Vì sao các lãnh tụ Hồi giáo Pakistan bất chấp lệnh phong tỏa trong mùa Ramadan?

0
278
Ảnh của Bangash/Associated Press chụp một khu chợ ở thủ đô Islamabad hôm thứ ba.

Christine Nguyen

Trong khi giáo sĩ và chính quyền các nước Hồi giáo trên thế giới chào mừng mùa Ramadan bắt đầu từ tuần này trong hoàn cảnh bị phong tỏa, cùng nhau đóng cửa giáo đường Hồi giáo và kêu gọi tín đồ cầu nguyện tại nhà, thì ở Pakistan, một số lãnh tụ Hồi giáo nổi tiếng nhất đã cùng tín đồ tụ tập, lờ đi các biện pháp chống lại đại dịch.

Ramadan, bắt đầu từ tuần này, là tháng thánh trong đó người Hồi giáo tụ tập trong giáo đường và nhịn ăn cả ngày, dùng bữa sau khi mặt trời lặn với gia đình và bạn bè. Đó là những điều kiện rất tốt để Wuhanvirus lây lan, và các lãnh tụ Hồi giáo khắp thế giới đang đề nghị mọi người ở trong nhà.

Nhưng ở Pakistan, thì đại dịch hay không đại dịch, các giáo sĩ kiên định mới là những người chỉ huy, gạt sang bên việc phong tỏa cả nước vì virus bắt đầu từ cuối tháng trước của chính quyền .

Hầu hết giáo sĩ đều tuân theo lệnh phong tỏa khi được công bố. Nhưng một số giáo sĩ có ảnh hưởng lớn nhất ngay lập tức đã kêu gọi tín đồ tụ tập với số lượng lớn hơn để tham dự lễ cầu nguyện vào ngày thứ sáu. Tín đồ đã tấn công lại các cảnh sát cố gắng cản đường họ.

Khi mùa Ramadan đến gần hơn, hàng chục giáo sĩ có tiếng tăm và lãnh đạo các đảng phái tôn giáo – gồm cả những người ban đầu tuân thủ lệnh phong tỏa – đã ký vào một lá thư đề nghị chính phủ miễn trừ giáo đường khỏi lệnh đóng cửa trong suốt tháng thánh, nếu không sẽ bị thánh thần và tín đồ nổi giận.

Hôm thứ bảy, chính quyền đã nhượng bộ, ký một thỏa thuận cho phép giáo đường mở cửa trong mùa Ramadan miễn là tuân theo 20 quy định, gồm có bắt buộc các buổi lễ phải duy trì 6 fts xã giao cự ly, đem theo đệm cầu nguyện cá nhân và thực hiện phép tẩy rửa tại nhà.

Vào thời điểm thủ tướng Imran Khan có cuộc gặp với các giáo sĩ hôm thứ hai, kính cẩn hứa hẹn tuân thủ thỏa thuận, thì các nhà phê bình đã yêu cầu được biết ai sẽ chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng của quốc gia này: chính phủ hay các giáo đường Hồi giáo?

“Nhà nước đã trở nên hoàn toàn khúm núm trước các giáo sĩ này,” Husnul Amin là giáo sư và học giả về Hồi giáo và chính trị hiện làm việc tại Islamabad nói. “Nhà nước khó thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho công ích. Lợi ích công cộng lớn hơn luôn chống lại các giáo sĩ. Thật là phi dân chủ hoàn toàn.”

Lãnh tụ Hồi giáo Pakistan đã được quân đội trao quyền lực trong thập kỷ 1980s, khi nhà thờ Hồi giáo trên khắp cả nước tung ra các chiến binh Hồi giáo để đánh nhau với quân đội Soviet ở Afghanistan và được Mỹ hỗ trợ.

Trong khi các quốc gia khác cố gắng hạn chế sự ảnh hưởng của các giáo sĩ trung kiên sau cuộc chiến Afghan, nhận ra các mối hiểm họa mà họ gây ra, thì ở Pakistan, quân đội đầy quyền lực vẫn tiếp tục sử dụng các đối tượng này làm công cụ cho các chính sách quốc nội lẫn đối ngoại.

Nhưng sự bấp chấp lệnh phong tỏa đang phơi ra những hạn chế của sự kiểm soát của quân đội.

Quân đội muốn phong tỏa, gây áp lực buộc Khan phải ủng hộ biện pháp này vào thời điểm Khan miễn cưỡng và quan ngại về thiệt hại kinh tế. Nhưng khi lực lượng quân đội cố gắng ngăn chặn tín đồ tụ tập cầu nguyện ở giáo đường Hồi giáo thì họ cũng bị tấn công.

Ở Karachi là thành phố lớn nhất, xuất hiện cảnh tín đồ rượt đuổi cảnh sát qua các ngõ hẻm chật hẹp, ném đá túi bụi vào họ và nhiều cảnh sát đã phải nhập viện.

“Quân đội đã tạo ra một con quái vật mà họ không còn điều khiển được nữa,”Amin nói. “Chúng là tạo vật của quân đội, và chỉ có quân đội mới có thể xử lý chúng. Giờ thì điều này có thể không còn nữa.”

Vào thời điểm Ramadan đến gần, cảnh sát cho biết họ không còn sẵn sàng giăng dây chắn quanh các giáo đường Hồi giáo để ngăn chặn các cuộc tụ tập cầu nguyện.

Trong khi các giáo sĩ thừa nhận giáo đường Hồi giáo là vật chủ trung gian hoàn hảo nhất cho sự lây lan của Wuhanvirus –tín đồ tụ tập để cùng thanh tẩy trước khi nhồi nhét vào trong giáo đường Hồi giáo, vai kề vai khẩn khoản cầu nguyện – thì họ cũng nói rằng phải bảo vệ điểm mấu chốt của bản thân: tiền bạc và ảnh hưởng.

“Chúng tôi biết đại dịch Wuhanvirus là vấn đề sức khỏe toàn cầu, nhưng nghĩa vụ tôn giáo không thể bị từ bỏ,” Maulana Ataullah Hazravi, một giáo sĩ ở Karachi nói.

Và, giáo sĩ này nói thêm rằng: “Giáo đường Hồi giáo phụ thuộc phần lớn vào các khoản quyên góp thu được trong mùa Ramadan.”

Điểm này – tiền – đã ở hàng trên cao trong danh sách những lời kêu ca mà các giáo sĩ đã nêu ra trong lá thư vào tuần trước.

Tín đồ sẽ mở rộng ví tiền trong mùa Ramadan để quyên tặng hàng triệu đô la. Và ở một nơi như Pakistan các giáo đường Hồi giáo không đặt dưới thẩm quyền của nhà nước, thì tiền có thể tạo ra hoặc phá hủy một lãnh tụ Hồi giáo cũng như các ảnh hưởng mà họ cố gắng xây dựng nên, thường để đặt cược vào quyền lực chính trị nhằm thách thức chính quyền.

Ví dụ như các giáo sĩ Pakistan thường sử dụng thẩm quyền tôn giáo xui các con nhang đệ tử đến bao vây thủ đô để buộc nhà nước phải thay đổi các chính sách mà họ không đồng ý.

Điều này khác với các nước như Ai Cập hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là nơi chính quyền đưa ra các hướng dẫn cho giáo sĩ hoặc thậm chí là những nhận xét cụ thể về bài giảng ngày thứ sáu của họ.

Amin nói: “Các giáo sĩ không muốn mất quyền kiểm soát xã hội và chính trị trong cộng đồng. Họ sợ rằng nếu tín đồ Hồi giáo không đến giáo đường thì họ sẽ mất đi quyền lực và tầm ảnh hưởng.”

Những nhà quan sát nói rằng các giáo sĩ có thể e ngại rằng nếu chính quyền buộc các giáo đường Hồi giáo phải đóng cửa trong mùa Ramadan –sử dụng dịch bệnh, theo quan điểm của họ, như một vỏ bọc – thì cuối cùng có thể đưa họ vào sự kiểm soát của nhà nước.

Một bài xã luận trên tờ báo nổi tiếng Dawn yêu cầu tổ chức giáo sĩ phải ngồi vào ghế sau và để cho chính quyền quản lý cuộc khủng hoảng.

“Đây không nên bị xem như một cuộc đối đầu tôn giáo,” bài xã luận viết vào tuần trước. “Thay vào đó, đây là nỗ lực cứu mạng công chúng.”

Nhưng trong các cuộc họp riêng với chính quyền, các giáo sĩ đã cảnh báo rằng nhà nước có thể sẽ chọc vào “sự phẫn nộ của thánh thần” nếu hạn chế cầu nguyện trong mùa Ramadan, Hazravi nói – mật mã cho sự hỗn loạn chính trị mà các lãnh tụ Hồi giáo đã từng gây ra trước đây.

Trong khi nhà nước phải nhượng bộ trong thời gian này, thì các nhân viên y tế lại không. Một nhóm các bác sĩ nổi tiếng đã ký vào một thư ngỏ hôm thứ ba, kêu gọi các giáo đường Hồi giáo phải hạn chế số người tham dự mỗi lần là 5 người. Hôm thứ tư, họ đã tăng gấp đôi cảnh báo tại một buổi họp báo.

Đến tối thứ tư, theo chính phủ, virus đã lây nhiễm cho ít nhất 10.101 người ở Pakistan và làm thiệt mạng khoảng 210 người. Các chuyên gia nói rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều và rằng chính quyền không có đủ xét nghiệm.

Hệ thống y tế xương sống của đất nước, vốn đã căng ra trong lúc bình thường để chiến đấu chống lại những bệnh tật có thể phòng ngừa được như sốt bại liệt và sốt xuất huyết, thì nay hoàn toàn quá tải. Bác sĩ và y tá dọa sẽ bỏ việc nếu không được cung cấp đồ bảo hộ cơ bản như khẩu trang và găng tay. Nhiều nhân viên y tế đã bị lây nhiễm virus và đã thiệt mạng.

“Với mùa Ramadan đang đến,” lá thư ngỏ của các bác sĩ viết, “chúng tôi e rằng cho phép những lễ cầu nguyện lớn trong giáo đường Hồi giáo sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm.”
Nhưng nhiều tín đồ bảo rằng họ không thèm quan tâm đến khoa học.

“Người Hồi giáo đợi đến tháng này trong suốt năm để có thể lĩnh được tối đa phần thưởng của Thượng Đế bằng cách nhịn ăn và cầu nguyện,” Hazrat Ali, tín đồ ở Karachi nói, đây là nơi có nhiều giáo đường Hồi giáo xem thường lệnh phong tỏa ngay từ đầu.

Tín đồ này nói: “Nếu chính quyền ngăn chặn chúng tôi đến giáo đường Hồi giáo bằng vũ lực, chúng tôi sẽ kháng cự.”

——————————

Nguồn: Bài của Maria Abi-Habib và Zia ur-Rehman trên The New York Times, người dịch đặt tựa.
Ảnh của Bangash/Associated Press chụp một khu chợ ở thủ đô Islamabad hôm thứ ba.

530480cookie-checkVì sao các lãnh tụ Hồi giáo Pakistan bất chấp lệnh phong tỏa trong mùa Ramadan?