Giới quan sát nhận định việc chính quyền Hong Kong bắt giữ tỉ phú truyền thông Jimmy Lai theo luật An ninh Quốc gia là đòn nặng nề giáng vào tự do báo chí.
Một nguồn tin từ báo Apple Daily do tỉ phú Lai sở hữu nói rằng các lãnh đạo khác của tờ báo này cũng đang trở thành đích ngắm và cảnh sát đã lục soát nhà của họ.
“Chúng tôi đang làm việc với luật sư để bảo vệ quyền lợi. Chúng tôi coi đây là sự quấy nhiễu trắng trợn”, Reuters dẫn nguồn tin này cho hay.
‘Sẵn sàng ngồi tù’
Ông Mark Simon, Giám đốc điều hành công ty truyền thông Next Digital của ông Lai, cho biết doanh nhân này bị bắt giữ theo luật An ninh Quốc gia, vốn gây tranh cãi khi Trung Quốc áp dụng đối với Hong Kong vào tháng Sáu.
Ông Lai là gương mặt tiêu biểu ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra ở Hong Kong vào năm ngoái.
Hồi tháng 2, doanh nhân 71 tuổi này đã bị buộc tội tụ tập bất hợp pháp. Sau đó, ông được cảnh sát cho tại ngoại. Lúc bấy giờ, báo chí quốc doanh tại Trung Quốc đã gọi ông là “trùm bạo động”, “kẻ không ngừng lan truyền thông tin thù hận và tiêu cực về đại lục”.
Ông Simon nói rằng: “Ông Jimmy Lai đang bị bắt về tội thông đồng với các thế lực nước ngoài”.
Cảnh sát Hong Kong thông báo có 7 người đã bị bắt hôm thứ Hai vì tình nghi vi phạm luật An ninh Quốc gia, nhưng chưa xác nhận rằng ông Lai có nằm trong số đó hay không.
Sau khi luật An ninh Quốc gia được áp đặt tại Hong Kong, trước câu hỏi liệu ông có rời Hong Kong đi định cư ở nước ngoài không, Jimmy Lai nói nhất định sẽ ở lại và tiếp tục đấu tranh dù ông biết mình là một trong những mục tiêu của luật an ninh mới.
Jimmy Lai là một nhân vật nổi bật trong giới truyền thông tại Hong Kong, với tài sản ước tính hơn 1 tỉ USD.
Ông là người sáng lập Apple Daily, tờ báo thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Hong Kong và Trung Quốc.
Trước đó, ông Lai từng nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times: “Giới lãnh đạo ghét tôi lắm. Họ cho rằng tôi là một kẻ phá rối.”
Ngày 30/6, khi luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc được thông qua, Jimmy Lai đã nói với BBC rằng điều này “gióng lên hồi chuông báo tử cho Hong Kong”.
Ông cảnh báo rằng Hong Kong sẽ trở nên thối nát như Trung Quốc đại lục vì “nếu không có pháp quyền, những người kinh doanh ở đây sẽ không được bảo vệ”.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với hãng tin AFP, ông Lai nói: “Tôi đã chuẩn bị cho việc ngồi tù. Nếu điều đó đến, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mà tôi chưa đọc. Điều duy nhất tôi có thể làm là trở nên lạc quan.”
Đòn giáng vào tự do báo chí
Vụ bắt giữ Jimmy Lai nằm trong hàng loạt hành động mà nhà chức trách Hong Kong thực hiện sau khi luật An ninh Quốc gia được Trung Quốc áp đặt đối với đặc khu hành chính.
Hồi cuối tháng 7, báo chí Hong Kong đưa tin cảnh sát phát lệnh bắt đối với các cựu thủ lĩnh đấu tranh đã đào thoát ra nước ngoài, bao gồm Nathan Law và Wayne Chan Ka-kui.
Hồi cuối tuần trước, Joshua Wong, cựu thủ lĩnh phong trào Demosisto, cùng 23 người khác cũng bị truy tố về việc tham gia tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Tội danh được nêu là “tham gia tụ tập đông người trái phép”.
Năm nay, chính quyền Hong Kong đã cấm tập trung đông người trong dịp tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4/6. Tuy nhiên, vẫn có rất đông người dân Hong Kong đã tập trung tưởng niệm bất chấp lệnh cấm.
Nếu như các tội danh dành cho Joshua Wong và 23 người khác đã có trước khi luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc được áp đặt tại Hong Kong, thì việc truy bắt Nathan Law, Wayne Chan Ka-kui và mới nhất là vụ bắt giữ tỉ phú Jimmy Lai là việc áp dụng luật mới này.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh cho biết ông Jimmy Lai bị bắt với tội danh câu kết với ngoại bang và khó có thể được bảo lãnh tại ngoại cũng như “chắc chắn sẽ nhận án phạt thích đáng”.
Jimmy Lai, chủ tập đoàn truyền thông Next Digital, nắm giữ nhiều tờ báo tại Hong Kong, trong đó có tờ Apple Daily được coi là một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ dân chủ, tự do và chống lại các chính sách bào mòn quyền tự trị của Hong Kong. Từ lâu, Jimmy Lai đã trở thành mục tiêu chỉ trích của các chiến dịch truyền thông từ đại lục và không ít lần bị bắt hoặc truy tố.
Tờ Apple Daily của ông và bản thân ông cũng từng là mục tiêu tấn công bạo lực từ những kẻ giấu mặt.
Vụ bắt giữ mới nhất đối với Jimmy Lai được giới quan sát đánh giá là đòn nặng nề giáng vào tự do báo chí ở Hong Kong.
Trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt trước khi xảy ra vụ bắt giữ, Giáo sư Keith Richburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Hong Kong, bày tỏ lo ngại:
“Jimmy Lai là một người can đảm. Ông không chỉ đấu tranh cho tự do báo chí mà còn là một tiếng nói ủng hộ dân chủ mạnh mẽ tại Hong Kong. Ông ấy đã hỗ trợ người biểu tình rất nhiều. Ông ấy từng nhiều lần nói chuyện tại câu lạc bộ ký giả nước ngoài. Thế nên mọi người rất lo ngại”.
“Ông chắc chắn đối mặt với nhiều hiểm nguy một khi luật An ninh Quốc gia được áp dụng. Các tội danh như hợp tác với ngoại bang, hoặc kích động lật đổ… rất dễ được diễn dịch và áp dụng đối với những người như tỉ phú Lai”, Giáo sư Richburg đánh giá, và đặt câu hỏi:
“Chúng ta sẽ xem liệu tỉ phú Jimmy Lai và Apple Daily có được phép hoạt động tự do như trước nữa không”.
The Guardian dẫn lời nhà hoạt động Eddie Chu-hoi Dick cáo buộc đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đóng cửa tờ Apple Daily và vụ bắt giữ Jimmy Lai “là bước đầu tiên để dập tắt báo chí Hong Kong”.
Còn Reuters dẫn phát biểu của ông Steven Butler, điều phối viên chương trình châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, nói rằng vụ bắt giữ “đã cụ thể hóa nỗi lo sợ về việc luật An ninh Quốc gia được sử dụng để đàn áp tiếng nói phê phán ủng hộ dân chủ và hạn chế tự do báo chí”.
“Hãy trả tự do cho ông Jimmy Lai và hủy hết các tội danh”, ông Butler tuyên bố. Tỉ phú truyền thông Jimmy Lai đã bị bắt với tội danh thông đồng với các thế lực nước ngoài vào hôm thứ Hai, 10/8.