Blog VOA
Trân Văn
Tuần này, Thượng tướng Võ Trọng Việt, cựu Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, hiện đang là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14, đột nhiên tách ra, vượt lên, qua mặt tất cả các cá nhân và các sự kiện đáng chú ý nhất cả tại Việt Nam lẫn trên thế giới để đứng ngất ngưởng trên đỉnh dư luận.
Clip chỉ 16 giây, ghi lại một phần rất nhỏ phát biểu của tướng Việt – nhằm thuyết minh lần cuối cho Dự luật về An ninh mạng, trước khi các đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu quyết định về số phận của dự luật này – chắc chắn sẽ còn làm dân chúng Việt Nam nhớ lâu, nhắc nhiều đến tướng Việt cả ở hiện tại lẫn tương lai.
Trong 16 giây ấy, người ta thấy tướng Việt cặm cụi đọc rõ to với nỗ lực rõ là phi thường và từng chữ tuần tự bật ra: Hiện nay, ‘gu gờ’ và ‘bê… bê tê bốc’ đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore. Nếu qui định của luật này có hiệu lực thì doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi…
***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là dù cùng xem, cùng nghe clip vừa kể nhưng độc giả các diễn đàn điện tử, người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ không thể đoán định chính xác tướng Việt đề cập đến thứ gì. Có người bảo tướng Việt đề cập đến “bê… bê tê bốc”, người khác bảo rằng, rõ ràng họ nghe tướng Việt nhắc tới “pha xê bốc”, người khác nữa khẳng định, không phải, đó là “phê tê bốc”, là “tuýt tê tê bốc”…
Ông tướng ba sao, giờ đang là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14 quả là tài, chỉ nói một câu đủ khiến thiên hạ cãi nhau như… mổ bò mà vẫn không thể nhất trí với nhau rằng thực ra ông đã nói gì.
Dù bất đồng như vậy nhưng nhìn chung, tướng Việt đã giúp nhiều người cảm thấy vui. Duong Thang thú thật, có thể do Thang… ngu nên nhiều lúc không hiểu các viên chức của Việt Nam nói gì. Tuy nhiên Thang rất yêu sự hài hước của các viên chức Việt Nam. Ban Thang – Le Binh Lu tâm sự: Đây là lần đầu tiên nghe nói đến món “phê tê bốc”. Tôi đồ chừng rằng món này do các viên chức cao cấp nhà ta mới chế ra thì phải (?). Sở dĩ gọi là “phê tê bốc” có thể vì “bốc” xong sẽ rất “phê”!
Thêm tướng Việt là lý do Ngô Hải Cồ đưa ra nhận định: Đại biểu quốc hội đang là đề tài cho mọi tầng lớp nhân dân khai thác để viết truyện cười. Thế mới là đại biểu của Quốc hội Việt Nam chứ. Giống như khán giả của vô số cuộc thi chọc cười được tổ chức liên tục tại Việt Nam trong vài năm gần đây, Ngô Hải Cồ hò hét: Các vị đại biểu cố lên! Cố lên! Gần bằng Sạc Lô (Charlie Chaplin) rồi đó!… Và kêu gọi bạn bè: Vỗ tay! Vỗ tay!..
Hết bình phẩm về “bê… bê tê bốc”, “pha xê bốc”, “phê tê bốc”, “tuýt tê tê bốc”… thiên hạ chuyển qua luận bàn về “đám mây điện toán”, “đám mây ảo”.
Quyết tâm kéo những đám mây điện toán, đám mây ảo về…Việt Nam làm người ta cười không nổi. Số người khẳng định đó là bằng chứng rõ ràng nhất về sự ngu ngốc, không chỉ của riêng tướng Việt, đông tới mức khiến cho Ngoc Vinh phải buột miệng than: Vừa thức, mở điện thoại đã nghe tiếng chửi rủa “những thằng ngu ở Quốc hội” dậy trời, dậy đất. Ngay cả những người bạn nhu mì, trước đây chỉ lo làm ăn và tuyên bố không quan tâm đến chính trị cũng chửi xối xả. Em phải tin ai đây mấy thím, tin ai giữa dân và các “bậc hào kiệt” này đây mấy thím?..
Để chứng minh mình không nói… điêu, Vinh trưng một số dẫn chứng là ảnh chụp ý kiến của một số bạn bè, chẳng hạn như: Nguyen Ba Ngoc (Chúng ta không thể chống lại được những thằng ngu bởi chúng quá đông và ngồi ở những vị trí có thể ký hay bấm nút được)… Bạn Vinh – Đức Hoàng, ban khoăn: Ông bà nói “Cháu nó lú có chú nó khôn”, giờ chú nó ở đâu ta?..
Quyết tâm kéo “đám mây điện toán”, “đám mây ảo” về Việt Nam là gợi ý để Đào Tuấn đưa ra nhiều đề nghị: Sau khi đã kéo được mây về thì buộc chủ các máy tính phải trang bị bình cứu hỏa vì tường lửa có thể gây hỏa hoạn. Mặt khác cần buộc phải dán tem cho… email để tránh thất thu! Chắc chắn sẽ khả thi vì chúng ta có quyết tâm chính trị. Tuy nhiên chúng ta phải nhập… I ốt nữa. UNICEF và WHO vừa cảnh báo, Việt Nam nằm trong nhóm 19 quốc gia thiếu I ốt.
Tran Phi Tuan và bạn bè thì nhìn quyết tâm kéo “đám mây điện toán”, “đám mây ảo” về Việt Nam dưới một góc độ khác. Tuấn nêu ra hàng loạt thắc mắc, kéo về thì đặt ở đâu? Sài Gòn, Hà Nội, hay Bình Thuận? Hoặc chia nhỏ ra ba đặc khu? Các địa phương sẽ “chạy” ưu đãi như thế nào để đưa đám mây về chỗ mình? Đám mây này đã được thanh lọc chưa vì có thể chứa nhiều chất độc? Đã cân để biết đám mây này nặng bao nhiêu nhằm tìm sợi dây cho thích hợp chưa (?), nếu không, dây đứt như diều thì nó lại lạc mất! Dây nên sản xuất trong nước hay nhập khẩu và phải nhớ ‘nay ở trong mây luôn có sét”!
Kéo về ở độ cao bao nhiêu cũng cần tính toán, 10.000 mét sẽ đụng máy bay, thấp hơn thì có khả thi không? Lỡ đụng phải máy bay, gây tai nạn, ai đền? Lơ mơ có thể ra tòa quốc tế chứ chẳng chơi! Kéo về rồi thì ứng dụng thế nào? Để che bớt ánh nắng chói chang của mùa hè, hay gây mưa tưới cho đất đai đang khô hạn? Chưa kể phải tính trước sẽ đàm phán với những đâu để kéo mây về: Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Phê xê bốc hay Gu gờ?…
Hàng loạt thắc mắc của Tuan khiến ban của Tuan – Nguyen Nam Chà tỉnh ra: Không ngờ quyết tâm chính trị đơn giản mà thực hiện lại phức tạp nhỉ. Tuan xác nhận: Phức tạp lắm. Đấy là chưa kể kinh phí sẽ do ngân sách hay xã hội hóa? Sẽ là BOT hay BT… Một người bạn khác – Nguyen Nam đề nghị Tuan: Anh có uy tín nên đề đạt các cụ có cơ chế di chuyền mây thật nhanh. Chỗ nào mưa hơi to một tí thì kéo qua chỗ khác, kẻo tụ nước rồi bọn xấu lại làm mất… đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng uy tín chế độ.
Trong khi Tran Phi Tuan và bạn bè nêu ra đủ thứ phức tạp, rủi ro trong chuyện thực hiện ý tưởng kéo các “đám mây điện toán”, “đám mây ảo” về Việt Nam, Trương Châu Hữu Danh tuyên bố: Chỉ cần 423 người (số đại biểu bỏ phiếu tán thành biến Dự Luật An ninh mạng thành luật) là đủ để kéo mây từ Hồng Kông, Singapore về Việt Nam. Sau đó, Danh tâm tình thêm rằng Danh thấy tội nghiệp tướng Việt, chắc người thân của ông buồn lắm. Danh có nhiều bạn bè trong quân đội, công an, trẻ, có trình độ, tâm huyết nên clip làm Danh thấy thương họ. Tuy nhiên thương nhất vẫn là… chúng mình!
Cũng theo hướng đó, Ngô Thanh Tú bảo rằng, khác với nhiều người, Tú không ngạc nhiên sau khi xem clip để đời của tướng Việt. Trước nay, hệ thống công quyền Việt Nam đâu có thiếu những viên chức cao cấp mà hiểu biết hạn chế như vậy. Theo Tú: Cái khốn nạn của dân tộc này là vận mệnh quốc gia lại nằm trong tay của những kẻ đó. Giữa làn sóng bình luận, đủ cả “thất tình, lục dục” về về “bê… bê tê bốc”, “pha xê bốc”, “phê tê bốc”, “tuýt tê tê bốc”, “đám mây điện toán”, “đám mây ảo”,… có những facebooker như Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định rất gọn: Thực phẩm hết hạn thì không thể ăn, quan niệm quá hạn cũng vậy, không thể sử dụng.
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.
Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…
Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.
Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.