U Tôi

0
845
Trong tang lễ mẹ tôi, anh cả của tôi, anh Quỳnh hỏi một câu gia đình đều đang nghĩ: “U ơi cả đời U sống thành thật, chỉ làm những điều phúc đức, thương yêu mọi người, giúp đỡ mọi người xung quanh vậy mà đến cuối đời phải chịu đựng một căn bệnh đau đớn”?

Thỉnh thoảng khi mẹ con tâm sự, U tôi thường nói “Cuộc đời U khổ từ lúc còn bé. Lúc 2 tuổi thì mất mẹ. Lấy Bố được ít ngày thì Bố bị Pháp bắt giam. Sinh anh Quỳnh mới vài tháng thì phải bỏ hết họ hàng, quyến thuộc di cư vào Nam. Lam lũ cạo mủ trên đồn điền cao su. Buôn tảo bán tần nuôi một đàn con vì Bố luôn luôn bận bịu với công việc nghiệp đoàn và phải chạy trốn những cuộc ám sát, truy lùng của du kích cộng sản, không lúc nào có ở nhà. Ở trong Nam, nhà mình cũng lại phải chạy giặc thêm hai ba lần. Trước đó Ông Ngoại không cho U đi học, bảo rằng con gái biết chữ chỉ viết thư cho trai chứ có làm gì. Ước gì U được đến trường để thêm biết thêm chút chữ nghĩa.”

U tôi không được đến trường một ngày nào cả; bà tự dậy cho mình biết đọc, biết viết, biết tính toán và ngay khi tị nạn qua Mỹ cũng tự học tiếng Anh đủ để đi làm nuôi con. Cuộc đời của mẹ tôi giống như của nhiều người phụ nữ Việt Nam sinh ra trong xã hội phong kiến, lớn lên trong chiến tranh, truân chuyên hy sinh cả đời cho chồng, cho con, cho gia đình chồng, và cho chòm xóm xung quanh.

Trái tim của mẹ tôi không có gì ngoại trừ yêu thương, tha thứ, và cho. Không phải chỉ yêu thương Bố tôi hay chúng tôi thôi mà cả với người xa lạ, thú vật, cây cỏ. Mẹ tôi không những tha thứ cho những người đã hành hạ hay bạc bẽo với bà, mà còn lo lắng, đùm bọc cho họ ngay cả trong những ngày tháng cùng cực, khó khăn, nghèo đói nhất trong đời.

Ngay cả trên con đường ty nạn sang Mỹ.

Cường em trai tôi lúc đó mới 14 vẫn nhớ. Sau gần một tuần lênh đênh trên biển, đói khát thì chúng tôi được một tàu hàng hải của Hoa Kỳ vớt cùng với vài ngàn người, ngồi chât cứng cả bong tàu. Bố tôi ngoại giao đâu đó được một thùng mì đưa cho U tôi. Việc đầu tiên bà làm là phân phát cho những người ngồi chung quanh ngay, xuýt tỷ nữa thì tạo ra cảnh tranh dành hỗn loạn.

Đến Mỹ, không buôn bán được như lúc bên nhà vì tiếng tăm và văn hóa không biết, tiền bạc vốn liếng lại không có nên bà phải đi làm trong một xưởng may bao bì đầy bụi bặm, lương tối thiểu. Thế mà U tôi vẫn ký ca ký cóp dành dụm được nay năm chục đô la, mốt 100 đô la gửi về cho họ hàng chồng bên Việt Nam, kể cả những người từng đánh đập bà vô cớ. Tôi hỏi “U, họ chưa từng đối xử tốt voi U môt ngày, thì U giúp họ làm gì, nhất là U phải nhịn ăn, nhịn mặc mới có dư được vài đồng”. U tôi chỉ cười cười rồi nói nói “Đằng nào cũng là họ hàng con ạ. Giọt máu đào hơn ao nước lã, nhất là bây giờ ai cũng đang đói khổ bên nhà.”

Khi còn là cô gái quê bé bỏng, bà phải gánh gồng buôn bán mọi thứ để sinh sống. Thời đó cộng sản đã ngăn sông cấm chợ. Những món cần thiết như đường, thịt, vải vóc đều là hàng quốc cấm. U tôi, một thiếu nữ mười mấy tuổi, là người duy nhất đã nghĩ ra được những vượt qua các căp mắt cú vọ của bọn công an. Khi thì cuốn thịt heo vào bụng, lúc thì giấu vải dưới những bó rau rồi U tươi cười trò chuyện tự nhiên với chúng. Thế là thoát. Mỗi khi thoát được bà lại chia xẻ những món hàng “quốc cấm” cho những người bạn hàng cùng làng.

Buôn bán ở miền Nam, bà cho nhiều hơn là lấy. Bà có một tiệm chạp phô, bán gạo và những thứ linh tinh. Tôi nhớ, khi đong mỗi lít gạo bán, bao giờ bà cũng đong đầy tràn, không gạt ngang ống gạo như người khác. Khi sai em gái tôi hay tôi đi thu nợ, bà đều dặn dò “Con phải nói đàng hoàng với họ. Mình chỉ nhắc thôi con; đừng lớn tiếng làm họ xấu hổ.” Sau khi bán chịu cho những người vợ lính mà không thấy trả, chúng tôi nhắc bà, thì bà chỉ chép miệng “Tội nghiệp họ con. Đừng đòi, chồng họ đi đánh giặc xa, lương lính không cả đủ tiền mua gạo nuôi vợ con.”

Từ khi Bố tôi mất, mẹ tôi nhiều lúc ngồi ngâm thơ hoặc hát nghêu ngao chỉ bốn chữ “Hai Tâm Hồn Bất Diệt.”

Bố tôi là người tình đầu tiên, người tình trọn đời, và người tình cuối cùng của mẹ tôi. Năm năm Bố tôi mất là những ngày tháng đau buồn nhất của bà. Bà thường nói ”Nhớ bố quá con ạ”. Tôi nghĩ là U tôi đau buồn hơn cả những ngày tháng vừa lấy Bố tôi thì ông bị Tây bắt đày đọa trong tù…

Ngày xưa bố tôi thường nói điều bố tôi yêu U nhất là sự thành thật, thẳng thắn, và ngây thơ của U. Nhớ những buổi chiều sáu bảy chục năm trước mỗi khi đi ngang qua nhà, U lại đẩy chiếc xe đạp của Bố ngã xuống như là một dấu hiệu em biết anh đang ở đây hay là em nhớ anh. Thời đó con trai con gái thương nhau cách mấy cũng không không dám nói chuyện trước công chúng. Mẹ tôi bảo suốt cuộc đời của bà luôn luôn nhớ bức thư tình đầu tiên Bố tôi gửi, vỏn vẹn chỉ có một hàng chữ “Hai tâm hồn bất diệt.” ông thường nói U tôi là người vợ tuyệt vời! — cùng với William Smith.

516270cookie-checkU Tôi