Sunday, September 15, 2024
HomeDU LỊCHBLOGTrò chuyện cùng người chị của Trần Huỳnh Duy Thức

Trò chuyện cùng người chị của Trần Huỳnh Duy Thức

VOA

15/09/2020

Chị Trần Diệu Liên là chị gái của anh Trần Huỳnh Duy Thức. Trong quá khứ, chị Liên đã có dịp trình bày về hoàn cảnh của anh Thức trong tù, điển hình là những lần anh quyết định tuyệt thực nhiều ngày.

Hôm nay, mời quý độc giả theo dõi buổi trò chuyện sau đây giữa tôi, Phạm Phú Khải, và chị Trần Diệu Liên.

Phạm Phú Khải: Thưa chị, xin chị cho biết lần mới nhất chị gặp anh Thức là lúc nào? Và lần đó là một buổi thăm em bình thường hay có gì đặc biệt khác hơn không?

Trần Diệu Liên: Dạ xin chào Phú Khải, lời đầu tiên, tôi rất hân hạnh được cơ hội trò chuyện cùng Phú Khải ngày hôm nay.

Lần mới nhất gia đình được gặp Thức là vào ngày 16 tháng 7 năm 2020. Mục đích của buổi thăm gặp này cũng không có gì đặc biệt hơn các lần khác. Tuy nhiên, trước đó đã lâu rồi, hơn 5 tháng, gia đình không được thăm Thức sau lần thăm vào mùng 2 Tết Âm Lịch năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid, trại giam không tổ chức cho thân nhân thăm gặp tù nhân để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy buổi thăm gặp hôm 16/07/2020 đem lại nhiều cảm xúc và những câu chuyện thật đặc biệt cho hai chị em.

Phạm Phú Khải: Sức khỏe của anh Thức trong thời gian gần đây ra sao chị? Chị có những lo âu gì về mặt sức khỏe hay tinh thần của anh Thức không?

Trần Diệu Liên: Tôi nhận thấy thể chất và tinh thần của Thức đều ổn định, sức khỏe của Thức luôn là mối quan tâm hàng đầu của gia đình, cả thể chất lẫn tinh thần. Nhân đây nhắc đến việc chăm sóc tinh thần, có một việc khá ngộ nghĩnh là trong quá trình ở tù đôi khi Thức lại chính là nguồn động viên tinh thần ngược lại cho cả gia đình. Những nhận định về tình hình chính trị thế giới, trong nước, tình hình biển Đông, đại dịch Covid 19 và Đại hội 13 mà Thức chia sẻ rất thú vị và “thời sự”, ngay cả mình ở bên ngoài mà đôi khi còn không có được những nhận định như vậy, cách lập luận và viễn kiến của Thức giúp tôi hy vọng về tương lai đất nước nhiều hơn.

Phạm Phú Khải: Anh Thức là người đọc nhiều, theo dõi sát các vấn đề thời sự tại Việt Nam và trên thế giới, dù ở trong tù. Anh có vẻ là người có cái nhìn tích cực về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, ngay cả khi anh đã ở tù nhiều năm. Có phải anh là mẫu người lạc quan không thưa chị?

Trần Diệu Liên: Như tôi vừa chia sẻ, Thức thường xuyên có cách tiếp cận cuộc sống và sự việc một cách tích cực. Nhưng đó không phải là sự gượng ép để gia đình không phải lo lắng, cũng không phải là một siêu năng lực đặc biệt gì cả, mà theo lời Thức đó chỉ là kết quả tự nhiên khi con người sống thuận theo quy luật.

Thức từng nói Công lý không chỉ là lẽ phải mà còn là quy luật tiến đến lẽ phải. Thức hiểu rõ quy luật này nên biết được con đường đấu tranh cho công lý đang ở đâu, và khi nào đến đích. Thời gian tiến triển của dòng chảy thời đại cũng vậy, Thức hiểu rõ quy luật của nó nên có những suy nghĩ và hành động tích cực. Thức từng chia sẻ với ba mình rằng: “Những con đường của con đi luôn dựa theo quy luật nên không chỉ chắc chắn về đích mà còn giúp đạt được nhiều mục tiêu. Con đường Việt nam cũng vậy, Công lý sáng tỏ thì Chân lý sẽ bừng sáng.”

Phạm Phú Khải: Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực đối với anh Thức kể từ ngày 1/1/2018, như vậy đáng lẽ ra anh chỉ ở tù 5 năm thôi. Nhưng họ vẫn chưa xét xử trường hợp của anh?

Trần Diệu Liên: Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 đã quy định rõ ràng, trường hợp của Thức đáng ra phải được trả tự do ngay nhưng nhà cầm quyền cố tình không áp dụng các quy định đó mà tìm cách diễn giải luật theo cách riêng của họ để duy trì bản án này. Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại. Có thể không phải là họ hoàn toàn cố tình không tôn trọng luật pháp. Tôi nghĩ là họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều áp lực trong việc nhìn nhận và sửa chữa sai lầm.

Phạm Phú Khải: Gia đình và luật sư của anh Thức có dự trù tiếp tục kháng cáo trường hợp này nữa không chị?

Trần Diệu Liên: Gia đình vẫn luôn đồng hành với Thức trên con đường đấu tranh công lý và giúp Thức hoàn thành sứ mạng là giúp cho Việt Nam thật sự có tự do, dân chủ, trong thời điểm quyết định của thế giới toàn cầu hóa này.

Phạm Phú Khải: Anh Thức, tính đến nay, đã ở tù hơn 11 năm kể từ ngày 24 tháng 5 năm 2009. Anh đã có nhiều cơ hội để được tự do nhưng với điều kiện phải rời khỏi Việt Nam, điều mà cho đến nay anh vẫn không chấp nhận. Nếu theo bản án cũ thì anh vẫn phải tiếp tục ở tù thêm gần 5 năm nữa. Còn có một viễn ảnh nào khác hơn là ở tù không, thưa chị?

Trần Diệu Liên: Tác động chính trị, xã hội với việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm là rất lớn và lâu dài, nhất là sẽ tạo ra án lệ, tạo tiền đề cải cách cho nền tư pháp Việt Nam, buộc nhà cầm quyền phải Thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền. Đó là mục tiêu mà Thức luôn tranh đấu để làm nền tảng xây dựng nhà nước pháp quyền, để Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập thế giới trong môi trường toàn cầu hóa. Sửa luật thì khó, có thể họ sẽ sửa thông tư hay nghị quyết để đáp ứng với sự thay đổi thể chế chính trị, phù hợp với điều kiện xây dựng nền tảng dân chủ hóa cho Việt Nam trong tương lai.

Phạm Phú Khải: Chị là một trong những người gần gũi nhất với anh Thức và hiểu rõ nguyện vọng của anh. Vì nguyên do gì mà anh Thức kiên quyết trước sau như một không rời Việt Nam, dù được tự do?

Trần Diệu Liên: Thức chỉ chấp nhận về bằng con đường công lý, vì con đường đấu tranh cho công lý không chỉ trả tự do cho Thức mà còn làm cho luật pháp phát huy được giá trị thật sự của nó và được thượng tôn. Thức mong muốn việc trả tự do cho mình sẽ dẫn đến sự xác lập một án lệ, chứng minh tội danh lật đổ chính quyền chỉ hình thành khi có sử dụng đến sức mạnh vật lý. Bởi lẽ nếu Thức chấp nhận được tự do bằng con đường khác, thì việc Thức được tự do vẫn không thay đổi được điều gì cho những trường hợp tương tự như Thức đang bị giam giữ hoặc sẽ bị kết án trong tương lai. Như thế thì luật pháp vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ là bảo vệ quyền con người, công lý không thể được thực thi một cách có chọn lọc và có điều kiện. Công lý là lẽ phải nên bất kỳ con đường nào khác cho Thức được tự do mà làm suy giảm lẽ phải thì Thức không chấp nhận. Vì vậy việc ra nước ngoài hay vận động đặc xá không phải là mục tiêu đấu tranh của Thức.

Phạm Phú Khải: Xin chị chia sẻ một kỷ niệm từ thưở bé mà nói lên được tính cách con người của anh Thức hôm nay.

Trần Diệu Liên: Tôi nhớ hoài kỷ niệm lúc nhỏ ba tôi thường hay mua cho chúng tôi những cuốn truyện tranh, lúc đó Thức chưa đầy năm tuổi. Một lần khi ba đang đọc cho chúng tôi nghe câu chuyện về một ông tiều phu bị những kẻ ăn thịt bắt, chuẩn bị cho vào nồi nước sôi làm thịt, bất ngờ Thức giựt lấy quyển truyện rồi nhằm vào hình ảnh của kẻ xấu mà bấu mà véo rồi bứt ra. Lúc đó ba hỏi Thức vì sao con làm vậy. Thức nói để cứu ông tiều phu. Cả nhà cười vang với phản ứng thuần khiết pha chút ngộ nghĩnh của Thức, vừa phẫn nộ vừa thương xót ông tiều phu.

Từ nhỏ Thức thường hay đặt câu hỏi khi nghe ba kể những câu chuyện về tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, những câu chuyện về cuộc cách mạng Pháp. Thức hỏi ba làm sao để có công bằng hả ba, ba nói thì phải có những người có lòng bác ái nắm giữ quyền hạn để bảo đảm sự công bằng đó cho mọi người. Thức lại hỏi: nhưng nếu đã có những người có quyền để cho người khác công bằng thì không còn công bằng nữa. Ba nói thì cái gì cũng tương đối thôi. Thức đã không bằng lòng câu trả lời của ba. Thức lúc đó mới chín tuổi đã bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu để thấu hiểu được bản chất và nguyên lý của sự công bằng.

Phạm Phú Khải: Được biết anh Thức là người con hiếu thảo với ba mẹ. Có phải vậy không thưa chị? Chị có kỷ niệm nào nói lên được đức tính này của anh Thức không ạ?

Trần Diệu Liên: Thức rất yêu thương ba má và gia đình. Trước khi bị bắt Thức ít thể hiện tình cảm bằng lời nói lắm, tuy nhiên qua hành động của Thức gia đình có thể hiểu được. Tình yêu thương Thức dành cho ba má và gia đình không khoa trương, cứ thế lặng lẽ và chân thành.

Vào năm 2005, má trải qua một cơn thập tử nhất sinh, các bệnh viện và thầy thuốc giỏi nhất đều khuyên đưa má về nhà để ra đi cho thanh thản. Rất bất ngờ là sau đó má bỗng nhiên khỏe lại và ăn uống ngon miệng. Thế là má sống cùng con cháu thêm được sáu năm nữa. Mãi đến sau này khi Thức đã bị bắt, trong thư 76B gửi về nhà, gia đình mới biết được rằng vào lúc đó Thức đã cầu nguyện xin cho má được sống thêm và sẵn sàng chấp nhận tổn thọ mười năm hoặc hơn nữa. Thức viết rằng chính việc má có thể sống tiếp sau cơn bạo bệnh đó đã thay đổi sâu sắc đức tin của Thức vào Thế giới siêu thực – Tâm linh của vũ trụ. Và cũng trong thư này, Thức nói rằng kể từ khi má mất, Thức đã tâm nguyện nếu có gì không may xảy đến với ba, Thức cũng sẽ cầu nguyện cho ba và sẵn sàng gánh lấy mọi thứ miễn là ba được khỏe mạnh. Bên cạnh đó, Thức nói mình cũng sẵn sàng làm điều tương tự cho Việt Nam, vào thời khắc quyết định, Thức sẵn sàng nhận mọi thử thách, chông gai hơn nữa để giúp Việt Nam vượt qua thời khắc đen tối.

Khi Thức còn ở nhà, Thức luôn cố gắng dành thời gian cho má dù là trong những việc nhỏ nhặt nhất. Ngày nào trước khi đi làm và đưa hai con đi học Thức cũng ghé qua phòng má để thưa má đi làm và hai cháu thưa bà đi học. Chiều về tới nhà lại ghé vào thưa má con mới về, luôn đều đặn như vậy cho đến khi Thức vắng nhà. Mặc dù công việc có bận thế nào thì Thức cũng không bao giờ quên hỏi han, trò chuyện với má, khi nào Thức không đi công tác thì sẽ luôn ăn cơm cùng má.

Suốt bao năm vắng nhà, Thức làm rất nhiều bài thơ và phổ thành nhạc để tặng cho gia đình. Trong mỗi cuộc thăm gặp với gia đình hoặc mỗi lần gọi điện thoại về nhà hàng tháng, chỉ vỏn vẹn năm phút thôi, câu đầu tiên Thức luôn hỏi là ở nhà ba có khỏe không? Thức cũng không quên nhờ các chị chăm sóc cho ba thật chu đáo, chờ ngày em về. Vào dịp sinh nhật lần thứ tám mươi lăm của ba. Trước đó là thời điểm Thức vừa ngưng tuyệt thực sau ba mươi bốn ngày, sức khỏe chưa hồi phục, nhưng vẫn dành thời gian, nuôi ý tưởng sáng tác bài hát Tình cha dẫn bước con về, những mong sẽ gửi thư về kịp tặng cho ba. Nhưng do thời gian kiểm duyệt của trại giam quá lâu, Thức đã phải cố gắng hát bài hát này trong năm phút ngắn ngủi được gọi về nhà để kịp làm quà tặng sinh nhật cho ba. Trong giọng hát tôi nghe được tiếng nấc nghẹn của em mình. Đó là nỗi niềm thương nhớ người thân sau bao năm xa cách.

Thức luôn nói với gia đình rằng mình không có bất kỳ hối tiếc nào khi chọn con đường này. Nhưng chắc có lẽ điều hối tiếc duy nhất của Thức là không được đội tang má và được lo cho ba lúc tuổi già.

Phạm Phú Khải: Anh Thức viết khá nhiều trong tù, và cũng gửi thư về cho gia đình thường xuyên phải không chị?

Trần Diệu Liên: Thức rất yêu thích viết lách và những hoạt động nuôi dưỡng tinh thần khác như là đọc sách, sáng tác truyện, thơ, âm nhạc, tiểu thuyết, cổ súy cho việc tôn trọng và thực thi quyền con người, tình yêu thương nhân loại.

Nhiều nhất là các bài viết và cảnh báo, nhận định về chế độ chính trị, kinh tế và nhiều mặt khác của xã hội Việt Nam, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, nhất là mối quan hệ Việt – Trung, cuộc chuyển trục sang Đông Nam Á của Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tình hình Biển Đông, đưa ra giải pháp và những lời khuyên giành cho lãnh đạo, đấu tranh yêu cầu nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật và thực hiện trưng cầu dân ý; những mối nguy tiềm ẩn cho đất nước mà Thức từng cảnh báo, đề ra mục tiêu phát triển đất nước trong tương lai và vai trò của Việt Nam trong sự phát triển của thế giới.

Qua những lá thư gửi về gia đình, Thức luôn viết với tâm niệm vững tin vào sự thay đổi tất yếu của vận mệnh đất nước, khiến cho người đọc luôn có thêm nhiều hy vọng vào tương lai của đất nước. Thức tranh thủ thời gian, viết rất nhiều. Những lá thư được đánh số thứ tự, cho ra đời những bài phân tích chính xác có giá trị thời cuộc. Ngoài ra Thức cũng đã hoàn thành xong mười tập thơ Thương Ơi Là Thương, rất tiếc là mới chỉ có tập một được gửi ra và đã được gia đình in thành sách xuất bản.

Phạm Phú Khải: Có những lá thư đến, nhưng cũng có những lá không đến. Được biết ông Trần Văn Huỳnh, ba chị, đã khiếu nại về việc này. Họ có giải quyết rốt ráo chuyện này cho gia đình chị không?

Trần Diệu Liên: Hơn 10 năm Thức ở tù và tranh đấu thì phương pháp đấu tranh chủ yếu, và được Thức sử dụng nhiều nhất, là quyền khiếu nại, tố cáo. Đây là một quyền vô cùng quan trọng không chỉ đối với người tù mà còn đối với mọi công dân tự do trong bất kỳ quốc gia nào. Bởi vì đứng trước một nhà nước nắm mọi tài lực quốc gia và ba quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp thì quyền khiếu nại, tố cáo là một phương tiện quan trọng để người dân đảm bảo rằng những việc làm của nhà nước không đi trái mục đích bảo vệ quyền con người. Chính bởi sự quan trọng đó, quyền khiếu nại, tố cáo đã được Hiến pháp Việt Nam công nhận và bảo vệ. Cách đấu tranh này đã được Thức sử dụng từ trước khi về nhà tù Nghệ An và đến giờ. Chính vì không thể từ chối hay phủ nhận quyền này mà trại giam đã tìm đủ mọi cách gây khó dễ, không cho Thức thực hiện. Khi mà những yêu cầu, đòi hỏi tuân theo pháp luật bị chính những người đại diện cho nhà cầm quyền, có nhiệm vụ bảo đảm cho luật pháp được thực thi từ chối, thì Thức buộc phải chọn cách tuyệt thực, như một hình thức thể hiện sự phản kháng một cách ôn hòa trước những hành động vô lý.

Sử dụng luật pháp một cách tùy tiện luôn là đề tài nổi bật từ các trại giam. Họ đá bóng và đổ lỗi cho nhau rất tài tình và cũng chưa bao giờ họ giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng cho đơn khiếu nại nào. Gia đình tôi đã làm không biết bao nhiêu đơn khiếu nại, tố cáo về việc vi phạm luật của trại giam. Chưa lần nào trại giam giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý, nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên trì sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và lẽ phải, dù biết là luật pháp chưa hoàn chỉnh. Nhưng như Thức thường nói: chỉ khi nào hầu hết người dân biết sử dụng pháp luật để bảo vệ mình và đòi hỏi pháp luật thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người thì lúc đó luật pháp mới được cải thiện.

Phạm Phú Khải: Trong suốt 11 năm qua, anh Thức ở trong tù, tuy mất tự do, anh đã chấp nhận bản án chế độ dành cho mình. Nhưng còn gia đình chị, đến vợ con anh Thức, và nhất là chị, hẳn lo lắng cho anh từng ngày từng giờ. Chị có thể cho biết những gì đang nằm trong suy tư của gia đình chị và vợ con anh Thức được không ạ?

Trần Diệu Liên: Điều mà gia đình chúng tôi luôn quan tâm là tinh thần và sức khỏe của Thức luôn bình an, tuy mong muốn của gia đình tất nhiên là Thức được tự do càng sớm càng tốt, mong chờ ngày đoàn tụ sau khoảng thời gian dài xa cách. Nhưng gia đình chỉ mong làm được mọi cách có thể để bảo vệ an nguy tốt nhất cho Thức, bất kể là Thức chọn điều gì. Nói gì đi nữa thì có một điều chắc chắn là đến hôm nay ai trong gia đình cũng hiểu được giá trị tự do mà Thức đang đấu tranh không dừng lại ở cá nhân Thức mà là nền tảng tự do, dân chủ cho Việt Nam trong tương lai.

Phạm Phú Khải: Còn chị Liên thì sao? 11 năm qua những tâm tư tình cảm của chị, nhất là hai lần mà anh Thức đã kiên quyết tuyệt thực nhiều ngày, thì lúc đó cảm nghĩ của chị như thế nào?

Trần Diệu Liên: Trước đây tôi cũng là người thờ ơ với thời cuộc như nhiều người. Nhưng từ khi Thức bị kết án oan, tôi và gia đình bắt đầu cuộc hành trình đòi công lý cho em mình. Kể từ đó làm thay đổi nhận thức của tôi về xã hội, về tình hình chính trị đất nước, và tôi đã có cái nhìn chân thật hơn về đất nước của mình. Ban đầu tôi chỉ hành động theo sự thôi thúc tình thân, mặc dù không hiểu gì nhiều nhưng tôi tin em mình không phải là người có toan tính bạo tàn. Một thời gian sau đó tôi hiểu ra con đường của Thức là để cống hiến cho Việt Nam, để thế hệ con cháu có được một tương lai tươi sáng, tự do và phát triển bền vững thật sự.

Hơn 11 năm qua, có biết bao nhiêu là sự khó khăn vất vả về vật chất cũng như tinh thần. Không giấy mực nào tả hết được khi mà chúng tôi phải đối mặt với cả hệ thống luật pháp không thượng tôn, luôn ngồi xổm trên Hiến Pháp và vô vàn những khó khăn liên tục phát sinh trong cuộc sống đầy bất an.

Khó khăn lớn nhất vẫn là sự sợ hãi trong lòng mỗi người, sự mập mờ giữa sự thật và dối trá. Khi mà công lý bị bóp nghẹt thì lương tâm con người cũng bị dị dạng, tật nguyền, không được sống thẳng, nói thật, quyền con người luôn bị kiểm soát và chà đạp. Thử thách nhất trong tất cả là thấu hiểu và thật sự sống đúng với tinh thần đấu tranh bất bạo động. Có nghĩa là sẵn sàng chịu đựng đau khổ và hy sinh, thấu cảm cho người khác, và không chủ động tổn thương họ. Nó đồng nghĩa với việc có thể đi tù.

Những lần Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà nước phải thượng tôn pháp luật và trưng cầu dân ý, tôi hiểu và ý thức được đây là chiến dịch phản đối phi bạo lực mà Thức buộc phải sử dụng khi mà luật pháp bị chà đạp và quyền con người bị xâm hại. Tôi nghĩ đây là phương pháp hợp lẽ phải và duy nhất giành cho những người bị áp bức trong quá trình đấu tranh cho tự do, cho công lý.

Tôi hiểu rằng bằng cách nào đó Thức muốn mọi người biết và sử dụng luật pháp một cách tối ưu để bảo vệ mình , bảo vệ công lý, từ đó thúc đẩy sự chuyển mình và thay đổi nhận thức từ người dân. Nó mang ý nghĩa rất lớn, tìm kiếm sức mạnh từ chân lý và tình thương. Cho dù biết là vậy nhưng khi đối diện với thực tế thì không dễ dàng gì. Tôi đã không thể chấp nhận và bình tâm khi biết em mình đang phải hàng ngày đối mặt với cái chết. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thức đã tuyệt thực lên đến hơn 30 ngày.

Tôi đã phải vượt qua sự sợ hãi của bản thân và của gia đình, đối mặt với sự đàn áp của trại giam 6, yêu cầu được vào gặp Thức với bất cứ giá nào để biết thực tế tình hình sức khỏe của em mình. Tôi đã nhiều đêm không ngủ được, hết trăn trở này lại đến trăn trở khác, tự động viên tinh thần mình và mọi người để chuẩn bị cho cuộc đối đầu đầy khó khăn, thách thức. Tôi có thể làm gì đây để có thể giữ cho mình sự gan dạ, có thể sẵn sàng cùng mọi người tọa kháng trước cổng trại giam nếu hôm đó họ không cho gặp Thức và có thể bị đàn áp, bắt bớ, thậm chí bị đánh đập, hoặc đi tù. Thật là rùng rợn khi nghĩ đến điều đó. Lúc đó tôi không nghĩ được là mình sẽ ra sao nữa. Liệu ngọn lửa trong tôi có đủ để còn thắp sáng niềm tin là “công lý vẫn luôn tồn tại” để có thể cùng đồng hành với Thức trên con đường Việt Nam. Một điều an ủi và may mắn là tôi không hoàn toàn cô độc. Đã có những người bạn, bằng hữu không ngại nguy hiểm để hỗ trợ, đồng hành cùng chúng tôi trong giai đoạn khó khăn đó. Tôi rất cảm kích sự hỗ trợ và dõi theo của mọi người dành cho Thức và gia đình trong suốt thời gian qua.

Tôi luôn có niềm tin vào con đường đấu tranh cho công lý và hướng đến chân lý. Trong suốt thời gian qua, đồng hành với Thức tôi cũng đã tỉnh thức, được khai sáng tư duy, có được niềm tin độc lập, không còn sợ hãi trước cường quyền và bất công nữa. Từ đó tôi nhìn thấy mục tiêu sống là để hướng đến đấu tranh cho công bằng và lẽ phải, sử dụng tình yêu thương nhân loại. Tôi hiểu ra rằng công lý có tồn tại hay không là do sự vận động của con người. Làm ngơ trước bất công là đồng lõa với nó. Nếu con người còn sợ hãi, lệ thuộc, chỉ biết nghe theo sự sai khiến thì bất công, độc tài sẽ ngự trị.

Nhưng cho dù sự đàn áp có tàn bạo như thế nào đi nữa thì cũng không giết được công lý. Sẽ luôn có những người dũng cảm, bất chấp thiệt thòi, thậm chí là thiệt mạng để bảo vệ công lý. Trần Huỳnh Duy Thức là người như vậy, đã bất chấp 16 năm tù đày khắc nghiệt trong lao tù, và vẫn đang kiên định niềm tin vào chân lý. Thức không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng. Con người có thể trì hoãn sự vận hành của quy luật trong một vài trường hợp. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể chống lại quy luật.

Phạm Phú Khải: Còn hiện bây giờ, những suy nghĩ lo âu của chị dành cho anh Thức có thay đổi gì không?

Trần Diệu Liên: Tôi rất vui sau lần đi thăm Thức và đọc được lá thư 127A Thức viết cho ba và cho gia đình:

Ba yêu cố lên nữa nha! Chặng đường này của con đang đến những ngày tháng cuối cùng rồi. Dòng chảy đang tiến đến quyết định bản lề. Cái chốt cuối cùng đang sắp được tháo ra. Đó sẽ là sự chuyển biến đột ngột – là kết quả đột phá của cả một quá trình vận động nhiều năm rồi, đã tích tụ đủ năng lượng để vượt phá vào thời điểm quyết định. Sẽ có rất nhiều người bất ngờ đến choáng váng vì nó. Không sức mạnh nào đủ sức ngăn cản nổi nó cả.

Con vẫn ổn, cho dù điều kiện thế nào thì con vẫn sẽ vượt qua hết như con luôn như vậy hơn 11 năm qua nên ba và mọi người đừng quá lo. Rồi những điều tốt đẹp sẽ đến nhanh thôi.

Phạm Phú Khải: Nếu chị có một điều mong ước ngay lúc này cho anh Thức thì điều đó là gì, thưa chị?

Trần Diệu Liên: Thức sẽ đạt được mong muốn của mình: tự do cho Thức và tự do cho Việt Nam.

Phạm Phú Khải: Cảm ơn chị Trần Diệu Liên đã dành cho tôi cuộc trò chuyện này. Trước khi dứt lời, chị có điều gì chia sẻ thêm không chị?

Trần Diệu Liên: Cảm ơn Phú Khải đã cho tôi cơ hội được chia sẻ câu chuyện của Thức và gia đình trong suốt 11 năm vừa qua.

Tôi chúc Phú Khải và mọi người thật nhiều sức khỏe và vững tin. Mặc dù đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, cho Việt Nam nói riêng và cho cả thế giới nói chung, nhưng mọi người đừng nản lòng. Mọi hành động tốt đẹp cho dù là nhỏ nhặt nhất đều sẽ làm cho cuộc sống này đáng yêu hơn một chút. Chúng ta sẽ cố gắng cùng nhau vượt qua nút thắt này vì chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm ở phía trước.

Nguồn : https://www.voatiengviet.com/a/tran-huynh-duy-thuc-tran-dieu-lien/5584102.html

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular