Friday, October 11, 2024
HomeDU LỊCHBLOGSau tính lại, GDP Việt Nam tăng 25,4% là nhằm… 'tranh' chiếc...

Sau tính lại, GDP Việt Nam tăng 25,4% là nhằm… ‘tranh’ chiếc ghế tổng bí thư?

VNTB-Thảo Vy

(VNTB) – Ở kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây, xem ra Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đĩnh đạc phát biểu những lời có cánh về nền kinh tế ở nhiệm kỳ điều hành của ông ta…

Tháng 8/2019, khá bất ngờ khi ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê công bố GDP bình quân đầu người của Việt Nam sau khi tính toán lại đạt khoảng 3.000 USD ở năm 2018, thay vì mức 2.590 USD theo số liệu báo cáo trước đó.

Nhắc lại sự kiện trên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu tại buổi công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019 vào sáng 25/9, rằng GDP Việt Nam giai đoạn 2011-2017 tăng đến 25,4% như thông báo của ông Nguyễn Bích Lâm sau tính toán lại ‘là khá lớn’.

Tuy nhiên việc này không thay đổi nợ công danh nghĩa, nguồn thu của chính phủ và nhiều chỉ số khác; chủ yếu nó mang đến cảm giác là ở Việt Nam, ‘mọi chuyện có vẻ ổn và tốt hẳn lên’; trong đó dường như có phần công lao của chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cô giáo dạy môn địa lý, bà Nguyễn Thu Dung nói rằng với công bố của ông Lâm, xem ra giáo án về địa kinh tế khi giảng cho học trò cũng phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên phải điều chỉnh với những căn cứ ra sao, thì điều đó chưa thấy cơ quan hữu trách nào đưa ra hướng xử trí mới về cách thống kê này.

Theo phân tích của cô giáo Nguyễn Thu Dung, GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người có một yếu tố trùng nhau, là thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người không bao gồm thuế sản xuất, tức thu của nhà nước, và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất, tức thu của doanh nghiệp, nhưng thu nhập bình quân đầu người lại bao gồm cả phần thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng.

Tài liệu phục vụ việc biên soạn giáo án của cô Thu Dung cho thấy, ở bản báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, nhờ kinh tế xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng, khoảng 240,5 tỷ USD, gấp trên 1,3 lần năm 2015.

GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Nếu tính theo ngang giá sức mua [*] thì thu nhập đầu người năm 2018 ước đạt 7.640 USD, với mức tăng bình quân 6% hàng năm, đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.580 USD.

Như vậy, khi điều chỉnh GDP bình quân đầu người lên mức 3.000 USD năm 2018, thì cần điều chỉnh tương ứng về chuyện ngang giá sức mua cho thu nhập bình quân đầu người cũng ở năm này, cũng như cả giai đoạn tương ứng trước đó 2011-2017. Lưu ý là tất cả số liệu còn cần phù hợp với luồng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế thì thu nhập của người lao động là không tăng, kể cả khi lương buộc phải tăng theo những quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính hàng năm, song so giá cả hàng hóa chung cho tiêu dùng thì thu nhập lại giảm vì làm ăn ngày một khó khăn.

Điều đó cho thấy nếu con số thống kê là tin cậy, đồng nghĩa khoản cách giàu nghèo theo cách tính ‘thu nhập đầu người’ ở Việt Nam đang quá lớn. Đây sẽ là một cảnh báo cho manh nha đấu tranh giai cấp, khi mà ở Điều 4, Hiến pháp ghi đảng cộng sản là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân. “Tiên phong” thì phải đem lại sự sung túc cho người lao động chứ không phải là thực tế khốn khó của người lao động lâu nay.

Cô giáo Nguyễn Thu Dung bình luận rằng bà có cảm giác chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang cố gắng thông qua những con số mang dáng dấp của toán học thống kê, nhằm khoe mẻ về khả năng điều hành đất nước của mình. Điều này kỳ vọng sẽ mang đến cho ông Phúc thêm nhiều lá phiếu tín nhiệm rất có lợi ở giai đoạn đang cơ cấu nhân sự nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền – thậm chí cả dự tranh chiếc ghế quyền lực nhất: Tổng bí thư.

“Về nguyên tắc, GDP bình quân người có thể tính theo giá thực tế bằng nội tệ hoặc ngoại tệ, cũng có thể tính theo giá so sánh khi tính tốc độ tăng. Việc thổi phồng giá trị GDP danh nghĩa, trong khi lại loay hoay bài toán tỷ giá là những lựa chọn kiểu tự ru ngủ. Một cách nữa là nếu đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thì nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, khi ấy sẽ không còn lăn tăn chuyện đấu tranh giai cấp nữa trong đảng cầm quyền. Tuy nhiên nên nhớ là bản chất nền kinh tế đã diễn ra như thế nào, thì sẽ vẫn như vậy!”. Bà giáo Nguyễn Thu Dung nhận xét.

Trước mắt ở kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây, xem ra Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đĩnh đạc phát biểu những lời có cánh về nền kinh tế ở nhiệm kỳ điều hành của ông. Theo đó, nợ công hiện ở ngưỡng 58,4% GDP sẽ về dưới 50% khi quy mô nền kinh tế được đánh giá lại. Tương tự, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP sẽ giảm dưới 40%, đầu tư công trên GDP cũng giảm xuống 23-24% so với mức 30% hiện tại. Một bức tranh đẹp của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Chú thích:

[*] Lý thuyết ngang bằng sức mua (purchasing power parity theory) là lý thuyết về tỷ giá hối đoái cho rằng trong chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, tỷ giá hối đoái sẽ điều chỉnh để loại trừ những khác biệt về tỷ lệ lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau nhằm duy trì sự cân bằng cán cân thanh toán.

—————————————-

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular