Trần Huỳnh Duy Thức
Chiến lược định hướng: Để trở thành một điểm cân bằng Việt Nam không nên tập trung vào kinh tế hàng hóa. Dịch vụ là chiến lược,phải được ưu tiên và tạo điều kiện để phát triển thật đa dạng ở nhiều qui mô khác nhau để chiếm tỷ trọng áp đảo trong cấu trúc nền kinh tế. Làm sao mỗi một cá nhân đơn lẻ vẫn có thể trở thành một nhà cung cấp dịch vụ. Phải biến Việt Nam thành một cái chợ quốc tế để có thể mua bán trao đổi mọi thứ hàng hóa dịch vụ gì mà thế giới cần. Việt Nam phải có thể cung cấp bất kỳ dịch vụ gì cần cho các nhà sản xuất, các nhà buôn, khách du lịch, nhà nghiên cứu, v.v…đến từ khắp nơi trên thế giới miễn là không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Con người Việt Nam phải có thể giao tiếp ngôn ngữ và văn hoá với những con người đến từ các nền văn minh lớn của thế giới. Môi trường thiên nhiên của đất nước phải được gìn giữ một cách tốt nhất.
Các chính sách cần thực thi: chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều việc phải làm để thực hiện được chiến lược này. Dưới đây là những khuyến nghị cơ bản.
Về giao thông, ngoài việc phát triển tốt mạng lưới giao thông nội địa, cần phải đầu tư táo bạo vào cảng biển và sân bay để biến Việt Nam thành một điểm nút quan trọng trên mạng lưới giao thông quốc tế. Việc thiết kế qui mô giao thông quốc tế này cần phải tránh tư duy phát triển theo kiểu dự báo tốc độ về tăng trưởng kinh tế hằng năm để tính ra lưu lượng giao thông. Phải mạnh dạn tính toán thu hút lưu lượng giao thông từ các điểm nút khác trên thế giới về Việt Nam.
Về viễn thông, cần phải xác định đây là một hạ tầng cơ sở rất quan trọng để thu hút và trao đổi thông tin, tri thức ra vào Việt Nam một cách nhanh nhất, rẻ nhất. Thay đổi tư duy đánh giá sự phát triển theo số lượng máy điện thoại trên đầu người, thay vào đó là băng thông Internet quốc tế trên đầu người. Cần phải xem đây là một môi trường giao tiếp, làm ăn, học hành và trao đổi văn hoá rất hữu hiệu và quan trọng không thể thiếu. Môi trường này còn giúp hình thành nên các chợ điện tử rất hiệu quả, tồn tại song song và tương hỗ với các chợ địa lý hình thành nhờ hệ thống giao thông chiến lược.
Cần giảm tới mức thấp nhất, thậm chí bằng 0 thuế suất nhập khẩu cho hầu hết các loại hàng hóa trừ những sản phẩm nông nghiệp. Thông thường một khi đã đạt được những sự ảnh hưởng đủ lớn đối với nền kinh tế một nước, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vận động thông qua các nhóm lợi ích tư để thiết lập các rào cản hành chính bằng nhiều cách khác nhau nhằm khai thác thị trường nội địa của nước đó với lợi nhuận cao nhất. Việc giảm thuế này trước hết sẽ làm sức mua của dân tăng lên, người dân sẽ được sử dụng những hàng hóa rẻ nhất, tốt nhất sản xuất từ bất kỳ nơi nào trên thế giới ; kế tiếp sẽ buộc các nhà sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam phải gia tăng năng lực cạnh tranh với các nhà máy khác trên toàn cầu để đáp ứng tốt nhu cầu nội địa và thúc đẩy xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm bên ngoài Việt Nam. Chúng ta đã là thành viên của WTO cho nên việc giảm thuế suất nhập khẩu vào nước ta sẽ là điều kiện để có được thuế suất tương tự cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Thuế suất nhập khẩu bằng 0 sẽ là điều kiện lý tưởng để biến Việt Nam thành một cái chợ quốc tế.
Cần phải có một chính sách thuế thu nhập làm sao thu hút được người có chuyên môn từ khắp nơi trên thế giới làm việc tại Việt Nam, khuyến khích thu nhập của người dân được tái đầu tư, nhất là đầu tư để học hành nâng cao chuyên môn và văn hoá để phát triển mạnh nguồn nhân lực có kỹ năng trong nước. Mức thu nhập chiu thuế phải nâng lên rất cao, mạnh dạn lấy bằng các nước giàu để gia tăng thu nhập của dân, từ đó gia tăng tiêu dùng nội địa để tăng nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng bù đắp cho thuế nhập khẩu. Dự thảo thuế thu nhập cá nhân hiện nay nếu được thông qua sẽ gây ra những thiệt hại lớn. Nói chung là các chính sách thuế phải làm sao thúc đẩy xuất khẩu nhưng phải giảm sự phụ thuộc tăng trưởng vào xuất khẩu nhờ việc gia tăng nhu cầu nội địa do khuyến khích tiêu dùng để được giảm thuế thu nhập. Điều này sẽ giúp Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi nguy cơ thâm hụt mậu dịch toàn cầu vốn đang rất lớn và sẽ còn gia tăng phức tạp. Nhà nước cần tăng cường vai trò dự trữ quốc gia cho toàn xã hội.
Xây dựng và luật hóa một khái niệm mới: doanh nghiệp cá nhân. Mỗi công dân đủ 18 tuổi mặc nhiên là một doanh nghiệp cá nhân mà không cần phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, số CMND cũng chính là số đăng ký kinh doanh và mã số thuế. Doanh nghiệp cá nhân được kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào luật pháp không cấm, không đòi hỏi những điều kiện đặc biệt. Chính sách khuyến khích tiêu dùng để được giảm thuế thu nhập sẽ thúc đẩy mọi người giảm giao dịch bằng tiền mặt, tăng lưu thông tiền tệ qua các ngân hàng nên sẽ cho phép duy trì một mức lạm phát thấp hơn trong cùng một tỷ lệ tăng trưởng GDP cho dù nhu cầu tiêu dùng nội địa được thúc đẩy. Những điều này sẽ ràng buộc cá nhân bằng pháp luật, góp phần thực hiện tốt trách nhiệm cá nhân của mỗi người trước pháp luật ; đồng thời cũng sẽ giúp giải phóng năng lực cá nhân khỏi những cơ chế rườm rà. Một khi cần có qui mô hoạt động lớn hơn thì các cá nhân sẽ tự động liên kết với nhau để thành lập công ty theo nhiều hình thức như hiện nay. Thực thi luật này đòi hỏi phải đầu tư một hệ thống thông tin điện tử quốc gia liên kết nhiều nghiệp vụ khác nhau, có thể nói hệ thống này chính là một phần của chính phủ điện tử.
Các doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết trong việc thực hiện chiến lược dịch vụ. Tuy nhiên vai trò của các doanh nghiệp này cần xác định chủ yếu là để thúc đẩy và điều tiết, chứ không phải trở thành những đối thủ cạnh tranh mạnh, chiếm thị phần lớn, nộp ngân sách nhiều. Các doanh nghiệp nhà nước luôn phải đi tiên phong để đầu tư vào những hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi đầu tư lớn để phục vụ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ; và tập trung vào mục tiêu điều tiết vĩ mô về nhu cầu, địa bàn, đối tượng, giá cả, công nghệ và nguồn nhân lực. Đó mới thực sự là vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước chứ không phải cạnh tranh trực diện ở thế trên với khu vực tư nhân như hiện nay.
Cho dù sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ thì đều phải gìn giữ, không được làm hại môi trường, không chấp nhận trả giá môi trường thiên nhiên cho tăng trưởng kinh tế. Phải xem gìn giữ môi trường và tôn tạo thiên nhiên là chiến lược để phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên phải trở thành những cam kết cấp quốc gia của toàn dân để tạo ra một thương hiệu xanh khi thế giới nhắc đến Việt Nam. Một không gian văn hoá không thể tách rời khỏi môi trường thiên nhiên. Không thể có một sự phát triển văn hoá lành mạnh trong một môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm. Ngoài ra, thể chất và tố chất của con người Việt Nam sẽ khoẻ hơn và tốt hơn, điều này có rất nhiều lợi ích không phải bàn cãi, nó đồng thời làm giảm đáng kể chi phí y tế của toàn dân, giảm rất nhiều những gánh nặng thương tâm cho toàn xã hội.
Cuối cùng nhưng trên hết chính là phát triển giáo dục. Cần có chính sách để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư vào giáo dục đào tạo. Nhà nước chỉ cần tập trung vào xây dựng những chương trình giáo khoa bắt buộc để làm sao người Việt Nam dù hoạt động ở lĩnh vực nào đều là những người hiểu biết tốt các nền văn hoá khác nhau ; hiểu biết thông lệ, luật lệ và hệ thống quốc tế một cách cơ bản. Tiếng Anh và tiếng Hoa nên là 2 ngoại ngữ bắt buộc và phải được học ngay từ lớp một và lớp sáu, những ngoại ngữ khác là tùy chọn từ lớp 10 trở đi. Những đào tạo chuyên môn khác nên được xã hội hóa một cách mạnh dạn, chấp nhận giáo dục là một thị trường thì thị trường giáo dục sẽ tự điều tiết hợp lý để đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu của xã hội theo chiến lược phát triển dịch vụ của nhà nước. Ngân sách giáo dục của quốc gia vì vậy mà có thể dùng để đầu tư mạnh mẽ vào các vùng sâu, nông thôn và tập trung cho những chương trình đào tạo mang tính chiến lược của đất nước.