(Tập thứ 58a)
Từ phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv, Do Thái, chúng tôi đáp chuyến bay muộn sang thủ đô Athens của Hy Lạp, nơi đây chúng tôi đã ghé qua và ở lại đó 3 ngày, khởi đầu cho chuyến đi qua Ai Cập, Jordan và Do Thái.
Thủ đô Athens đất chật người đông, nhà cửa san sát và xe cộ đông đảo. Cũng như những thành phố đông dân khác trên thế giới, đường vào trung tâm thủ đô luôn bị kẹt xe ở những giờ cao điểm và trong giờ hành chính. Chung quanh khu đồng bằng ở Athens chỉ thấy toàn đồi núi. Thực sự thì sau này chúng tôi mới khám phá ra là khắp cả cái đất nước Hy Lạp, chứ không chỉ ở thủ đô Athens, không có thứ gì nhiều cho bằng đồi núi.
Đồi núi ở Hy Lạp nhiều vô số và nối đuôi nhau chạy dài liên tục từ Nam lên Bắc. Dưới chân những dãy núi là những khu đồng bằng nho nhỏ độ vài chục mẫu, đất đai ở đây có thể trồng trọt được nhưng vì có mùa Đông khá khắc nghiệt nên nông dân Hy Lạp vẫn phải trồng trọt theo từng vụ mùa, hiện nay trồng nhiều nhất là cà rốt, khoai tây và một số rau củ quả chịu được thời tiết lạnh.
Chúng tôi book trở lại cái căn nhà mà chúng tôi đã ở trước đây 3 tuần qua AirBnB. Chị chủ nhà lấy số chuyến bay, rồi đúng giờ lái xe ra phi trường đón. Chẳng hiểu sao, phi trường ở Athens đã mang lại cho chúng tôi nhiều cái xui về hành lý. Đáp chuyến bay chuyển tiếp từ Frankfurt lần trước, qua hãng máy bay Lufthansa của Đức, họ làm thất lạc hành lý phải tốn nhiều công chờ đợi, chạy đôn chạy đáo mất 2 ngày. Cũng may, trong cái valise đó, chỉ chứa toàn quần áo của ông chồng, còn valise của bà vợ thì không sao. Thế là ông chồng đành quần lót áo thun tắm xong phải lộn ra mặc lại mất … 2 ngày nhưng cũng chưa đến nỗi bốc mùi …
Chưa hết, đi từ Los Angeles qua Athens, nhân viên chuyển hành lý làm gẫy mất cái tay kéo của cái valise nhỏ hiệu Samsonite còn khá mới. Lần này đi trở lại Athens từ Tel Aviv, qua hãng máy bay El Al của Do Thái, họ chuyển hành lý làm gẫy luôn cả 2 cái tay kéo của cái valise lớn, thế là trong một chuyến đi hư 2 cái valise, hỏi có ức không cơ chứ.
Athens có khá nhiều thắng cảnh với những kỳ công cổ xưa, nhất là khu di tích cổ thành Acropolis. Đây là một trong những di tích quan trọng nhất của nền văn hóa Hy Lạp. Toàn cảnh khu vực này được xây dựng trên đỉnh của một ngọn đồi cao hơn mặt nước biển 150 mét. Khu vực này bao gồm tàn tích của một số kiến trúc khá vĩ đại của lịch sử, trong đó phải kể đến ngôi đền Parthenon và đền thờ thần Zeus còn sót lại một phần vì bị tàn phá theo thời gian và vì những cơn động đất.
Các khu bảo tàng tại địa điểm Acropolis của Athens có thể đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, nghĩa là cách đây gần 2 ngàn 5 trăm năm. Tuy không sử gia nào có thể nói chính xác, nhưng hầu hết các tàn tích còn sót lại hiện nay đều được xây dựng dưới triều đại của Pericles. Những đóng góp nổi bật của ông ta là Parthenon, Propylaea, Erechtheion và Đền thờ Athena.
Các ngôi đền lớn nhỏ ở đây bao gồm: Athena Polias, Poseidon, Cecrops, Herse, Pandrosos Aglauros và Caryatids, theo lịch sử thì tất cả được xây dựng vào khoảng cùng thời kỳ, trong thời đại Hy Lạp và La Mã, rất nhiều cấu trúc hư hại đã và đang được tái xây dựng và kiến trúc lại. Trong quá khứ, Parthenon đã được chuyển đổi thành một ngôi Thánh Đường trong thời kỳ của đế chế Byzantine. Người La Mã đã xử dụng Acropolis của Athens làm trung tâm hành chánh của Athens.
Sau cuộc chinh phục của đế chế Ottoman, Erechtheion được chuyển sang thành hậu cung riêng của Tổng Trấn thuở đó và Parthenon được xử dụng để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú. Sau đó, các thủ lãnh của Ottoman, của Frankish và của đế chế Byzantine đã nỗ lực khôi phục lại hình ảnh ban đầu của khu vực thành trì này.
Không chỉ ở Athens, mà người dân ở khắp nơi trên đất Hy Lạp sáng ra phải có 2 thứ, cà phê và bánh ngọt. Tiệm bánh ở Hy Lạp thường đảm nhiệm luôn việc bán cả hai thứ và nhiều vô số kể. Nếu một ngã tư đường ở Mỹ có 4 cây xăng, thì một ngã tư đường của Hy Lạp có 4 tiệm “bakery and coffee”. Trên một quãng đường ngắn ở Hy Lạp, người ta có thể thấy rất nhiều tiệm bánh, nhiều hơn McDonald ở Mỹ. Các loại bánh ngọt bánh mặn ở Hy Lạp có giá rất rẻ so với giá cả ở Mỹ và ăn cũng khá ngon, tuy không ngon bằng ở những quốc gia bên Đông Âu. Mỗi tiệm bánh ở Hy Lạp, đều rất phong phú vì có đến 4,5 chục thứ bánh khác nhau, có cả bánh chocolate, bánh sinh nhật và bánh cưới.
Sáng ra chỉ khoảng 3€ là đã có 1 ly cà phê đậm đặc và 1 cái bánh cho bữa điểm tâm trước khi bắt đầu một ngày mới.
Xe hơi ở Athens phải nói là rất nhiều, nhưng trong thời gian này, dường như chỉ được xử dụng để làm cảnh, vì giá xăng ở đây tương đối rất là đắt, khoảng $2.00/1 lít tương đương với gần $8.00 cho một gallon xăng. Hầu như người dân ở Hy Lạp chỉ dùng xe hợi để đi loanh quanh trong thành phố họ ở. Đường xá ở Hy Lạp khá xấu và bèo thua xa Việt Nam mặc dù GPS chỉ tường tận và chính xác, nhưng bạn không thể nào đoán trước được còn đường mình sẽ rẽ vào đã xuống cấp tồi tệ cỡ nào và chính phủ chẳng hề thèm chăm sóc hay sửa sang lại. Chúng tôi đã nhiều lần hồi hộp đến đứng tim khi quẹo xe đi sâu vào những con đường nhỏ trong thành phố, nhất là những khu vực đồi núi, vì chúng gần giống như những con đường xe bò ở đồng quê Việt Nam với những ổ voi sâu cả nửa thước, xe mà xụp xuống đó là chỉ có đứng khóc chờ ông Bụt hiện ra … “tại sao con khóc?” …
Rất ít người và xe cộ đi đường xa ở Hy Lạp, nên xa lộ vắng hoe, chỉ có xe tải chở hàng là chủ yếu, đơn giản là xa lộ xuyên Hy Lạp đều đã được tư nhân hóa và cái giá để trả cho một đoạn đường trên xa lộ, phải nói là cắt cổ, chỉ độ hơn chục Cây Số là có 1 trạm thu phí, cái rẻ nhất là 1.9€, cái đắt nhất là 4€. Chúng tôi lái xe đi từ Athens lên thành phố Thessaloniki được coi là thành phố lớn và đông dân hạng thứ 2 ở Hy Lạp, con đường chỉ dài hơn 500 cây số, khoảng 310 miles, mà phải trả 14 lần tiền phí cầu đường (toll fees) tổng cộng hơn 42€ tương đương với hơn 45 đô la. Mấy bữa nữa lái xe trở lại Athens đi bằng con đường bên kia qua Meteora, xa hơn, dài hơn, không biết sẽ phải tốn bao nhiêu tiền cầu đường.
Xa lộ ở Hy Lạp không có rest areas nhưng có WC ở mỗi chặng đường chỉ vài cây số. Họ làm rất đơn giản, chỉ việc lái xe quẹo vào khu WC một tí bên lane trong cùng, là sẽ có khoảng 3,4 chỗ đậu cho xe nhà nhỏ và 2 chỗ đậu cho xe tải. Ở đó có 3,4 cái cầu tiêu ngồi làm bằng đá hoa cương rất cứng và rất lạnh trong mùa Đông, không có bàn ngồi bằng nhựa như chúng ta thường xài, có lẽ để giảm việc lau chùi phục vụ và hư hại. Bên ngoài có một chỗ rửa tay và một tấm kiếng dính vào tường … rất tiện lợi.
Chúng tôi thuê một bác tài xế, tính cả xe, xăng và phí đường, bao luôn việc dẫn đường làm tour guide miễn cưỡng, đến những nơi danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử ở thủ đô Athens với giá 180€ cho một ngày.
Hôm sau lại thuê bà chủ nhà đưa ra phi trường để lấy xe mướn cho chuyến đi hơn chục ngày khám phá miền Bắc nước Hy Lạp. Giá thuê xe khá rẻ, khoảng 20 đô một ngày có luôn bảo hiểm cho chiếc xe Suzuki Hybrid số tự động 4 cửa hatch-back nhỏ hơn chiếc Toyota Corolla một chút xíu.
Những điểm sẽ đến trong chuyến đi này là: Chalkadi, Volos, Thessaloniki, Meteora và Patra trước khi trở về Athens để bay qua thủ đô Sofia của nước Cộng Hòa Chủ Nghĩa … một thời là anh em Bulgaria …
Giá thuê những căn hộ khá rộng rãi 2,3 phòng ngủ như ở Mỹ với bếp núc đầy đủ rộng khoảng 900sf tới 1250sf ở những thành phố lớn và những khu du lịch ở Hy Lạp chỉ loanh quanh khoảng $85.00/một đêm, phải nói là khá rẻ.
*** Tập kế tiếp, Chalkadi, Volos và Thessaloniki.