Kinh tế Việt Nam: Những tín hiệu ‘ngược xuôi’ về suy trầm báo động và thử đi tìm giải pháp

0
144
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng chung cư ở Hà Nội năm 2011 (minh họa) Reuters

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.05.15

Nhiều thách thức trong hoàn thiện mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 là điều mà Quốc hội Việt Nam, trong phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thừa nhận.

“Những khó khăn, thách thức từ năm 2022 đang gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023,” Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh được trang tin Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam hôm 09/5 dẫn lời. (1)

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục, hai chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm một chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vẫn theo ông Thanh chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%. Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý IV do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Chưa hết, vẫn chính vị Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Việt Nam thừa nhận bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống cũng như vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. Lãi suất cho vay cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, kênh huy động trái phiếu gần như đóng băng, thực hiện đầu tư công thấp hơn nhiều so với kế hoạch; tất cả các yếu tố này cộng hưởng càng làm nghẽn dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế đề nghị Chính phủ “làm rõ việc xử lý sở hữu chéo, sở hữu vượt quy định” trong lĩnh vực ngân hàng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng.

Vẫn theo ông Vũ Hồng Thanh, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng từ cuối quý II năm 2022.

Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp… đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn,” ông nói.

Khi chỉ đạo “nóng lên” và cụm từ “trách nhiệm” lên ngôi

Góc nhìn từ Quốc hội Việt Nam cho thấy một nhìn nhận từ tầm vĩ mô, còn thông tin mà báo Thanh niên vào ngày 15/5 đưa ra có thể có được nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn cảm nhận trực tiếp hơn nữa. Ví dụ, khi bài báo “Thiếu điện, sao chậm đàm phán mua?” cho hay đã xuất hiện nguy cơ ở mức báo động khiên cuối tuần trước, Bộ Công thương phải tiếp tục “chỉ đạo nóng” khi yêu cầu “bằng mọi cách” không để thiếu điện.

Về tình trạng báo động cung cấp điện trong thời gian tới đây tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi báo cáo Bộ chủ quản dự báo việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 – 7) sẽ “rất khó khăn”. Đặc biệt theo EVN, hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống. Công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 – 4.900 MW, nói tóm lại tức là miền Bắc Việt Nam thiếu gần 5.000 MW điện.

Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, thì vẫn theo Thanh Niên, việc thương thảo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp bị “chững lại, nói đúng hơn là bế tắc” khi đa số hồ sơ gửi để đàm phán đều phải bổ sung nhiều văn bản pháp lý theo quy định.

“Nhiều dự án đang gặp vướng từ các thủ tục, thiếu hồ sơ, quy định pháp luật về đầu tư… Thậm chí, các dự án đã nộp hồ sơ, muốn bán điện với giá bằng 50% giá khung cũng chưa thể thực hiện được do thiếu hướng dẫn của Bộ Công thương và một số yêu cầu được hồi tố sau đàm phán thành công… Trong thực tế, cho dù Bộ Công thương đã có hướng dẫn các nguyên tắc đàm phán giá điện, nhưng đó chỉ là quy định khung…” (2)

Các tháng nắng nóng của kỳ cuối xuân tiếp vào hè có thể sẽ làm gia tăng các căng thẳng vốn có với ngành năng lượng, điện lực Việt Nam và khả năng đáp ứng nhu cầu, như báo Thanh niên dự đoán, sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao làm nguy cơ hóa đơn tiền điện của nhiều hộ tăng đột biến; nguy cơ thiếu điện, cắt điện luân phiên khiến nhiều người lo ngại trong bối cảnh thời tiết biến đổi cực đoan. Báo này đặt ra một loạt câu hỏi mà có thể khiến Bộ công thương và Chính phủ phải suy tính, như làm thế nào để người tiêu thụ giảm sốc khi nhận hóa đơn tiền điện tại kỳ tới, hay làm thế nào để tiết kiệm tối đa tiêu thụ điện khi các thiết bị làm mát đang “phát hết công suất” trong những ngày nắng nóng và đặc biệt là liệu có phải cắt điện luân phiên hay không v.v…

Vẫn theo Thanh Niên, tình hình “nóng lên” dường như đã khiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chủ quản trở nên “nóng hơn”, khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên được dẫn lời đưa ra thông điệp có tính răn đe:

“Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh việc phải đảm bảo không để xảy ra thiếu điện; nếu có, xem xét xử lý cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm.”

Công nhân sửa lưới điện ở Cần Thơ (minh họa). Reuters

Giải ngân vốn đầu tư công với tốc độ “rùa bò” liệu có lý do?

Kết thúc quý I, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước chỉ đạt 9,69%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây; với rất nhiều bộ, ngành vẫn chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào là thực trạng mà cách đây mấy tuần, báo Tiền phong ví tốc độ này với “rùa bò” hôm 21/4/2023 nhận xét.

Vẫn theo tờ báo là cơ quan trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tốc độ “rùa bò” này thể hiện ở chỉ số trong khi chỉ có năm bộ, ngành được đánh giá tốt về giải ngân (bao gồm Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Bộ Giao thông, Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Xây dựng). Có tới 31 bộ, ngành, đơn vị giải ngân ở mức độ “0” đồng. Trong số 10 tỉnh, thành có tốc độ giải ngân thấp nhất được nêu danh như Gia Lai, Sơn La, Đà Nẵng, Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Bình, thì đầu tàu thương mại, “thủ đô” kinh tế của cả nước TP. Hồ Chí Minh xếp cuối bảng với tỷ lệ giải ngân chỉ là 0,89%. (3)

Giải ngân “rùa bò” theo một số ý kiến từ trong giới quan sát kinh tế Việt Nam chỉ là một phương diện trong bức tranh tổng thể về sự “trồi sụt” của kinh tế, kinh doanh, thương mại, đầu tư tại Việt Nam thời gian qua mà hệ quả có thể nhìn thấy hiện nay.

Trong một bài viết cho Đài Á Châu Tự Do mới đây có tựa đề “Kinh tế Việt Nam liệu có thể tránh được khủng hoảng tăng trưởng?”, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu chính sách công từng là Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư của Việt Nam nhân xét:

“Việt Nam cần “lo lắng” về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế khá thất thường trong thập kỷ gần đây, đặc biệt về mặt chất lượng. Các chỉ báo GDP “trồi sụt” trong “thập kỷ mất mát” do bất ổn thể chế là các dấu hiệu khủng hoảng, trong khoảng thời gian 2011-2020 tỷ lệ tăng GDP bình quân chỉ đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó năm 2012 đạt 5,03% thấp hơn nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Sau đó, chỉ tiêu GDP đã giảm “sốc” trong đại dịch COVID-19, chỉ 2,91% năm 2020 và 2,58% năm 2021. Đây là cơ sở gốc thấp cho tỷ lệ tăng 8,02% năm 2022 so với 2021, và tiếp đến sự suy giảm “đột ngột” GDP của Quý 1 năm 2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ theo Tổng cục Thống kê Việt Nam mới công bố.” (4)

Và nhà nghiên cứu này đặt dấu hỏi: “Đây là mức tăng thấp không chỉ so với mức trung bình trong thời kỳ Đổi mới từ 1986 đến nay, mà là đối với một quốc gia nghèo với xuất phát điểm kinh tế thấp, đang phát triển nói chung. Tình hình này đang đặt ra nghi vấn liệu thời kỳ “hoàng kim” tăng trưởng đã kết thúc và rằng, kinh tế liệu khủng hoảng tăng trưởng có thể kéo dài bao lâu trong bối cảnh bất ổn thể chế.”

Dường như thể chế và chính sách đang là một vấn đề đang trực tiếp gây ra những khó khăn cho nhiều địa phương, tỉnh thành ở Việt Nam, nhưng cụ thể hơn, dường như đã có một số khía cạnh “bất ổn thể chế” đã được cảm nhận thấy qua riêng việc mà ý kiến sau đây của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, thương mại của cả nước, được truyền thông Việt Nam phản ánh, đó là vấn đề “cán bộ sợ trách nhiệm”, do đó ảnh hưởng tới triển khai công vụ, dự án, là một ví dụ.

“Chủ tịch TP.HCM, ông Phan Văn Mãi rất tâm tư khi nói về việc hàng trăm văn bản mà Thành phố phải gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham vấn một năm… ông cho biết có 4 nhóm vấn đề mà TP.HCM “phải hỏi”. Đó là có những vấn đề thực tiễn phát sinh tại địa phương, quy định pháp luật chưa có; có những vấn đề đã có quy định nhưng luật này khác, luật kia khác; có quy định rồi nhưng cách hiểu khác nhau, sau này, các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào thì mỗi bên nói một kiểu; có các vấn đề đã rõ rồi, cán bộ thành phố nghiên cứu nhưng cảm thấy chưa chắc ăn,” báo mạng VietnamNet hôm 12/5 dẫn lời quan chức lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết.

“Trong các văn bản trả lời từ Bộ KH&ĐT, cũng có rất nhiều văn bản nội dung không rõ, căn cứ vào nội dung trả lời thì thành phố cũng không biết sao để làm với thẩm quyền theo quy định pháp luật. Đây là vấn đề cần chia sẻ thẳng thắn”, ông Phan Văn Mãi được VietnamNet dẫn lời, nói thêm.

Và từ nhận diện một số khía cạnh trong nguyên nhân “sợ trách nhiệm” của quan chức gây ảnh hưởng hiệu quả công việc này, tờ báo thuộc Bộ Thông tin, Truyền thông gợi ý một hướng giải quyết vấn đề:

“Công cuộc phòng chống tham nhũng đã và đang diễn ra ngày càng quyết liệt; nhiều cán bộ bị truy cứu hình sự, phần đông là do lòng tham, họ cấu kết với doanh nghiệp cố tình làm trái pháp luật để tham nhũng.

Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận không ít cán bộ do không nắm vững văn bản pháp luật hoặc vận dụng theo luật này thì đúng nhưng lại sai so với luật khác; hoặc cán bộ không dành thời gian, không đủ thời gian nghiên các văn bản pháp luật nên ủy thác hết cho cơ quan và bộ phận giúp việc thẩm định trước khi hạ bút ký các dự án. Khi vụ việc vỡ lở, họ phải vào tù với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (quy định ở Điều 360 Bộ luật Hình sự 2017).”

Và VietnamNet đặt vấn đề: “Nếu thấu hiểu sự bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đặt nó trong bối cảnh hàng loạt quan chức phải vào tù vì tội danh này sẽ lý giải được vì sao cán bộ sợ trách nhiệm.

Muốn cán bộ không lâm vào trạng thái “sợ trách nhiệm”, muốn doanh nhân không mang tâm lý nơm nớp sợ thì không chỉ xử lý nghiêm minh những phần tử tham nhũng mà vấn đề cơ bản, cốt lõi mang tính quyết định là lấy cải cách hệ thống pháp luật làm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.” (4)

Nhận diện vấn đề của suy thoái đáng báo động và tìm hướng ra

Nhiều vấn đề có tính hai mặt, và bức tranh nền kinh tế của Việt Nam vẫn theo báo chí, truyền thông chính thống của Nhà nước, có những điểm mạnh, dấu son, hay hy vọng. Cùng ngày thứ hai, 15/5, báo Thanh Niên Online trong một bài viết có tựa đề “Đầu tư công tăng tốc” cho rằng sau quý I tăng trưởng GDP giảm tốc chỉ đạt 3,32%, hàng loạt điểm sáng từ các chỉ số của nền kinh tế trong tháng Tư năm 2023 cho thấy những nỗ lực vực dậy tăng trưởng của Chính phủ đang đi đúng hướng.

Dẫn đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, báo này cho hay:

“Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện rất khó khăn hiện nay. Các dự án công trình giao thông chiếm tỷ trọng rất lớn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, đang được triển khai đồng loạt tại tất cả các vùng miền, với hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam và Đông – Tây. Theo người đứng đầu Chính phủ, khối lượng công việc thực hiện là rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, nỗ lực, tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn…

Tính đến ngày 30.4, cả nước đã giải ngân đầu tư công 110.633 tỉ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dù thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%), song nếu về con số tuyệt đối lại tăng gần 15.000 tỉ đồng so với cùng kỳ 2022.” (6)

Dẫn một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết thêm:

“Trong chỉ thị mới nhất về đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, Thủ tướng cũng đã chốt thời gian cho các dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM. Bộ GTVT và các địa phương phải khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công trước ngày 30/6.”

Dường như gián tiếp thừa nhận kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn suy thoái, báo Thanh Niên online đưa ra khuyến nghị cho một hướng ra: “Khi một nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, việc tập trung các nguồn lực, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công là hướng đi bắt buộc để khôi phục kinh tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động “ngốn” nhiều lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường“.

Còn về mặt động lực và tái tạo động lực của nền kinh tế, hôm 15/5, báo mạng VietnamNet tạo trong một bài viết với tựa đề “Những nỗ lực cải cách từ dưới lên” báo động về vấn đề tăng trưởng âm ở quốc gia tại Đông Nam Á với khoảng 100 triệu dân, và cho hay trong quý I năm 2023 có tới năm tỉnh ở Việt Nam tăng trưởng âm.

“Đây là điều đáng báo động sau khi có tới 12 tỉnh tăng trưởng âm trong một quý năm 2020. Nhiều cán bộ ở không ít địa phương hiện nay bày tỏ tâm tư, thậm chí rụt lại, cầu an, không dám phản ứng trước đòi hỏi của thực tiễn.

Tâm tư này được nêu rõ trong Công điện số 280 gần đây của Thủ tướng: thời gian gần đây ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…”

Và bài báo của Vietnamnet tiếp tục xác định trạng vấn đề và nhận định về hướng ra:

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Trong Công điện, Thủ tướng chỉ đạo phải kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

Đó là những quyết tâm lớn để lấy lại động lực của cán bộ, công chức trong hệ thống, khơi thông lại những bế tắc phát triển của cả trung ương và các địa phương.” (7)

Cũng trên truyền thông Việt Nam, tờ báo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian trước đây cũng đã từng nhắc đến những tấm gương từ cơ sở làm nảy sinh sáng kiến, như thời của cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, hay gương của cố Thủ tướng Việt Nam ông Võ Văn Kiệt trong thời gian tháo gỡ khó khăn của TP. Hồ Chí Minh trước đây, đã yêu cầu các cán bộ lãnh đạo của địa phương dưới quyền ông đại ý rằng nếu không dám nghĩ, dám làm, không chủ động tìm ra giải pháp, thì không được rời cuộc họp hay nhiệm sở, cũng như ông sẵn sàng “đưa cơm tù” cho cán bộ cấp dưới, nếu việc “phá rào” từ cơ sở có thể làm cho ai đó phải vào nhà giam, như thông điệp về một quyết tâm trong thời điểm khó khăn nhất mà đã có thể vượt qua “ngỡ là ngày nay”.

Tuy nhiên, như trong một bài viết đã dẫn trên RFA Tiếng Việt của PGS. TS. Phạm Quý Thọ, vấn đề và giải pháp có thể có nhiều góc nhìn, cấp độ tiếp cận giải pháp để đánh giá, nhận định, mà theo nhà nghiên cứu này thì:

Số liệu thực tế về tổng sản phẩm quốc nội GDP “trồi sụt” phản ánh quá trình tăng trưởng ngày càng phải trả giá cao vì cải cách thể chế không tương thích. Căn nguyên của khủng hoảng tăng trưởng là mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hai hệ thống giá trị thị trường và chế độ toàn trị, vì vậy giải pháp chính sách là cải cách hướng đến chất lượng tăng trưởng bền vững…

“Tăng trưởng “trồi sụt” phản ánh quá trình này ngày càng phải trả giá cao vì cải cách thể chế không tương thích. Căn nguyên của khủng hoảng tăng trưởng là mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hai hệ thống giá trị thị trường và chế độ toàn trị, vì vậy giải pháp chính sách là cải cách hướng đến chất lượng tăng trưởng bền vững. Và, việc giải mã sự bí ẩn mối quan hệ giữa tăng trưởng và thể chế sẽ giúp nhận diện rõ hơn về cuộc khủng hoảng tăng trưởng hiện nay.” (5)

___________

Tham khảo:

(1)    https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=75613

(2)    https://thanhnien.vn/thieu-dien-sao-cham-dam-phan-mua-185230514232040432.htm

(3)    https://tienphong.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-toc-do-rua-bo-post1527907.tpo

(4)    https://vietnamnet.vn/can-bo-so-trach-nhiem-vi-dau-2142168.html

(5)    https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/will-vn-be-able-to-avoid-economic-growth-crisis-05092023133752.html

(6)    https://thanhnien.vn/dau-tu-cong-tang-toc-185230514223254074.htm

(7)    https://vietnamnet.vn/nhung-no-luc-cai-cach-tu-duoi-len-2143195.html

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-economy-and-signs-of-downturn-05152023134600.html

718080cookie-checkKinh tế Việt Nam: Những tín hiệu ‘ngược xuôi’ về suy trầm báo động và thử đi tìm giải pháp