Tuesday, December 3, 2024
HomeBLOGNhững người thực thi pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật:

Những người thực thi pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật:

DC.

Sáng ngày 28/3/2019, bà Cao Thị Xuân Phượng vợ Blogger Trương Duy Nhất nhận được thư của Thanh Tra Bộ Công An thông báo về việc họ đã nhận được Đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân mà bà đã gởi vào ngày 9/2/2019, cách đó hơn tháng rưỡi và họ đã chuyển đơn đến chánh văn phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An. Thông báo này được ký ngày 20/3/2019.

Nhưng cho đến nay, cơ quan Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức cho gia đình Blogger Trương Duy Nhất

Bắt bí mật, giam bí mật

Chúng ta hãy điểm lại những mốc thời gian để biết sự thật đã được che giấu như thế nào và những cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã hành xử vô pháp ra sao.

Vào buổi chiều ngày thứ năm 25/01/2019 Trương Duy Nhất đã đến Văn phòng Cao uỷ Tị Nạn Liên Hợp Quốc tại Bang Kok Thái Lan xin quy chế tị nạn chính trị.

Theo những tin tức cuối cùng mà bạn bè và gia đình biết được thì blogger Trương Duy Nhất đã mất liên lạc với gia đình sau khi đến trung tâm mua bán Future Park, ngoại ô Bangkok chiều ngày 26/1. 

Kể từ thời điểm đó, gia đình và bạn bè đã chuyển thông tin và chứng cứ Trương Duy Nhất đã đến Bangkok xin tỵ nạn tới các tổ chức Nhân quyền và Bảo vệ Nhà báo nhờ tìm kiếm và lên tiếng giúp đỡ.

Vào ngày 01/02/2019 trang Vietnamese đăng tin đầu tiên về vụ mất tích của Blogger Trương Duy Nhất.

Ngày 5/02/2019 Human Rights Watch lên tiếng yêu cầu Thailand điều tra vụ mất tích Blogger Trương Duy Nhất.

Ngày 6/02/2019 CPJ lên tiếng yêu cầu Thailand điều tra vụ mất tích Blogger Trương Duy Nhất.

Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.

Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan “chỉ vì một nguyên nhân”.

“Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái nên mở ngay điều tra.”

Trên các báo quốc tế, vụ việc ông Trương Duy Nhất ‘bị mất tích’ đã được đăng khá nhiều trong các bài đăng hồi tháng 2. như BBC, RFA, VOA, The Guardian ở Anh có bài hôm 05/02/2019, 

Washington Post ở Hoa Kỳ thì có blog mới nhất hôm 11/02/2019 nói ông Nhất là một cây bút bất đồng chính kiến, “bị mất tích, và mối nghi ngờ chính hướng tới Việt Nam”

Vào ngày 7/2. Tin từ BBC

Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.

Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.

“Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này,” ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.

Ngày 9/02/2019 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng khuyến khích Thailand điều tra vụ mất tích của Blogger Trương Duy Nhất.

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future Park, ở Bangkok ngày 26/1.

Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với “các nguồn độc lập giấu tên”.

Vào ngày 11/2/2019 Bangkok Post đăng bài : Sự Kinh Hoàng Của Những Người Bị Mất Tích viết về trường hợp bị bắt cóc của Blogger Trương Duy Nhất.

“Các trường hợp mất tích đột ngột của các nhà bất đồng chính trị tiếp tục xảy ra. Trường hợp mới nhất đã xảy ra vào ban ngày, ngay bên trong một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Bangkok. Trương Duy Nhất, một nhà báo và blogger nổi tiếng tại Việt Nam đã bị bắt giữ và bị lôi ra khỏi trung tâm mua sắm Future Park. Ông ta vừa mới đăng ký thông tin cá nhân và xin tị nạn tại Văn Phòng Tị Nạn Liên Hợp Quốc. Sự mất tích của ông ấy vào ngày 26 tháng 1 đã nhận được sự im lặng thường lệ của các chính quyền có liên quan.

Các nhân chứng về vụ bắt cóc ông Nhất đã được tìm thấy và được phỏng vấn – nhưng không phải bởi chính quyền Thái Lan hay các nhà ngoại giao Việt Nam nhằm bảo vệ công dân của họ. Quan chức duy nhất của Thái Lan, người có đưa ra mối quan tâm là giám đốc cấp cao của Cảnh Sát Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, Thiếu úy Gen Surachate “Big Joke” Hakparn. Phản ứng không thể chấp nhận được của ông ta mới xảy ra tuần trước. Ông ta nói rằng ông không thể tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông Nhất đã vào Thái Lan nhưng ông ta sẽ cố gắng điều tra các báo cáo về sự mất tích của ông Nhất.

Ít nhất đó là sự thừa nhận rằng các cơ quan chức năng đã lưu ý về những gì gần như chắc chắn là bạo lực của người nước ngoài xảy ra trên lãnh thổ Thái Lan.”

Bangkok Post là tờ báo lớn của Thailand, khẳng định đây là một vụ bắt cóc và họ đã tìm thấy các nhân chứng và phỏng vấn. Đó là một mốc quan trọng cho những người tìm kiếm và các tổ chức Nhân quyền, ngoại giao vào cuộc.

Ngày 05/3/2019 BBC có bài Thái Lan có điều tra thêm vụ ông Trương Duy Nhất ‘mất tích’?

“Gần một tháng sau khi lãnh đạo cơ quan di trú Thái Lan tuyên bố sẽ điều tra việc blogger Trương Duy Nhất bị mất tích, vụ một người Việt ở Bangkok bị cảnh sát giữ vì giấy tờ cư trú đang gợi lại các câu hỏi về vụ blogger Trương Duy Nhất ‘mất tích’.

Tin ông Phạm Cao Lâm, một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Bangkok, cùng gia đình, bị cảnh sát Thái Lan bắt ngày 1/3 làm xôn xao dư luận.

Hôm 2/3, một nguồn tin ẩn danh cho BBC biết, chiều hôm trước, thứ Sáu 1/3, ông Phạm Cao Lâm và vợ bị cảnh sát Thái Lan đến nhà mời về đồn.

Cảnh sát hỏi ông Lâm về một nhân vật đã giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ông đến Bangkok để tìm cách tới cơ quan Cao ủy Tỵ nạn (UNHCR) nộp đơn xin tỵ nạn, theo nguồn tin ẩn danh nói trên.

Vợ con của ông Cao Lâm bị trục xuất cuối tuần trước, và bản thân ông sẽ phải rời khỏi Bangkok, nơi họ đã sinh sống trong 16 năm qua, vào sáng thứ Ba ngày 12/3.

Việc cảnh sát Thái Lan bắt ông Phạm Cao Lâm và gia đình, rồi cuối cùng trục xuất họ, được cho là vì trước áp lực quốc tế, Thái Lan muốn tìm ra manh mối cho cuộc điều tra về sự mất tích của blogger Trương Duy Nhất.

Cùng lúc, Tổ chức Human Rights Watch công bố yêu cầu đối với Liên Hiệp châu Âu (EU), nhắc tới vụ việc này và cho rằng EU cần nêu với phía Việt Nam trong kỳ đối thoại nhân quyền lần thứ tám ở Brussels sắp bắt đầu hôm 4/03/2019.”

Với lượng thông tin lớn như vậy và các tổ chức Nhân quyền quốc tế, ngoại giao vào cuộc, cùng kết quả cuộc điều tra của Thailand, các cơ quan có liên quan của Việt Nam vẫn im lặng.

thư của Thanh Tra Bộ Công An thông báo về việc họ đã nhận được Đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân mà bà đã gởi vào ngày 9/2/2019, cách đó hơn tháng rưỡi và họ đã chuyển đơn đến chánh văn phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An.

Thông tin manh mối đầu tiên về số phận của Blogger Trương Duy Nhất sau nhiều tháng mất tích lại đến từ một cuộc gọi nặc danh cho vợ ông.

Theo BBC Việt ngữ, dẫn lời cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất, cho biết: “Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16”.

Cũng theo nguồn tin này, hôm 20/3, vợ ông Nhất từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội nhằm xác thực thông tin về nơi giam giữ chồng mình. (Luật Khoa-BBC)

Ngày 20/3/2019 Nhà văn Phạm Xuân Nguyên viết về chuyến đi thăm Trương Duy Nhất tại trại tạm giam T16.

“Thế là câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng cho câu hỏi TDN ở đâu vẫn chưa có. Nhưng trên thực tế TDN đã ở Hà Nội, tại trại tạm giam T16 của cơ quan cảnh sát điều tra, bộ CA. Không biết từ đâu thông tin này đến được vợ Nhất và chị đã gửi một lá đơn đến nơi đó xin được thăm gặp chồng. Sáng nay (20/3/2019) vợ Nhất bay từ Đà Nẵng trên chuyến bay sớm, dự tính 7h30 đến Hà Nội. Nhưng trời nhiều sương mù, máy bay vòng vòng hồi lâu vẫn không hạ cánh xuống được Nội Bài, phải đỗ xuống Cát Bi (Hải Phòng), từ đó một giờ sau mới lại bay về Hà Nội. Buổi chiều tôi đã chở vợ Nhất đến T16 (Thanh Oai). Trại chưa cho thăm gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ Nhất mang rất nhiều thức ăn và quần áo từ Đà Nẵng ra cho chồng, nhưng quy định của trại chỉ cho chuyển vào rất ít, cùng với một số tiền gửi nhất định để mua thức ăn ở căng tin trại. Và trại đã cấp cho vợ Nhất một “Sổ tiếp tế, thăm gặp” cho những lần sau. Theo sổ này thì TDN bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16.”

Ân Xá Quốc tế hôm 21/3 ra thông cáo kêu gọi chính phủ Thái Lan và Việt Nam trả lời những câu hỏi về sự biến mất đột ngột của blogger Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn hồi cuối tháng 1 vừa qua, và nay lại bị giam giữ tại một trại giam ở Hà Nội.

“Nếu ông ta bị giam giữ thì ông ấy cần phải được tiếp xúc ngay lập tức với luật sư và cần phải được đưa ra trước thẩm phán. Nếu giới chức Việt Nam không đưa ra được bằng chứng chắc chắn để giam giữ ông Nhất, thì họ phải trả tự do cho ông ngay lập tức”, bà Joanne Mariner nói.

Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng từ Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An Việt Nam.

Văn bản của Thanh Tra BCA gửi cho bà Cao Thị Xuân Phượng ký cùng ngày 20/3/2019 cũng chỉ thông báo đã chuyển đơn của  cho cơ quan CSĐT.

Thông tin mới nhất :

Hôm nay (28/3/2019) 12 Nghị sĩ Quốc Hội EU đã gửi thư thúc giục Bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Ủy ban EU ngay lập tức nêu sự việc của Trương Duy Nhất và Bạch Hồng Quyền với chính quyền Thái Lan.

Trong thư, các Nghị sĩ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc mà họ cho là ‘vụ bắt cóc nhà báo độc lập Trương Duy Nhất’ diễn ra ở Bangkok, Thái Lan. Các Nghị sĩ nói họ có lý do để tin rằng chính quyền Thái Lan đã cộng tác với chính quyền Việt Nam để cưỡng bức ông Nhất hồi hương và đòi hỏi Thái Lan phải có câu trả lời ngay lập tức về vai trò của nước này trong sự kiện mà họ gọi là ‘một vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng’.

VỤ TRƯƠNG DUY NHẤT – BẠCH HỒNG QUYỀN ĐÃ LÊN BÀN NGHỊ SỰ EU

Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An đã vi phạm pháp luật.

Theo Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị bắt giữ, cơ quan điều tra phải thông báo cho gia đình người bị bắt giữ biết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra tiến hành vụ bắt giữ đã không thông báo cho gia đình ông theo như luật định.

Dù thân nhân của Trương Duy Nhất đã gửi “đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân” đến cơ quan chức năng Việt Nam vào ngày 9/2 để làm rõ tình trạng của ông nhưng không được phản hồi. Đến thời điểm này, vẫn không một thông báo hay quyết định từ cơ quan chức năng xác nhận chính thức về việc đã bắt và giam giữ ông Trương Duy Nhất.

Luật nhân quyền quốc tế cấm – mọi lúc và mọi nơi – hành vi bắt giữ mà không thừa nhận, bắt giữ bí mật, giam giữ bí mật, bắt cóc hay cưỡng bức mất tích (Đoạn 13, Bình luận chung số 29 của Ủy ban Nhân quyền LHQ)

Vi phạm quyền gặp thân nhân và người bào chữa

Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 9 Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam quy định, người bị giam giữ có quyền được gặp thân nhân và người bào chữa. Cũng theo luật này, tại Điều 22 quy định, người bị giam giữ được gặp thân nhân một lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá một giờ; và người bào chữa được gặp người đang bị giam giữ để thực hiện bào chữa.

Tuy nhiên, đã gần hai tháng bị giam giữ, không một thân nhân, luật sư đại diện nào của ông Trương Duy Nhất được cơ quan chức năng cho phép tiến hành cuộc thăm gặp nào, dù luật sư Trần Vũ Hải đã đến Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An.

Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định, việc thăm gặp của thân nhân có thể bị từ chối trong một số trường hợp nhằm đảm bảo bí mật công tác điều tra vì lý do an ninh quốc gia, nhưng với điều kiện Viện Kiểm sát phải trả lời bằng văn bản và giải thích rõ lý do từ chối cho thăm gặp.

Việc từ chối cho thăm gặp trong trường hợp của ông Trương Duy Nhất đã không đáp ứng được điều kiện theo luật định. Hành vi này của cơ quan điều tra và trại giam T16 đã vi phạm vào quy định bị nghiêm cấm, đó là, cản trở người đang bị giam giữ thực hiện quyền thăm gặp thân nhân và người bào chữa, được quy định tại Điều 8 Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam.

– Bắt người không lệnh, không biên bản, như vậy là bắt cóc bất hợp pháp.

– Theo điều 116 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, sau khi bắt giữ người 24 giờ, người ra lệnh bắt giữ phải thông báo cho gia đình người bị bắt giữ. Thế nhưng gia đình và luật sư được uỷ quyền đã gửi nhiều đơn thư đến lãnh đạo của Bộ Công An và trực tiếp đến cơ quan Bộ Công An đề nghĩ xác nhận có hay không việc bắt giữ ông Trương Duy Nhất nhưng không được trả lời cho đến ngày 15/3/2019 vợ ông nhận được cuộc điện thoại báo ông bị giam tại trại tạm giam T16.

-Theo điểm d, khoản 1, điều 9, Luật Thi Hành Tạm Giữ, Tạm Giam quy định: người bị giam giữ có quyền được gặp thân nhân và người bào chữa. Thế nhưng vợ ông Trương Duy Nhất cũng đã có đơn đề nghị được gặp ông để biết tình hình sức khoẻ nhưng không được giải quyết. Luật sư Trần Vũ Hải được gia đình mời bào chữa cho ông Trương Duy Nhất đã nhiều lần đến cơ quan điều tra yêu cầu được gặp ông nhưng vẫn không được gặp.

Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An là nơi bảo vệ pháp luật, nhưng lại vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế và đã vi phạm vào những quy định bị nghiêm cấm trong luật pháp của chính quốc gia thì cơ quan này đang bảo vệ pháp luật hay đang bị thao túng bởi một nhóm người nào ?

 

DC Tổng hợp.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular