– Đây là status của blogger Lê Diễn Đức:
“Một nền văn học có nhất thiết cần được nuôi dưỡng trong một xã hội khai phóng, tự do mới phát triển? Tôi nghĩ không nhất thiết.
Việt Nam Cộng Hoà có 20 năm khai phóng, tự do đấy nhưng kho tàng văn học chẳng có gì đáng tự hào. Hơn 40 năm ở nước ngoài, sống ở các nước dân chủ, tự do, cộng đồng người Việt đã sản sinh ra tác phẩm văn học nào nổi tiếng ở tầm quốc tế ?
Thế nhưng, trong môi trường bóp nghẹp tự do vì chính sách kiểm duyệt của chế độ cộng sản vẫn tạo nên những áng văn chương bất hủ.
Các tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel Văn học như Andrei Sacharov, Alexsandr Solzhenitsyn (Liên Xô cũ), Czeslav Milosh (Ba Lan), Herta Muller (Romania) hay gần đấy nhất, của Svetlana Alexievich của Belarus, khôi nguyên Nobel Văn học 2015, đều ra đời trong không khí ngộp thở ấy.
Rõ ràng dân Việt Nam chẳng có tài cán gì về văn chương, các tác phẩm từ xưa đến nay cũng chỉ thuộc loại “ao nhà”, chưa vượt qua được luỹ tre làng. Mỗi thi phẩm “Kiều” của Nguyễn Du thì lại vay mượn cốt chuyện của Tàu. Nếu có tự hào thì đấy chính là sự an ủi, tự sướng!”
Đọc được cái status này của blogger, nhà báo Lê Diễn Đức, tôi thấy cần phải nói lại vài ý như sau:
Thứ nhất văn học dưới thời VNCH có thể không có gì đáng tự hào nhưng cũng hơn hẳn văn học dưới chế độ XHCN ở miền Bắc từ sự phong phú, đa dạng, tự do cả trong nội dung lẫn ngôn ngữ văn chương, và nhất là giá trị nhân bản của nó. Thực tế, bây giờ chẳng mấy ai còn nhớ hay muốn đọc lại phần lớn những nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm tuyên truyền giai đoạn 1954-1975 ở miền Bắc, nhưng theo thời gian người đọc đã, đang và vẫn sẽ đọc lại từ thơ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng…; văn học của Sơn Nam, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Cung Tích Biền, Trần Thị NgH, Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến…
Thứ Hai, đừng so sánh người Việt, văn chương Việt với quốc tế. Chúng ta đều biết rất rõ rằng, với “hành trang văn hóa” rất mỏng, với tài năng vừa ít vừa chưa tới đâu của dân tộc này thì việc chưa có và sẽ còn lâu mới có được những tác phẩm tầm cỡ thế giới là điều dể hiểu. Nếu nói đến nền văn học VNCH thì hãy so sánh nó với nền văn học XHCN ở miền Bắc cùng thời, hoặc giữa nền văn học ở miền Bắc trước và sau Cách mạng tháng Tám để thấy “Một nền văn học có nhất thiết cần được nuôi dưỡng trong một xã hội khai phóng, tự do mới phát triển?” hay không.
Trước CMT8 chúng ta đã kịp có hàng loạt nhà văn nhà thơ tài hoa như nhóm Tự lực văn đoàn, rồi Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… những nhà thơ như Vũ Hoàng Chương , Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mạc Tử…Trong đó, có những nhà thơ nhà văn sau này tiếp tục sống và sáng tác trong chế độ “mới” nhưng những tác phẩm hay nhất làm nên tên tuổi của họ là được ra đời trước CMT8!
Cũng để trả lời cho câu hỏi trên, trên thế giới có bao nhiêu nhà văn lớn với những tác phẩm lớn ra đời nhờ sống trong môi trường tự do, dân chủ, chỉ tính từ cuối thế kỷ XIX tới nay thôi, ví dụ như Henry Miller, Ernest Hemingway, Henrik Ibsen, Tennessee Williams, Toni Morrison, Cao Hành Kiện (nhà văn lưu vong của TQ), Marcel Proust, Vladimir Nabokov, James Joyce, F. Scott Fitzgerald, William Faulkner, Virginia Woolf…trong khi đó có bao nhiêu nhà văn của chế độ cộng sản? Hoặc có thể so sánh, văn học Nga thế kỷ XIX lẫy lừng với bao tên tuổi như Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Anton Chekhov, Nicolai Gogol, Mikhail Lermontov, Ivan Turgenev, Ivan Bunin… nhưng trong chế độ cộng sản thì được mấy người? Bởi vì ngay cả trong những chế độ phong kiến quân chủ như nước Nga thế kỷ thứ XIX, nhà văn và văn nghệ sĩ vẫn còn được tự do hơn dưới thời cộng sản.
Trong những nhân vật mà blogger Lê Diễn Đức nêu ra, ví dụ như Andrei Sacharov thì không phải là nhà văn mà là nhà vật lý hạt nhân, nhà bất đồng chính kiến Xô viết và nhà hoạt động nhân quyền. 1975 ông được tặng giải Nobel Hoà bình chứ không phải Nobel văn học.
Trường hợp nhà văn Alexsandr Solzhenitsyn, theo như đánh giá của rất nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học cùng thời và sau này, ông được trao giải chủ yếu vì sự dũng cảm, vì giá trị tố cáo chế độ, tố cáo xã hội trong những tác phẩm của mình hơn là giá trị văn chương, bởi nếu so sánh ông với nhiều nhà văn lớn khác chưa hề đoạt giải Nobel như James Joyce, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges… rõ ràng là họ hơn hẳn về mặt văn tài. Đừng quên, giải Nobel Văn học đôi khi cũng có tính chính trị.
Với trường hợp nhà thơ, nhà văn Czesław Miłosz, năm 1951 vì bất đồng chính kiến ông xin tỵ nạn chính trị tại Pháp. Năm 1960 sang Mỹ. Những tác phẩm lớn của ông là sáng tác trong hai môi trường tự do dân chủ Pháp và Mỹ.
Nhà thơ, nhà văn người Đức sinh tại Romania Herta Müller về sau này cũng phải di cư sang Tây Đức. Hiện nay, bà sống tại thủ đô Berlin.
Những điều đó nói lên rằng, môi trường xã hội dưới thời công sản có thể là nguồn cảm hứng, đề tài, kho tư liệu vô tận cho các nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung nhưng muốn yên ổn, sáng tác được, phần lớn họ cũng phải chuyển sang sống trong những môi trường tự do dân chủ hơn.
Với trường hợp mới nhất, Svetlana Alexievich thì không phải là nhà văn. Bà là nhà báo chuyên viết điều tra và những tác phẩm phi hư cấu (non-fiction), và được xem là nhà báo đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương.
Anh Lê Diễn Đức, anh có thể không thích chế độ VNCH từ lá cờ cho tới nền văn học, dù tôi tin rằng anh chưa đọc được bao nhiêu trong cả nền văn học đó, nhưng không thể vì thế mà lại cho rằng “Một nền văn học có nhất thiết cần được nuôi dưỡng trong một xã hội khai phóng, tự do mới phát triển? Tôi nghĩ không nhất thiết.” Là nhà báo, đừng để cho những định kiến, yêu ghét cá nhân làm ảnh hưởng tới những quan điểm, lập luận của mình điều mà tiếc thay, anh lại hay để cho xảy ra .
TB: Khi viết xong status này nhìn lại trang của blogger Lê Diễn Đức thì mới hay ông Lê Diễn Đức đã được nhạc sĩ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc và văn chương Hoàng Ngọc-Tuấn nhắc nhở chi tiết sai về Andrei Sacharov và đã edit lai, nhưng tôi vẫn giữ nguyên bài của mình không đổi.