Saturday, January 25, 2025
HomeNEWSSyria : Bóng ma nội chiến trở lại có nguy cơ làm rối...

Syria : Bóng ma nội chiến trở lại có nguy cơ làm rối thêm tình hình Trung Cận Đông

Phiến quân thánh chiến Hồi Giáo đã không mất nhiều thời gian để giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, lần đầu tiên kể từ năm 2011. Thất bại lớn này của với chế độ Bachar al-Assad có thể làm đảo lộn cán cân lực lượng trong vùng.

Giữa lúc Trung Cận Đông đang chìm trong vòng xoáy xung đột vũ trang, hôm thứ Tư tuần trước, 27/11/2024, nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Cham (HTS) và liên minh các lực lượng nổi dậy, trong đó có một số nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã bất ngờ mở cuộc tấn công vào quân đội chính phủ Syria. Chỉ trong ba ngày giao tranh, các lực lượng nổi dậy này đã chiếm được phần lớn tỉnh Aleppo, Idleb và Hama.

Với sự hỗ trợ quân sự quan trọng từ Nga và Iran, chế độ Assad đã mở một cuộc phản công giúp họ dần giành lại quyền kiểm soát một phần lớn đất nước vào năm 2016, trong đó có toàn bộ thành phố Aleppo, trung tâm kinh tế của đất nước, trước cuộc nội chiến nổ ra năm 2011.

Diễn biến chiến sự mới lần này làm dấy lên lo ngại xung đột bùng phát trở lại trên quy mô lớn ở một quốc gia vốn bị chia xé thành nhiều vùng ảnh hưởng, với các bên tham chiến được hỗ trợ bởi các cường quốc khu vực và quốc tế.

Trước cuộc tấn công, HTS và các thành phần nổi dậy khác đã kiểm soát một phần tỉnh Idleb, cũng như các tỉnh Aleppo, Hama và Lataquié. Vùng tây bắc Syria này tạm yên theo lệnh ngừng bắn được ban hành vào năm 2020, dưới sự bảo trợ  của Ankara và Matxcơva.

Quân đội chính phủ Syria nhanh chóng thất trận một phần do yếu kém, nhưng chủ yếu, theo giới chuyên gia, là do các nhóm nổi dậy đã tận dụng cơ hội giữa lúc Iran, một đồng minh thân cận của Damas, đang bị cuốn vào cuộc chiến với Israel. Còn trên bình diện quốc tế, theo chuyên gia Fabrice Balanche giảng viên Đại học Lyon 2 (Pháp), đồng minh lớn khác của Syria  là « nước Nga thì đang bận với cuộc chiến tranh Ukraina, Hoa Kỳ đang ở trong khoảng trống quyền lực và cuộc đối thoại giữa Assad và Erdogan không tiến triển ».

Ở một mặt trận khác, các nhóm nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ, Quân Đội Quốc Gia Syria (ANS)  cũng tích cực tấn công lực lượng người Kurdistan ở phía bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tín viên RFI tại Ankara, Anne Andlauer ghi nhận, với  sự đột phá của quân nổi dậy ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hy vọng đạt được một số mục tiêu như buộc Bashar el-Assad phải đàm phán với Ankara về vùng lãnh thổ phía bắc Syria, thuyết phục nhiều người dân Aleppo tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại Syria; làm suy yếu lực lượng người Kurdistan và cuối cùng đuổi họ khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Trên bình diện quân sự cũng như ngoại giao, tình hình hiện nay thuận lợi hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ .

Nhưng bước tiến bất ngờ của lực lượng thánh chiến Hồi Giáo, đang khơi dậy một cuộc nội chiến triền miên, có thể khiến Bachar al-Assad bị lung lay?  “Chế độ đã suy yếu, nhưng chưa đến mức sụp đổ. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Nga bỏ rơi Damas »,  chuyên gia  Fabrice Balanche nhận định. Tổng thống Nga Putin từng coi chiếm Aleppo là một chiến thắng vĩ đại, nên ông sẽ phải tìm cách giúp Damas lấy lại Aleppo. Không quân Nga đã tiến hành lại các cuộc oanh kích vào Aleppo từ hôm Chủ nhật, lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Cuộc tấn công của phe nổi dậy chống chính phủ Damas cũng có lợi cho Israel. Syria là giao điểm chiến lược để hỗ trợ hậu cần và vũ khí từ Iran đến Liban và các nhóm vũ trang Palestine. Điều này có thể phá vỡ trục Iran. Hezbollah sẽ không được tiếp tế từ Teheran và nếu trở lại chiến đấu ở Syria thì phong trào Hồi Giáo Shia này sẽ phải nới lỏng quyền kiểm soát ở Liban.

Tổng thống Syria Bachar al-Assad tuyên bố sẽ phản công đánh bại các phần tử « khủng bố ». Tuy nhiên giới quan sát đều nhận định rằng quyết tâm của al-Assad phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của Nga và Iran.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular