Wednesday, April 30, 2025
HomeDÂN CHỦLần đầu

Lần đầu

Ngô Duy Quyền

Lần đầu tiên tôi bị bắt bớ và câu lưu trong đồn công an là ngày 10/7/2011 khi tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung cộng trước toà đại sứ của họ ở Hà Nội. Trước đó, từ 6/5/2011 liên tiếp 5 cuộc biểu tình đã diễn ra vào các ngày Chủ Nhật.

Khi đối mặt với lực lượng đàn áp hùng hậu các loại tôi thực sự khá e sợ và hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Tuy nhiên, như nhiều cô bác anh chị trong đoàn người, những tiếng hô vẫn không hề chậm nhịp. Để trấn tĩnh, tôi đã luôn tự nhủ rằng mình chẳng làm gì sai trái cả. Tôi biết chắc chắn rằng biểu tình ôn hoà bày tỏ thái độ trước một vấn đề của đất nước là một quyền căn bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ. Tôi cũng hiểu rằng khi cần thì công an chế độ sẵn sàng thẳng tay đàn áp dân bất chấp pháp luật và đạo lý, bất kể phải trái đúng sai nên phần nào cũng đã chuẩn bị tâm lý cho việc bị bắt.

Rồi việc gì phải đến cũng đến, tôi bị một đám người mặt mày bặm trợn không sắc phục chẳng phù hiệu xông vào bẻ tay khống chế và tống lên một chiếc xe con đậu sẵn gần đó. Hành động của họ rất mau lẹ và thô bạo, ống tay áo bên phải của tôi bị xé rách bươm. Cùng bị tống lên chiếc xe con với tôi là chị Dương Thị Xuân, một cô giáo oan rất tích cực tham gia tuần hành mấy chủ nhật rồi. Trên xe, chúng tôi bị kẹp chặt hai bên bởi những tên mật vụ mặt mày hung tợn. Hai chị em có lên tiếng cự nự về việc họ bắt người phi pháp thì nhận lại những lời lẽ thô tục với thái độ hết sức côn đồ. Chiếc xe đưa chúng tôi về đồn công an ở số 6 Quang Trung, Hà Đông.

Thế là điều tồi tệ đã xảy ra. Trước thái độ côn đồ của đám mật vụ áp giải, tôi giữ im lặng và thầm cầu nguyện xin Thiên Chúa che chở và phó thác mọi sự trong tay Ngài. Bình tâm lại, tôi dự liệu tình huống xấu nhất có thể xảy ra đó là họ sẽ tống tôi vào tù. Tất nhiên, họ không thể khởi tố bị can với lý do có hành vi “biểu tình phản đối Trung cộng xâm lược” mà sẽ nại ra một lý do khác tỷ như “gây rối trật tự công cộng” – có thể lắm chứ!

Ai cũng biết bản chất của câu chuyện là chúng tôi cùng nhau biểu tình để bày tỏ thái độ phản đối những hành vi xâm lấn biển đảo, đe doạ và bắn giết ngư dân đã xảy ra nhiều lần và xuyên suốt bởi Trung cộng. Sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh vào ngày 25/6/2011 là hành vi gây hấn làm “giọt nước tràn ly”. Biểu tình phản đối ngoại bang xâm lược mà bị “nhà nước ta” tống vào tù thì thật là “vui” và không gì nực cười hơn!

Tới đồn công an, chúng tôi bị tách ra, hai người được đưa vào hai phòng khác nhau. Sau vài phút, bên phòng tôi có một nam mật vụ đầu hoi hói tự xưng là Ngô Quang Du và một nữ mật vụ có khuôn mặt luôn tỏ vẻ cau có cho oai bước vào nói là sẽ “làm việc” với tôi.

Chưa kịp phân ngôi chủ khách, câu đầu tiên tôi nói với cặp mật vụ là các anh chị hãy nói với người có thẩm quyền cao nhất ở đây là tôi phản đối việc bắt người phi pháp và tốt nhất là các anh chị nên xin lỗi rồi để chúng tôi về nhà.

Khác với đám mật vụ áp giải, Du không có vẻ côn đồ dù lời nói và cử chỉ thì luôn đầy oai oách – họ mời anh về đây làm việc chứ không phải là bắt. Tôi giơ ống tay áo nát bươm với cánh tay bầm tím ra trước mặt cặp đôi mật vụ: các anh chị nói mời mà như thế này hay sao? Nếu nói là mời thì đây là cách mời của quỷ sứ! Ngô Quang Du gằn giọng: đây là đồn công an, anh hãy ăn nói cho cẩn thận.

Du chỉ ghế bảo tôi ngồi rồi đưa cho tôi tờ mẫu “Biên bản lấy lời khai” và bảo tôi hãy khai báo theo các câu hỏi mà Du đặt ra. Tờ giấy được đẩy lại phía Du: tôi chả có gì mà phải khai báo với các anh chị cả. Du đưa tờ biên bản cho nữ mật vụ trong khi nói với tôi: nếu anh không tự ghi thì hãy trả lời câu hỏi để chúng tôi ghi. Không kịp để tôi có phản ứng, Du bắt đầu giọng thẩm vấn: tên anh là gì, hôm nay anh đi đâu, làm gì để bị “mời” vào đây…? – Các anh chị vô cớ bắt tôi vào đây giờ lại hỏi tên tôi là gì, cứ ra đường bắt dân vào đồn rồi hỏi tên người ta àh? Nữ mật vụ có vẻ như chưa được nghe câu nói đó bao giờ, ả ta dựng ngược lên: anh phải làm gì thì người ta mới đưa anh vào đây chứ, chả ai tự dưng “mời” anh về đây làm gì! Tôi đáp nhời: này, bọn cướp chúng vào cướp nhà người ta thì có cần lý do không?! Ả ta làu bàu trong miệng thứ gì đó quên cả nhiệm vụ ghi chép và đứng dậy đi ra ngoài.

Ngô Quang Du thu lại tờ giấy và cây bút mà nữ mật vụ bỏ lại ở bàn bên và hạ giọng: thôi thế này nhé anh Quyền (!), tôi chính là người điều tra vụ án của vợ anh và Nguyễn Văn Đài, anh về hỏi vợ anh sẽ biết. Anh bị lực lượng bảo vệ trật tự công cộng “mời” vào đây và tôi là người có thẩm quyền và nhiệm vụ làm việc với anh để giải quyết nếu có vướng mắc.

– Bắt tôi là công an các anh, giờ làm việc cũng là công an các anh, tôi chưa có nhu cầu giải quyết gì cả dù bị bắt phi pháp và thô bạo vào đây. Tuy nhiên, như anh vừa nói đây là cơ quan có thẩm quyền, nếu các anh muốn biết tôi hôm nay đi đâu làm gì thì tôi có thể nói vài điều: tôi cùng mọi người xuống đường để biểu tình bày tỏ thái độ phản đối sự xâm lược, gây hấn của Trung quốc. Chúng tôi đi đến gần Đại sứ quán Trung quốc thì bị bắt đưa về đây.

– Làm sao anh biết có biểu tình mà tham gia, ai rủ anh?

– Thế này nhé, ở đây hẳn các anh có máy tính nối mạng. Bây giờ anh vào Google và gõ các chữ “biểu tình chống Trung quốc”, nó sẽ ra cả trăm trang thông tin về việc này – tôi có thể làm ngay trước mặt các anh bây giờ. Tất nhiên, đề nghị của tôi bị phớt lờ.

Cuối buổi “làm việc” Du hói đưa tôi tờ giấy từ hồi đầu tới giờ gã loay hoay ghi chép và bảo tôi đọc lại và ký vào. Tôi đẩy lại tờ giấy về phía gã và phẩy tay: tôi không có nhu cầu đọc và cũng không ký gì cả. Tôi lặp lại tới lần thứ mấy thì Du mới tin là thật và lên giọng: anh tưởng không ký thì chúng tôi không làm gì được à? Tôi sẽ gọi người dân vào làm chứng lập biên bản việc anh bất hợp tác không ký và biên bản lấy lời khai này vẫn có giá trị như thường.

– Oh, đó là việc của các anh tôi không có ý kiến gì!

Họ gọi 2 người mặc thường phục kêu là người dân vào viết viết ký ký một hồi rồi đi ra hết để tôi ngồi lại một mình. Đang bụng bảo dạ chắc tối nay được ngủ chung với muỗi thì nghe tiếng chị Dương Thị Xuân cự nự bên ngoài hành lang và không chịu ra về. Vừa lúc có giọng nói vọng vào – hết giờ làm việc rồi anh Quyền ra nói chị Xuân cùng về nghỉ đi, ai cũng mệt rồi. Vậy là kết thúc một ngày “làm việc” không đầu cũng chẳng cuối – lần đầu quả thật là bỡ ngỡ!

Phần kết:

Lần đầu tiên đối mặt với công an chế độ trong tình huống này, tôi nhận thấy những hành xử của họ không hề dựa trên bất cứ cơ sở luật pháp nào. Những lý lẽ của họ chỉ là những lý sự cù nhầy, lươn lẹo và trơ trẽn của những kẻ sai ác nhưng lại nắm quyền hành. Họ chỉ còn duy nhất một thứ chiếm ưu thế áp đảo đó là bạo lực.

Sau này, tôi tiếp tục tham gia nhiều cuộc biểu tình, chứng kiến các phiên toà đấu tố những người bất đồng chính kiến hay cùng bạn hữu đến thăm viếng tư gia các Tù nhân Lương tâm và trải qua thêm cả tá lần bị bắt bớ câu lưu. Phải thú nhận rằng, mỗi lần đối mặt với những hành xử bạo lực côn đồ của đám công an mật vụ thì cảm giác e sợ, hồi hộp hầu như chẳng bớt đi nhưng không vì thế mà tôi chùn bước hay thay đổi ý tưởng ban đầu.

***

Bài liên quan :

Đấu tranh trong tù Cái Tàu
Lần đầu nếm mùi công an trị
Kể lại vụ bắt cóc
Kinh nghiệm với An Ninh trong và ngoài trại giam
KINH NGHIỆM TRONG NHÀ TÙ CỘNG SẢN
Chăm sóc bản thân là chăm sóc cho người thân
Hành trang tâm lý khi vào đồn
Có nên giữ kín “nội dung làm việc” không?
Lần đầu
Ký sự vào đồn
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular