Saturday, September 21, 2024
HomeKINH TẾTừ Việt Nam đến Indonesia, Singapore, các shipper chật vật vì ‘cung...

Từ Việt Nam đến Indonesia, Singapore, các shipper chật vật vì ‘cung cầu không khớp’

SCMP

Tác giả: Lam Nguyen, Kimberly Lim Aidan Jones

Cù Tuấn, biên dịch

4-10-2023

Tóm tắt:

* Lĩnh vực dịch vụ giao hàng đã cung cấp việc làm cho những phụ nữ đang tìm kiếm thời gian linh hoạt, công việc thứ hai cho sinh viên và cơ hội cho người lao động có tay nghề thấp.

* Nhưng ở Đông Nam Á, điều này đang tạo ra một cuộc đua, đẩy nhau cùng xuống vực, trong bối cảnh các điều khoản và điều kiện kém, thị trường bão hòa và phí nền tảng quá cao.

Với mức lương thấp, rủi ro tai nạn cao và thuật toán của người sử dụng lao động, việc chạy vòng quanh những con đường ngập mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) đã nhanh chóng làm Linh Nguyễn, 35 tuổi mệt mỏi. Cô là một phần trong đội quân giao hàng làm việc quá sức đang kết nối trong ngành kinh tế mùa vụ trên toàn Đông Nam Á.

Linh nói, đã có những ngày tốt lành khi công việc thường xuyên chảy vào điện thoại của cô và những khách hàng tốt bụng đã nâng đỡ tinh thần cô.

Nhưng vào những ngày tồi tệ, cơ thể cô đau nhức vì lái xe liên tục trong 10 giờ và thu nhập hàng tháng chỉ vỏn vẹn 240-280 USD. Số tiền này không đủ trang trải cho việc mạo hiểm trên đường và cạnh tranh giành khách hàng.

Linh, tài xế của ShopeeFood, cho biết: “Với mức lương kiếm được, tôi chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà và các chi phí hàng tháng. Tôi không thể hỗ trợ cha mẹ mình”.

Sau sáu tháng, cô hiện đang tìm kiếm công việc mới.

Giao thông giờ cao điểm tại Thành Hồ. Từ Bangkok đến Jakarta và Thành Hồ, các đường phố giờ đây tràn ngập các màu áo của các dịch vụ giao hàng đặc trưng suốt ngày đêm.

Được thúc đẩy bởi xu hướng đặt hàng trực tuyến của châu Á – vốn ngày càng gia tăng trong thời kỳ đại dịch – các công ty lớn từ Grab và Shopper của Singapore, đến Gojek của Indonesia và Line của Nhật Bản, đã thay đổi các thói quen của người tiêu dùng bằng cách kết nối, di chuyển, giao hàng và tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Từ những con đường tắc nghẽn giao thông ở Bangkok, đến những con đường đông đúc của Jakarta và những con đường chật hẹp của Thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây đều nổi bật suốt ngày đêm với những chiếc áo khoác đặc biệt của các công ty dịch vụ giao hàng, chuyển thức ăn, mua sắm, bưu kiện và cả người dân trên khắp các con đường trong thành phố.

Lĩnh vực này đã cung cấp việc làm cho những phụ nữ đang tìm kiếm công việc thời gian linh hoạt, một công việc thứ hai cho các sinh viên và cơ hội mới cho những người lao động có tay nghề thấp, những người đã có thể dám rời bỏ công việc tại các nhà máy.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng nó cũng đang tạo ra một cuộc chạy đua đẩy nhau cùng xuống vực, tạo ra một nền văn hóa ít trách nhiệm từ các công ty sử dụng lao động, các điều khoản và điều kiện làm việc tồi tệ, các khoản cắt phế quá cao của các nền tảng và một môi trường làm việc trong đó có quá nhiều người phải đấu tranh với nhau vì quá ít đơn hàng.

Thùng giao hàng ShopeeFood và GrabFood trên một dãy xe máy ở Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, các công ty có ứng dụng ship hàng càng ngày càng trở nên giàu có. Họ thu phí từ tài xế giao hàng, cũng như các cửa hàng và nhà hàng mà họ phục vụ.

Theo nhà nghiên cứu thị trường Modor Intelligence Report, chỉ riêng tại Việt Nam, lĩnh vực gọi xe được dự đoán sẽ thu về khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và tăng lên 2,61 tỷ USD vào năm 2028. Nghiên cứu cho thấy thị trường gọi xe của Thái Lan được định giá 2,26 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ USD trong cùng khung thời gian, trong khi thị trường Indonesia được định giá 2,67 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt 4,66 tỷ USD.

Nhưng nhiều shipper hợp đồng ngày càng không hài lòng với công việc của họ với tư cách là những người làm nghề tự do không có biện pháp bảo vệ lao động, và phải gánh chịu rủi ro khi phải đi qua những con đường nguy hiểm.

“Với rất nhiều người lái xe hiện nay, thật khó để kiếm được thu nhập tốt”, tài xế Khang Nguyên của Gojek, 26 tuổi, nói với This Week In Asia từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Khang đã rời bỏ công việc tại một nhà máy để có được sự linh hoạt của nền kinh tế tự do ba tháng trước, nhưng anh đã sẵn sàng nghỉ việc sau khi nhận được số tiền chỉ 5 triệu đồng (205 USD) mỗi tháng cho công việc nặng nhọc 11 giờ mỗi ngày.

Ngoài ra, anh cho biết “ban đêm có những đoạn đường vắng thật đáng sợ”.

Một cuộc khảo sát năm 2023 của trang web so sánh lương toàn cầu Sala Explorer cho thấy, những người lái xe sử dụng ứng dụng ở Việt Nam, làm việc theo tiêu chuẩn 48 giờ một tuần, kiếm được trung bình 4,91 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí. Con số này cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức lương tối thiểu này, đã được tăng dần lên mức hiện tại từ 4,4 triệu đồng vào năm 2020, vẫn không áp dụng cho những người lao động tự do ở Việt Nam, những người được phân loại là nhà thầu độc lập và do đó buộc phải làm việc nhiều giờ hơn.

Nhân viên Gojek đợi hành khách bên đường ở Jakarta.

Ngoài thu nhập thấp, những người tham gia nền kinh tế tự do này cho biết họ không nhận được nhiều lợi ích dành cho nhân viên chính thức, chẳng hạn như đóng góp của chủ lao động cho an sinh xã hội, nghỉ thai sản và nghỉ sinh con, nghỉ phép hàng năm hoặc trả lương làm thêm giờ – cộng với các lợi ích khác như thực phẩm và phụ cấp vận chuyển.

Không có dữ liệu toàn diện về người lao động theo mô hình shipper ở Việt Nam, nhưng được cho là có khoảng 600.000 người, theo ước tính của tờ báo Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tài trợ.

Tại Việt Nam, người lái xe sử dụng ứng dụng thường chỉ nhận được bảo hiểm tai nạn. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế vẫn còn thấp ở những người lái xe trẻ tuổi.

Tổng hợp lại, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

An Hà, sinh viên CNTT tại một trường đại học công lập ở Hà Nội, làm shipper bán thời gian cho Grab để phụ giúp bố mẹ ở nông thôn, cho biết: “Giao thông ở đây vận hành theo nguyên tắc nhanh và nhẹ. Ngay cả khi tôi không phạm sai lầm, tai nạn vẫn có thể xảy ra”.

Hà đã mua bảo hiểm y tế của riêng mình và đóng thêm vào những tháng anh làm việc nhiều hơn.

Trả lời các câu hỏi về các biện pháp bảo vệ dành cho các shipper, Grab cho biết trong một tuyên bố rằng họ cung cấp “một gói bảo hiểm toàn diện” các chương trình phúc lợi, bao gồm “bảo hiểm miễn phí liên quan đến công việc cho các đối tác của chúng tôi”.

Foodpanda cũng cho biết họ cung cấp bảo hiểm tai nạn cá nhân cho tất cả các shipper.

Singapore, trung tâm của các nền tảng lớn Grab và Shopee, đã thể hiện sự sẵn sàng giải quyết một số vấn đề nảy sinh giữa các nhân viên nền tảng. Một cách là cho phép các cơ quan đại diện – tương tự như các công đoàn – hoạt động để shipper có được điều kiện tốt hơn.

Tương tự, sau khi 5 shipper thiệt mạng trong 18 tháng trên các tuyến đường của Singapore, chính phủ nước này vào năm ngoái đã tìm cách tăng cường bảo vệ người lao động bằng cách thiết lập chương trình bồi thường thương tích lao động và cuối cùng trả 75% khoản đóng góp bắt buộc cho người lao động dưới 30 tuổi, được gọi là Quỹ tiết kiệm trung ương, trong năm làm việc đầu tiên.

Nhân viên GrabFood đang xếp hàng chờ nhận đơn hàng đồ ăn tại Singapore.

Mặc dù được hoan nghênh nhưng các shipper cho biết quỹ đạo đi xuống của thu nhập sau đại dịch đang khiến nền kinh tế đơn hàng này trở nên không bền vững ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Alvin Tan, 36 tuổi, cho biết gần đây anh quyết định đi làm bán thời gian sau khi bật ứng dụng lúc 10 giờ sáng và phải chờ gần 12 tiếng mới có đơn hàng đầu tiên.

“Có rất nhiều shipper mới. Cung và cầu không phù hợp”, anh nói. “Bây giờ tôi chỉ thực hiện vài đơn hàng mỗi ngày, có thể tối đa là năm đơn hàng”.

Ở Thái Lan, nơi chi phí sinh hoạt thấp hơn nhưng cạnh tranh gay gắt như ở Singapore, những người xe ôm công nghệ thường xuyên bị các tài xế taxi giận dữ tấn công vì đón khách quá gần các địa điểm tập kết của họ.

Nhưng các ứng dụng này cũng là cứu cánh cho nhiều cư dân đang dán mắt vào Internet và cảm thấy giao thông quá tắc nghẽn nên không thể mạo hiểm ra ngoài.

Cựu tài xế taxi Paisit Jetkranboonchoo, người đã đạt được danh hiệu “Anh hùng” nhờ chạy 300 đơn hàng trong một tháng, cho biết Grab đã cách mạng hóa cách anh làm việc bằng cách tìm kiếm khách hàng, với phần thưởng cho nỗ lực làm việc thêm giờ.

“Họ thậm chí còn thưởng cho bạn khi bạn chạy trong thành phố vào giờ cao điểm,” anh nói với This Week in Asia.

Trong khi tự trả tiền bảo hiểm, Paisit cho biết công việc tự do phù hợp với anh và “các đặc quyền rất tốt”, bao gồm giảm giá cho cà phê, xăng xe và những thứ tương tự.

“Bạn có thể trả góp thông qua Grab để có được một chiếc điện thoại mới. Tôi đang nghĩ mình sẽ sớm mua được một chiếc iPhone… số tiền trả góp chỉ 100 baht (2,70 USD) một ngày”.

Nguồn : https://www.scmp.com/week-asia/economics/article/3236308/vietnam-indonesia-and-singapore-delivery-riders-struggle-supply-and-demand-not-matching

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular