VNTB-Thường Sơn
(VNTB) – Facebooker Trần Hoàng Hận đã trở thành một trong những bằng chứng sống đầu tiên cho thấy Chương trình lắp 10.000 camera giám sát của chính quyền TP.HCM chỉ nhằm bưng bít thông tin và bịt miệng tiếng nói phản biện xã hội của người dân.
Chưa có một báo cáo hoặc một thống kê nào nêu lên tính hiệu quả của việc lắp đặt camera ở TP.HCM, trong lúc tỷ lệ tội phạm trộm cướp vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Chỉ vì anh Hận đi dọc theo đường Nguyễn Huệ ở trung tâm Sài Gòn để quay vài đoạn phim để làm clip cảnh báo mọi người hạn chế ra đường trong thời điểm Sài Gòn có bụi mù mịt, anh đã bị một số nhân viên an ninh thường phục chạy đến tấp đầu xe đưa thẻ công an, đòi kiểm tra máy quay, máy điện thoại để xem “quay với mục đích gì” rồi buộc anh về công an phường Bến Nghé “làm việc”.
“Về đến phường mấy anh bảo đem đồ ra hết để kiểm tra. Thấy mình quăng ra có thêm máy ghi âm mấy anh có vẻ chú tâm vào hỏi tại sao lại có máy ghi âm và dùng với mục đích gì… Cuối cùng mấy anh cũng tin vào sự thật nhưng vẫn sợ bỏ sót gì đó nên bắt mình xoá hết video và file ghi âm. Hoàn cảnh trớ trêu nên đành xoá cho nhanh để được về“ – Trần Hoàng Hận thuật lại.
Đề án “Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung” đã được Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM trình cho Ủy ban nhân dân TP.HCM vào tháng 8 năm 2019. Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.
Theo Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, mạng lưới camera có mục đích giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng… Bên cạnh đó, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nhưng một số nhà quan sát độc lập cho rằng đề án này nhằm mục đích chính là không muốn cho người dân thể hiện quyền cá nhân, không muốn người dân ra đường nói lên tiếng nói của mình, mà vụ công an bắt giữ vô pháp Facebooker Trần Hoàng Hận là một trường hợp điển hình.
Cũng theo nhận định của những nhà quan sát độc lập này, Sở TT&TT đề xuất dự án camera giám sát rồi trình lên cho chủ tịch thành phố, Chủ tịch thành phố chỉ việc ký vào đề án đó mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào để xem xét về tính hợp hiến. Trong khi đó, một số quốc gia như Hàn Quốc cấm các cơ quan hành pháp theo dõi công dân. Nếu muốn theo dõi một công dân thì cần phải có các thủ tục tư pháp.
Trong thực tế, rất nhiều quốc gia cấm chính quyền lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt một cách tự động ở những nơi công cộng bởi xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của người dân, mà được phép lắp đặt các hệ thống camera bình thường.
Trong thực tế, chưa có một báo cáo hoặc một thống kê nào nêu lên tính hiệu quả của việc lắp đặt camera, trong lúc tỷ lệ tội phạm trộm cướp vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Tình hình trên cho thấy chính quyền TP.HCM chỉ viện dẫn lý do là quản lý xã hội nhằm phòng chống tội phạm để phía hành pháp tự tiến hành lắp đặt hệ thống camera này – như một cách ‘móc túi’ tiển đóng thuế của người dân nhưng lại dùng chính camera giám sát để bịt miệng người dân.
Cũng rất đáng lo ngại là dự án lắp đặt hệ thống camera để nhận diện khuôn mặt được chính quyền TP.HCM thực hiện là ‘sao y bản chánh’ mô hình giám sát công dân của Trung Quốc.
Báo South China Morning Post cho biết Trung Quốc đang là nước có số lượng camera có khả năng nhận diện khuôn mặt cũng như hành vi người dân được lắp đặt ở nơi công cộng nhiều nhất trên thế giới với gần 200 triệu camera giám sát. Đặc biệt nhiều tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Mỗi người dân Trung Quốc khi ra đường sẽ bị giám sát bởi 2 camera an ninh.
——————————————