National Farmers Association) có trụ sở đặt tại Washington, đại diện 200,000 nông trại, xuất hiện trên màn hình của Fox News, trình bầy về tình trạng khốn khổ của nông dân đang phải đối phó với lợi tức và giá suy giảm. Hậu quả là nhiều nông trại đã phải phá sản. Số nông trại rao bán tăng gấp đôi.
Theo báo cáo của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tại Minneapolis, Minnesota, số nông trại phá sản tại sáu tiểu bang ở miền Trung Tây tăng 30% trong năm 2018. First Midwest Bank ở Chicago cho biết trường hợp trả nợ không đúng hạn tăng 287% cũng trong năm vừa qua.
Tổng Thống Trump tiếp tục kêu gọi nông dân kiên nhẫn, hi sinh, yêu nước. Ông Christopher Gibbs, một nông dân ở Ohio, nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình của CNN cách đây ba ngày rằng chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm cho nông dân “rơi tự do” với lợi tức giảm đột ngột đáng kể. Ông nhận xét rằng lời cám ơn nông dân yêu nước (patriot farmers) hi sinh chịu đựng gánh nặng, gây ra bởi thuế quan, của Tổng Thống Trump và các đồng minh Cộng Hòa là xạo ngôn rẻ tiền (cheap rhetoric) dùng để bịt miệng nông dân, nhưng ông sẽ không yên lặng.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, Tổng Thống Trump quyết định tăng thuế quan một lần nữa từ 10% lên 25% trên một số hàng Trung Quốc trị giá 200 tỉ Mỹ kim. Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế trên 60 tỉ Mỹ kim hàng của Hoa Kỳ. Tranh chấp thương mại căng thẳng trở lại và có nguy cơ kéo dài thêm khiến một số thành viên Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa đã phải công khai lên tiếng bênh vực nông dân và chỉ trích chính sách của ông Trump.
TNS Charles E. Grassley (Cộng Hòa, Iowa), Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, tuyên bố ông sẽ viết thư trình bầy những lo âu của nông dân. TNS Mitch McConnell (Cộng Hòa, Kentucky), Lãnh Tụ Đa Số Thượng Viện, lên tiếng “Không ai thắng cuộc chiến thương mại ngoại trừ cuối cùng đạt được thỏa hiệp, sau đó bỏ thuế quan đi.”
Nhưng không phải thành viên Quốc Hội nào cũng đồng ý với nông dân. TNS John Kennedy (Cộng Hòa, Louisiana) ủng hộ đường lối của Tổng Thống Trump. Ông nói rằng nông dân phải chịu đựng trong “ngắn hạn” để mạnh tay với Trung Quốc về thương mại.
CỨU TRỢ NÔNG DÂN
Vào tháng 8 năm vừa qua, Tổng Thống Trump quyết định dành 12 tỉ Mỹ kim từ tiền quỹ thuế quan để giúp nông dân đang bị khó khăn vì tranh chấp thương mại qua ba giải pháp: tìm thị trường xuất cảng mới, tiêu thụ nông sản thặng dư và trả tiền trực tiếp cho những nông dân sản xuất đậu nành, bắp, lúa mì, bông gòn, lúa miến (sorghum), sữa và heo. Cách đây vài ngày, ông Trump cho biết ông dự trù dành thêm 15 tỉ Mỹ kim để trợ giúp nông dân. Ông Trump vẫn tiếp tục nói một cách sai lầm rằng tiền thuế này do Trung Quốc trả.
Biện pháp trợ giúp này chỉ có tích cách tạm bợ để xoa diu sự tức giận của nông dân và trên thực tế có nghĩa là lấy tiền thuế của người tiêu thụ hàng Trung Quốc để giúp không cho nông dân có nông sản thặng dư vì Trung Quốc áp thuế và mua của nước khác. Nông dân thật sự là nạn nhân. Họ muốn có một giải pháp dài hạn với thị trường để bán nông phẩm, chứ không muốn nhận tiền bồi thường. Đối với nông dân đây giản dị là một biện pháp bố thí, không vinh dự.
Một số nông dân Hoa Kỳ nghi ngờ quỹ cứu trợ này. Ông John Wesley Boyd, sở hữu chủ một nông trại cỡ trung bình ở miền nam Virginia, cho biết rằng ông chưa nhận được một đồng xu nào từ quỹ này và ông nghĩ rằng chỉ những nông trại lớn mới được hưởng tiền cứu trợ.
LỜI KẾT
Hoa Kỳ nhập cảng một số hàng của Trung Quốc trị giá 540 tỉ Mỹ kim so với 120 tỉ Mỹ kim Trung Quốc mua của Hoa Kỳ. Vì vậy ông Trump có thể nghĩ rằng ông sẽ có nhiều quân bài để hù dọa ông Tập và ông sẽ đánh bại ông Tập. Trong trường hợp này cuộc chiến sẽ còn kéo dài. Nông dân Hoa Kỳ không đủ sức để chờ đợi. Nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết. Nông dân chỉ có thể du di một hai tuần để bắt đầu vụ mùa mới để 3-6 tháng sau gặt hái. Thât vậy, nhiều bản tin đã cho thấy số nợ của nông dân đã gia tăng trong hai năm gần đây và số nông trại khai phá sản nhiều hơn.
Tuy nhiên đây mới chỉ là khởi đầu. Tình trạng tài chánh của nông dân sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới. Nông dân đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn khi mà nông sản không bán được còn ứ đọng trong kho, trồng thêm hoa mầu mùa xuân này thì bán cho ai, ngồi chờ thời cơ lấy tiền đâu trả nợ.
Tổng Thống Trump tự mệnh danh là một “tariff man” (một người thuế quan). Ông từng tuyên bố “Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng.” Trên thực tế chiến tranh thương mại không dễ thắng chút nào mà mọi phe có thể đều thua. Đối với nông dân, chiến tranh thương mại của ông Trump đã thua ở Mặt Trận Nông Thôn.
Thời gian không về phe với Hoa Kỳ như trong những cuộc chiến tranh gần đây, đặc biệt là chiến tranh tại Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc có sức chịu đựng cao và ông Tập không phải đối phó với tự do báo chí, những cuộc nổi loạn của nông dân hay đảng đối lập.
TB: Vào tháng 9 năm vừa qua, tôi đã viết một bài mang tựa đề “Mặt trái của chính sách thuế quan” đã phổ biến trên VOA tiếng Việt. Hầu hết những tiên đoán trong bài báo này đều đúng (https://www.voatiengviet.com/a/thuong-chien-ma…/4584677.html).