Hậu sự cố Đỗ Thành Nhân, thêm một doanh nghiệp liên quan khất nợ trái phiếu

0
234
Ảnh minh hoạ

Ngọc Cương

Hai doanh nghiệp liên quan ông Đỗ Thành Nhân hiện không đủ khả năng thanh toán lãi trái phiếu đúng định kỳ.

Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang – Angimex (mã: AGM) vừa công bố thông tin tới nhà đầu tư về việc không đủ khả năng thanh toán lãi trái phiếu đúng định kỳ cho kỳ hạn 4 (kỳ hạn trả lãi từ 9/8-9/11/2022) của lô trái phiếu AGMH2123001 quy mô 350 tỷ đồng, được phát hành ngày 9/11/2021, định kỳ 3 tháng trả một lần.

Theo đó, Angimex mới chỉ thanh toán một phần lãi của trái phiếu theo lãi suất cố định (7%/năm) của kỳ hạn này. Thời hạn thanh toán được Angimex chi trả chậm nhất ngày 17/11/2022.

Ngoài ra, Angimex cam kết sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường lần hai năm 2022, dự kiến từ 12-19/12/2022 thông qua kế hoạch thanh toán khoản gốc và lãi phát sinh trên khoản gốc của trái phiếu AGMH2123001.

Angimex giải thích, tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn từ tháng 4/2022 sau sự cố của ông Đỗ Thành Nhân. Do đó, từ ngày 14/10, HĐQT mới tiếp nhận, cần có thời gian lập kế hoạch tài chính, vực lại hoạt động sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng, trong đó có gói trái phiếu AGMH2123001.

Angimex không đủ khả năng trả lãi trái phiếu đúng định kỳ.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III, doanh thu thuần của Angimex đạt hơn 711 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng nên lợi nhuận sau thuế của Angimex âm 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi hơn 3,8 tỷ đồng.

Lũy kết 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Angimex đạt gần 3.100 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Nhưng lợi nhuận sau thuế âm 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi hơn 17 tỷ đồng.

Ông Đỗ Thành Nhân là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings và hai công ty con gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang và Công CP Dược Lâm Đồng – Ladophar (LDP). 

Sau khi bị khởi tố hồi tháng 4/2022, ông Đỗ Thành Nhân đã không còn giữ vị trí chủ chốt tại 3 doanh nghiệp trên.

Như vậy, Angimex là doanh nghiệp thứ hai liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân không đủ khả năng thanh toán trái phiếu đúng kỳ hạn.

Trước đó, trong báo cáo tài chính quý III của Công ty CP VKC Holdings (mã: VKC) ghi nhận khoản vay nợ dài hạn trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với tổng trị giá 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn gần 155 tỷ đồng, gồm hơn 69 tỷ đồng vay MBBank và hơn 67 tỷ vay VPBank.

VKC Holdings cho biết, doanh nghiệp tạm hoãn thanh toán lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư của công ty. Theo đó, 9/9/2022 là ngày đến hạn thanh toán lãi trái phiếu của lô trái phiếu VCKH2123001 quy mô 200 tỷ đồng phát hành ngày 9/12/2021, nhưng ban lãnh đạo VKC quyết định tạm hoãn việc thanh toán lãi trái phiếu.

Theo giải trình của VKC Holdings, sau biến cố ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings (bị bắt tạm giam và khởi tố), toàn bộ thành viên HĐQT, ban kiểm soát và ban tổng giám đốc của VKC đã từ nhiệm trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VKC.

VKC Holdings trước đây có tên gọi là Công ty Cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, được thành lập năm 1993, nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam năm 2008. Sau khi chính thức về tay ông Đỗ Thành Nhân, doanh nghiệp được đổi tên thành VKC Holdings. Hàng loạt nhân sự của Louis Holdings cũng sang tiếp quản VKC.

————————

663310cookie-checkHậu sự cố Đỗ Thành Nhân, thêm một doanh nghiệp liên quan khất nợ trái phiếu