VĂN VIỆT – LÊN ĐÀ LẠT GẶP BẠN

0
200
Buổi tối ấm áp với các anh Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu Từ trái qua: Một chị bạn dân Đà Lạt, anh Hà Sĩ Phu, anh Vu Ngoc Tien, Nguyen Hong Anh, Kim Cúc Ngô Thị, Dũng Hoàng, Y Nhi Tử Diệp, chị Hiền Thục (hiền nội của anh Bùi Minh Quốc, anh Bui Minh Quoc, anh Nguyễn Thanh Văn

Kim Cúc Ngô Thị cùng với Thận Nhiên 

Đã lâu, các anh ở Đà Lạt không có dịp xuống Sài Gòn cà-phê-bè-bạn, dân Sài Gòn bèn rủ nhau tổ chức chuyến xe lên thăm, để biết sau đại dịch sức khỏe các anh thế nào. Thật tiếc khi hai anh Mai Thái Lĩnh và Tiêu Dao Bảo Cự đi vắng, chỉ có hai anh Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu đón các bạn Sài Gòn.

Ở xa thì nhớ, nghĩ ngợi, gặp nhau, thấy nhau rồi lại chẳng có bao chuyện để nói. Những người đã hiểu nhau/tin nhau thì chỉ cần vài câu thăm hỏi là đã hiểu hết mọi thứ còn lại. Uống với nhau vài chén rượu, vui mừng thấy nhau vẫn mạnh khỏe, để yên tâm về nhau, vậy là quá đủ.

Đà Lạt không lạnh, nóng gần bằng Sài Gòn, áo khoác mang theo chỉ có giá trị phòng xa. Bữa cơm tối vô cùng ấm áp vui vẻ (có cả rượu mà Hoàng Dũng mang theo), những trò chuyện ngắn mà hàm chứa bao điều, và vào cuối buổi, anh Bùi Minh Quốc đã đứng-lên, đọc một bài-thơ-dịu-êm mà anh viết cho người phụ nữ đã bên anh qua nhiều thập niên, chia sẻ cùng anh biết bao gian khó.

Thật vui mừng thấy các anh trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn biết và tin mình không cô đơn, niềm tin ấy đủ sức nuôi người ta đứng vững qua bao năm tháng.

Đà Lạt có vẻ đang đông du khách trở lại. Và thật may mắn khi chúng tôi có được chỗ trọ – một homestay rất Đà-Lạt-cũ, nhìn xuống một thung lũng đầy thông (cả thông già lẫn thông non mới trồng), trong vườn vẫn còn những gốc đào-Đà-Lạt-cố-cựu, thứ hoa chơi Tết mà trước 1975, những gia đình cầu kỳ mới thửa về từ thành phố hoa đào, thay vì chơi mai như số đông. Dưới sân vườn vẫn còn những mảng forget-me-not tím mỏng bé nhỏ thầm lặng và trên cao là những cành mimosa lá bạc đầy nụ đang chờ bung thứ hoa vàng đặc hữu…

Buổi sáng, gần như tất nhiên phải check in Cà phê Tùng, một địa chỉ mà ai tới Đà Lạt cũng có “nhiệm vụ” ghé lại, dù có thể không khí/không gian Tùng đã nhiều thay đổi so với Tùng-trước-1975, nhưng đó vẫn là một mảnh nhỏ không thể thiếu trong thành phố với nhiều giá trị văn hóa rất riêng này.

Trong chợ Đà Lạt, ở gánh hàng của một cô gái quê, chúng tôi mua hoa immortelle, thứ hoa bất tử không chịu tàn, cũng là một nét-riêng đáng yêu của Đà Lạt thương nhớ. Với riêng tôi, immortelle gắn cùng những kỷ niệm thời thơ ấu: mùi nước hoa dịu dàng có cùng tên Immortelle mà hai chị tôi vẫn dùng vào ban ngày, bên cạnh mùi Coryse Salome thơm đậm dùng vào ban đêm.

Chia tay Đà Lạt, vẫn vướng vất nỗi buồn phải nhìn thấy thành phố ngày càng mất thêm những gì là tiêu biểu nhứt của Đà Lạt: thông, để xứng tên thành phố ngàn thông/thành phố mờ sương; và hơi lạnh dịu mát suốt bốn mùa nhờ rừng thông níu giữ độ ẩm, giữ sương mù. Đà Lạt dưới nắng đang nóng rực một cách kỳ quặc khi thông ở khắp nơi bị thi nhau đốn hạ không thương tiếc, chỉ để bê tông hóa một cách xấu xí thành phố từng nức tiếng thơm về vẻ đẹp và tính cách lịch sự của người dân một đô thị du lịch văn minh/văn hóa…

Xe chúng tôi lại hướng về Bảo Lộc, nơi chốn của một người thơ duy nhứt chẳng giúng ai, nơi Nguyễn Đức Sơn-Sơn Núi/Sao Trên Rừng đã tới, đã sống, đã ra đi và đã vĩnh viễn ở lại…

Chị Hiền Thục (hiền nội của anh Bùi Minh Quốc) vẫn nhớ cô phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam Kim Cúc Ngô Thị năm 1976 từng lên Đà Lạt viết bài và gặp chị, khi đó đang là phóng viên đài Phát thanh Lâm Đồng
Nhiều giờ đồng hồ trôi qua thật nhanh khi mọi người dường như chưa kịp nói gì với nhau Từ trái qua: chị Ý Nhi Tử Diệp, chị Hiền Thục, anh Dũng Hoàng, anh Bùi Minh Quốc, anh Nguyễn Thanh Văn
Hai anh Hà Sĩ Phu, Vu Ngoc Tien
Anh Bùi Minh Quốc đang đọc thơ Chị Ý Nhi Tử Diệp, chị Hiền Thục, anh Bùi Minh Quốc
Trong Cà phê Tùng, từ trái qua: Kim Cúc Ngô Thị, Nguyen Hong Anh, Ý Nhi Tử Diệp, Dũng Hoàng
Homestay gữa thung lũng Từ trái qua: Ý Nhi Tử Diệp, Kim Cúc Ngô Thị, Vu Ngoc Tien, Dũng Hoàng
Đốt lửa trong sân homestay Từ trái qua: Ý Nhi Tử Diệp, Nguyen Hong Anh, bạn tài xế, Dũng Hoàng, Vu Ngoc Tien, Nguyễn Thanh Văn

Nguồn : http://vanviet.info/van/van-viet-ln-d-lat-gap-ban/

627510cookie-checkVĂN VIỆT – LÊN ĐÀ LẠT GẶP BẠN