Làm sao để đánh giá một sản phẩm hay một cơ quan truyền thông?

0
886
Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc

Trong mọi cuộc tiếp xúc lần đầu với những thân chủ mới, đặc biệt là trong luật hình sự, KN thường hay “dọa” một câu dẫn nhập: “Trên đời này có ba loại người mà khi gặp, anh chị buộc phải nên nói thật. Người thứ nhất là linh mục trong tòa giải tội, người thứ hai là bác sĩ, và người thứ ba là luật sư.” Đúng như thế, theo Đức Tin và luật Hội Thánh, anh chị đi xưng tội mà không xưng thật thì tội đó không được tha. Có bệnh mà không nói cho rõ, cho thật thì bác sĩ không biết đường nào mà chẩn bệnh để cứu mình. Sau cùng, với luật sư, anh chị không kể mọi chi tiết cho đúng theo sự thật thì họ không có cách nào tìm ra bằng chứng manh mối để biện hộ, hay xin giảm tội cho anh chị. Nói chung, “Sự Thật sẽ giải thoát anh em” thật đúng trong ba trường hợp trên.

Ngoài ba trường hợp trên, trải qua chiều dài lịch sử, chúng ta thấy “Sự Thật” qua truyền thông càng là một yếu tố vô cùng hệ trọng trong việc duy trì, phát triển nền thịnh vượng của một đất nước dân chủ. Ngược lại, tuyên truyền “dối trá”, nói sai sự thật, sẽ nuôi dưỡng cho một thể chế độc tài toàn trị.

Trong thời đại tràn ngập thông tin ngày nay, trong đó lắm tin giả, chúng ta phải làm gì đây? Như KN trình bày trong status trước, tin giả thật lẫn lộn sẽ làm cho nền dân chủ của một quốc gia bị suy thoái. Chính vì thế, qua Bộ Nội Vụ/Home Affairs, chính phủ Úc đã và đang tìm cách giúp người dân hiểu rõ làm sao nhận diện được tin giả do các thế lực nước ngoài tìm cách xâm nhập. Thế lực này không ai khác là Trung Quốc, tuy không phải là nước duy nhất.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm bài đăng trên báo The Guardian: https://www.theguardian.com/australia-news/2020/jun/11/home-affairs-flags-steps-to-help-australians-identify-fake-news-by-foreign-powers

The China Policy Centre says Australia’s counter-interference strategy ‘needs to prioritise China because it is among the fastest-growing sources of threats and challenges’. Photograph: Mike Bowers/The Guardian

KN muốn chia sẻ những cách thức sau đây để các bạn có thể đánh giá một sản phẩm truyền thông nào đó, ví dụ một bản tin hay một bình luận, hay đánh giá một cơ quan truyền thông một cách tổng quát.

Tiêu chí thứ nhất là mức độ đáng tin cậy (Reliable). Làm sao biết được những gì mình đọc có đáng tin cậy hay không? Hãy nhìn vào tính chuyên môn của người viết, hay người được phỏng vấn, được trích dẫn, trong bài viết đó. Nên nhớ vẫn có ngoại lệ. Việt Nam thì có vô số tiến sĩ, nhưng những bằng cấp này chẳng có giá trị nào. Cho nên cần phải cẩn trọng là tính chuyên môn đến từ đâu, có khả tín không.

Tiêu chí thứ hai là tính chính xác (Accurate). Tính chính xác đòi hỏi phương pháp nghiên cứu của nguồn được trích dẫn. Cũng có lắm người không nghiên cứu đàng hoàng mà lại đi sao chép hoặc đạo văn người khác. Hoặc là dùng phương pháp không khoa học, hoặc dựa trên các dữ kiện không thật. Cả hai đều đưa đến những kết quả hay nhận định sai lầm. Chúng ta cần biết mức độ chính xác của vấn đề.

Tiêu chí thứ ba là khả năng kiểm chứng (Verifiable/Traceable). Những bài nghiên cứu thường phải trình bày rõ ràng các nguồn mình dùng từ đâu, tác giả nào nói gì, khi nào, ở đâu, và nhà xuất bản là ai v.v… Các tác giả nổi tiếng thì dễ kiểm chứng hơn, nhưng không phải vì thế tin mà mình tin răm rắp rằng họ là tác giả chính, hay luôn nói đúng. Người Việt thường có thói quen viết không trích dẫn nguồn, coi như mình là có thẩm quyền. Điều này không qua mặt được những người hiểu biết.

Tiêu chí thứ tư là cập nhật (Current). Có nhiều vấn đề, thông tin và nghiên cứu bị mất giá trị qua thời gian. Ngay cả khi chỉ cách nhau một hai ngày. Tốc độ thay đổi ngày nay xảy ra cực nhanh so với trước đây. Cho nên những gì cập nhật nhất, có giá trị riêng của nó nếu vấn đề đó mang tính thời sự.

Tiêu chí thứ năm là tính liên hệ (Relevant). Có nhiều người thường hay đưa ra dữ kiện hoặc kết quả nghiên cứu để tìm cách thuyết phục người khác, nhưng nó chỉ mang tính chung chung và có khi không liên hệ gì đến các vấn đề đang trình bày. Ví dụ như tình trạng đàn áp nhân quyền hay tôn giáo tại Việt Nam là rõ ràng có. Tuy nhiên, sự đàn áp đối với từng thành phần hoạt động có khác nhau và từng tôn giáo có khác nhau. Do đó, thông tin trình bày cần phải cụ thể và chi tiết thì mới mang tính liên hệ cao.

Tiêu chí thứ sáu là cân bằng (Balanced). Bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều góc nhìn khác nhau. Khi có những báo cáo khác nhau thì sản phẩm truyền thông cần phản ảnh cái nhìn đa dạng thay vì một chiều. Ví dụ như các cơ quan truyền thông tại VN do nhà nước Việt Nam kiểm soát gần như toàn diện và tuyệt đối, nên các bài vở họ phổ biến, nhất là về các vấn đề chính trị, gần như một chiều giống nhau. Không có sự cân bằng nào ở đây cả. Trong khi đó các bài nghiên cứu học thuật tự bản chất của nó phải phản ảnh cái nhìn cân bằng thì mới thể hiện tính đa nguyên của xã hội.

Tiêu chí thứ bảy là khách quan (Objective). Con người có xu hướng chủ quan. Trừ khi ý thức và được luyện tập thường xuyên, tính chủ quan giảm đi, tính khách quan tăng dần. Thêm vào đó người làm ra sản phẩm truyền thông có thể vì quyền lợi riêng mà để quan điểm của mình chi phối. Điều này dễ dàng xảy ra, vì người đó có niềm tin như thế, hay vì trực tiếp hay gián tiếp được hưởng lợi vì vấn đề mình trình bày. Hoặc sử dụng hay loại trừ các thông tin khả tín khác trong bài của mình. Như thế đã là không khách quan trung thực.

Trên hết KN nghĩ rằng, chúng ta phải trau dồi và thường xuyên sử dụng tư duy phê phán (Critical thinking) của mình để nhìn nhận mọi vấn đề. Không nên vội kết luận mà phải luôn tìm cách kiểm chứng, ngay cả những điều căn bản nhỏ nhặt nhất.

Đó là một số ý kiến về cách đánh giá các tác phẩm truyền thông.

Để đánh giá một cơ quan truyền thông thì phải đánh giá phần lớn các sản phẩm họ làm ra. Không có một cơ quan truyền thông nào hoàn toàn khách quan, trung thực hay chỉ trình bày sự thật. Không có một cơ quan truyền thông nào không lầm lỗi và không từng đưa lầm tin, vì đã là người thì sẽ có lúc lầm lỗi. Và không có một sự thật khách quan nào cả mà chỉ là cách nhìn nhận vấn đề dựa trên các dữ kiện trung thực. Mỗi cơ quan truyền thông đều có quan điểm riêng của họ và vì quyền lợi/lợi nhuận của họ thôi. Nhưng khi đánh giá từng sản phẩm và tổng kết lại qua một thời gian dài thì chúng ta có thể tự kết luận cơ quan truyền thông nào khả tín (Credible).

KN mong các bạn có thể sử dụng những bước trên để nhận diện ra được các sản phẩm truyền thông và các cơ quan truyền thông khả tín nhất. Bởi vì điều nguy hiểm cho nền dân chủ không chỉ là những thành phần độc đoán độc tài mà còn là do mỗi công dân thiếu hiểu biết, hay hiểu lầm vấn đề do tin giả gây ra. Nhưng tệ hại hơn nữa là vì thiếu hiểu biết mà lại đi truyền nhau các thông tin giả này cho người thiếu hiểu khác để rồi tất cả đều là nạn nhân phục vụ cho những ý đồ không tốt cho xã hội, cộng đồng, quốc gia.

554830cookie-checkLàm sao để đánh giá một sản phẩm hay một cơ quan truyền thông?