Friday, October 11, 2024
HomeDU LỊCHBLOGTiêu diệt biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước

Tiêu diệt biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước

Mạc Văn Trang

Tại sao không thể thương lượng đất đai mà đang đêm tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm với lực lượng VŨ TRANG HÀNG NGHÌN QUÂN LÍNH?

Có phải cưỡng chế 59ha đất cho cái “Sân bay Miếu Môn” vẽ trên giấy cách đây 40 năm không? Không! Có phải bắt mấy đối tượng “Chống người thi hành công vụ” không? Không! Đang đêm Dân ở TRONG NHÀ mình, TRONG LÀNG mình thì bị bao vây tấn công, chứ lúc đó có “CÔNG VỤ” gì?

Không! Đó chỉ là để xóa sổ, tiêu diệt MỘT BIỂU TƯỢNG của LÀNG QUÊ VIỆT NAM với truyền thống đoàn kết giữ ĐẤT, giữ LÀNG.

Tại sao Cụ Lê Đình Kình phải chết? Vì Cụ là THỦ LĨNH của BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU ĐẤT, YÊU LÀNG, YÊU NƯỚC, tức Tình yêu ĐẤT NƯỚC.

Tình yêu QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC hay TỔ QUỐC của người Việt Nam bắt đầu từ tình yêu ngôi nhà mình rồi Cây đa, Giếng nước, Đình làng, Con Sông, Dòng Suối và nhất là Đất đai, Mồ mả ông cha…

Để có được những mảnh ruộng bậc thang đẹp như tranh hay những cánh đồng cấy lúa nước phẳng phiu thẳng cánh có bay, bờ xôi ruộng mật, Tổ tiên, ông cha ta đã phải trải qua hàng ngàn năm, đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương. Vì thế RUỘNG ĐẤT là tài sản quý giá nhất, sống còn của mỗi làng quê.

Xưa, ruộng đất là tư hữu cá nhân, nhưng làng nào cũng có “Ruộng Đình”, “Ruộng Chùa”, “Ruộng Từ đường” của họ, để phục vụ cho việc thờ cúng; Có một ít công điền giao cho dân canh tác, nộp cho làng để làm “ngân sách” chung… Ruộng đất gắn kết làng xã thành cộng đồng bền vững, có những Hương ước riêng, tục lệ riêng, “Đất lề, quê thói”, “Phép Vua thua Lệ làng”; ở đó có những Thủ lĩnh “Già làng”, “Trưởng bản”, “Lão nông tri điền” thuộc ruộng đồng như lòng bàn tay, được dân làng kính trọng và tin tưởng… Mỗi làng có Thành hoàng làng riêng, có những Hội làng riêng… Vì thế mỗi Làng là một cộng đồng dân cư gắn kết bao đời, có Lịch sử, có truyền thống, sướng khổ, hoạn nạn có nhau… Các mâu thuẫn trong làng được giải quyết chủ yếu bằng Hương ước…

Trải qua bao nhiêu cuộc chiến chống Thiên tai và nhất là CHỐNG GIẶC NỘI XÂM và NGOẠI XÂM dân làng phải đồng sức, đồng lòng: “Lụt thì lút cả làng”, “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, mỗi “Làng kháng chiến” trở thành những pháo đài, những dinh lũy chiến đấu kiên cường, bất khuất.

Trong lịch sử đã có những làng bị tiêu diệt, xóa sổ, rồi lại phục sinh, như làng HẬU TÁI ở Thái Bình; Rất nhiều đề tài nghiên cứu về “LÀNG CHIẾN ĐẤU” ở Việt Nam.

LÀNG gắn với NƯỚC, nên khi giặc, cướp đến, thì dân kêu “ỐI LÀNG NƯỚC ƠI”!… “Nước mất, nhà tan”, nhưng nhiều thời kỳ NƯỚC MẤT, nhưng LÀNG CÒN; Làng còn vẫn nuôi dưỡng lòng yêu nước, nên từ các làng sẽ dấy lên khởi nghĩa, lấy lại nước… Nước phải dựa vào Làng, Làng gắn liền với Nước. Cho nên tình yêu QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC gắn liền với nhau làm một. Tình yêu nước rất cụ thể. Chế Lan Viên từng viết:

“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”

Làng HOÀNH xã ĐỒNG TÂM là BIỂU TƯỢNG của tình yêu đó; Cụ LÊ ĐÌNH KÌNH là BIỂU TƯỢNG của tình yêu đó – Tình yêu RUỘNG ĐỒNG, LÀNG XÓM QUÊ HƯƠNG gắn liền với TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC.

Những kẻ suy nghĩ, xúc cảm “bằng DẠ DÀY” luôn nói rằng: Cụ Kình không có đất ở 59ha tại Cánh đồng Sênh, mà kiên quyết đấu tranh giữ đất là vì trục lợi (?). Tim óc chúng không sao hiểu Cụ Kình đấu tranh giữ đất cho làng để làm gì, nếu không có phần ở đó!

Với “những tấm lòng lạnh tanh máu cá” (Chế Lan Viên) như vậy thì thấy người ta xẻ thịt Đất nước ra bán dần hay cho thuê 90 năm, 120 năm cũng chẳng sao, vì đất ấy có phải của mình đâu và Hoàng Sa, Trường Sa… mình có phần ở đấy đâu mà tiếc, mà đấu tranh! Nếu đa số người dân có tâm lý như vậy thì đó là nguy cơ mất nước.

Cho nên “ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN, DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ”, ai đang sử dụng đất, nhưng Nhà nước thích “CƯỠNG CHẾ THU HỒI” lúc nào cũng được, thực chất là đã tước đoạt đi sự gắn bó, tình yêu RUỘNG ĐỒNG, QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC của người dân Việt.

Tại sao mới rồi, khi đồng ruộng làng VŨ LA quê tôi bị “cưỡng chế thu hồi” gần hết, tôi đã khóc, đau buồn, uất hận, muốn gào thét lên, mặc dù tôi đã lên Hà Nội từ 1966 và không có tấc đất nào ở quê?

Đó là vì từ ngày tôi 6-7 tuổi, cứ trước Tết cha tôi lại dắt mấy anh em đi ra thăm mồ mả Tổ tiên, ông bà, chỉ cho đây là mộ ai, mất năm nào, tại sao lại chôn ở đây và mấy bố con sửa sang lại các mộ, thắp hương, mời các Cụ về ăn Tết. Cha tôi cũng chỉ cho từng thửa ruộng của nhà mình trên cánh đồng. Cha tôi thuộc ruộng đồng như lòng bàn tay. Có lúc chỉ cho anh tôi: cày sá vét sát mé đống Con Phượng này phải cho lưỡi cày nông thôi, bên dưới có tảng đá đấy…

Tết này tự nhiên tôi chẳng muốn về quê nữa. Tình yêu ruộng đồng, làng quê từ thẳm sâu trong tâm hồn như đã tan nát hết!

Cho nên tôi thấu hiểu, vì sao Cụ Kình lại nói “Phải giữ đất, dù phải hy sinh xương máu”!

Cụ Kình ơi! Vì thế người ta phải giết Cụ! Giết Cụ là để tiêu diệt một biểu tượng của TÌNH YÊU ĐẤT, YÊU LÀNG, YÊU NƯỚC, GIỮ LÀNG, GIỮ NƯỚC! Để người ta muốn “cưỡng chế thu hồi”, xẻ thịt đất nước ra, muốn làm gì thì làm, bán cho ai thì bán… Ai quyết giữ đất, giữ nhà, giữ làng sẽ bị tiêu diệt!

Kẻ thù truyền kiếp phương Bắc càng biết rõ hơn ai hết, sức mạnh gắn kết thành pháo đài chiến đấu của mỗi làng, xã Việt Nam trong những cuộc chiến tranh Nhân dân suốt trường kỳ lịch sử, đáng sợ như thế nào. Cho nên tiêu diệt vụ Đồng Tâm như vậy, hẳn họ vừa lòng lắm.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular