Monday, December 2, 2024
HomeBLOGXã luận: John Locke sẽ nói gì khi chứng kiến vụ Đồng...

Xã luận: John Locke sẽ nói gì khi chứng kiến vụ Đồng Tâm?

LUẬT KHOA

Liệu người dân Đồng Tâm có sai khi phản kháng lại chính quyền? Liệu chủ tịch Chung có lạm quyền khi cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân? Và liệu việc khởi tố vụ án có thực sự củng cố nền pháp quyền như nhiều người trông đợi?

Để trả lời ba câu hỏi đang được tranh luận rộng rãi này, có lẽ trước tiên chúng ta cần phải giải quyết một câu hỏi mấu chốt, rằng đâu là mục đích và phạm vi hợp pháp của chính quyền.

Chính quyền được tạo ra để làm gì?

Có lẽ người đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi này chính là John Locke, một nhà tư tưởng chính trị người Anh ở thế kỷ 17. Tư tưởng chính trị của Locke được thể hiện rõ trong tác phẩm triết học chính trị kinh điển của ông là Khảo luận thứ hai về chính quyền.

Locke cho rằng chính quyền là sản phẩm tạo tác của người dân. Trước khi có chính quyền, người dân tồn tại trong trạng thái tự nhiên, với các quyền tự nhiên mà Thượng Đế ban tặng (mà ngày nay chúng ta vẫn hay gọi là các quyền phổ quát) – đó là quyền sống, quyền tự do, và quyền tư hữu.

Tuy nhiên, theo Locke, trong trạng thái tự nhiên lại tồn tại những bất tiện như là không có luật rõ ràng, không có người phân xử công tâm. Do vậy, khi xảy ra xung đột, con người thường tự phán xử theo hướng thiên vị cho mình, kết quả là các quyền tự nhiên của con người không được đảm bảo.

Để khắc phục điều này, con người từ bỏ trạng thái tự nhiên và tham gia vào một cộng đồng chính trị. Trong cộng đồng chính trị này, họ hình thành nên một chính quyền và trao cho nó một số quyền để có thể bảo vệ các quyền tự nhiên của họ một cách tốt hơn. Như Locke viết: “Mục đích cao quý và chính yếu mà con người liên kết thành một cộng đồng quốc gia và tự đặt họ dưới một chính quyền, ấy là để bảo toàn quyền sở hữu của họ”(1). Và chính quyền này được trao cho một quyền lực “không có mục đích nào khác ngoài việc bảo vệ người dân, và vì thế nó không bao giờ có thể có quyền để hủy hoại, nô dịch hay có ý đồ bần cùng hóa người dân”. (2)

Như vậy, chính quyền là do con người tạo ra, quyền lực của nó là do con người trao cho, tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ các quyền căn bản của con người. Chính vì thế, bất cứ khi nào chính quyền đi ra ngoài mục đích và phạm vi quyền lực của nó, thì có nghĩa rằng nó đang cư xử một cách sai trái.

Và khi điều này xảy ra thì người dân hoàn toàn có quyền phản kháng, như Locke đã tuyên bố: “Quyền lực tối cao vĩnh viễn nằm trong tay cộng đồng để bảo vệ người dân trước những nỗ lực hay mưu đồ của bất kỳ ai – kể cả các nhà lập pháp của họ – khi mà những người này trở nên quá ngu xuẩn hay quá độc ác khi thực hiện những ý định chống lại các quyền tự do và sở hữu của người dân.(3)

Tư tưởng chính trị của Locke có ảnh hưởng rất lớn trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Ở phương diện lý thuyết, ông được coi là cha đẻ của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hợp hiến ở phương Tây. Ở phương diện thực tiễn, tư tưởng của ông được sử dụng ở khắp nơi để biện minh cho các cuộc cách mạng, như Cách mạng Vinh quang Anh 1688, Cách mạng Mỹ 1776, và một cách gián tiếp đối với cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của Việt Nam, khi Hồ Chí Minh viện dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ để bảo vệ cho lý tưởng của cuộc cách mạng này.

Quyền phản kháng của người Đồng Tâm

Quay trở lại với vấn đề xung đột ở Đồng Tâm. Khi cuộc tranh chấp 46 héc-ta đất đai kéo dài 5 năm giữa chính quyền với người dân chưa được giải quyết thỏa đáng, thì chính quyền đã mời những người dân đại diện ở Đồng Tâm cùng đo đạc, xác định ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Song sau đó chính quyền đã bắt giữ bốn người đại diện và cáo buộc họ “gây rối trật tự công cộng”. Điều này dẫn đến việc người dân Đồng Tâm phải bắt giữ 38 người của chính quyền, nhằm mục đích yêu cầu chính quyền thả những người đại diện đã bị bắt đi trước đó.

Rõ ràng trong trường hợp này, chính quyền đang hành xử một cách sai trái. Họ dùng bạo lực để trực tiếp xâm phạm đến các quyền tự nhiên căn bản của người dân – như quyền tư hữu, quyền không bị bắt và giam giữ tùy tiện. Họ đã vượt ra khỏi phạm vi quyền lực, hay nói một cách thẳng thắn là họ đang lạm dụng chính cái quyền lực mà vốn dĩ được người dân trao cho. Và như thế, họ đã ngang nhiên giẫm lên cái khẩu hiệu mà họ vẫn thường nêu cao về một nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân” (4).

Như vậy, người dân Đồng Tâm hoàn toàn có đủ thẩm quyền để phản kháng. Đây là điều dễ hiểu và cũng rất chính đáng theo tinh thần của Locke. Chính vì hành động phản kháng này là hết sức đúng đắn, nên việc trả lời các câu hỏi còn lại như: liệu ông Chung có lạm quyền, liệu việc khởi tố vụ án có thực sự củng cố nguyên tắc pháp quyền hay chăng,… đã không còn cần thiết nữa.

Và bên nào sai thì bên ấy phải xin lỗi, bồi thường cho người dân. Thật vô lý khi chính quyền sai mà chính quyền lại có được cái quyền cho phép mình không truy cứu người dân để tỏ lòng độ lượng, hay là phải truy cứu để đảm bảo thủ tục pháp quyền.

Chú thích

(1) John Locke, 1689, Khảo luận thứ hai về chính quyền, chương IX, mục 124.

(2) Sách đã dẫn, chương XI, mục 135.

(3) Sách đã dẫn, chương XIII, mục 149.

(4) Hiến pháp Việt Nam, 2013, chương 1, điều 2.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular