Một bản tin giả đang lây lan khá rộng trong những người dùng tiếng Việt trên mạng xã hội vài ngày nay.

0
550
Christine Nguyen
Cảnh giác với các tin giả không bao giờ thừa, bởi hành vi tiếp tay phát tán tin giả, một hành vi mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, luôn thể hiện sự yếu kém trong khả năng phân tích đánh giá một bản tin, và đôi khi sẽ gây rắc rối không đáng có cho người tiếp tay phát tán nó.
Bài phân tích của Khoa Lê dưới đây cho thấy bản chất và mức độ nghiêm trọng của bản tin giả này.
Ngày hôm nay trên mạng xã hội và một số trang web tiếng Việt xuất hiện thông tin có nội dung “Truy nã nhóm người da đen hiếp dâm chủ tiệm Nail&Spa Việt và con gái rạng sáng thứ Bảy 13/6”, ví dụ như trang web dưới đây:
Theo tin tức này,
“4 đối tượng người da đen lợi dụng bạo loạn tràn vào nhà đập phá trói một bà mẹ Việt M.L và con gái của bà tên là B. L. Nạn nhân kể lại “…chúng tôi nghe thấy tiếng động lạ nên chúng tôi ra kiểm tra thử xem thì chúng tôi bị 1 khẩu súng chỉa thẳng vào đầu. Bốn người da đen đã mang theo súng cướp hết những đồ có giá trị dây chuyền, nhẫn, vòng cổ. […] Cô con gái gọi cảnh sát nhưng không kịp, và đã bị phát hiện bởi tên trộm còn lại. Chúng trói hai mẹ con vào giường và nổi cơn thú tính h lên đã hiếp dâm cả bà và đứa con gái chỉ mới 17 tuổi của bà. Bốn người da đen đã lấy đi đời con gái của con tôi và vơ vét hết của cải trong nhà tôi rồi lên xe tẩu thóat.”
Trong bài viết có kèm theo hình một bản tin có logo CNN và hình của 4 người da đen được cho là thủ phạm gây ra vụ việc trên.
Câu chuyện nghe rất khủng khiếp và đau lòng, nhưng trước khi các bạn phẫn nộ lên án “bọn da đen tội phạm”, hãy đọc những phân tích sau đây:
Thứ nhất, hãy xem hình ảnh bản tin có logo CNN được bài viết sử dụng. Tiêu đề bản tin dùng font chữ khác với font chữ CNN thường sử dụng, không viết hoa đầu câu, viết sai chính tả tên tiểu bang California, và nói rằng thành phố Orlando nằm ở tiểu bang California. Tuy nhiên tiểu bang California chỉ có một thành phố nhỏ tên là Orland, nằm ở phía bắc Thủ phủ Sacramento của tiểu bang này, và không có thành phố nào tên là Orlando. Trong bài viết thì có nói là thành phố Orlando nằm ở tiểu bang Florida, và ở Florida đúng là có một thành phố lớn tên là Orlando, nhưng hãy đọc tiếp.
Thứ hai, hình ảnh cửa hiệu bị đập phá trong hình bản tin có logo CNN được chụp ở… New York City vào ngày 1 tháng 6 năm 2020, chứ không phải ở Florida hay California:
Thứ ba, hình này có dẫn tên Dean Baquet, tổng biên tập báo The New York Times. Ông Baquet đúng là tổng biên tập báo The NYT, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự sai lệch nói chung của toàn bộ hình ảnh.
Đây là hình ảnh một bản tin chính thức do CNN phát sóng, kèm đường link đến video gốc để các bạn so sánh sự khác biệt về font chữ và hành văn:
Tiếp theo, bài viết dẫn lời “Hiện tại tâm lý của cô B. L. đang bị tổn thương trầm trọng, trong ánh mắt bà mẹ nổi lên sự căm phẫn” của cảnh sát trưởng Walk Destin. Tuy nhiên, theo thông tin chính thức từ chính quyền thành phố Orlando, FL, thì cảnh sát trưởng hiện tại của họ tên là… Orlando Rolon. Không tìm thấy cái tên Walk Destin trong bất kỳ trang báo hay trang chính phủ nào có liên quan đến Orlando, FL cả. Đây là link thông tin về sở cảnh sát Orlando, FL của chính quyền thành phố:
Bài viết còn kêu gọi “nếu bất kỳ ai có thông tin về vụ việc xin gọi cho cơ quan chức năng số: 610-853-1298.” Tuy nhiên, khi tìm kiếm số điện thoại này trên Google thì mới biết đây là số điện thoại dành cho tình huống không khẩn cấp ở… Havertown, Pennsylvania! Chính xác hơn là sở cảnh sát riêng của khu dân cư Haverford Township thuộc thị trấn Havertown. Đây là trang web của họ có hiển thị số điện thoại trên:
Quan trọng nhất là hình ảnh 4 người da đen được bài viết trên đưa lên nói là 4 nghi phạm cướp của và hiếp dâm 2 mẹ con chủ tiệm nail người Việt, nhưng trên thực tế đây là hình ảnh của 4 người da đen không hề liên quan với nhau, được đưa lên báo ở các thời điểm và địa điểm khác nhau.
Bắt đầu từ trái sang phải: người đầu tiên có tên là Rumain Brisbon, và anh này đã bị bắn chết từ sau lưng hồi năm 2014 ở Phoenix, AZ bởi một cảnh sát da trắng. Viên cảnh sát trên không bị truy tố hình sự, dẫn đến một cuộc biểu tình rầm rộ đòi công lý cho Brisbon ở Phoenix vào thời điểm đó:
Hình thứ hai là một người đàn ông tên Cedric Bartee. Anh ta sống ở Orlando, FL nhưng hình trên được lấy từ khi anh ta bị cảnh sát bắn trọng thương vì bị tình nghi cướp xe hơi vào năm 2014, ngay cả khi Bartee đã giơ tay đầu hàng:
Hình thứ ba là một thanh niên 24 tuổi tên là Ahmaud Arbery, người mới tháng 2 vừa qua đã bị bắn chết trong lúc chạy bộ tập thể dục bởi 2 cha con người da trắng:
Và trong hình cuối cùng là Amedy Coulibaly, một tay khủng bố đã tấn công thủ đô Paris, Pháp vào năm 2015 và đã bị bắn chết:
3 trong số 4 người đàn ông da đen trên hoàn toàn không sống ở Orlando, FL, và cả 3 người đó đều đã chết từ lâu. Người còn sống duy nhất, Cedric Bartee, đang sống ở Orlando nhưng không hề có thông tin hay nghi vấn nào về anh ta được đưa lên truyền thông trong thời gian gần đây cả. Việc cáo buộc Cedric Bartee mà không có bằng chứng có thể bị kiện vì tội vu khống.
Những điểm bất hợp lý trên, cộng với việc không thể tìm ra bản tin nào nói về một vụ hiếp dâm, cướp của tiệm nail ở Orlando, FL trong thời gian vừa qua, có thể dẫn đến kết luận thông tin này là fake news 100%. Đáng nói hơn là việc sử dụng hình ảnh của người đã chết và người vô can để cáo buộc họ phạm một tội ác không có thực nhằm kích động sự thù ghét của cộng đồng người Việt nhằm vào người da đen. Đó là một sự gian dối đáng lên án.
p/s: thông tin trang web Vietstarusa.com này trên whois domain lookup là: vietstarusa.com : NameDomain Admin
OrganizationDomain Whois Protection Service
Address196 Nguyen Dinh Chieu, Ward 6, District 3
CityHCM
Postal Code700000
Đây là địa chỉ của một công ty đăng ký tên miền ở VN là PAvietnam.vn… và cũng là địa chỉ của Ban Tôn Giáo Dân Tộc – Sở Nội vụ TPHCM.
543100cookie-checkMột bản tin giả đang lây lan khá rộng trong những người dùng tiếng Việt trên mạng xã hội vài ngày nay.