Thursday, November 21, 2024
HomeBLOGDƯƠNG THIỆU TƯỚC - AI ĐÓ TRI ÂM HỮNG HỜ 

DƯƠNG THIỆU TƯỚC – AI ĐÓ TRI ÂM HỮNG HỜ 

Phạm Hiền Mây

1.

Dương Thiệu Tước (1915-1995) là một trong những nhạc sĩ tiền chiến đầu tiên, có công trong việc đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt Nam.

Sau khi di cư vào Nam năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, ông phụ trách ban nhạc cổ kim hòa điệu trên đài phát thanh Sài Gòn và dạy học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ.

Ông viết hơn hai trăm ca khúc, với rất nhiều các thể loại khác nhau, bắt đầu từ năm một ngàn chín trăm ba mươi sáu cho đến một ngàn chín trăm bảy mươi lăm thì ông ngưng viết. Nổi tiếng nhứt là các bản: Chiều (phổ thơ Màu Cây Trong Khói của Hồ Dzếnh), Tiếng Xưa, Bóng Chiều Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Ơn Nghĩa Sinh Thành.

Không chỉ là người soạn nhạc, ông còn là một danh cầm khi sử dụng được nhiều nhạc cụ khác nhau một cách rất thuần thục như đàn tranh, đàn bầu, đặc biệt nhứt là hạ uy cầm và guitar. 

Ông từng phụ trách chương trình Cổ Kim Hòa Điệu của đài phát thanh Sài Gòn từ cuối thập niên năm mươi. Trong chương trình này, ông dùng cả hai loại nhạc cụ tây phương lẫn cổ truyền để trình diễn tân nhạc. Không chỉ là chủ sự của phòng văn nghệ tại đài phát thanh, ông còn là giáo sư dạy lục huyền cầm và guitar tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ. 

******

2.

Nói về nhạc của Dương Thiệu Tước, trước hết, đó là dòng nhạc bán cổ điển như nhạc của Cung Tiến, rất tây phương với nhịp điệu lả lơi, phóng túng, phóng khoáng của một tâm hồn tự do bay bỗng, nhưng lại đầy chất Á Đông với những nốt luyến láy, ngân nga của các giọng điệu dân ca xứ Huế hoặc ca cổ miền Nam. 

Sau nữa, nói đến nhạc của Dương Thiệu Tước là nói đến chất “sang” của nó. Sang này không phải sang hèn. Sang này, là một cách nói thay thế cho tính bác học, là sự nhẹ nhàng, khoan thai, chậm rãi, thanh khiết, quý phái, tao nhã, trang trọng. Nó không phải loại nhạc mạnh khỏe của làng chài, cũng không phải loại nhạc nhọc nhằn mà vui tươi của công việc đồng áng. Nó dành cho những thanh niên thiếu nữ mới bước vào đường yêu, dành cho những tiểu thơ con nhà khuê các đầy mơ mộng và những công tử nức tiếng hào hoa. Nó dành cho những tâm hồn chứa chan tình cảm với non nước, với quê hương. Nhạc ông, đa phần là những bức tranh thiên nhiên rất đẹp và rất gợi tình. 

******

3.

Ca khúc Tiếng Xưa được Dương Thiệu Tước viết vào năm một ngàn chín trăm ba mươi chín, khi ông mới vừa hai mươi tư tuổi. Ca khúc được viết theo làn điệu dân ca, cổ nhạc miền Nam, mà nhiều người lầm tưởng là của Huế.

Tuy vậy, khi Tiếng Xưa được cất lên, ta vẫn nghe ra chất tây phương tươi trẻ, thanh thoát, nhẹ nhàng ở trỏng.  

Ông viết bài này khi thường xuyên đi và về giữa Hà Nội và Huế, để tìm hiểu những làn điệu dân nhạc và cổ nhạc xa xưa. 

******

4.

TIẾNG XƯA

Hoàng hôn lá reo bên thềm

Hoàng hôn tơi bời lá thu

Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh

Bâng khuâng phím loan vương tình

Đâu bóng trăng xưa

Mơ khúc nghê thường

Phai tàn một thời liệt oanh

Xa đưa gió mây lạnh lùng

Chiều thu nhớ nhung vì đâu

Thắm đôi dòng châu 

Tiếc thay tại sao đành lỡ làng

Man mác khói hương bay dịu dàng 

Như tóc mây vương

Dáng liễu mơ màng 

Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương 

Ai đó tri âm biết cùng

Hoàng hôn gió sương lạnh lùng

Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung

Thiết tha đàn rung tiếng tơ

Vấn vương trôi theo mây mờ

Đâu khúc cô liêu 

Duyên dáng tiêu điều

Dư âm chìm theo dòng châu

Tràn lan sóng vương mạch sầu

Đàn ơi thiết tha vì đâu

Tiếng xưa trầm ngâm 

Lắng rung đường tơ bao mơ màng

Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng

Ai có hay chăng 

Say khúc ưu tư

Gió sương chiều thu buồn mơ 

Ai đó tri âm hững hờ.

******

5.

Hoàng hôn lá reo bên thềm

Hoàng hôn tơi bời lá thu

Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh

Bâng khuâng phím loan vương tình

Ngay trong khổ đầu của ca khúc, từ hoàng hôn được lặp lại hai lần, nghĩa là, nơi đây, rất màu chiều, mà lại là màu chiều của mùa thu. Tuy không đến nỗi quá buồn khi Dương Thiệu Tước cho động từ reo đứng sau danh từ lá, nghĩa là, trước khi rơi rụng tơi bời xuống thềm, thì chúng đã reo lên rộn rã khi có cơn gió lùa qua, nhưng dẫu vậy, thì vẫn có nét ngậm ngùi của nỗi sầu xuân xanh. Tại sao lại sầu ư? Thì tại mùa thu chớ sao. Mùa thu, cảnh sắc không chỉ buồn mà mùa thu, mà buổi chiều còn là tượng trưng cho tuổi đời bóng xế. 

Sương mờ giăng khắp nơi. Bâng khuâng, người nâng phím loan, dạo khẽ cung đàn trong niềm luyến thương, vấn vương tình ái. 

**

Đâu bóng trăng xưa

Mơ khúc nghê thường

Phai tàn một thời liệt oanh

Xa đưa gió mây lạnh lùng

Ở khổ nhạc tiếp theo, nhạc sĩ đặt câu hỏi, đâu rồi bóng trăng xưa, đâu rồi khúc Nghê Thường. Khúc Nghê Thường chính là Nghê Thường Vũ Y Khúc, là vũ nhạc cung đình dưới thời Đường do đích thân Đường Huyền Tông biên soạn. Vũ khúc nhẹ nhàng, trang nhã được biểu diễn bởi các vũ nữ xinh đẹp tạo ra một cảnh tượng lung linh, huyền hoặc, xem mà ngỡ như những nàng tiên nữ đang múa trong mây. Đâu rồi, những hình ảnh của một thời liệt oanh kinh kỳ sáng chói. Đâu rồi, mà sao, chỉ đây những nét phai tàn và xa xôi đưa về những ngọn gió lạnh lùng, buốt giá tận tâm can.

**

Chiều thu nhớ nhung vì đâu

Thắm đôi dòng châu 

Tiếc thay tại sao đành lỡ làng

Man mác khói hương bay dịu dàng 

Những câu hỏi được đặt ra liên tiếp. Nhớ thương đang dậy lên trong lòng đây, là vì đâu? Những lỡ làng đây, là tại sao? Vì đâu, tại sao mà đôi dòng châu, đôi dòng lệ phải chịu tuôn thắm bờ mi. Không câu trả lời, chỉ thấy màu khói hương bay man mác, chỉ thấy màu khói hương bay dịu dàng cho lòng người dâng đầy niềm tiếc nuối. 

Một điểm đặc biệt trong ca khúc Tiếng Xưa là Dương Thiệu Tước dùng rất nhiều từ cổ: phím loan, dòng châu, dáng liễu, Tầm Dương, tiếng tơ, khiến nét nhạc nghe u hoài, mang mang một niềm sầu nhớ xưa, nhớ thuở xưa, nhớ người xưa, nhớ những niềm xưa, nay đã phai mờ theo thời gian, theo năm tháng, và sẽ không bao giờ còn tìm lại được nữa.  

**

Như tóc mây vương

Dáng liễu mơ màng 

Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương 

Ai đó tri âm biết cùng

Trong khổ nhạc này, Dương Thiệu Tước có nhắc đến Tầm Dương trong câu – cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương. Tầm Dương là một điển tích mà các nhà văn, nhà thơ thường sử dụng. 

Tầm Dương giang thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Lúc nhà thơ Bạch Cư Dị bị giáng chức về làm Tư Mã ở Giang Châu, trong một lần đi tiễn bạn ở bến sông Tầm Dương, nhà thơ gặp một ca nữ trên sông, nàng vốn là ca nữ nổi tiếng ở Tràng An lưu lạc về khúc sông này. Nghe tiếng đàn, lại biết về cảnh ngộ rủi ro của nàng, nhà thơ đã cảm khái, vừa buồn giận vừa xót thương trong lòng mà viết lên bài Tỳ Bà Hành. Bốn câu đầu của bài như sau: bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách / quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu / người xuống ngựa, khách dừng chèo / chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.

Thì ra những nhớ nhung của tác giả là vì những nỗi niềm này đây. Vì thương xót những giọt lệ của nàng ca kỹ bên bến sông, những giọt lệ tủi phận lỡ làng, trong một khung cảnh rất khói hương bay man mác, rất khói hương bay dịu dàng, nỗi tựa tóc mây, niềm tựa dáng liễu.

Những hình ảnh của quê hương, của bóng hoàng hôn, của sông nước, của khói sương trong Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, không dưng, cũng lại làm tôi nhớ quá chừng hai câu thơ của Tản Đà dịch từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu: quê hương khuất bóng hoàng hôn / trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Và câu – cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương – của Dương Thiệu Tước chính là câu đẹp nhứt, hay nhứt, tuyệt nhứt của ca khúc Tiếng Xưa. Câu hát làm dậy lên bao niềm xót xa, thương cảm. Nhỏ lệ hay nhỏ máu, lệ của mắt hay máu từ mười đầu ngón tay của nàng ca kỹ, suốt một đời phải ca hát, phải gảy đàn, hầu hạ khách làng chơi?

Nhỏ lệ xuống Tầm Dương, hay lệ nhiều như sông Tầm Dương, thật là tôi không rõ. Nhưng dù có là nghĩa nào đi chăng nữa, thì nó cũng vẫn tuyệt hay. 

Cái tuyệt hay trước, dẫn theo, nối theo một tuyệt hay sau – ai đó tri âm biết cùng. Ai là người nghe được tiếng lòng mình? Ai mới là người hiểu được nỗi niềm mình, đến cùng, đến tận? 

Câu hát ngân lên nghe như lòng tuyệt vọng, niềm tuyệt vọng: ai đó tri âm biết cùng!

**

Hoàng hôn gió sương lạnh lùng

Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung

Thiết tha đàn rung tiếng tơ

Vấn vương trôi theo mây mờ

Hai tiếng hoàng hôn lại một lần nữa được điệp. Hoàng hôn lần này, chiều đã buông gió xuống, mang theo nhiều lắm rồi những lạnh lùng, và có lẽ trời cũng chuẩn bị sụp tối màu đêm. Bao niềm nhớ thương, theo tiếng tơ đàn, lại trỗi lên thiết tha hơn bao giờ hết. Trỗi lên, vút lên từ mười đầu ngón tay đau buốt; trỗi lên, vút lên từ mắt lệ Tầm Dương, rồi trôi theo mây mờ. Nếu còn, cũng chỉ là chút vấn vương, chút thương tưởng nơi lòng lữ khách. 

**

Đâu khúc cô liêu 

Duyên dáng tiêu điều

Dư âm chìm theo dòng châu

Tràn lan sóng vương mạch sầu

Như bèo nước gặp nhau, rồi lát nữa đây, đường ai nấy đi. Buồn như dòng sông, chia về trăm mối, sẽ không tìm lại được nữa, khúc Nghê Thường tuyệt trần mà rất đỗi cô liêu, khúc Nghê Thường duyên dáng mà rất đỗi tiêu điều. Và tiếng đàn, tiếng đàn sẽ chìm theo dòng châu, tràn lan cùng sóng.

Dư âm từ nay là mạch sầu vương bến nước! 

**

Đàn ơi thiết tha vì đâu

Tiếng xưa trầm ngâm 

Lắng rung đường tơ bao mơ màng

Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng

Hỏi người đàn, hay hỏi cây đàn; hỏi cây đàn hay hỏi dòng lệ rơi – đàn ơi thiết tha vì đâu? Thiết tha vì đâu, thiết tha vì ai, mà sao cứ rung mãi đường tơ bao mơ màng? Thiết tha vì đâu, thiết tha vì ai, mà sao cứ lưu luyến mãi làn hương thu dịu dàng?

Cho trầm ngâm niềm ai hoài vậy!

**

Ai có hay chăng 

Say khúc ưu tư

Gió sương chiều thu buồn mơ 

Ai đó tri âm hững hờ.

Khúc kết của ca khúc được mở đầu bằng một từ ai – ai có hay chăng. Ai đây là ai? Ai là từ mà lữ khách chỉ nàng cầm nữ? Hay ai là từ mà nàng ca kỹ chỉ người ghé qua? Hay ai ở đây là nhằm chỉ cuộc đời, nhằm chỉ thế gian này? 

Tôi lại nhớ đến câu hò Huế trên sông mà từ hồi nhỏ xíu tôi đã thuộc làu làu: chiều chiều trước bến Văn Lâu / ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm / ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông / thuyền ai thấp thoáng bên sông / đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Ai là nàng hay là chàng cũng được, cũng đều say hết cả rồi. Say trời mây, sương khói hay hương gió, màu trăng? Say chiều hoàng hôn, dáng liễu hay say khúc Nghê Thường, Tầm Dương? Say tiếng đàn hay say dòng châu?

Say khúc ưu tư!

Say khúc buồn, say khúc sầu, trong mơ màng sương gió, có nỗi niềm đắng cay, nhận ra, có tri âm đấy, mà là tri âm hững hờ.

Ai đó tri âm hững hờ!

******

6.

Nhận xét về sáng tác của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn cho rằng: Trong các ca khúc của Dương Thiệu Tước, tình thường lẫn với cảnh. Người ta không biết ông yêu người hay yêu cảnh hơn? Cũng có thể vì yêu người nên yêu cảnh và ngược lại. 

Thật đúng như vậy. Rất nhiều các ca khúc của Dương Thiệu Tước là những bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, có hồn vía, được vẽ bằng những nét vẽ đầy ưu tư, trầm lắng, nhung nhớ và sầu thương.

Trình bày ca khúc Tiếng Xưa thì có nhiều ca sĩ lắm, từ những giọng “sang” như Thái Thanh, Thanh Thúy, Minh Trang, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, Giao Linh, Họa Mi, Thùy Dương đến những giọng trữ tình bolero như Hoàng Oanh, Phi Nhung, Trang Mỹ Dung, đều có đủ. 

Nói Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nền tân nhạc Việt Nam từ những buổi đầu phôi thai là không hề quá đáng. Dương Thiệu Tước ngoài là một nhạc sĩ tài giỏi và phong nhã, ông còn là một nhạc sĩ lịch sự, duyên dáng trong cư xử, giao thiệp, và còn là một nhạc sĩ rất hiền, rất được nhiều thế hệ các nhạc sĩ, các ca sĩ, các sinh viên theo học và khán thính giả khắp nơi, trong và ngoài nước, yêu mến.

Một nhạc sĩ tài hoa, hào hoa, và đào hoa – Dương Thiệu Tước!

Sài Gòn 06.04.2024

Phạm Hiền Mây

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular