Monday, December 23, 2024
HomeBLOGTết Chí Hoà

Tết Chí Hoà

Blogger Điếu Cày

Tôi tặng bài viết này cho các bạn của tôi còn đang bị giam cầm trong lao tù cộng sản.

———————-

Chút gió se lạnh luồn qua khe cửa phòng giam ..
Bất chợt cảm giác lành lạnh xuyên suốt cơ thể, ngoài kia những cơn mưa chiều hối hả, tiếng xe máy, tiếng người vọng vào như từ nơi xa xăm nào đó …

Tôi bồi hồi nhớ lại, ngày 22/10/2008 tôi bị chuyển từ trại tạm giam quận 3 tới trại tạm giam Chí Hoà. Sau khi khám đồ và làm thủ tục, họ đưa tôi vào phòng 60AB, một phòng nhỏ nằm cuối hành lang trên tầng 4. Suốt từ “cổ loa” rẽ trái vào trong ,không phòng nào có người ở, chỉ duy nhất phòng 60AB là nhốt chúng tôi.

Tôi là người cuối cùng bước vào phòng giam, trong phòng đã có sẵn hai người. Kinh nghiệm cho thấy, họ đã “sắp gà” trước rồi.

Một người tự giới thiệu tên là An, người Nam Hà, bằng tuổi tôi. An khoe đã từng là giáo viên dạy kỹ thuật cho lính Rada. 

An phạm tội làm rượu giả, An nói rằng anh ta chẳng làm giả cái gì cả. An chỉ pha 2 chai rượu Lúa mới Hà Nội với một chai Jony wallker rồi đóng thành 3 chai Jony walker. Tất cả đều là rượu thật, tại sao ” thật trộn với thật lại thành giả?”. An lý sự như vậy mà toà vẫn phạt anh ta 2 năm tù. 

Tôi hỏi:

– Anh có chống án không?

– Không! Án có 2 năm mà chống làm gì. An đáp.

– Anh còn bao nhiêu tháng nữa?

– Tôi còn 10 tháng.

– Tại sao họ không đưa anh lên trại giam để thi hành án mà vẫn nhốt ở trại tạm giam?

An không trả lời được ngay câu hỏi đó – Tôi biết những người có án mà không muốn đi trại là muốn ở lại trại tạm giam để làm phục vụ cho các tù nhân khác.

Thường là họ phải chạy một khoản tiền để được ở lại lao động tại trại tạm giam. Dù sao ở tù ngay thành phố gia đình đi thăm nuôi cũng gần và thường xuyên hơn. Vừa đỡ khổ và đỡ tốn kém cho gia đình, mỗi tháng lại được thăm nuôi hai lần.

Có quy định những người có án dưới 5 năm có thể ở lại làm lao động tại trại tạm giam. Nhưng mỗi trại tạm giam chỉ được giữ lại số tù phục vụ không quá 5%, vì vậy nhiều người muốn ở lại phải chạy tiền, An không thuộc loại tù phục vụ này.

Loại thứ hai mới đặc biệt. Loại này là tù hình sự đã bị kết án dài nhưng không muốn đi trại. Họ được lựa chọn và huấn luyện để vào ở chung với các tù nhân mới bị bắt để theo dõi, khai thác thông tin từ những người tù mới, báo cho cán bộ điều tra. Công việc ấy được tù nhân Chí Hoà gọi là “anten” hoặc “nhảy sô”.

Tầng 4 khu AB của trại tạm giam Chí Hoà là một khu chỉ dành riêng cho việc ” nhảy sô”, Chí Hoà có hẳn một đội khoảng 30 tên chuyên “nhảy sô” do trung tá Phú chỉ huy. Bọn này rất xảo quyệt và được sự hỗ trợ của cán bộ điều tra , quản giáo khu A-B, chính đám quản giáo cũng e ngại bọn này vì chúng báo cáo cho cấp trên cả khi phát hiện được quản giáo nào buôn thuốc lào, thuốc lá, chẹt…

An thì tôi biết chắc hắn vào để “nhảy sô” vì hắn được sắp gà đầu tiên và cái lý lịch mà hắn tạo ra có vẻ dễ gần với tôi hơn.

Người còn lại là Hùng, có gia đình theo đạo công giáo, dân Bùi Chu Phát Diệm, thua tôi hai tuổi, nhà ở gần cầu Tham Lương. Gia đình Hùng di cư vào Nam năm 1954. Hùng phạm tội cố ý gây thương tích.

Phòng 60AB rộng 2,2m , dài 5m. Gọi là ” phòng ” cho nó sang chứ thực chất còn tệ hơn cái chuồng heo – Phần bệ xí và sàn rửa chiếm hết 1,0m , giữa bệ xí và phòng giam có một bức tường (10cm) cao khoảng 1,6m, phần sàn còn lại khoảng 4m chiều dài, trải chiếu dài 2m theo chiều rộng của phòng thì chỉ còn 0,2m lối đi.

Tất cả đồ ăn được treo trên một sợi dây chăng dọc buồng từ song sắt cửa sổ đến song sắt ở cửa thông gió phía trên cửa ra vào. Túi đồ đạc của ai để ngay đầu người đó vừa làm gối luôn.

Cửa sổ phía sau buồng giam có song sắt, bên ngoài song là tấm beton chắn nghiêng 45•, che hết cửa nên các buồng giam không thể nhìn ra ngoài được. Buồng 60AB may mắn có ba lỗ thủng trên tấm beton nên vẫn nhìn được ra ngoài, nghe nói ba lỗ đó là do đạn bắn hồi 30/4/75.

Hai người vào trước đã chiếm chỗ nằm gần cửa, tôi trải chiếu chỉ cách cái bệ xí 1m. Sàn buồng giam Chí Hoà được đổ bê tông bằng loại sỏi to bằng đầu ngón chân nên nó sần sùi, lô nhô, một lớp chiếu mỏng trải lên không che hết, nằm rất khó chịu.

Mỗi buổi sáng, khi tiếng kẻng đầu tiên của trại vang lên vào lúc 5:00′, tất cả phải dậy cuốn chiếu lại để lấy chỗ đi lại và tập thể dục….

*****

Hôm nay đã là 29 tết.

Trong phòng giam mỗi người làm một việc chẳng ai nói với ai một lời.

Hùng mấy hôm nay có vẻ bồn chồn, lúc đọc kinh và lần chuỗi tràng hạt mà anh ta tự làm bằng một sợi dây, có thắt nhiều nút thay cho các hạt, thỉnh thoảng Hùng lại nhảy lên bức tường ngăn giữa bệ xí và phòng giam để nhìn sang bên sân bóng Kỳ Hoà. Mấy hôm nay bên sân bóng có mấy cơ quan thuê sân thi đấu, la hét ì sèo.

Hùng không thích đá banh nhưng nó leo lên đứng trên đó chỉ vì muốn nhìn thấy những sinh hoạt ngoài đời…

Thằng An còn nóng hơn, nó đã mấy lần nhờ tay Hùng quản giáo nhắn bác sĩ của trại vào khám cho nó. Chiều nay, bác sĩ của trại lên bảo nó mặc quần áo đi theo xuống dưới. Khi nó đi rồi tôi hỏi Hùng

– Sao bác sĩ không khám cho nó ở đây mà phải đưa nó xuống dưới ?

– Thằng khác bệnh có kêu khản cổ y tá nó còn đéo thèm lên, có lên cũng chỉ khám cho tù ngay trước cửa buồng giam. Thằng này tuổi gì mà nó nhắn ông Hùng phải kêu bác sĩ lên cho nó. Lại còn đưa xuống dưới khám.

– Tôi biết nó được “sắp gà” trước , việc nó đòi khám bệnh chỉ là cái cớ để ra khỏi phòng giam, xuống gặp mấy thằng an ninh báo cáo về tôi .

Đã vài lần nó cứ tìm cách khai thác vụ của tôi một cách trắng trợn, tôi nói thẳng với nó rằng : “Mày có bệnh cao huyết áp mà muốn quậy với tao chỉ có thiệt!”.

Tôi hỏi Hùng :

– Chắc nó hy vọng gặp sếp của nó để xin được ra khỏi biệt giam đón Tết chăng?

Hùng trầm ngâm không nói gì,leo lên bức tường chỗ bệ xí , tay cầm con “bén” của tôi.

– Anh Hải! Anh đọc cho tôi khắc bài thơ ” Khung trời biệt giam” của anh lên đây cho mấy đứa vào sau đọc chơi.

Thế là chúng tôi có trò tiêu khiển. Tôi đọc, Hùng khắc. Gió từ cửa sổ phía sau lùa vào, bụi vôi bay khắp phòng. Tôi vội lấy miếng nilon che mấy “bo” đồ ăn lại.

Chiều muộn, thằng An về và xách theo bao đồ. Nhìn là tôi biết ngay hàng mua từ cantin, vì cantin vẫn đựng hàng bằng cái bao có đánh số này để đám tù lao động đưa đến các buồng giam.

Mặt An lộ vẻ không vui, chắc nó phải ăn tết trong biệt giam với tôi và Hùng.

Hùng nhận bao đồ từ tay An đổ ra sàn buồng giam. Có hai trái bưởi, hai đòn bánh tét, nải chuối và bịch mứt gừng.

– Mình xếp đồ xuống đây làm mâm cúng giao thừa đi.

Hùng vừa nói vừa để nải chuối vào giữa hai trái bưởi rồi lấy đồ ăn của tôi và Hùng xếp lên trên, nhìn gần giống mâm cúng giao thừa tuy không đủ ngũ quả như ngày Tết.

– Còn thiếu gì nữa không ? Tôi hỏi.

– Hay mình làm đôi câu đối ! Hùng đề nghị.

– Ừ nhỉ ! Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ…Có màu đỏ nè, có dầu xanh và vỏ gói mì Hảo Hảo.

– Nhưng câu đối gì đây? Tôi hỏi. Hùng không trả lời, mắt nhìn xa xăm.

Chiều xuống, gió theo suốt dãy hành lang lùa vào khe dưới cánh cửa phòng giam, lạnh ngắt, Hùng nhặt mấy cái túi nilon cuộn lại chèn xuống dưới cánh cửa và cuộn cái mền sợi vào người, trông lụm khụm như một ông lão, nó than thở:

– Tết trong A – B buồn thúi ruột !

Tôi ứng

– Xuân ở biệt giam tái tê lòng.

– Đối thế không hay. Lòng mà tái chắc là không ngon rồi.

Thằng An giờ mới lên tiếng.

– Không hay thì mày đối với Hùng đi.

An lẩm nhẩm một hồi rồi quên luôn.

***************

Hôm nay đã là ngày 30 tết

Thằng An mắc bệnh huyết áp cao lại còn bị đau bao tử nữa, do uống thuốc nhiều nên còn mắc thêm chứng táo bón. Sáng nào nó cũng dậy sớm giành cái bệ xí, ngồi trên đó hàng nửa tiếng. 

Sáng nay, khi đang ngồi trên bệ xí hắn la lên.

– Ra rồi ! Ra rồi!

– Mày rặn được rồi à? Hùng hỏi nó.

– Tao nói ra vế đối. An vừa nói vừa rặn.

– Đối thế nào? Hùng hỏi.

– Xuân ở biệt giam chán nát lòng. Mày thấy không? “Buồn” đối với “chán”, “thúi” đối với “nát”, “ruột” đối với “lòng”. Hai vế đối với nhau chan chát ấy. Anh Hải thấy thế nào ?

– Tao sao cũng được. Nếu mày thích, mày khắc lên đi.

Thằng An quên cả rửa, kéo vội quần lên rồi nhặt lấy con bén, hăm hở khắc câu đối lên chỗ tường gần cửa.

*****

Chiều 30 … Gió vẫn thổi hun hút dọc hành lang, thằng Hùng co ro trong cái mền sợi mỏng, tay lần tràng hạt. Thằng An nằm cuộn trong cái mền, ngủ, tiếng ngáy của nó giống như một chiếc xe đang lên dốc, có khi khựng lại như bị sặc, rồi lại kéo. Hùng nhìn nó vẻ ngao ngán lắc đầu.

Tôi leo lên tường nhìn ra ngoài, cái sân bóng giờ này không còn ai, bên ngoài trời tối sẫm lại im ắng quá. Giờ này chắc mọi nhà đang cố làm cho xong những việc cuối của một năm và bận rộn cho mâm cỗ chiều 30. Đâu đây tưởng chừng như có mùi nhang, mùi những món ăn ngày Tết,có cả tiếng giục giã của người lớn với mấy đứa nhỏ.

Đây là cái Tết đầu tiên trong tù của tôi, lại ở khu biệt giam này. Cả khu AB im lặng, cả cái trại giam mấy ngàn người này cũng im phăng phắc như một nồi thịt đông. Tôi đan nốt chiếc nhẫn có cải hai chữ DC để làm quà cho bạn bè. Hôm trước con trai đến thăm tôi nói nhẫn lần trước bố gửi về con chụp hình đưa lên mạng, các bạn của bố đòi đấu giá. Hai chữ DC muốn đọc là Điếu Cày hay Dân Chủ cũng được.

Sắp đến giao thừa tôi gọi thằng An dậy, bên ngoài đã có tiếng pháo nổ đì đẹt vọng vào. Chúng tôi mỗi người ngồi một chiếu nhìn vào mâm quả, chắc hẳn trong chúng tôi ai ai cũng đều đang nghĩ về những người thân của mình, nghĩ về những dự định của mình ngoài đời còn dang dở. Không khí phòng giam như trầm lắng, Hùng vẫn lần tràng hạt, mắt ngó xa xăm. 

Vậy là tôi đã qua mấy tháng nơi biệt giam này, tuy cũng có những va chạm về quan điểm nhưng chúng tôi vẫn phải sống cùng nhau, những khoảng cách hay là sự cảnh giác của một người tù luôn bị theo dõi cũng tạo ra giữa tôi và An sự dè chừng. Hùng và tôi cũng thế nhưng ít hơn, những lúc An đi làm việc Hùng mới dám trò chuyện chia sẻ vớ tôi.

Dường như số phận đã run rủi chúng tôi ở bên nhau cùng đón giây phút thiêng liêng của một năm mới, nơi tù đày tối tăm nhất. Tôi không biết nên chúc họ điều gì vào thời khắc này? Chúc mừng năm mới ư, khi mà ở chốn này ngày nào cũng giống ngày nào? Người ta không nói dối vào thời điểm thiêng liêng ấy.

Tiếng chuông nhà thờ Vinh Sơn vọng tới như đánh dấu lần đầu một giao thừa trong 4 bức tường ngột ngat, xa xa lũ trẻ nhà ai lén đốt pháo, tiếng pháo rời rạc khiến lòng tôi nôn nao vì nhớ. Nhớ từng khuôn mặt thân quen của bè bạn, nhớ từng góc phố, cửa tiệm những ngày đón Tết.

Bỗng khu KG vang lên tiếng tù nhân đồng loạt aasa.. Như sóng biển tiếp nối từ khu này sang khu khác chạy vòng quanh khám lớn. Đó là một cách đón giao thừa của tù nhân trại giam Chí Hoà.Tiếng đám quản giáo rầm rập chạy vào, nộ lạt.

Tôi chia mỗi người một hộp sữa và chúng tôi cụng ly …

– Chúc mừng năm mới. Chúc các anh sớm được tự do. Tôi chúc.

– Chúc mừng năm mới. Chúc anh mạnh khoẻ. Hùng chúc tôi vậy.

– Chúc mừng năm mới. An ngắn gọn.

Tôi đọc bài thơ tết cho cả hai nghe. Ở ngoài kia tiếng pháo thưa dần, nhà tù cũng im lìm trở lại. Tết chỉ lướt qua chúng tôi, thật nhanh, rồi trả mỗi người chúng tôi trở về với những suy nghĩ riêng của mình.

“Tết này không rượu cũng không trà

Không pháo mừng xuân, không có hoa.

Tết xa bè bạn, xa con cái

Tết ở biệt giam, Tết Chí Hoà.

Khắc vội lên tường đôi câu đối

Thăm nuôi vài món xếp nền nhà.

Khói hương tưởng có mang lời khấn.

Tự do Dân chủ đến nước nhà.

Mong một ngày con sớm gặp cha.

Vợ gặp chồng sum họp một nhà.

Bạn bè tranh đấu đòi dân chủ.

Sớm được tự do ta gặp ta.

Vẳng tiếng chuông xa báo giao thừa.

Đón mừng năm mới, năm cũ đưa.

Mỗi người hộp sữa thay ly rượu.

Tù đón giao thừa cũng say sưa.

Chí Hoà 2008

Bài thơ này tôi làm vào dịp Tết ở Chí Hoà năm 2008. Năm nay 2016, đón tết ở California lần này là lần thứ hai. Ở đây cảnh vật vui tươi, người người nhộn nhịp, nhưng không hiểu sao lòng tôi vẫn u quạnh nhớ về cái Tết Chí Hoà năm ấy.

Blogger Điếu Cày

Garden Grove Nov. 03/2015.


TRẠI 6

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 5)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 6)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 7)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 8)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT(Phần 9)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần cuối)

Tết Chí Hoà

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular