Vài ý kiến về tình hình bãi Tư Chính tháng bẩy năm 2019.

0
513
Cần phân biệt bãi Tư Chính (Vanguard Bank) và bãi Vũng Mây (Rifleman Bank)
Nhân Tuấn Trương

Bài này tôi viết hôm cuối tháng 7, tóm lược tình hình vụ Tư chính. Ngoài gởi cho một số bạn bè thân cận, tôi không công bố vì lo ngại rằng giải pháp đề nghị nếu lộ ra, TQ có thể tìm cách hóa giải. Thì hôm qua, thứ năm 8-8, Bàn tròn thứ năm của BBC, điều mà tôi muốn dấu diếm đã bị “bật mí”. TS Vũ Quang Việt có cùng ý nghĩ với tôi. Đó là vụ Tư chính VN nên khiếu nại ở Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ để cơ quan quốc tế này công nhận hồ sơ của VN (nộp chung với Mã Lai ngày 6 tháng 5 năm 2009).

TQ quấy nhiễu VN nói là ở vùng EEZ, mà thực chất là thăm dò địa chấn “thềm lục địa”. Vì vậy việc này không liên quan đến các quyền chủ quyền của VN trong cột nước, như đánh cá (mà Hiệp hội đánh cá VN có khiếu nại), mà thuộc về “thềm lục địa”. Ta có thể kiện TQ bằng nhiều cách, kể cả cách khiếu kiện TQ cản trở ngư dân. Nhưng cũng có thể kiện ra Tòa CPA nếu VN có đủ bằng chứng cho thấy mục đích việc thăm dò địa chấn của tàu bè TQ nhằm phục vụ kinh tế chớ không có mục đích nghiên cứu khoa học.

Nhưng VN có thể đạt được kết quả tương tự, bằng một cách khác, không thông qua quá trình kiện tụng (vừa tốn kém vừa kéo dài thời gian).

Đó là VN hợp tác cùng Mã lai khiếu nại lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) về hồ sơ “Ranh giới thềm lục địa mở rộng” (200+150 hải lý).

Hồ sơ chung của VN và Mã lai đã bị TQ phản bác với lý do trình bày trong công hàm ngày 7 tháng 5 năm 2009. Các yêu sách của TQ đã bị phán quyết tòa PCA ngày 11 tháng 7 năm 2016 bác bỏ (gồm vùng nước lịch sử theo bản đồ 9 đoạn, chủ quyền các đảo TS cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán vùng nước chung quanh TS… ). Ủy ban ranh giới thềm lục địa không có lý do nào để từ chối không nhìn nhận hồ sơ chung của VN và Mã lai là “hợp cách”, đáp ứng đúng như qui định của Luật Biển 1982.

Khi đã được CLCS nhìn nhận, mọi hành vi quấy nhiễu của TQ trên thềm lục địa của VN có thể được xem như hành vi gây hấn (của quốc gia này đối với một quốc gia khác). Ngay cả khi TQ rút khỏi UNCLOS, như ý kiến của học giả Julian Ku phát biểu trên diễn đàn Opinio Juris từ nhiều năm trước, thì quyết định của CLCS đối với hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của VN và Mã lai vẫn đem lại cho VN tất cả những quyền chính đáng, kể cả quyền tự vệ đa phương.

Vài ý kiến về tình hình bãi Tư Chính tháng bẩy năm 2019.

Tóm tắt: Qua các việc cho tàu thăm dò địa chất HD 8, cùng lực lượng tàu hải giám đi kèm, vừa thăm dò địa chấn thềm lục địa bãi Tư Chính, vừa quấy nhiễu lô 6.1 từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay, ý đồ của TQ có thể là : 

1/ Thăm dò thái độ thái độ của Mỹ và các nước ASEAN, trước thềm cuộc họp thượng đỉnh ASEAN 2019 cuối tháng bẩy, đồng thời tìm hiểu nội hàm quan niệm “Indo-Pacific” của Mỹ là gì. 

2/ Thăm dò phản ứng của lãnh đạo đảng và nhà nước “cấp dưới” nhân TBT kiêm CTN Nguyễn Phú Trọng nghỉ bệnh từ tháng 5 đến nay.  

3/ Thăm do địa chấn để xác địch vị trí và trữ lượng chính xác của các túi dầu trong vùng trầm tích Tư chính-Vũng mây

4/ Khẳng định sự hữu dụng của 7 đảo nhân tạo của TQ xây dựng ở biển Đông 

5/ Thái độ hợp lý của VN là gì ? 

TQ quấy nhiễu ở bãi Tư Chính dựa trên lý do gì ?

TQ cho tàu địa chất hoạt động thăm dò địa chấn bãi trầm tích Tư Chính-Vũng mây, thuộc hải phận Kinh tế độc quyền (Exclusive Economic Zone – EEZ 200 hải lý tính từ đường cơ bản) của VN liên tục đến nay đã sang tuần lễ thứ tư. Bãi này TQ đặt tên là Vạn An Bắc, bao gồm các lô 133, 134, 135, 136, 157, 158, 159 trên “bản đồ dầu khí” của VN. Đồng thời với việc thăm dò địa chấn, TQ cho tàu hải cảnh quấy rối sinh hoạt khai thác tại lô 6.1 thuộc bãi trầm tích Nam Côn sơn. Nguyên nhân vụ “quấy rối” được tờ báo SCMP (South China Morning Post) cho biết là VN tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác cho tập đoàn Rosneft ở lô 6.1.

Nếu vấn đề “Vạn An Bắc” TQ đã gây sự với VN từ năm 1992, thì vụ quấy rối lô 6.1 chỉ mới đây. Lô này hiện do công ty dầu khí lớn nhứt nước Nga là Rosneft khai thác (và phát triển) cùng với Ấn độ từ năm 2013 với 2 mỏ Lan Tây, Lan đỏ (và lô 5.3). Trước đó lô 6.1 do BP khai thác, từ 2003 đến 2010 (BP rút lui do sức ép kinh tế của TQ). 

Về địa lý, bãi Tư Chính là một “bãi chìm” dưới mặt nước khoảng 15m, cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý về phía đông nam. Bãi hình trăng khuyết, bề rộng 3km, bề dai 11km, tọa lạc trên “bờ triền thềm lục địa tự nhiên” của VN, có độ sâu trung bình 700 mét, bên phía tây biển có độ sâu 130 mét, phía đông độ sâu 1.900 mét.

Bãi Vũng Mây là một bãi cạn, bao gồm nhiều cụm san hô (mang nhiều tên khác nhau) chìm dưới nước khoảng 3m, cách bãi Tư chính 94 hải lý về hướng đông, cách đảo Trường Sa 40 hải lý về phía nam. Bãi hình bầu dục (ellipse), tọa lạc trong vùng biển có độ sâu 1900 mét. Trên bãi Vũng Mây có những nhà giàn (ký hiệu DK1/x) do VN xây dựng.

“Bồn trũng trầm tích Tư Chính – Vũng Mây” là vùng thềm lục địa dưới vùng nước sâu (từ 1.000m đến 2.000m), ở khoảng giữa hai bãi Tư Chính và Vũng Mây. Về cấu trúc địa lý, bồn trũng thuộc thêm lục địa nối dài từ bờ VN. 

Lô 6.1 nằm ngoài khu vực mà TQ gọi là “Vạn An Bắc”, thuộc bãi trầm tích Nam Côn sơn. Theo tin tức từ BBC (24 tháng 8 năm 2017) thì lô 6.1 cũng có mặt của Ấn Độ với tỉ lệ đầu tư là 45%. Lô 6.1 hoàn toàn nằm trong thềm lục địa tự nhiên (và pháp lý) của VN. 

Ngay cả khi đặt giả thuyết đảo Côn sơn không đủ tiêu chuẩn “đảo” theo điều 121 UNCLOS và Hòn hải (thuộc cụm đảo Phú quí) không có tiêu chuẩn để lấy làm “điểm cơ bản”, thì lô 6.1 vẫn nằm trong vòng 200 hải lý, tính từ bờ biển VN (Trà Vinh hay Phan thiết). Ghi lại các chi tiết này để thấy mọi yêu sách của TQ chống lại VN tại lô 6.1 là hết sức ngang ngược, phi lý.

Theo công hàm phản đối của TQ gởi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ ngày 7 tháng 5 năm 2009, TQ khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa và “vùng nước chung quanh” đồng thời các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước và thềm lục địa theo bản đồ đính kèm (bản đồ 9 gạch hình chữ U).

Hành vi của TQ quấy nhiễu bãi Tư Chính của VN từ đầu tháng 7 đến nay vì vậy dựa lên sự “chồng lấn” giữa hải phận kinh tế độc quyền (EEZ) và thềm lục địa 200 hải lý của VN, hoặc với 1/ đường chữ U chín đoạn (biển hay vùng nước lịch sử), hoặc 2/ vùng nước chung quanh của các đảo TS, hoặc với cả 1 và 2. 

Yêu sách của TQ không phù hợp với luật quốc tế về Biển UNCLOS 1982 

Thứ nhứt, tranh chấp đến từ sự áp đặt về “chủ quyền lịch sử” của TQ, thể hiện qua bản đồ chữ U 9 đoạn (đệ trình LHQ 7-5-2009). Khu vực Tư Chính nằm trong vùng “chồng lấn” giữa “vùng nước lịch sử” (bản đồ chữ U) của TQ và vùng biển EEZ của VN tính từ bờ. 

Đây là một tranh chấp có bản chất “song phương” giữa VN và TQ. Nhưng vấn đề được “quốc tế hóa” qua phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Cour of Arbitration – PCA) 11 tháng bẩy năm 2016 Phi đơn phương kiện TQ. Tòa cho rằng “biển lịch sử” hay “chủ quyền lịch sử” thể hiện trong bản đồ chữ U là các khái niệm không phù hợp với Luật Biển 1982. 

Thứ hai, TQ cho rằng họ có chủ quyền các đảo Trường Sa mà các đảo này có hiệu lực “đảo”. Khu vực Tư Chính nằm trong vùng “chồng lấn EEZ” các đảo TS và bờ biển VN. Việc này vốn “song phương”, cũng đã được giải quyết bằng “quốc tế hóa”, trong phán quyết của Tòa PCA ngày 11 tháng 7 năm 2016 trong vụ Phi kiện TQ dẫn trên. Theo đó Tòa phán rằng không có đảo nào ở TS có hiệu lực “đảo” đẻ có 200 hải lý hải phận kinh tế độc quyền và thềm lục địa.

Thứ ba, do việc TQ không nhìn nhận hệ thống điểm (và đường) cơ bản. Nếu vậy thì bãi Tư Chính vẫn nằm trong thềm lục địa pháp lý của VN (thềm lục địa mở rộng 200+150 hải lý theo qui định của điều 76 UNCLOS). VN nộp chung với Mã lai hồ sơ “Ranh giới thềm lục địa” ngày 6 tháng 5 năm 2009. Trong khi lô 6.1 hoàn toàn nằm trong thềm lục địa địa lý và pháp lý (200 hải lý) của VN.

Như vậy bản chất tranh chấp ở bãi Tư Chính là TQ “ngồi xổm” lên luật lệ, bất chấp luật biển UNCLOS 1982. 

Nội dung phán quyết 11-7-2016 của Tòa PCA có mục đích giải thích việc áp dụng Luật Biển 1982 tại Biển Đông. Bản thân của phán quyết vì vậy cũng là “Luật”. TQ không nhìn nhận hiệu lực phán quyết nhưng TQ đã ký nhận Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). TQ không thể phủ nhận những diễn giải của Tòa (thành lập từ nội dung UNCLOS) về cách thức “áp dụng và thi hành” bộ Luật này.

Tòa phán rằng các bãi chìm ở Trường Sa, như bãi Tư Chính, thuộc về thềm lục địa của quốc gia ven bờ (tức của VN). Chúng không phải là đối tượng lãnh thổ để chiếm hữu hoặc tuyên bố chủ quyền. 

TQ cũng bất chấp thực tế pháp lý và lịch sử là quần đảo Trường Sa chưa bao giờ thuộc về TQ. 

Như vậy tranh chấp giữa VN và TQ ở khu vực trầm tích Tư Chính là tranh chấp vừa “song phương” vừa có tính “quốc tế”. “Song phương” vì VN là nạn nhân của thái độ bành trướng ngang ngược, bá quyền ngồi xổm trên luật của TQ. 

“Quốc tế” là vì mọi vấn đề liên quan đến việc “tuân thủ luật lệ” thuộc thẩm quyền của tất cả các quốc gia thuộc LHQ. 

Việc này VN có thể yêu sách Đại hội đồng LHQ chuẩn nhận Hồ sơ “ranh giới thềm lục địa” của VN nộp chung với Mã lai ngày 6 tháng 5 năm 2009. 

Nhưng ở lô 6.1 thì tuyệt đối không có tranh chấp chi cả. 

Giải quyết vấn đề Tư Chính tóm lại là giải quyết vấn đề TQ không tuân thủ luật chơi quốc tế. 

Vấn đề tự do hàng hải.

Về tự do thông lưu, trên không và trên biển, các đại cường như Mỹ, Pháp, Nhật… cho rằng hải đạo xuyên qua Biển Đông là một hải đạo quốc tế, các quốc gia cận biển phải tôn trọng quyền tự do thông lưu của các quốc gia khác. 

TQ chủ trương “tự do thông lưu”, tàu bè được tự do qua lại trong lãnh hải cũng như hải phận kinh tế độc quyền EEZ của TQ, nhưng điều này không áp dụng cho tàu chiến. Các quốc gia như Mỹ không chia sẻ lập trường này của TQ, như tại eo biển Đài loan, hay những vùng TQ mở rộng theo bản đồ chữ U ở Biển Đông. 

Trên nguyên tắc, quyền tự do thông lưu thuộc về mọi quốc gia và quyền này được “luật quốc tế” bảo đảm. Mọi hành vi cản trở quyền tự do này đều xâm phạm đến lợi ích của tất cả các quốc gia khác. 

Quyền tự do thông lưu trên Biển Đông thực tế chưa bao giờ bị cản trở. Lo ngại chỉ bắt đầu dấy lên từ khi TQ hoàn tất việc xây dựng 7 đảo nhân tạo đồng thời “quân sự hóa” chúng (đầu năm 2018). Tuyên bố “vùng nước lịch sử” của TQ ở Biển Đông qua bản đồ chữ U 9 đoạn có thể đưa vào thực tế. Các quốc gia “nhỏ” chung quanh Biển Đông có nguy cơ bị TQ sử dụng áp lực kinh tế và quân sự buộc phải nhìn nhận thực tế này. 

Để chống lại tham vọng của TQ, năm 2013 nội các Obama thành lập Chương trình FONOP (Freedom Of Navigation Operation Program) ở Biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Các chiến hạm Mỹ đã thực hiện chương trình FONOP, có lần đi qua lãnh hải 12 hải lý các đảo thuộc Hoàng Sa như đảo Phú Lâm và đảo Tri Tôn (USS Wilbur Curtis tháng giêng 2016, USS Stenthem tháng bẩy 2017) nhằm thách thức yêu sách “lãnh hải” và “vùng nước quần đảo” của TQ tại Hoàng Sa. Các chiến hạm của Mỹ cũng thực hiện FONOP qua các chuyến đi vào khu vực 12 hải lý những đảo nhân tạo thuộc Trường Sa như đá Chữ Thập (USS W.P. Lawrence tháng năm 2016) , đá Gaven (USS Decatur tháng chín 2018)… nhằm thách thức yêu sách phi lý của TQ về hải phận của một cấu trúc nhân tạo trên biển. Về hàng không thì phi cơ dọ thám Poseidon đã bay ngang qua đá Chữ thập để thách thức không phận đảo nhân tạo này (tháng năm 2015)…

Các quốc gia lo ngại rằng, với các bộ luật quốc gia của TQ hạn chế đáng kể các hoạt động của tàu bè trong một vùng “biển quốc tế”. TQ có thể đơn phương ra tuyên bố vùng nước, vùng trời (như tuyên bố vùng Nhận dạng phòng không ADIZ) khu vực Biển Đông. Mọi phương tiện bay qua không phận Biển Đông, hoặc tàu bè qua lại trên Biển Đông đều phải thông báo hoặc xin phép TQ. 

Vì vậy ta có thể hy vọng rằng chương trình FONOP của hải quân Mỹ vẫn được tiếp tục (mà không lo ngại rằng nội các TT Trump sẽ bãi bỏ vì lý do “kinh tế” hay trao đổi lợi ích với TQ). Hiển nhiên chương trình FONOP của Mỹ trong chừng mực là “quốc tế hóa”, “đa phương hóa” Biển Đông mà VN là một bên có lợi.

TQ có ý đồ gì qua các hành động quấy nhiễu ở bãi Tư Chính ?

Thứ nhứt, TQ muốn thăm dò thái độ của lãnh đạo VN. TBT kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “nghỉ bệnh” từ đầu tháng 5, tạo ra một “khoảng trống quyền lực” trong hệ thống quyền lực đảng và nhà nước VN.

Bộ Ngoại giao VN, tuy có chậm trễ một chút, nhưng cũng đã làm tất cả những gì có thể làm được, như phát ngôn nhân liên tục lên tiếng phản đối, gởi công hàm đồng thời yêu cầu các quốc gia quan tâm đến hành vi ngang ngược, gây hấn của TQ.

Qua các phản ứng này TQ có thể “giản lược” để thấy đâu là người “dễ chơi”, đâu là người “khó chơi” trong đội ngũ lãnh đạo VN. 

Thứ hai, ý đồ của Tập Cận Bình khẳng định sự hữu dụng của việc xây dựng 7 đảo nhân tạo. Những chiếc tàu hải cảnh quấy rối VN đều có ghé qua các đảo Chữ Thập và Subi để lấy nhiên liệu.

Tờ SCMP hôm đầu tháng 7 có bài viết nội dung trích dẫn ý kiến của khoa học gia TQ, cho rằng TQ đã không nghiên cứu kỹ về địa chất và thời tiết khi xây dựng các đảo nhân tạo. Kiến trúc bằng bê tông ở các đảo này bị hư hỏng sau 3 năm (do tia tử ngoại) và khí tài bằng kim khí bị rỉ sét (vì nước biển) sau 1 năm. Riêng năm 2014 TQ đã phải chi phí 300 tỉ đô la, tương đương 3% GDP cho việc bảo trì gây ra từ việc rỉ sét (tàu bè, súng đạn, máy móc…).

Nếu các con số này là “sự thật” thì chi phí bảo trì cho các đảo nhân tạo cực kỳ lớn. Các đảo thay vì là các “tiền đồn trên biển” của TQ nhằm mục đích khẳng định chủ quyền thì trở thành những “cục nợ” mà Tập Cận Bình là thủ phạm.

Điều này khiến cho các hành vi quấy rối VN của TQ sẽ trở nên lâu dài và thường xuyên. Tập Cận Bình không chỉ muốn chứng minh cho phe chống đối thấy rằng các đảo nhân tạo hỗ trợ đắc lực cho tàu hải cảnh cản trở công tác khai thác ở lô 6.1, hay các tàu thăm dò địa chấn ở bãi trầm tích Tư chính (như đã thấy). Mà về lâu về dài, các vị trí quân sự đóng ở các đảo này sẽ can thiệp nhanh chóng để bảo vệ (trong tương lai) các giàn khoan của TQ hoạt động trong khu vực.

Thứ ba, hoạt động quấy rối lô 6.1 và thăm dò địa chấn bãi Tư chính xảy ra sau khi quân lực TQ tập trận bằng đạn thật vào tháng 6 ở vùng biển bắc Trường sa. Tin từ các nguồn nước ngoài cho biết TQ đã phóng thành công loại hỏa tiễn “chống tiếp cận, chống hạm” đời mới, từ các đảo nhân tạo mà TQ mới xây dựng. Sau đó TQ đính chính rằng các hỏa tiễn được phóng từ đất liền. Tuần rồi lại có tin tức 24 chiến đấu cơ Su-35 của TQ đưa thêm về Trạm giang, một căn cứ thuộc Quảng Đông phụ trách Biển Đông. Một số trong đội Su-35 này đã hoạt động thực tập “phối hợp chiến đấu” với các lực lượng trên bộ, dưới biển ở Biển Đông. Báo chí cũng đưa tin Nga chuẩn bị hoàn tất việc chuyển giao trung đoàn phòng không S 400 thứ hai cho TQ.

Các việc này xảy ra đối xứng với tình hình căng thẳng địa chiến lược ở vịnh Ba tư (nay được gọi với tên chung chung là vùng Vịnh).

TQ muốn biết “quyết tâm” của Mỹ là thế nào đối với Biển Đông ? Biển Đông là “trọng tâm” của khái niệm “Ấn độ – Thái bình dương”, theo cái nhìn “địa lý”, hay cái nhìn “chiến lược” không cho thế lực quân sự của TQ vượt ra Ấn độ và Thái bình dương ? Hiểu cách nào thì vai trò của biển Đông cũng “không ra gì” đối với Mỹ, ngoài quyền “tự do hàng hải”. 

TQ là quốc gia nhập khẩu hàng đầu dầu hỏa trên thế giới (8,4 triệu thùng/ngày), trong đó 30% đến từ khu vực vùng Vịnh.

Nếu chiến tranh Mỹ-Iran bùng nổ, eo biển Hormuz có nguy cơ bị đóng lại. An ninh năng lượng của TQ tức khắc bị đe dọa.

TQ qua các việc làm căng thẳng eo biển Đài loan và khuấy động việc tranh chấp tài nguyên với VN dĩ nhiên có mục đích gia tăng áp lực địa chiến lược lên Mỹ để đối trọng với căng thẳng Mỹ-Iran. 

Thái độ “rề rà” câu giờ của TQ trong việc đáp ứng những yêu sách của Mỹ để hai bên có thể ký Hiệp ước kinh tế cho ta thấy TQ “không sợ” kéo dài chiến tranh thương mại với ông Trump. Cuộc chiến tranh này sẽ không có bên thắng mà chỉ có bên thiệt hại nhiều và thiệt hại ít. Qua thái độ vụng về của ông Trump và nội các qua các việc kỳ thị chủng tộc và coi thường “văn minh Châu Á” khiến cho tinh thần “dân tộc chủ nghĩa” trong dân chúng TQ bộc phát. (Ngay cả Campuchia cũng có tiếng nói chống lại sự kỳ thị của ông Trump). Người dân sẵn sàng ủng hộ nhà nước trong những đối sách về kinh tế. TQ với nền kinh tế “chỉ huy”, người dân quen chịu đựng, có thể “chịu thiếu thốn” lâu dài hơn là dân Mỹ.  

Thông điệp của TQ khá rõ rệt: nếu eo biển Hormuz bị nghẽn, TQ sẽ chiếm các mỏ dầu ở Biển Đông (của VN, Phi, Mã lai, thậm chí của Indonesia) để bảo đảm an ninh năng lượng. 

Ta cũng không loại trừ khả năng TQ ra tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Việc phóng thành công hỏa tiễn “chống hạm, chống tiếp cận”, các căn cứ quân sự trên vùng biển Trường Sa và các “trung đoàn phòng không S400” sẽ răn đe mọi lực lượng không quân, hải quân của Mỹ (và Anh, Pháp, Ấn, Úc, Nhật…) lai vãng trên Biển Đông. Nhật là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.

Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính ?

Sở dĩ có những vấn đề như Tư Chính hiện nay, nguyên nhân là do TQ không tuân thủ luật chơi quốc tế.

Nhiều người gợi ý VN cóp py hồ sơ của Phi để đi kiện TQ. Khó khăn của VN là làm thế nào để phán quyết của Tòa Trọng tài có hiệu lực chớ không phải đi kiện TQ với mô hình (hồ sơ) của Phi. Đi kiện (theo mô hình của Phi) VN chắc phần thắng, nhưng hệ quả vẫn là một phán quyết  y như phán quyết của Tòa tháng bẩy năm 2016.

TQ không tham gia, không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và dĩ nhiên không công nhận phán quyết của Tòa. 

VN cần phải có “tư duy mới” và cách tiếp cận mới trong những vấn đề Biển Đông.

Thứ nhứt, như đã nói phần tóm tắt”, VN hợp tác cùng Mã lai khiếu nại lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) về hồ sơ “Ranh giới thềm lục địa mở rộng” (200+150 hải lý). 

Hồ sơ chung của VN và Mã lai đã bị TQ phản bác với lý do trình bày trong công hàm ngày 7 tháng 5 năm 2009. Các yêu sách của TQ đã bị phán quyết tòa PCA ngày 11 tháng 7 năm 2016 bác bỏ (gồm vùng nước lịch sử theo bản đồ 9 đoạn, chủ quyền các đảo TS cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán vùng nước chung quanh TS… ). Ủy ban ranh giới thềm lục địa không có lý do nào để từ chối không nhìn nhận hồ sơ chung của VN và Mã lai là “hợp cách”, đáp ứng đúng như qui định của Luật Biển 1982.

Thứ hai, VN có thể vận động ngoại giao với Phi sao cho TT Phi Duterte áp dụng phán quyết của Tòa PCA 11-7-2016 đồng thời (nếu có thể VN cùng với Mã lai) ra tuyên bố đơn phương  nhìn nhận phán quyết này. Song song với việc này, VN vận động dư luận thế giới để các quốc gia nhìn nhận phán quyết của Tòa PCA. Đến nay không có bao nhiêu quốc gia ra tuyên bố ủng hộ phán quyết, đơn thuần vì lý do TQ cản trở.

Thứ ba, VN cũng có thể đi kiện TQ lên Tòa PCA với hồ sơ của Phi, (nếu và chỉ nếu)  thấy cần thiết giành quyền “tự vệ chính đáng” (tức có chiến tranh với TQ). 

Điều này sẽ không “tốt” cho VN.  VN luôn khẳng định VN có chủ quyền tại HS và TS. VN đã từng công bố bản đồ hải phận các đảo HS và TS với đầy đủ hiệu lực EEZ. Bây giờ VN không thể nói ngược yêu cầu Tòa phán các đảo HS và TS không có hiệu lực đảo theo điều 121 UNCLOS. 

Mặt khác, nếu VN kiện TQ ra tòa PCA, nếu TQ vẫn giữ thái độ không tham gia và không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa. Như vậy có hai phán quyết “không được thi hành” của Tòa PCA về Biển Đông có nội dung giống nhau (vì Tòa không thể nói khác với những gì đã phán trước kia).  

Trong khi VN có thể ra tuyên bố đơn phương tuân thủ phán quyết của Tòa PCA 11-7-2016. 

Thứ tư, mới đây viên chức Mỹ tố cáo Tập Cận Bình đã “bội ước” trong lời hứa “không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông”.

Theo nội dung bài báo trên VOA ngày 30 tháng năm 2019, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nhân phát biểu trong một cuộc trao đổi về quốc phòng ở Viện Brookings tại thủ đô Washington. Vị tướng nói rằng : “Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa các hòn đảo [ở Biển Đông]. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đó là các đường băng dài 10 nghìn bộ [hơn 3 nghìn mét], các kho chứa đạn dược, việc thường xuyên triển khai thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không, vân vân”,.

“Vì thế, rõ ràng họ đã từ bỏ cam kết đó”.

Hôm 11 tháng 7, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, ra tuyên bố lên án TQ: « việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không tiến hành những hoạt động đó ».

Ý kiến của Tập Cận Bình có thể trở thành một “tuyên bố đơn phương” có giá trị pháp lý ràng buộc.   

VN cần đứng đầu trong việc phát động phong trào phản đối, buộc họ Tập tuân thủ lời hứa, Biển Đông phải “phi quân sự” thì các quốc gia chung quanh mới có thể tránh được áp lực gay gắt từ TQ. Mỹ có thể dùng tòa án quốc tế để buộc TQ phải thực hiện “tuyên bố đơn phương” của họ Tập.

Ngoài ra ta không thể loại trừ giả thuyết ý đồ của Tập Cận Bình khẳng định sự hữu dụng của việc xây dựng 7 đảo nhân tạo. Những chiếc tàu hải cảnh quấy rối VN đều có ghé qua các đảo Chữ Thập và Subi để lấy nhiên liệu. 

VN không thể loại trừ viễn ảnh TQ sẽ cho tàu bè quấy rối VN lâu dài và thường xuyên. Tập Cận Bình không chỉ muốn chứng minh cho phe chống đối thấy rằng các đảo nhân tạo hỗ trợ đắc lực cho tàu hải cảnh cản trở công tác khai thác ở lô 6.1, hay các tàu thăm dò địa chấn ở bãi trầm tích Tư chính (như đã thấy). Mà về lâu về dài, các vị trí quân sự đóng ở các đảo này sẽ can thiệp nhanh chóng để bảo vệ (trong tương lai) các giàn khoan của TQ hoạt động trong khu vực. 

Vì vậy công tác hô hào “Tập Cận Bình phải giữ lời hứa không quân sự hóa các đảo Biển Đông” còn có hiệu quả làm giảm nhịp điệu gây hấn của TQ. 

Tàu thám hiểm “Hải Dương Địa Chất 8” của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)
446170cookie-checkVài ý kiến về tình hình bãi Tư Chính tháng bẩy năm 2019.