Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.06.27
Đối với vấn nạn ‘tra tấn’ vi phạm nhân quyền ‘nghiêm trọng’, Việt Nam có thể bị xếp ở cấp độ 9/10 trên thang điểm báo động về mức độ nguy hiểm. Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà quan sát về nhân quyền, từ CHLB Đức nói với Đài Á Châu Tự Do trong ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn của Liên Hợp Quốc 26/6/2023.
Nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, một cựu tù nhân lương tâm, người đã từng bị giam giữ ở 11 nhà tù, trại giam với 20 lần chuyển trại trong thời gian khoảng bảy năm ở Việt Nam trước đây, dịp này cũng chia sẻ trên quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt rằng Nhà nước Việt Nam có hành xử mang tính ‘đối phó’ với quốc tế về vấn đề nhân quyền, và ở trong nước tiếp tục có những ‘vi phạm nhân quyền’ thể hiện qua nạn ‘tra tấn’ và các chính sách, quy định dưới luật có liên quan được soạn thảo và thi hành một cách ‘có hệ thống’.
Trước hết, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bình luận với Đài Á Châu Tự Do về nạn tra tấn trên thế giới:
“Vấn đề chống tra tấn ở trên thế giới lúc nào cũng là vấn đề thời sự, đặc biệt là ở những đất nước phi dân chủ. Như chúng ta đã biết, với những người mà được gọi là bị can, khi họ bị bắt, các cơ quan điều tra bao giờ cũng muốn hoàn tất hồ sơ, kết thúc điều tra, nên họ thường sử dụng biện pháp tra tấn để ép cung, mớm cung, hay cưỡng bức cung, để lấy lời khai theo ý muốn của cơ quan điều tra.
Chính vì vậy vấn đề phòng chống tra tấn luôn luôn là vấn đề nóng hổi, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, chính vì thế LHQ phải ra một lập ra một Công ước quốc tế và họ luôn luôn vận động tất cả các quốc gia trên thế giới ký vào Công ước này.”
Với riêng tình hình ở Việt Nam, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói thêm:
“Ở Việt Nam, vấn đề tra tấn, bức cung, nhục hình, hay mớm cung vẫn diễn ra thường xuyên ở trên khắp đất nước Việt Nam, từ mức độ cấp xã phường, tuy ở đấy không phải là cơ quan điều tra, công an địa phương khi bắt được những nghi phạm, lực lượng điều tra ở đó thường sử dụng bức cung, nhục hình với những người được cho là nghi can vi phạm, và theo thống kê hàng năm, Việt Nam có đến cả trăm người bị chết ở những đồn cảnh sát ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
Rồi ở cấp độ thứ hai là cấp huyện, luôn luôn có mức độ là có những người bị tra tấn ở đó…, những người đang bị tạm giam ở cấp tỉnh nói với tôi rằng họ sợ nhất là khi nghe lệnh rằng họ bị chuyển về cơ quan tạm giam cấp huyện, bởi vì họ biết chắc chắn rằng khi về đó họ sẽ bị tra tấn.
Cho nên vấn đề đó ở Việt Nam luôn luôn là vấn đề nóng bỏng và kể cả giới luật sư hay những người quan tâm đã nhiều lần yêu cầu phải có ghi âm, ghi hình các buổi điều tra, thế nhưng mặc dù luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam năm 2015 đã quy định những thủ tục đó, nhưng họ (chính quyền) không thực hiện trên tất cả các phạm vi, nên tình trạng tra tấn vẫn diễn ra thường xuyên ở Việt Nam…
Nếu như chia mức độ đánh giá ra theo thang điểm là 10 điểm là điểm cao nhất, tức là mức độ nguy hiểm nhất, Việt Nam có thể tạm xếp vào điểm chín trên mức thang điểm đó về vấn đề tra tấn. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng thấy rất nhiều vụ án oan sai xảy ra trong những năm vừa qua, dẫn đến việc các cơ quan điều tra, rồi cơ quan Viện Kiểm sát, Tòa án, phải bồi thường tới hàng tỷ đồng cho các nạn nhân, khi các nạn nhân khai báo họ đã bị tra tấn trong suốt quá trình điều tra, và thậm chí kể cả ban đêm nữa…”
‘Vai trò quan trọng của giới luật sư’
Để đối phó với vấn nạn được cho là ‘rất nghiêm trọng’ này tại Việt Nam, theo Luật sư Nguyễn Văn Đài cần phải có một số biện pháp cụ thể như sau, vẫn theo quan điểm riêng của ông:
“Để ngăn chặn tình trạng bị tra tấn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam, đòi hỏi sự vào cuộc rất nhiều, thứ nhất là từ cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải thường xuyên đến thăm Việt Nam, đến thăm các nhà tù ở Việt Nam, phỏng vấn những người đang bị tạm giam, tạm giữ trong các nhà tù.
Thứ hai đặc biệt là giới luật sư, giới này đóng vai trò rất quan trọng để chống tra tấn, vì bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam cho phép các luật sư tham gia ngay từ khi thân chủ của họ nhận được giấy mời, chưa nói đến vấn đề bị triệu tập, hay khởi tố vụ án, cho nên các luật sư phải đấu tranh bằng được để khi thân chủ của họ bị bất kỳ một cơ quan công an ở bất cứ cấp nào triệu tập, hay thẩm vấn, hay tạm giam, thì có mặt ngay tại chỗ, vì chỉ có những luật sư mới có thể ngăn chặn được những vấn đề tra tấn, bức cung, dùng nhục hình ở Việt Nam mà thôi.”
Nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải nhận định với RFA Tiếng Việt về vấn nạn tra tấn tại Việt Nam mà trước đây ông từng trải nghiệm:
“Luật một đằng nhưng mà họ thực hiện một nẻo, tựu chung lại có năm hình thức. Hình thức thứ nhất là giam giữ, cách ly, cưỡng bức mất tích. Hình thức thứ hai là gây ra những đau đớn nghiêm trọng về thể xác trong quá trình điều tra. Cái thứ ba là biệt giam. Cái thứ tư là vấn đề từ chối cho thực hiện quyền được điều trị y tế; Và cái thứ năm nữa là chuyển các nhà tù như một hình thức trừng phạt.
“Tôi là người có thể nói là bị chuyển nhà tù nhiều nhất, tại vì riêng trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, tức là trại PA92, tôi đi ra, đi vào đó năm lần, trại giam Chí Hòa tôi đi ra, đi vào đó ba lần, còn trại giam bên Nguyễn Văn Cừ tức là trại giam B34 của Bộ Công an, tôi đi ra, đi vào hai lần, còn lại những trại giam khác nữa cùng là một, hai lần. Như thế thấy rằng có 11 nhà tù, nhưng hơn 20 lần chuyển trại trong quá trình gần 7 năm trong tù, mà tôi phải đi nhiều nơi như thế. Nhưng ở trong mỗi nhà tù đó, mỗi nơi có một hình thức khác nhau…”
Blogger, nhà báo tự do Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải nói thêm với Đài Á Châu Tự Do:
“Như chúng ta thấy, bản chất của nhà tù ở Việt Nam và cách thức họ ban hành những văn bản luật, dưới luật để đối phó với cộng đồng quốc tế và để thực thi trong các nhà tù, thí dụ như Thông tư 37 của Bộ Công an Việt Nam, và phần nhiều các vấn đề họ chỉ đạo miệng, hoặc không có thông tư, hoặc là có văn bản khác mà chúng ta chưa biết hết, nhưng ở đây rõ ràng rằng không phải là những hoạt động đơn lẻ, những vi phạm pháp luật đơn lẻ, mà là có chủ trương xuyên suốt từ trên xuống dưới, bằng những văn bản như thế, bằng những hình thức giam giữ như thế, mà những hình thức giam giữ đó không thể hiện ở trong luật.
Cho nên với vấn đề đó, cộng đồng quốc tế cần nhìn ra được rằng đây là bản chất, đó là họ (chính quyền Việt Nam) không muốn thay đổi về mặt nhân quyền, họ tham gia ký kết chỉ để tham gia ký kết thôi, chứ không phải để thực hiện. Như là luật về chống tra tấn ở Việt Nam, ngay ở Quốc hội, họ cũng không áp dụng hết, và những vấn đề đưa ra Quốc hội chỉ là đưa ra Quốc hội thôi, còn trong các nhà giam, các thông tư mới là những văn bản ‘cầm tay chỉ việc’ cho cán bộ thực hiện những thông tư, văn bản đó. Thế thì tất cả văn bản, thông tư ấy là một sự chỉ đạo xuyên suốt để tất cả các nhà tù, trại giam đều thực hiện. Như thế, đó không phải là những trường hợp đơn lẻ mà là chủ trương của chính quyền, và đó là bản chất của họ. Họ chỉ lừa dối cộng đồng quốc thế thôi, còn khi họ thực hiện, họ bất chấp quyền con người cơ bản.”
‘Nếu cộng đồng quốc tế không quan tâm, vấn nạn vẫn tiếp diễn’
Ông Nguyễn Văn Hải nêu một số vấn đề liên quan thực tế tại Việt Nam, vẫn từ góc độ cá nhân:
“Tôi nghĩ rằng bây giờ tất cả những trường hợp vi phạm đó ở một số trại giam không phải là vi phạm đơn lẻ, mà là vi phạm có chủ trương theo Thông tư 37 của Bộ Công an, vậy những người ban hành Thông tư đó có bị trừng phạt không? Và những ai tạo ra những hệ thống nhà tù như thế, thì họ có bị trừng phạt không? Ở đây hoàn toàn không nằm trong luật, không nằm trong sự kiểm soát của quốc tế. Và với những cách giam giữ như vậy, với những cách kiểm soát nhà tù như vậy, không ai khác ngoài công an kiểm soát nhà tù, không ai được can thiệp vô. Từ Viện Kiểm sát cho đến những Đại biểu Quốc hội, những nơi mà trong Luật Thi hành án Hình sự quy định rằng họ có quyền giám sát những nhà tù, thì họ đã thực hiện quyền giám sát như thế nào? Làm sao những người tù có thể tiếp cận được công lý, gặp gỡ được họ? Đó là vấn đề.
Bởi vì họ có những quy chế, họ ghi ra trong luật như thế, nhưng tù nhân không thể tiếp cận những quy chế đó, cho nên những người ban hành những luật đó, đưa ra những quy luật đó cũng phải bị trừng phạt, tại vì họ cũng là những người tạo ra những sự đàn áp như vậy rộng khắp trên cả nước. Còn những người thực thi bên dưới để xảy ra những trường hợp từ chối cho thực hiện quyền được chăm sóc y tế, hoặc đàn áp, đánh đập tù nhân, rồi tước đoạt những quyền lợi của tù nhân cũng phải bị trừng phạt. Tại vì những người thực thi trực tiếp chủ yếu là những giám thị trại giam, các quản giáo hay đặc biệt là những cán bộ an ninh ở trong đó, đó là những kẻ ‘ác ôn’ nhất. Những mạng người ở trong nhà tù Việt Nam rất mong manh, nếu cộng đồng quốc tế không quan tâm đến tình trạng gây ra những cái chết oan ức ở trong các nhà tù đó, thì vấn nạn sẽ vẫn tiếp diễn.”
Trong một báo cáo năm 2022/2023, phần liên quan Việt Nam, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), tại phần tóm lược tổng quan, nhận định “tra tấn và ngược đãi khác tiếp tục được báo cáo ở mức báo động.” (2)
Còn trong một báo cáo khác trong thời gian gần đây, Project 88, một tổ chức Phi chính phủ có trụ sở tại Illinois, Hoa Kỳ, nêu góc nhìn của mình, cho rằng đã có ‘những đối xử vô nhân đạo’ trong nhà tù ở Việt Nam: (3)
“Báo cáo mới của chúng tôi tập trung vào các vụ tra tấn và đối xử vô nhân đạo khác đối với các tù nhân bị chính quyền Việt Nam giam giữ theo các điều khoản an ninh quốc gia, tức là các tù nhân chính trị. Ngoài các trường hợp tra tấn được ghi lại, chúng tôi nêu bật các ví dụ về các trường hợp trong đó việc từ chối các biện pháp bảo vệ pháp lý tạo điều kiện cho việc sử dụng tra tấn.
Chúng tôi mô tả các trường hợp tù nhân chính trị phải chịu đựng gồm: Giam giữ biệt giam kéo dài trước khi xét xử, Từ chối đại diện pháp lý và xét xử không công bằng, Từ chối điều trị y tế đầy đủ, Điều kiện hành chính và thể chất khắc nghiệt trong nhà tù, Từ chối các chuyến thăm gia đình/chuyển giao hình phạt, Gây đau đớn về thể xác và tâm lý; và Sự giam cầm nơi vắng vẻ.”
Khi tập trung vào quyền tuyệt đối không bị tra tấn và ngược đãi, và với đòn bẩy có được từ việc Việt Nam phê chuẩn Công ước (Chống tra tấn) UNCAT gần đây, vẫn theo báo cáo này, Tổ chức Project 88 mong muốn làm nổi bật những điều kiện khắc nghiệt áp đặt đối với các tù nhân chính trị và thúc đẩy chính phủ Việt Nam, gồm:
“Thực hiện các hành động cụ thể đã được nêu rõ trong Nhận xét cuối cùng của Ủy ban chống tra tấn trong Báo cáo ban đầu của Việt Nam (Tháng 12 năm 2018), Thực hiện các khuyến nghị Kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) có liên quan mà Việt Nam chấp nhận vào năm 2019. Tuân thủ Bình luận chung số 20 của CCPR đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho các quốc gia thành viên để thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chấp nhận các chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác, cũng như các chuyến thăm của đại diện lãnh sự của các quốc gia thành viên để tiến hành điều tra về điều kiện trại giam ở nhiều địa phương.”
‘Tra tấn có hệ thống, phổ biến cấu thành tội ác chống lại loài người’
Trong thông điệp của mình về ngày 26/6, Liên Hợp Quốc nêu rõ quan điểm của định chế quốc tế này, mà theo đó:
“Tra tấn là hình thức tìm cách triệt tiêu nhân cách của nạn nhân và phủ nhận phẩm giá vốn có của con người. Bất chấp luật pháp quốc tế tuyệt đối cấm tra tấn, tra tấn vẫn tồn tại ở tất cả các khu vực trên thế giới. Mối quan tâm về bảo vệ an ninh quốc gia và biên giới ngày càng được sử dụng để cho phép tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác. Hậu quả phổ biến của nó thường vượt ra ngoài hành động đơn lẻ đối với một cá nhân; và có thể được truyền qua các thế hệ và dẫn đến các chu kỳ bạo lực.
Liên Hợp Quốc ngay từ đầu đã lên án tra tấn là một trong những hành vi xấu xa nhất mà con người gây ra đối với đồng loại của mình. Tra tấn là một tội ác theo luật pháp quốc tế. Theo tất cả các công cụ có liên quan, nó hoàn toàn bị cấm và không thể biện minh trong bất kỳ trường hợp nào. Sự cấm đoán này là một phần của luật tập quán quốc tế, có nghĩa là nó ràng buộc mọi thành viên của cộng đồng quốc tế, bất kể Quốc gia đó có phê chuẩn các điều ước quốc tế trong đó nghiêm cấm tra tấn hay không. Việc tra tấn có hệ thống hoặc phổ biến cấu thành tội ác chống lại loài người.”
Vẫn theo LHQ, vào ngày 12/12/1997, theo nghị quyết 52/149, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngày 26 tháng 6 là Ngày Quốc tế của Liên hợp quốc hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn nhằm xóa bỏ hoàn toàn tra tấn và thực hiện hiệu quả Công ước Liên Hợp Quốc chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác.
“Ngày 26 tháng 6 là cơ hội để kêu gọi tất cả các bên liên quan bao gồm các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc, xã hội dân sự và các cá nhân ở khắp mọi nơi đoàn kết ủng hộ hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới đã từng là nạn nhân của tra tấn và những người vẫn đang bị tra tấn cho đến ngày nay.”
_______________
Tham khảo:
(1) https://www.un.org/en/observances/torture-victims-day
(2) https://www.amnesty.org/en/location/asia-and-the-pacific/south-east-asia-and-the-pacific/viet-nam/
(3) https://the88project.org/torture-report/