Hành trang tâm lý khi vào đồn

0
1153
Nguyễn Thúy Hạnh

Các bạn thân mến,

Trước hết xin cám ơn sự đón nhận nồng nhiệt và những lời phản hồi chân thành của những bạn đã đọc các bài chia sẻ kỳ 1 của các anh chị Đặng Bích Phượng, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Ngọc Già, Phạm Thanh Nghiên, và Lê Công Định.

Lần này, lại thêm 5 anh chị em nữa tình nguyện dùng kinh nghiệm của chính mình, soi rọi chút ánh sáng vào phía sau cánh cửa đồn công an và phía sau cái cổng trại tù, nơi mà đa số bà con chúng ta không biết chuyện gì xảy ra. Tất cả như những cái hang đen ngòm mang tên TÙ ĐÀY.

Thường thì cái gì ta “biết ít” lại càng “sợ nhiều”, và khi đã sợ nhiều thì chẳng còn biết phải làm sao cho đúng.

Năm anh chị em chúng tôi, những người đã từng vào đồn, vào tù mà chẳng có tội, xin làm người rọi đèn với ước mong chân thành: sau khi đọc những bài này, bạn sẽ không còn thấy những cái hang đen ngòm kia quá ghê gớm nữa; bạn sẽ thêm tự tin để đối đầu với những kẻ xấu và sẵn sàng đối diện với cảnh tù vì tương lai đất nước.

Chúng tôi xin đề tặng tập kinh nghiệm kỳ 2 này đến tất cả các gia đình Tù Nhân Lương Tâm, những người ngoài tù nhưng đang chịu đựng chuỗi năm tháng khó khăn cùng với người thân trong tù, chỉ vì quyền sống, quyền con người của biết bao gia đình khác.

Nguyễn Lê Vũ

***

Hành trang tâm lý khi vào đồn

Nguyễn Thúy Hạnh

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

Sau đây là những điều tôi rút tỉa được sau nhiều lần vào đồn công an (tôi hết nhớ nổi số lần). Mong gởi đến các bạn như 1 balô hàng trang tối thiểu.

Hy vọng bạn sẽ chóng đồng ý với tôi là KHÔNG CẦN NHIỀU hành trang lắm đâu. Này nhé:

– Khi vào đồn công an, không được tỏ ra sợ hãi nhưng cũng không nên khiêu khích, chửi bới chúng. Sợ hãi thì chúng sẽ càng đe doạ khủng bố tinh thần mình. Mà khiêu khích thì rất có thể sẽ bị chúng đánh đập, phải chịu đau một cách vô ích. Nhìn chung là khiêu khích chúng chỉ có hại thôi, chẳng ích gì. Hãy tỏ ra hết sức bình thản, tự tin và ôn hoà.

– Để không sợ hãi thì hãy luôn tự nhủ một điều rằng đây chỉ là câu lưu, và mình không làm gì sai thì chẳng có gì phải sợ.

– Chúng sẽ tìm nhiều cách chọc cho mình tức giận mà có thái độ thiếu kiềm chế. Chính tôi hay bị tức điên mỗi khi chúng cứ chĩa camera gần vào mặt mình mà quay. Những cử chỉ quá đà của ta, nếu có, sẽ bị chúng lưu lại để lúc cần thì cắt xén rồi đem ra bôi nhọ mình trên báo đài của chúng.

– Giữ được quyền im lặng là tốt nhất. Với tôi điều này khá khó và còn đang phải ráng tập. Lý do là vì nói nhiều dễ bị hớ, những câu nói của mình lại cũng dễ bị cắt xén để chúng hại mình khi cần.

– Tôi thường bị chúng chơi trò “CA tốt – CA xấu”. Chúng cho 1 tên xúc phạm cho mình tức điên lên, rồi cho 1 tên khác tỏ vẻ thông cảm, đồng tình với mình, thậm chí tỉ tê tâm sự. Khá nhiều anh chị em hoạt động khác cũng gặp trò đó. Nếu không cẩn thận, ta dễ mất cảnh giác.

– Ngay cả khi chỉ có một tên làm việc với mình, và tên đó tỏ ra tử tế, ta vẫn phải căn dặn chính mình: Chẳng có tên nào tử tế ở đó hết! Nếu không tỉnh táo mình dễ bị tên đó chinh phục, tưởng hắn tốt, hắn hiểu và bênh vực mình thật, và rồi mất cảnh giác trong lúc nói.

– Sau hết là 3 KHÔNG: Không khai báo – Không ký bất cứ giấy tờ nào – Không lăn tay. Thường thì nếu ta kiên quyết, chúng sẽ chịu thua. Nhưng ngay cả trong trường hợp chúng dùng các trò bịa đặt lời khai, giả chữ ký, kéo người vào làm chứng, hay dùng bắp thịt cưỡng ép lăn tay, thì ngay khi có thể được ta phải nói cho công luận biết. Đó là một cách vô hiệu hóa các chứng từ này.

Đấy, chỉ nhờ vài điểm chuẩn bị thế thôi mà tôi bình thản ra vào đồn như đi chợ. Hy vọng bạn cũng dùng được và nếu dùng được thì xin chia sẻ với người chung quanh.

Biết đâu sẽ có lúc chúng mình tay bắt mặt mừng gặp nhau … trong đồn.

***

Bài liên quan :

Đấu tranh trong tù Cái Tàu
Lần đầu nếm mùi công an trị
Kể lại vụ bắt cóc
Kinh nghiệm với An Ninh trong và ngoài trại giam
KINH NGHIỆM TRONG NHÀ TÙ CỘNG SẢN
Chăm sóc bản thân là chăm sóc cho người thân
Hành trang tâm lý khi vào đồn
Có nên giữ kín “nội dung làm việc” không?
Lần đầu
Ký sự vào đồn
292090cookie-checkHành trang tâm lý khi vào đồn