(Trích Bản Tin Biển Đông Số 38: https://dskbd.org/2020/09/16/ban-tin-bien-dong-so-38/)
Trong tuần từ ngày 6–13/9/2020, Hải cảnh 5204 tiến hành 2 lần (lần 8 và lần 9) tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06.1 và Lô 05.2 với mục tiêu vẫn là khu vực giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây và giàn khai thác tại khu vực mỏ Hải Thạch. Khoảng cách gần nhất của Hải cảnh 5204 tới giàn khai thác tại Lan Tây khoảng hơn 1 hải lý, tới giàn khai thác tại mỏ Hải Thạch khoảng 5 hải lý (Ảnh 1).
Sáng 14/9, Hải cảnh 5204 tiếp tục tăng tốc tiến về Lô 06.1 bắt đầu lần tiếp cận thứ 10 tới các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06.1 và Lô 05.2. Đến 11 giờ trưa ngày 14/9, Hải cảnh 5204 đã di chuyển qua khu vực giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây (Lô 06.1) và đang di chuyển hướng về khu vực mỏ Hải Thạch (Lô 05.2) (Ảnh 2).
Truyền thông Indonesia mới đây đưa tin việc Hải cảnh 5204 đã xâm phạm vùng biển Indonesia tại khu vực phía nam bãi Tư Chính, phía bắc quần đảo Natuna. Dữ liệu hệ thống định danh tự động (AIS) cho thấy có những ngày Hải cảnh 5204 đã di chuyển xuống sâu phía nam bãi Tư Chính thêm khoảng 20 hải lý so với thông thường, thuộc Lô 135 và 136.03. Vị trí gần nhất cách đảo Laut (đảo lớn xa nhất thuộc khu vực Natuna, diện tích hơn 2 km2 – thuộc tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia) khoảng 165 hải lý về phía đông bắc, cách quần đảo Riau khoảng 186 hải lý, cách đường cơ sở theo tuyên bố của Việt Nam khoảng 180 hải lý, cách Côn Đảo khoảng 206 hải lý (Ảnh 3).
Ngay khi phát hiện tàu Hải cảnh 5204 hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế, cơ quan an ninh hàng hải Indonesia đã triển khai tàu tuần tra KN Nipah 321 áp sát tàu Trung Quốc với khoảng cách chỉ trong vòng 1 km và yêu cầu tàu phải rời khỏi vùng biển Indonesia. Còn Bộ Ngoại giao Indonesia đã yêu cầu đại sứ quán Trung Quốc giải thích. “Chúng tôi nhắc lại với phó đại sứ Trung Quốc rằng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc,” Người phát ngôn Bộ Ngoại Indonesia Faizasyah nói.
Điều này dường như trái ngược với phía Việt Nam, không có báo cáo công khai cho thấy Việt Nam có phản ứng trong suốt hơn hai tháng tàu Hải cảnh Trung Quốc thay phiên doạ nạt các hoạt động dầu/khí của Việt Nam.
Đến trưa thứ Hai ngày 14/9, tàu Hải cảnh 5204 đã rời khỏi vùng biển Indonesia trở lại khu vực Bãi Tư Chính.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 14/9/2020: South China Sea heats up as Indonesia shadows Chinese ship near Natuna Islands
———-
Chú thích:
Ảnh 1: Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5204 từ ngày 7 – 13/9/2020.
Ảnh 2: Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5204 ngày 14/9/2020.
Ảnh 3: Khu vực hoạt động của Hải cảnh 5204 so với vùng biển Việt Nam và Indonesia.
Ảnh 4: Tàu tuần tra Indonesia áp sát tàu Hải cảnh Trung Quốc. Nguồn: Satya Pratama
Ảnh 5: Tàu tuần tra Indonesia phát hiện tàu Hải cảnh 5204. Nguồn: Satya Pratama.