TƯỞNG NIỆM HAI MƯƠI NĂM NGÀY CỘNG SẢN TRUNG QUỐC PHÁT ĐỘNG LỆNH TÀN SÁT HỌC VIÊN PHÁP LUÂN CÔNG

0
724
Người Đà Lạt Xưa

Hai mươi năm về trước, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin, 江澤民), đã phát động một cuộc đàn áp hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công. Hai ngày sau đó, cuộc đàn áp đã chính thức bắt đầu bằng một làn sóng khủng bố đã nhấn chìm cả đất nước Hoa Lục vào gông cùm và biển máu.

Mặc dù Pháp Luân Công được tập luyện rộng rãi trên hơn 70 quốc gia, nhưng ngay nơi phát nguồn là Trung Quốc, Pháp Luân Công lại trở thành đối tượng của một cuộc đàn áp lớn nhất hiện nay trên thế giới. Một cuộc đàn áp bắt nguồn từ sự vô thần của đảng cộng sản Trung Quốc. Bởi vì đảng cộng sản muốn bảo vệ sự sống còn của thể chế độc tài toàn trị, lãnh đạo đảng rất lo ngại các nhóm đối lập nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, đặc biệt là những tổ chức có hướng đi theo một ý thức hệ khác.

Pháp Luân Công được sáng lập bởi ông Lý Hồng Chí (Li Hongzhi, 李洪志) và công khai truyền giảng tại một trường học ở Trường Xuân, thuộc miền Đông Bắc Trung Quốc, vào năm 1992 như một môn khí công và tu luyện tâm linh theo phương pháp cổ truyền Trung Quốc. Từ một nhóm nhỏ, Pháp Luân Công đã thu hút nhanh chóng được sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp xã hội.

Đến năm 1996, Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu hiển nhiên đối với cộng sản Trung Quốc. Đây là một nhóm tâm linh phát triển nhanh nhất Hoa Lục với 70 triệu học viên trên toàn quốc, theo báo cáo của nhà cầm quyền Bắc Kinh vào năm 1999. Một khi con số học viên Pháp Luân Công vượt qua tổng số đảng viên của đảng cộng sản, thì các bộ não hoang tưởng độc tài như Giang Trạch Dân (và sau này là Tập Cận Bình) sẽ không thể nào bỏ qua cho sự vượt trội này.

Khởi đầu, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu sự bức hại ngày càng gia tăng từ phía công an, sách báo của Pháp Luân Công đã bị cấm xuất bản, và báo đảng bắt đầu viết bài chỉ trích Pháp Luân Công. Đến năm 1998, công an gây khó khăn và quấy nhiễu các nhóm tập công ở công viên. Tháng 4 năm 1999, công an đàn áp và đánh đập các học viên ở Thiên Tân. Những sự kiện này dẫn đến một cuộc biểu tình vào ngày 24 tháng 5 năm 1999 với khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công tập trung tại Bắc Kinh để kiến nghị ôn hòa lên Văn phòng Kháng cáo Hội đồng Nhà nước. Người biểu tình ôn hòa đã yêu cầu nhà nước thả những học viên bị bắt, sửa lại lệnh cấm các sách Pháp Luân Công và chấm dứt sự quấy nhiễu các học viên tập luyện.

Mặc dù cuộc biểu tình diễn ra hết sức ôn hòa và Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp gỡ các học viên và đồng ý thực hiện các yêu cầu của họ, nhưng đối với Giang Trạch Dân thì Pháp Luân Công là một cái gai cần phải nhổ đi và triệt hạ toàn bộ. Ngày 10 tháng 6 năm 1999, họ Giang đã thành lập Phòng 610, một cơ quan công an trung ương với đặc quyền vượt trên tất cả các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, cũng như các cấp chính quyền và ngay cả tòa án, nhằm mục tiêu bức hại Pháp Luân Công.

Và từ đó đến nay là 20 năm…

Hãy nhìn vào các con số thống kê độc lập để thấy được mức độ dã man và tàn ác của cộng sản Trung Quốc. Theo tài liệu của ông Ethan Gutmann, một nhà hoạt động nhân quyền người Hoa Kỳ, chuyên gia nghiên cứu về các vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc và còn là cựu thành viên của tổ chức bảo vệ dân chủ Foundation for Defense of Democracies, tổng số học viên Pháp Luân Công đã bị tù giam tại Hoa Lục khoảng từ 450.000 cho đến một triệu người.

Trong số 27 người gặp gỡ Tổng thống Trump tại Nhà Trắng có một người Việt Nam (đứng ngay sau lưng ông Trump). Rất tiếc, sự khác biệt ngôn ngữ đã giới hạn người đến từ Việt Nam, không diễn đạt được các ý tưởng trong một cơ hội ngắn ngủi như vậy.

Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã áp dụng mọi kỹ thuật và dụng cụ tra tấn mà họ đã chế tạo được trong suốt lịch sử đàn áp chính trị lâu đời lên thân xác của trên 87.000 học viên bị tù giam mà vẫn không chấp nhận từ bỏ Pháp Luân Công. Trong số người này, có ít nhất 4.225 trường hợp đã bị tra tấn đến chết, dựa trên một báo cáo của Amnesty International phát hành năm 2013 mang tựa đề “Changing the soup but not the medicine?”, tạm dịch sang tiếng Việt “Thay đổi nước súp nhưng không phải thay thuốc?”

Dã man và tàn ác hơn nữa, từ năm 2000 đến 2008, báo cáo cho thấy có đến 65.000 trường hợp học viên Pháp Luân Công đã bị mổ tạng để cung ứng cho nhu cầu của một doanh nghiệp cấy ghép nội tạng đang bùng nổ ở Trung Quốc. Những con số nạn nhân bị giết chết vì các ca mổ tạng sống của các bệnh viện tại Trung Quốc đã được trích từ hai bản báo cáo độc lập trong cuốn Mùa Gặt Máu (Bloody Harvest) của ông David Kilgour (cựu Ngoại trưởng Canada tại Châu Á-Thái Bình Dương) và David Matas (luật sư nhân quyền nổi tiếng của Canada) và cuốn Sự Giết Mổ (The Slaughter) của ông Ethan Gutmann.

Kể từ ngày 20/7/1999, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công tại Hoa Lục đã bắt đầu một cuộc hành trình lịch sử, bằng vào sự thể hiện ôn hòa, để đối kháng lại những đàn áp dã man của nhà cầm quyền cộng sản. Các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục kiên trì vượt qua sự dối trá và tra tấn bằng niềm tin của họ vào các giá trị phổ quát của sự trung thực, lòng trắc ẩn và lòng khoan dung (truthfulness, compassion, and tolerance).

Ở hải ngoại, mỗi năm vào ngày 20/7, hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn liên tiếp tổ chức những cuộc triển lãm và diễn hành trên đường phố tại các thành phố lớn trên toàn thế giới tự do để thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế về những vi phạm trầm trọng về nhân quyền tại Hoa Lục.

Sau 20 năm dài, những nỗ lực vận động của Pháp Luân Công đã bắt đầu có kết quả.

Lần đầu tiên một đại diện Pháp Luân Công đã được gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump tại Nhà Trắng, trong một cơ hội mà ông Trump muốn tiếp xúc trực tiếp với 27 nạn nhân sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo đến từ 17 quốc gia, vào chiều ngày 17/7 (giờ Washington DC), ngày thứ nhì trong 3 ngày đại hội cấp Bộ trưởng đẩy mạnh tự do tôn giáo, Ministerial to Advance Religious Freedom, tại thủ đô Washington.

Và đó là nỗ lực bằng vào sự kiên trì bền bỉ của học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại.

Ở trên lãnh thổ Hoa Lục, hàng triệu học viên Pháp Luân Công, bất chấp những rủi ro đe dọa đến tính mạng, vẫn không từ bỏ niềm tin của họ. Họ thật xứng đáng với giá trị tối cao của sự trung thực, lòng trắc ẩn và lòng khoan dung (Chân, Thiện, Nhẫn) của chính họ giữ gìn cho họ.

Fb Người Đà Lạt Xưa
July 21, 2019

434680cookie-checkTƯỞNG NIỆM HAI MƯƠI NĂM NGÀY CỘNG SẢN TRUNG QUỐC PHÁT ĐỘNG LỆNH TÀN SÁT HỌC VIÊN PHÁP LUÂN CÔNG